Trong thực tế, nhiều cặp đôi chênh lệch nhiều mặt chẳng khác nào những đôi đũa lệch nhưng vẫn chung sống hòa hợp, hạnh phúc…
Nhiều người quan niệm, trong hôn nhân, ngoài nền tảng tình yêu, cả hai cần sự tương đồng về điều kiện gia đình, trình độ học vấn. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều cặp đôi chênh lệch nhiều mặt nhưng vẫn chung sống hòa hợp, hạnh phúc…
Những rào cản, khác biệt
Chị H. là con gái một trong gia đình trí thức, nề nếp ở Cà Mau. Chị H. học ngành sư phạm Trường Đại học Cần Thơ để nối nghiệp cha mẹ. Thời gian này, chị H. yêu anh T. và đưa anh về ra mắt gia đình vào năm cuối. Tuy nhiên, mẹ chị H. không đồng ý anh T. vì sự khác biệt về điều kiện gia đình.
Anh T. là kết quả tình yêu bồng bột thời trẻ của mẹ anh. Sinh anh T. xong, mẹ anh giao nhà ngoại nuôi dưỡng, rồi lập gia đình khác, có con riêng, thế nhưng cuộc hôn nhân vẫn không hạnh phúc. Hiện mẹ anh chung sống như vợ chồng với người đàn ông góa vợ ở tỉnh Vĩnh Long. Với bối cảnh gia đình phức tạp của anh T., mẹ chị H. lo ngại chị khó hòa hợp.
Qua 2 năm thuyết phục, gia đình chị H. đồng ý để hai người kết hôn. Khi về chung sống, chị H. nhận ra, giữa chị và người thân, cả với anh T. có khoảng cách, suy nghĩ rất khác biệt và rất thấm thía lời mẹ lúc trước.
Gia cảnh đông anh em, chị Kh. (Tiền Giang) nghỉ học khi hết lớp 12, để làm công nhân may. Trong khi, anh Đ., chồng chị, là con trai út gia đình giàu có, vừa tốt nghiệp đại học, tiếp quản việc kinh doanh của gia đình. Mặc dù hai người yêu nhau chân thành nhưng chị Kh. luôn né tránh bởi ngại câu "môn đăng hộ đối". Gia đình phản đối, các chị gái anh Đ. "chê" chị Kh. quê mùa, ít học, xuất thân nghèo khó, quá chênh lệch với anh Đ. Tuy vậy, do rất thương anh Đ., nên gia đình đành chấp nhận để anh cưới chị Kh.
Nhà anh L. gốc Bắc vào TP HCM lập nghiệp, có nhiều bất động sản đang cho thuê, với mức thu nhập vài trăm triệu đồng/tháng. Anh L. và em trai học cao, làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài với mức lương ngất ngưỡng.
Anh L. quen chị M. có gia cảnh éo le. Thời trẻ, mẹ chị M. chung sống với người đàn ông có vợ. Sau khi có 2 mặt con, người đàn ông ấy trở về với vợ lớn. Chị M. tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, xin đi dạy trường cấp 1, còn em trai chị học nghề, rồi làm tài xế. Anh L. yêu và mong muốn tiến tới hôn nhân với chị M. nhưng gia đình anh phản đối, khi thấy mẹ chị M. rất thực dụng, quá khứ chẳng tốt đẹp.
Cha mẹ anh L. cương quyết không "rước" chị M. vào nhà nhưng không muốn làm "căng" sợ anh L. nông nổi, làm chuyện không hay. Cuối cùng cha mẹ anh L. đành nhượng bộ với yêu cầu sau khi cưới xong, hai người thuê nhà trọ sống, không được hưởng tài sản hay sự giúp đỡ từ phía gia đình. Ông bà quả quyết, nhà chị M. chỉ muốn "đào mỏ", nếu cắt hết nguồn viện trợ, quyền lợi, anh L. sẽ nhanh chóng bị... "đá".
Cần sự cảm thông để hòa hợp
Khi chị H. sinh con đầu lòng, nhờ mẹ chồng chăm con, bà yêu cầu phải trả 2 triệu đồng/tuần tiền công. Bà thường gặng hỏi đồ đạc, tài sản trong nhà ai sắm và muốn con trai phải quản lý tiền bạc. Mỗi khi chị H. muốn tâm sự, chia sẻ nỗi buồn, anh T. đều gạt phắt và yêu cầu chị không được nói xấu về mẹ và gia đình mình. Giữa hai vợ chồng dần nẩy sinh nhiều mâu thuẫn khiến cuộc sống vô cùng bức bối.
Tuy rất buồn cách cư xử của chồng nhưng chị H. nhẫn nhịn để gia đình êm ấm. Khi con cứng cáp, chị gởi nhà trẻ. Chị bàn với chồng, hằng tháng, anh chị có thể trích thu nhập để gởi mẹ khoản tiền phụng dưỡng. Chị biết, sở dĩ mẹ chồng đòi hỏi, tính toán tiền bạc vì chăm lo con gái riêng đang học đại học. Cách hành xử khéo léo này, giúp chị H. "ghi điểm" với mẹ chồng và vợ chồng chị thêm thuận hòa, đầm ấm.
Lúc mới về làm dâu, chị Kh. bị xét nét mọi điều. Thậm chí, khi chị cấn bầu, sinh nở, chị chồng can thiệp việc ăn uống, chăm sóc con. Chị Kh. bị stress đến không có sữa cho con bú, khiến con thêm suy dinh dưỡng. May mắn là những lúc như vậy, ông xã bên cạnh động viên, hỗ trợ, để chị phấn chấn tinh thần. Dần dần, chị Kh. hòa nhập với gia đình chồng, cố gắng chu toàn bổn phận. Chị được chồng tạo điều kiện học trung cấp kế toán, rồi hướng dẫn chị làm quen việc kinh doanh. Sau gần 10 năm làm dâu, chị Kh. được gia đình chồng tin tưởng và thay đổi hoàn toàn cái nhìn trước đây.
Sau vài năm chung sống, anh L. cho rằng, cha mẹ có lý khi phản đối việc hôn nhân của anh. Mẹ vợ anh tiêu xài hoang phí, còn thường ăn nói bổ báng, khiến anh không yên tâm để bà sống chung sẽ ảnh hưởng việc dạy dỗ 2 cháu ngoại. Đặc biệt, mỗi lần vợ anh và mẹ cãi vã, bà thường ra trước cửa chửi đổng để cả xóm nghe. Trong khi đó, anh L. giống tính tiết kiệm của cha mẹ, tự làm mọi việc trong nhà... Sau mấy năm chung sống, vợ chồng anh L. quyết định ra riêng, hằng tháng gởi tiền phụng dưỡng mẹ. Không có mẹ bên cạnh, tuy vất vả việc nhà, chăm sóc hai con nhưng bù lại, cha mẹ chồng có cái nhìn khác về chị M. Vợ chồng anh L. được về ở trong căn nhà đang cho thuê và được giúp vốn kinh doanh, thêm thu nhập, có điều kiện chăm lo các con đầy đủ, chu đáo hơn.
Ca dao có câu: "Yêu nhau vạn sự chẳng nề. Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng". Qua câu chuyện các cặp đôi để thấy rằng, tuy việc khác biệt nhiều mặt, có thể là rào cản đối với nhiều người khi cả hai quyết định chung sống nhưng chỉ cần sự cảm thông, chân thành, nhẫn nhịn tìm cách tháo gỡ, sẽ tìm được tiếng nói chung, để cùng xây dựng gia đình sum vầy, hạnh phúc.