5 chùa người Hoa ở TP HCM hút khách tháng Giêng

Ngày 08/02/2025 16:06 PM (GMT+7)

Khu vực Chợ Lớn tại TP HCM còn nhiều ngôi chùa hàng trăm tuổi, lưu giữ kiến trúc và phong tục người Hoa, thu hút khách tham quan, đi lễ đầu năm.

Chùa Bà Thiên Hậu

Chùa Bà Thiên Hậu

Tuệ Thành Hội quán, còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu hay chùa Bà Chợ Lớn, một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa, tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Theo các tài liệu văn bia tại chùa, vào khoảng năm 1760, nhiều thương gia Quảng Châu (Trung Quốc) đi tàu sang Việt Nam để buôn bán làm ăn và trên các tàu đều thờ Thánh Mẫu để phù hộ. Thời đó, tàu bè đi biển phải trông theo hướng gió, các thương gia thường ở lại Việt Nam vài tháng mỗi năm nên nhiều người đã hùn tiền xây miếu thờ Thánh Mẫu và dựng Hội quán làm nơi dừng chân.

Vào dịp cận Tết, chùa Bà Thiên Hậu thu hút hàng trăm đoàn lân sư rồng từ TP HCM, Bình Dương đổ về để xin lộc cầu may. Lễ nghi này có tên gọi "khai quang điểm nhãn" với ý nghĩa cầu mong một năm mới yên vui, thịnh vượng và ăn nên làm ra. Ảnh: Thành Nguyễn

5 chùa người Hoa ở TP HCM hút khách tháng Giêng - 2

Hai dãy hành lang chùa dán những tờ giấy ghi tên và tiền công đức của khách thập phương. Chùa thường đông khách đến viếng và tham quan vào các dịp lễ và ngày rằm trong tháng như Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan Ngọ, lễ vía bà Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch). Ảnh: Thành Nguyễn

Hội Quán Nghĩa An (Chùa Ông)

Hội Quán Nghĩa An (Chùa Ông)

Hội quán Nghĩa An còn gọi là Miếu Quan Đế hoặc chùa Ông. Đây là hội quán của người Triều Châu và Hẹ, xây dựng đầu thế kỷ XIX. Chùa thờ Quan Công - nhân vật thời Tam Quốc có lòng trượng nghĩa, khí phách anh hùng. Hàng năm, chùa có hai lễ lớn là Nguyên tiêu và vía Quan Công, thu hút đông du khách.

Tết Nguyên tiêu, còn gọi là Tết Thượng nguyên, tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng là dịp mọi người cầu an, giải hạn, mong một năm an lành. "Vay lộc" là một hoạt động truyền thống mỗi dịp Tết Nguyên tiêu của Miếu Quan Đế (ảnh). Tương truyền Quan Công là vị thần có chức năng bảo trợ, phù hộ cho việc buôn bán dân nên mọi người tin nếu được ông cho vay tiền thì việc làm ăn sẽ phát đạt. Ảnh: Quỳnh Trần

Chùa cũng có gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố - chiến mã của Quan Công. Sau khi thắp hương đủ các điện, người hành lễ xếp hàng rung chuông, chạm và chui qua bụng ngựa để mong phước lành năm mới. Ảnh: Quỳnh Trần

Chùa cũng có gian thờ dành riêng cho ngựa Xích Thố - chiến mã của Quan Công. Sau khi thắp hương đủ các điện, người hành lễ xếp hàng rung chuông, chạm và chui qua bụng ngựa để mong phước lành năm mới. Ảnh: Quỳnh Trần

Chùa Quan Âm (Hội Quán Ôn Lăng)

Chùa Quan Âm (Hội Quán Ôn Lăng)

Nằm trên đường Lão Tử, quận 5, Hội Quán Ôn Lăng là điểm đến linh thiêng trong cộng đồng người Hoa ở TP HCM. Công trình này do nhóm thương nhân người Phước Kiến (Trung Quốc) di cư đến Việt Nam lập nên vào năm 1740.

Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ chính trong cộng đồng người Phúc Kiến, để phù hộ cho những người đi sông nước và làm ăn xa. Sau này, người gốc Hoa ở đây thờ thêm Quan Thế Âm Bồ Tát để cầu buôn may bán đắt, bình an, sức khỏe cho gia đình. Qua thời gian, người địa phương gọi hội quán là chùa Quan Âm. Công trình là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thu hút nhiều du khách đến cúng bái và tham quan.

Hội Quán Ôn Lăng nổi tiếng với tục "đánh kẻ tiểu nhân" để cầu may, diễn ra trước bàn thờ Ông Hổ, thường tổ chức vào ngày Kinh trập, khoảng ngày 5, 6/3. Ảnh: Bích Phương

Chùa Ông Bổn (Miếu Nhị Phủ)

Chùa Ông Bổn (Miếu Nhị Phủ)

Ngôi chùa nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5, được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII bởi những người Hoa di cư. Miếu Nhị Phủ là nơi duy nhất thờ Bổn Đầu Công (Ông Bổn). Tương truyền, ông Bổn vốn là thái giám Trịnh Hòa dưới thời vua Vĩnh Lạc, chu du nhiều nơi, đem về nhiều báu vật cho nhà vua. Ông còn có công giúp cho người Hoa xây dựng cuộc sống nên được người dân kính cẩn thờ phụng.

Trong dịp Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng), chùa ông Bổn thường tổ chức trình diễn Cổ nhạc Nam Âm Phúc Kiến, thu hút người dân và khách thập phương đến thưởng thức. Ảnh: Chùa Ông Bổn

Đình Minh Hương Gia Thạnh

Đình Minh Hương Gia Thạnh

Đình nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5, xây dựng năm 1789, là công trình kiến trúc của người Hoa vùng đất Chợ Lớn xưa. Thế kỷ XVII, nhà Thanh thay thế nhà Minh ở Trung Quốc, nhiều người lưu vong sang Việt Nam. Cái tên Minh Hương là ghép của triều Minh, còn "Hương" nghĩa là làng - "làng của người Minh". Năm 1808, vua Gia Long ban cho tên "Gia Thạnh đường" nên đình có tên như hiện tại.

Lễ tế quan trọng nhất của Đình là lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm. Ngày lễ này là dịp cầu bình an, sức khỏe và sự thịnh vượng trong năm mới.

Ngoài những điểm trên, chùa Bà Hải Nam hay còn gọi Hội quán Quỳnh Phủ, nằm tại đường Trần Hưng Đạo B, quận 5 cũng là điểm thu hút đông đảo du khách đến lễ chùa và xin lộc đầu năm với nhiều hoạt động múa lân, phát lộc trong tháng Giêng. Ảnh: Quỳnh Trần

Du xuân ở làng cổ, mê mẩn bởi cảnh đẹp và đặc sản ngon tụt lưỡi
Những ngày đầu năm mới 2025, khách du lịch tới du xuân ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) đông vui tấp nập. Trong không gian làng quê, du khách náo nức...

Mỗi chuyến đi, một di sản

Bích Phương
Nguồn: [Tên nguồn]08/02/2025 07:00 AM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tết nguyên đán