Từng là thủ khoa khối C và là nữ sinh viên đầu tiên của đồng bào dân tộc Churu, thế nhưng, ra trường Ma Hiêng không xin được việc làm. Cô quyết định viết một bức tâm thư và đã được đặc cách tuyển dụng.
Sinh viên đầu tiên của người Churu
Ma Hiêng sinh ra trong một gia đình 5 chị em ở vùng sâu Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Khi cô mới tượng hình, cha đã qua đời. Lọt lòng, cô theo mẹ lên rẫy tìm miếng ăn. Vừa tròn 5 tuổi, cô một mình lên rừng kiếm củi, đào củ lót dạ. Cái nghèo, cái đói triền miên trong căn nhà sàn xập xệ.
Tuổi đến trường, mẹ Ma Hiêng được cán bộ khuyên cho con đi học. Cấp một, trường cách nhà 5 km. Từ tờ mờ sáng, cô cắp sách vở bước qua những nương ngô, nương khoai và mấy ngọn đồi mới tới nơi. Mùa nắng, đất bụi mù mịt. Mùa mưa, đường bùn lầy tới đầu gối.
Ma Hiêng là người Churu đầu tiên đậu đại học
Thuở ấy, thiếu đói, mỗi ngày Ma Hiêng chỉ được ăn một bữa. Cô đi học bằng chân đất. Không có cặp đi học, cô lấy dây rừng buộc lại. Vất vả là vậy, nhưng cô bé Ma Hiêng chưa một lần nghỉ học.
Đến lớp 3, Ma Hiêng đạt học sinh giỏi, đứng nhất trường. Phần thưởng là chiếc cặp. Từ đó, cô từ giã từ đống dây rừng buộc tập sách vở, nâng niu chiếc cặp như một kho báu.
Cũng năm ấy, mẹ bắt Ma Hiêng nghỉ học. Mẹ bảo, đồng bào Chu Ru không cần học nhiều. Chỉ cần biết cái chữ, cái số để đi chợ, mua gạo là được rồi. Nghe mẹ nói vậy thì Ma Hiêng khóc miết. Cô không muốn rời trường, rời lớp nên trốn đi học. Mẹ bắt nhốt lại nhưng cô bé vẫn cố tìm đường đi học. Và, cuối cùng, mẹ đành “chào thua” ý chí của con gái.
Ma Hiêng là người duy nhất trong nhà được đi học. Cô siêng năng, cần cù. Lên cấp 2, cô chuyển lên trường nội trú dân tộc tỉnh học. Từ trường về nhà cách quá xa, ô tô không vào được nên mỗi năm chỉ về thăm người thân một lần. Ngày mới lên trường, cô bé chỉ ru rú trong phòng, bởi thấy cái gì cũng lạ lẫm.
Năm nào, Ma Hiêng cũng đạt học sinh giỏi. Lớp 12, em đạt giải ba học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh, giải khuyến khích môn Văn dành cho học sinh các trường THPT dân tộc nội trú toàn quốc. Từ đó, cô bé nuôi hy vọng sẽ trở thành nữ giáo viên dạy môn Ngữ Văn.
Năm 2011, Ma Hiêng thi đại học khối C với tổng số điểm 23. Trong đó, môn văn 7,25; lịch sử 7 và địa lý 8,75. Năm đó, em là á khoa khối C toàn quốc và là thủ khoa khối C trường Đại học Đà Lạt.
Niềm vui tiếp bước
Để có tiền nhập học, Ma Hiêng đi hái đậu thuê, mỗi ngày được 60.000 đồng. Với thành tích xuất sắc trong học tập, năm đó, Ma Hiêng được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp học bổng toàn phần. Mặc dù vậy, trong quá trình học, cô vẫn đi dạy kèm, vừa kiếm thêm tiền, vừa lấy kinh nghiệm để sau này có thể đứng trên bục giảng.
Tháng 7/2015, Ma Hiêng tốt nghiệp loại giỏi ngành Ngữ Văn. Cô hồ hởi mang hồ sơ đến Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng xin việc. Cô thất thểu ra về với thông báo, không có chỉ tiêu tuyển dụng. Cô nằm nghĩ về tương lai mà nước mắt lưng tròng.
Ma Hiêng được đặc cách tuyển dụng vào giảng dạy tại Trường Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng.
Ma Hiêng nghĩ, học tập suốt 16 năm, trong đó, 11 năm phải xa nhà, không thể về làm nương được. Vả lại, cô là người dân tộc Chu Ru đầu tiên đậu đại học. Nếu, trở về làm nương rẫy thì đồng vào sẽ không còn tin vào con chữ. Do đó, cô quyết định viết một bức tâm thư gửi tỉnh ủy Lâm Đồng.
Cô tâm sự: “Nếu tôi quay về làm ruộng thì mọi người ở quê nhà sẽ nghĩ việc đi học không thay đổi được cuộc sống, người lớn sẽ không chăm lo việc học của con cái họ. Trong khi đó, tôi lại muốn làm được nhiều điều, Nhà nước nuôi tôi bao lâu nay, giờ tôi muốn cống hiến cho xã hội thật nhiều”.
Hai hôm sau, cô nhận được điện thoại hồi đáp sẽ đưa lá thư ra cuộc họp thường trực tìm cách giải quyết. Khi ấy, tâm trí cô lo lắng. Cô không biết rằng, mình có làm gì sai?
Sáng 7/8, Ma Hiêng mở mail. Cô không tin vào mắt mình. Trong bức thư là thông báo đặc cách tiếp nhận vào giảng dạy tại trường Dân tộc nội trú tỉnh trước năm học 2015 – 2016.
“Tôi không thể ngờ, bức tâm thư của mình đã được đọc và được lưu ý. Nhiều người bạn của tôi, học ra trường không xin được việc. Khi hay tin, thầy cô, bạn bè gọi điện, nhắn tin tới tấp. Họ bảo khao đi. Ờ! Thì tôi phải khao chứ, niềm vui to lớn như thế làm sao giữ cho riêng mình”, cô cười nói.
Ông Hoàng Văn Tư (Bí thư Đảng ủy xã Tà Năng, huyện Đức Trọng) chia sẻ, Ma Hiêng được đặc cách vào ngành giáo dục sẽ là động lực giúp con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương cố gắng học tập, góp phần thay đổi nhận thức của bà con về việc học hành. Ma Hiêng là niềm tự hào không chỉ của gia đình mà còn là của buôn làng. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Đức Hòa (Hiệu trưởng trường Đại học Đà Lạt) cho hay, Ma Hiêng là sinh viên có thành tích học tập xuất sắc. Cô là sinh viên đại học Đà Lạt thứ hai được tỉnh ủy Lâm Đồng đặc cách tuyển dụng. |