Là thủ lĩnh của vùng cao nguyên đã Đồng Văn, vàng, bạc nhiều vô kể nhưng “vua mèo” – Vương Chí Sình, lại có lối sống rất giản dị, chan hòa cùng người dân.
Được Bác Hồ kết nghĩa làm anh em nên ông nguyện một lòng theo Đảng, trước khi mất, ông đã trăn trối lại cho con, cháu đem hàng tấn vàng, bạc của mình tích cóp được để hiến tặng cho Nhà nước.
Giản dị, dễ gần
Mái tóc điểm bạc, khuôn mặt suy tư, lộ rõ những nếp nhăn trên vầng trán rộng của người đàn ông gần 60 tuổi có tác phong nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm, bên ấm trà sen thơm nồng trong căn phòng nhỏ trên phố Trần Quang Diệu, Hà Nội, ông kể cho tôi nghe về cuộc sống giản dị của “Vua Mèo” – Vương Chí Sình. Ông là Vương Duy Bảo, cháu nội của “Vua Mèo”, hiện là Phó Cục trưởng, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cơn mưa nhỏ cuối đông yếu ớt cố đẩy lùi tiết trời lạnh giá để nhường chỗ cho một mùa xuân mới, nhỏ những giọt tí tách trên mái hiên trước nhà như bản nhạc hồi ức, khiến cho những kỷ niệm cũ tràn về dâng trào trong ông – cháu nội “Vua Mèo”..
Trước khi kể về người ông nội của mình, ông Bảo ngồi suy tư rất lâu, nhấp ngụm trà, ông kể, “Khi Nhật - Pháp xâm lược nước ta, định xâm chiếm vùng đất Sà Phìn, Đồng Văn, Hà Giang, Vương Chí Sình lúc đó gần 40 tuổi đã đứng lên tập hợp đồng bào dân tộc H’Mông trong vùng để chống lại Nhật – Pháp, người dân khi đó đã tôn ông làm thủ lĩnh của vùng đất này. Tên gọi “Vua Mèo” xuất phát từ sự kính trọng của người dân dành cho ông, nhưng cuộc sống thường nhật của ông rất giản dị, dễ gần”.
Sinh ra tại Sà Phìn, giữa cao nguyên đá Đồng Văn năm 1900, người con trai H’Mông Vương Chí Sình dáng người thư sinh, ăn nói nhẹ nhàng, lại thừa hưởng được đức tính, cần cù, chịu khó của bố là cụ Vương Chính Đức. Khi đó cuộc sống của người H’Mông rất khó khăn, suốt ngày chỉ trênh vênh bên những nương ngô, rau và loài cây anh túc, mọi giao thương gần như không có, trong khi đó kho chứa thuốc phiện ngày một nhiều thêm.
Để tìm lối thoát cho cuộc sống đói nghèo, khi đó chàng trai Vương Chí Sình mới 30 tuổi đã tự đi tìm hiểu “thị trường”, giao thương, bán thuốc phiện với các thương gia tỉnh Côn Minh, Trung Quốc, sau đó là các thương nhân Pháp (khi đó mặt hàng thuốc phiện chưa bị cấm). Từ đó từng cân thuốc phiện được chuyển hóa thành những đồng bạc xòe, những thỏi vàng lấp lánh cứ ngày một đầy dần trong kho của “Vua Mèo”.
Mặc dù, có rất nhiều vàng, bạc nhưng cuộc sống của “Vua Mèo” thật giản dị. Sáng sáng, khi tiếng gà rừng gáy báo canh năm, ông cũng như mọi người trong gia đình đã thức dậy, đầu đội nón lá, tay cầm cuốc, lưng giắt dao quắm, mang theo từng gói mèn mén – đồ ăn được nấu bằng ngô, món ăn truyền thống của người H’Mông, đi chân trần lên nương trồng rau, tỉa bắp.
Ông Vương Duy Bảo – cháu nội “Vua Mèo”, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nhấp ngụm trà nóng, ông Bảo chậm rãi kể, cũng như nhiều người dân khác của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, trang phục của “Vua Mèo” là bộ quần áo tràm đen do gia đình tự dệt, dép được bện thành từ những sợi rơm của lúa nương, ngủ trên những tấm phản được ghép lại từ những tấm gỗ rừng, mùa đông để chống rét cũng như bao gia đình khác trong vùng, ông cũng ngủ trên tấm nệm được làm từ những sợi bông lau, không có gì khác biệt. Đến bữa ăn, ông lại cùng con cháu trong gia đình quây quần bên mâm cơm mèn mén, rau cải và đôi khi mới có thịt, rất hiếm cá bởi vì sống trên núi không có ao, hồ.
Theo phong tục của người H’Mông khi ăn cơm, đàn bà không được ngồi ăn cùng đàn ông mà phải ăn riêng.
Đang kể, giọng ông Bảo bỗng chùng xuống khi nhắc tới những kỷ niệm ông cháu quây quần, mỗi buổi tối khi cả gia đình xum vầy bên bếp lửa nhà sàn tại dinh thự “Vua Mèo”. Những buổi tối như vậy “Vua Mèo” lại kể cho con cháu nghe về những chuyện cổ tích của người H’Mông, những đức tính giản dị, thương người của cụ ông Vương Chính Đức và nhắc nhở con, cháu là chỉ có lao động chăm chỉ mới có cái bắp ngô, cây rau, chăn nuôi gà lợn mới có thịt để ăn.
Ngôi nhà hiện nay được gọi là dinh thự “Vua Mèo” để cho khách du lịch tham quan tại Sà Phìn, Đồng Văn là do cụ Vương Chính Đức xây dựng khi còn sống có trị giá 1,5 vạn đồng bạc xòe thời đó. Kiến trúc của ngôi nhà giống kiến trúc của Trung Hoa do một người thợ quê gốc Nam Định thiết kế và phải xây dựng suốt 8 năm ròng.
“Điều tôi nhớ nhất khi được sống cùng ông nội, chưa bao giờ tôi thấy ông quát, mắng hay đánh bất cứ người cháu nào và ông thường dăn dạy các cháu phải chịu khó lao động mới có cái ăn, mới không phải khổ. Ông cũng không nuông chiều con cháu bằng cách cho tiền để tiêu hoang phí mặc dù ông rất nhiều vàng, bạc. Ông bảo, muốn có cái ăn phải tự mình làm ra, mới quí, bởi khi cụ ông Vương Chính Đức lập nghiệp tại vùng đất Sà Phìn cũng chỉ từ hai bàn tay trắng mà nên”, ông Bảo nói.
Đối với người dân trong vùng, “Vua Mèo” thường hay giúp đỡ hỗ trợ tiền cho những gia đình gặp khó khăn để có vốn làm ăn.
Một lòng theo cách mạng
Ngoài trời mưa vẫn rơi tí tách, hòa quyện trong tiếng chổi đêm của chị lao công xào xạc như bản nhạc cuối đông dịu dàng, sâu lắng. Vẫn giọng nhẹ, trầm ấm ông Bảo kể tiếp về vị “Vua Mèo” – Vương Chí Sình.
Với đức tính giản dị, dễ gần và thương người nên ông được người dân trong vùng kính trọng, khi Pháp – Nhật xâm lược nước ta, tấn công lên Hà Giang ông đã kêu gọi người dân trong vùng đứng lên chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật, được người dân tôn làm Thủ lĩnh. Cảm kích trước tinh thần yêu nước của Vương Chí Sình, Bác Hồ đã kết nghĩa anh em với ông và đặt tên cho ông là Vương Chí Thành, ngoài ra, Bác Hồ còn tặng ông một thanh gươm có khắc dòng chữ “Tận trung báo Quốc, bất thụ nô lệ” và một chiếc áo trấn thủ, chiếc áo này do Hội phụ nữ tỉnh Hải Dương may tặng Bác Hồ. Từ đó, ông đã tuyên truyền vận động người dân một lòng theo Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, dã từ cây anh túc, sống định canh định cư.
“Vua Mèo” - Vương Chí Sình đã cống hiến nhiều vàng, bạc, vũ khí cho cách mạng. Tại khóa Quốc hội đầu tiên của nước ta ( năm 1946), ông Vương Chí Sình được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I.
Cũng trong năm 1946, ông Vương Chí Sình về Hà Nội mua căn nhà số 55 phố Hàng Đường, để ở, lúc đó ông vẫn ăn mặc giản dị theo trang phục truyền thống của người H’Mông. Đến khi là đại biểu Quốc hội năm 1946, lúc đó ông mới mua quần áo Tây, compele để mặc đi dự họp, khi về nhà ông lại ăn vận quần áo vải dệt tràm đen của người H’Mông.
“Khi tôi xuống Hà Nội ở với ông, nhìn thấy người ăn xin trên phố, ông nội tôi nói với các con cháu rằng, nếu các con, cháu không chịu khó lao động thì người đi ăn xin lại chính là ta đấy, tức là nếu chúng tôi không chịu khó lao động thì chúng tôi sẽ trở thành người ăn xin giống họ”, ông Bảo nói.
Ngày 11/6/1948 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời Kêu gọi thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào. Người đã chỉ rõ “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, hàng đêm Vương Chí Sình lại cùng người dân đội mũ rơm, ở chân trần đi học lớp Bình dân học vụ, cũng chính điều này giúp ông nghiệm ra một điều kiến thức văn hóa rất cần thiết đối với tương lai mỗi người. Từ đó, ngay khi các con còn nhỏ ông đã cho đi học văn hóa, thậm trí đưa con sang tận Côn Minh, Trung Quốc để học. Đến nay, hầu hết các con cháu ông đều thành đạt cả.
Khi giác ngộ cách mạng, được Bác Hồ tin tưởng, ông “Vua Mèo” – Vương Chí Sình đã dồn hết tâm huyết của mình cho cách mạng. Trước khi qua đời ở tuổi 60 vào cuối năm 1960, ông đã trăng trối với con cháu rằng: “Khi ta mất, hãy đào tất cả của cải của ta đang chôn ở nhà để cống hiến cho Nhà nước”.
“Sau khi ông nội mất, tôi cùng gia đình đã đào kho báu của ông để lại đem hiến cho Nhà nước, khi đào kho báu lên, vàng, bạc nhiều vô kể, bóng loáng, lấp lánh được đem lên đổ đầy sân trước dinh thự, con cháu tập trung đếm một ngày không hết”, ông Bảo nhớ lại.
Để ghi nhận những đóng góp của ông “Vua Mèo” – Vương Chí Sình, Nhà nước đã trao tặng cho ông huân chương “Đại đoàn kết dân tộc”. Tiếp nối đức tính giản dị, thật thà của ông Vương Chí Sình, các con, cháu đời sau đã không ngừng học tập, lao động để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, một lòng theo Đảng, không ngừng cống hiến cho đất nước.
Tạm biệt ông Bảo – cháu nội của “Vua Mèo” ngày cuối đông, trong cái rét lạnh thấu xương của đêm Hà Nội, len lỏi qua các con phố nhỏ, dưới ánh đèn đường là những tấm băng rôn màu đỏ có dòng chữ “Chúc mừng năm mới” đung đưa trong gió như chào đón, vẫy gọi một mùa xuân mới.