Lời ru của các cô thiếu nữ sớm làm mẹ ấy cứ buồn đến nao lòng, bởi phong tục, tập quán lạc hậu và nghèo khó gây ra
Xuất phát từ phong tục, tập quán lạc hậu và do đói nghèo, trình độ dân trí thấp dẫn đến tại các huyện biên giới miền Tây xứ Nghệ, tình trạng tảo hôn vẫn đang diễn ra. Những bà mẹ trẻ con với lời ru buồn ngày ngày vẫn cất lên sau những nếp nhà sàn vương khói bếp, xa vắng và vô định...
Xót xa lời ru của thiếu nữ trên nương
Bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) nằm trong khu vực vùng lõm biên giới Việt-Lào, có 100% là đồng bào Mông, bà con sinh sống chủ yếu bằng làm rẫy, cuộc sống từ trước đến nay theo lối du canh, du cư, phụ thuộc vào thiên nhiên là chính.
Đến với bản làng giáp biên này, không khó để bắt gặp vô số những bà mẹ trẻ con, vô tư vừa địu con trên lưng, vừa làm việc nhà, thoạt trông cứ ngỡ là chị trông em khi bố mẹ vắng nhà. Kỳ thực, đó là những bà mẹ nhí, mới 13-14 tuổi nhưng đã gánh thiên chức là những người vợ, người mẹ.
Bỏ lại sau lưng sách vở, trường lớp và cả những tiếng nô đùa vô tư của bạn bè cùng trang lứa, lời ru buồn đã văng vẳng cất lên sau những ngôi nhà sàn nhấp nhô bên sườn núi.
Những bà mẹ trẻ con ở miền Tây xứ Nghệ.
Theo chân những chiến sĩ Công an huyện Tương Dương cắm bản ở Tam Hợp, chúng tôi tìm đến gia đình vợ chồng Xồng Y Xua và Lầu Bá Kỷ, năm nay cùng 17 tuổi ở bản Phá Lõm.
Cách đây 3 năm, vào năm 2014, Xua và Kỷ nên nghĩa vợ chồng với nhau khi vừa bước sang tuổi 14. Kết hôn nhưng chưa đủ tuổi đăng ký nên vợ chồng chỉ làm vía với nhau, được sự đồng ý của gia đình hai bên rồi Xua về ở với gia đình nhà chồng. Thời điểm chúng tôi tìm đến, Y Xua đang ôm đứa con nhỏ hơn hai tuổi, ngồi dưới chái bếp nhìn ra bên ngoài mắt buồn xa xăm.
Người mẹ trẻ này chia sẻ, cháu bé sinh ra không đủ cân nên ốm đau liên miên, bản thân cũng chẳng biết làm việc gì nên suốt ngày chỉ ở nhà bồng con, trong khi chồng lên nương rẫy cùng với bố mẹ.
“Năm đó, em đang học dở lớp 7 thì bỏ ngang để lấy chồng. Lập gia đình nhưng hai vợ chồng cùng con nhỏ sống phụ thuộc vào bố mẹ hai bên. Bản thân em cũng chưa bao giờ lên rẫy, xuống suối nên chẳng biết làm gì ngoài việc chăm con, chuẩn bị cơm canh ngày hai bữa đợi chồng đi làm về”, Xồng Y Xua chia sẻ.
Cách đấy không xa, cũng ở bản Phá Lõm là cặp vợ chồng trẻ con Hờ Y Mỉ và Lầu Bá Chống. Trước đó, trên đường vào bản, chúng tôi bắt gặp Mỉ đang địu con rửa rau ngay con suối đầu bản. Nhìn dáng sơn nữ nhỏ gầy, gương mặt phảng phất nét u buồn này, chẳng ai trong chúng tôi nghĩ rằng, em đã lấy chồng bởi năm nay Mỉ vẫn chưa tròn 13 tuổi.
Cũng như nhiều sơn nữ khác, lấy chồng nhưng không hề ý thức được những trọng trách to lớn mà mình phải gánh vác khi trở thành vợ người ta, Mỉ vô tư theo chồng về làm dâu nhà người khi vẫn còn vụng dại ngay cả với việc chăm sóc mình. Chồng Mỉ, thời điểm kết hôn cũng chỉ mới 16 tuổi, lấy vợ cũng theo kiểu “thích thì cưới”, vợ chồng về với nhau có bố mẹ chăm lo nên chẳng cần nghĩ tương lai sẽ làm gì để trở thành trụ cột của gia đình.
Ông Nguyễn Anh Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết: Vợ chồng Xua - Kỷ và Mỉ - Chống chỉ là 2 trong số 33 cặp vợ chồng tảo hôn trên địa bàn xã biên giới này trong 3 năm gần đây, trong đó có 6 cặp kết hôn ở thời điểm dưới 13 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu, theo ông Chủ tịch xã, là do phong tục, tập quán của đồng bào dẫn đến công tác tuyên truyền, vận động gặp không ít khó khăn. Tâm lí ngại va chạm, cả nể và việc xử lý về mặt pháp luật đối với vấn đề tảo hôn gần như chưa thực hiện được, mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động là những nguyên nhân chính dẫn đến tảo hôn ở xã biên giới Tam Hợp ngày càng gia tăng.
Không riêng gì Tam Hợp, thực trạng sớm chồng, sớm vợ ở các xã dọc biên giới Việt – Lào ở huyện Tương Dương như các xã Mai Sơn, Nhôn Mai tình trạng tảo hôn cũng đang hết sức nhức nhối. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong thời gian 3 năm qua, trên địa bàn huyện Tương Dương đã có 97 cặp vợ chồng kết hôn khi đang trong độ tuổi vị thành niên, trong đó có 84 cặp nên nghĩa vợ chồng trong thời gian từ đầu năm 2016 đến nay.
Cũng ở khu vực miền Tây Nghệ An, ở một địa phương khác có tới ba mặt giáp Lào là huyện Kỳ Sơn, không chỉ nhức nhối tình trạng tảo hôn mà nơi đây còn tồn tại hiện tượng hôn nhân cận huyết, dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội. Bản Huồi Lê nằm sâu trong khu vực giáp biên của xã Keng Đu, nơi chỉ cách biên giới chưa đến 10km đường chim bay.
Khi đề cập đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết, Chủ tịch UBND xã Lương Văn Ngam chỉ nói một câu rất ngắn gọn: “Nhiều lắm”, rồi cử cán bộ thôn bản dẫn chúng tôi đến nhà của cặp vợ chồng Lương Thị May và Ven Văn Tùng. Cách đây 4 năm, May về làm dâu khi vừa tròn 15 tuổi, điều đáng quan tâm là người chồng hiện tại của May cũng chính là người anh con cô con cậu.
Đến nay, hai vợ chồng đã có một cháu bé gần 3 tuổi, trong ý niệm của hai vợ chồng cũng như gia đình hai bên, chưa từng nghĩ đến những hậu họa về hôn nhân cận huyết sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, duy trì nòi giống sau này. Nói như bà Biên, mẹ đẻ của May thì thấy hai đứa thích nhau nên cho về ở với nhau, cũng biết là anh em với nhau đấy, nhưng nghĩ không sao cả.
Cạnh nhà của vợ chồng Tùng - May cũng là một cặp trẻ con về sống chung với nhau, Xeo Văn Thoong và Xeo Thị Hồng lấy nhau khi cả hai đều 15 tuổi, và họ cũng là anh em họ hàng với nhau. Cũng vì chưa nhận thức được việc lấy chồng, lấy vợ là để tạo dựng một mái ấm gia đình mới, nên cả hai vẫn rất vô tư, suốt ngày nô đùa, trêu chọc nhau như trẻ con và sống dựa vào bố mẹ.
“Nó thích nhau thì cho về ở với nhau, sinh con đẻ cái trước, khi nào đủ tuổi thì đăng ký kết hôn sau. Cưới vợ cho con để có thêm người xuống suối, lên rẫy cũng là thói quen của người Khơ Mú, cả bản, cả làng này, từ xưa nay ai cũng như vậy cả, mình không theo không được”, anh Xeo Phò Thoong, bố đẻ của Xeo Văn Thoong vô tư chia sẻ.