“Đề thi của tôi có 4 câu hỏi, trong đó có hai câu không nằm trong nội dung ôn tập mà Hội đồng kiểm tra sát hạch công bố trước đó. Đặc biệt, 4 câu hỏi này đều không có barem điểm” – Đó là tâm sự của anh Nam, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài chia sẻ sau khi trượt kỳ thi sát hạch công chức HN.
Thủ khoa trượt công chức vì chất lượng giáo dục đi xuống?
Thủ khoa trượt công chức: Lo HN dùng "người học thuộc lòng"
Mới đây, Sở Nội vụ TP. Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch công chức thuộc diện đặc cách xét tuyển năm 2015. Trong đó, có 30/63 thí sinh đã không vượt qua được kỳ kiểm tra, sát hạch này. Đáng lưu ý, có 5 người là thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi ở nước ngoài.
30/63 thủ khoa, thạc sĩ xuất sắc trượt công chức. Ảnh minh họa
Đề thi chỉ dành cho người học thuộc lòng?
Anh Quang, thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài cho biết: “Bài thi sát hạch của tôi làm tốt, đều trong nội dung ôn tập. Các câu hỏi của Hội đồng sát hạch tôi trả lời được. Vậy, tại sao tôi lại trượt?”
Anh Quang bày tỏ: “Ngay lúc nộp hồ sơ, nhà tuyển dụng chỉ nhận bằng và bảng điểm của tôi. Các văn bằng chứng chỉ khác cũng như quá trình làm việc công tác của tôi, nhà tuyển dụng đều không nhận. Như vậy, vô hình trung đã đánh đồng tôi với các ứng viên khác”.
Anh Nam, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài chia sẻ, chuyên ngành anh ứng tuyển chỉ có một mình anh, không phải cạnh tranh với ai. Do đó, chỉ cần đạt 50 điểm là anh sẽ đỗ. Tuy nhiên, kết quả của anh lại không như mong đợi, anh được dưới 50 điểm và trượt công chức.
“Tôi thấy kết quả không phản ánh đúng bài thi. Mặc dù có 2 câu hỏi không nằm trong nội dung ôn tập nhưng tôi vẫn làm được, vì tôi đã từng đọc qua trong quá trình công tác. Đặc biệt là ở vòng phỏng vấn, có 3 người trong Hội đồng sát hạch nhưng không có ghi âm, không có giám sát và cũng không biết giám khảo chấm điểm thế nào? Trong khi đó, tôi con nhà chính sách cũng không được ưu tiên gì” – Anh Nam trải lòng.
“Trong vòng phỏng vấn, tôi nhận được 3 câu hỏi: “Anh làm bài thi viết được bao nhiêu phần trăm?”, “Vị trí và chức năng của đơn vị mà anh dự tuyển?”, “Giới thiệu về bản thân, quá trình công tác”. Tại sao khi phỏng vấn, Hội đồng lại đặt các câu hỏi như vậy?” - Anh Nam băn khoăn.
Anh nhận xét: "Câu hỏi trong kỳ thi sát hạch vừa rồi chưa hợp lý, thi như vậy chỉ dành cho người học thuộc lòng. Câu hỏi đưa ra cần phải yêu cầu ứng viên vận dụng kiến thức văn bản pháp luật, kiến thức chuyên ngành đã được học để xử lý tình huống hoặc cho đề bài, soạn thảo đáp án trên máy tính và đứng thuyết trình đáp án đó cho hội đồng sát hạch. Mấy câu hỏi học thuộc lòng vậy làm sao đánh giá được trình độ."
Hãy cứu lấy nhân tài
“Tôi ứng tuyển vào công chức để cống hiến sức trẻ, trí tuệ, kiến thức học được ở nước ngoài góp phần phát triển đất nước” – Anh Quang trải lòng khi được hỏi tại sao anh lại thi vào công chức.
Anh Nam cho biết: “Khi mới ra trường, anh phải lo về kinh tế, nếu lúc đó có bảo anh vào công chức anh cũng không vào. Tuy nhiên, sau một thời gian dài làm việc, kinh tế gia đình đã ổn định. Anh muốn vào công chức để cống hiến trí tuệ, năng lực đã được tích lũy qua thời gian học tập và làm việc ở nhiều lĩnh vực của mình”.
Lý giải thêm về việc thi vào công chức, anh Nam nói: “Nếu ai giỏi cũng tìm cơ hội ở các doanh nghiệp nước ngoài, đi ra nước ngoài làm việc, không làm nhà nước thì công chức nhà nước sẽ còn lại những người nào? Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc tôi nộp hồ sơ xét tuyển công chức với hy vọng rằng, xét tuyển sẽ được đãi ngộ, ít tiêu cực hơn”.
Cùng suy nghĩ đó, anh Quang mong muốn Nhà nước thay đổi cơ chế thi tuyển công chức để cứu lấy 30 nhân tài. "Họ là nguồn chất xám rất quý báu mà không dễ gì có được. Họ đã quy tụ về thi công chức, nhà nước cần có cơ chế chính sách để tận dụng được 30 người này, đừng bỏ đi, như vậy quá phí”, anh Quang bày tỏ.
Anh Nam đề xuất, Nhà nước nên thay đổi chính sách chiêu mộ, thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước. Từ đó, các nhân tài mới góp sức, cống hiến trí tuệ để đất nước ngày càng giàu mạnh.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.