27 năm qua, cô Nhung chỉ có một ước mơ rất đỗi bình thường đó là cậu con trai cả có thể cất tiếng gọi "Mẹ ơi!"...
Chúng tôi đến gặp cô Nguyễn Thị Nhung (50 tuổi, ngụ khu phố 9, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, TP HCM) – người mẹ suốt 27 năm ngược xuôi nuôi con trai mắc bệnh bại não.
Số phận hẩm hiu của người đàn bà góa
Nhớ lại ngày con trai đầu – anh Đoàn Ngọc Đỉnh (27 tuổi) chào đời, cô Nhung nghẹn ngào: “Hồi đó, vợ chồng tôi từng ngày mong ngóng con cất tiếng khóc chào đời. Ngờ đâu, thằng bé sinh ra rất “lạ”, không khóc cũng không cười.
Chúng tôi đã bán hết tài sản trong nhà đưa con đi chữa trị với hi vọng có thể bình thường như con nhà người ta. Dù vậy, nó vẫn không thể phục hồi và sống cuộc sống thực vật đến tận bây giờ”.
Năm 2005, chồng cô Nhung mắc bệnh nặng nhưng không có điều kiện chữa trị. Vì vậy, không lâu sau người chồng đã bỏ cô cùng 2 đứa con ra đi. Từ ngày đó, mọi gánh nặng mưu sinh đều dồn lên đôi vai người phụ nữ bất hạnh ấy.
Người mẹ suốt 27 năm ngược xuôi nuôi con trai mắc bệnh bại não
Cô vừa chăm sóc người con trai bại não vừa tất bật ngược xuôi buôn bán. Mỗi ngày, cô kiếm được chừng 100 nghìn đồng. Với số tiền ấy, cô phải chi trả tiền thuốc cho anh Đỉnh và sinh hoạt phí cho cả gia đình. Thậm chí có bữa, cô phải nhịn ăn nhường cơm cho các con.
Thương mẹ vất vả, con gái cô Nhung quyết định nghỉ học từ năm lớp 9. Em ở nhà trông anh trai rồi tối đi dậy chữ cho những đứa trẻ trong phường kiếm thêm tiền, phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống.
Những tưởng người đàn bà góa chịu bao khổ cực như vậy là đủ. Trớ trêu, năm 2016, cô Nhung lần nữa phải đối diện với cú sốc khi biết mình mắc bệnh lao phổi và thiếu máu nặng. Khi ấy, cô chỉ muốn chết cho đời bớt khổ nhưng nghĩ đến người con trai bại não, cô lại không dám, đành chấp nhận sống chung với bệnh tật.
Từ khi chào đời, anh Đỉnh (27 tuổi) không biết nói cười hay biết khóc
“Suốt 27 năm qua, tôi chỉ có 1 ước nguyện thằng Đỉnh cất tiếng gọi Mẹ ơi!...”
Từ ngày có bệnh, cô Nhung liên tục đi viện điều trị. Dù vậy, cô vẫn cố gắng chăm sóc cho đứa con trai bại não từng bữa ăn, giấc ngủ. Cô tâm sự: “Nhiều hôm, tôi nhìn thằng Đỉnh nằm trên giường với thân hình gầy gò, đôi tay cong vẹo rồi u ớ mà thắt lòng. Tôi thường hay tâm sự với Đỉnh: Cuộc đời này, mẹ dành tất cả cho con và chỉ có ước nguyện một lần nghe con gọi Mẹ ơi! Nhưng có lẽ, mẹ chẳng bao giờ chạm tới ước mơ giản dị đó”.
Suốt 27 năm qua, anh Đỉnh chưa bao giờ biết cười hay biết khóc. Cuộc sống của anh chỉ xoay quanh những trận sốt hay tiếng ú ớ kèm theo ánh mắt không hồn. Đặc biệt, đến giờ anh vẫn mãi như một đứa trẻ lên 2, không thể tự chủ được việc đại – tiểu tiện của mình. Cô Nhung phải bỏ ra 30.000 đồng/ngày để mua bỉm đóng cho anh.
Với cô Nhung, các con là tất cả cuộc đời này
Từng ấy tiền, với người ta chẳng đáng là bao nhưng với người mẹ ấy, nó không phải điều đơn giản. Ngày trước, cô Nhung còn bán tạp hóa được, giờ hàng ế ẩm, cả gia đình sống dựa vào số tiền hơn 1 triệu đồng phụ cấp mỗi tháng.
Cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng người đàn bà góa chưa bao giờ nản trí, muốn buông bỏ tất cả. Cô bảo, các con là lẽ sống, là niềm vui mỗi sớm mai thức giấc, là niềm hy vọng để tiếp tục bước trước cuộc sống khốn khó trăm bề.
>> Xem thêm: Dám cãi lời bác sĩ, mẹ kiên quyết “may môi” cho con trai bị dị tật lúc 20 ngày tuổi