Chuyện đặc biệt ở quê của "hàng ngàn người giàu"

Ngày 02/01/2014 13:50 PM (GMT+7)

Kế Môn (Điền Môn, Phong Điền, TT- Huế) là quê hương của hàng ngàn người giàu có trên cả nước và thế giới. Bởi là quê quán của nhiều người giàu nên Kế Môn sở hữu lắm chuyện đặc biệt.

Kế Môn là làng nông nghiệp với hơn 600 hộ dân nhưng có chưa đến 50 hộ nghèo. Nói như ông Phạm Do - Chủ tịch UBND xã Điền Môn, đây là những người không thể không nghèo, vì đã già cả lại neo đơn, tàn tật... Còn lại đều có cuộc sống thong thả.

Thư viện làng Kế Môn có lẽ là thư viện làng đầu tiên và lớn nhất không chỉ của Thừa Thiên - Huế, với 4.000 đầu sách, mở cửa thường xuyên cho dân nhiều làng đến học tập, nghiên cứu. Trung tâm Thương mại Kế Môn tất nhiên là cái chợ làng to nhất tỉnh với diện tích 2.000m2, hơn 100 gian hàng, được xây dựng với kinh phí 8 tỷ đồng...

Ơn một lần, hưởng nhiều đời

Cái làng có nhiều cái nhất này thuở xa xưa vốn nghèo. Nơi đây đất ruộng thì ít, đất cát hoang hoá thì nhiều. Đến như hiện nay, bằng nhiều biện pháp cải tạo thì trong 700ha đất tự nhiên vẫn còn đến 300ha đất hoang hoá chỉ dành để chôn người chết. Với đất đai như thế, ngày hôm nay, dẫu có áp dụng tiến bộ kỹ thuật thì nông dân vẫn nghèo, huống là ngày xưa...

Chuyện đặc biệt ở quê của quot;hàng ngàn người giàuquot; - 1

Những người Kế Môn rời quê đã đóng góp xây đình làng Kế Môn to nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế (ảnh tư liệu của làng).

Theo sử sách, làng được thành lập vào đầu thế kỷ XIV, thời Vua Trần Anh Tông. Qua nhiều trăm năm, dân Kế Môn chủ yếu sống bằng nghề nông. Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Vua Quang Trung ra chiếu cầu hiền, cầu tài. Ông Cao Đình Độ (1735-1810) quê làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá mới đưa gia đình vào Phú Xuân để xin làm nghề kim hoàn cho hoàng cung (cả thời Quang Trung và sau này là nhà Nguyễn Gia Long, sử sách gọi là Ngân Tượng).

Khi đò dọc chở gia đình ông theo sông Ô Lâu vào Phú Xuân, qua khúc Bàu Ngược (làng Kế Môn) thì bị chìm. Hai ông Hoàng Công Bàn và Trần Duy Lợi (dân làng Kế Môn) đang gặt lúa gần đó nhảy xuống sông cứu sống gia đình ông Độ. Làng Kế Môn đã cưu mang gia đình người bị nạn một thời gian. Để đền ơn cứu mạng, ông Độ truyền nghề kim hoàn lại cho dân làng Kế Môn, từ đây mở ra một nghề kiếm sống mới của dân miền Nam thời trước.

Cũng giống như ông Độ - phải rời bỏ làng quê của mình để đến kinh thành mưu sinh, dân làng Kế Môn bất kỳ ai, đã biết nghề kim hoàn đều phải rời làng ra đi. Người ta không thể kiếm sống bằng cái nghề xa xỉ ở một làng quê nghèo khó, heo hút. Hai trăm năm qua, hàng ngàn người làng Kế Môn đã rời làng ra đi và có mặt, trước tiên là ở kinh thành Huế (để làm trong Cơ vệ Ngân Tượng của triều đình), sau đó là ở hầu hết các đô thị, thị tứ, chợ lớn của cả nước, và sau này là vươn ra thế giới.

Theo ông Bùi Giây - Trưởng ban Điều hành làng văn hoá Kế Môn, TP.Huế là nơi có dân làm vàng Kế Môn đông nhất, sau đó đến Đà Nẵng (khoảng 300 hộ), Đà Lạt (250 hộ), Buôn Ma Thuột (200 hộ), TP.HCM (hơn 100 hộ)... Còn tại các nước, dân Kế Môn ở Mỹ nhiều nhất, từ TP. Oakland (California) đến Portland (Origon), Houston (Texas)..., chỗ nào có cộng đồng người Việt là ở đó có tiệm vàng của người Kế Môn. Riêng tiểu bang Texas có đến 40 tiệm vàng của dân Kế Môn.

Chuyện đặc biệt ở quê của quot;hàng ngàn người giàuquot; - 2

Biệt thự nhiều tỷ đồng thường đóng cửa tại làng Kế Môn của chủ tiệm vàng Duy Mông (ở Thừa Thiên - Huế). Làng Kế Môn có đến 50 biệt thự như vậy.

“Do giỏi nghề, trọng chữ tín, nên phần nhiều người Kế Môn thành đạt trong nghề kim hoàn, tiệm vàng của họ đông khách hàng, trở thành nơi cung cấp giá chuẩn về vàng cho mỗi địa phương” - Chủ tịch xã Phạm Do cho biết.

Việc trả ơn của ông Độ ngày xưa đã đem lại sự giàu có cho hàng ngàn người dân Kế Môn suốt hơn 200 năm qua. Và đến lượt mình, những người con thành đạt Kế Môn ra đi lại quay về trả ơn làng.

Sống ra đi, chết quay về

Thư viện làng Kế Môn nói ở trên là do ông Hồ Huệ (người Kế Môn, chủ một tiệm vàng ở TP.HCM) gửi tiền về xây dựng cách đây 10 năm. Thư viện này nằm ngay trong nhà cháu của ông, và người cháu này được ông chu cấp chỉ để hàng ngày mở cửa thư viện đón mọi người vào đọc.

Ông Hồ Huệ cũng là người đứng ra quyên góp các chủ tiệm vàng Kế Môn ở TP.HCM gửi 8 tỷ đồng về xây chợ Kế Môn - chợ làng to nhất nước dưới cái tên Trung tâm Thương mại Kế Môn. Vào năm 1992, ông Nguyễn Thanh Côn (dân Kế Môn, làm vàng bên Mỹ) gửi về gần 500 triệu đồng (hơn 100 lạng vàng) để đổ bê tông con đường dài 2,4km, mà dân làng gọi là đường Nguyễn Thanh Côn.

Chủ tịch Phạm Do cho biết: Khó thống kê hết những đóng góp của người làng Kế Môn ra đi, nào là sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ xã, xây nhà cho hộ nghèo, lập quỹ khuyến học, giúp đỡ người khuyết tật...

Người Kế Môn đã ra đi cũng đặc biệt quan tâm đến nhà thờ họ của mình. Đường Nguyễn Thanh Côn là con đường đặc biệt nhất của cả nước vì nó như là con phố của nhà thờ họ. Hàng loạt những nhà thờ họ được xây dựng khang trang, thậm chí là nguy nga, nằm san sát trên con phố này. Theo ông Bùi Giây, làng có 16 tộc họ và tất nhiên có 16 nhà thờ họ khang trang, chủ yếu nằm ở “phố” Nguyễn Thanh Côn.

Điều khiến những người phương xa đến như chúng tôi suy nghĩ nhiều đó là tập quán đưa người chết về làng an táng của dân làng Kế Môn. Bất kể khi sống ở đâu, TP.HCM hay Hà Nội, Mỹ hay Pháp..., người chết sẽ được con cháu đưa về rú cát ở sau làng Kế Môn an táng, bất chấp tốn kém thế nào, từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng (nếu đưa từ nước ngoài về). Có nhiều người ở xa, thấy sức đã yếu, về quê kêu thợ làm lăng mộ trước cho mình.

Ở Kế Môn hiện nay có đến vài chục lăng mộ chưa có người nằm như vậy, cái nào cũng nguy nga, tráng lệ. Trong đó, kỳ vĩ nhất là lăng của ông Đặng Hữu Phụng (đang ở Đà Nẵng) và ông Hoàng Ngọc Tuệ (đang ở Mỹ). Chúng tôi đến thăm lăng ông Hoàng Ngọc Tuệ, thật choáng ngợp với sự bề thế, uy nguy, chạm rồng trổ phượng tinh xảo... Ông Bùi Giây nói: “Lăng ông Tuệ làm bao nhiêu tỷ đồng, tôi không biết. Chỉ biết riêng 4 cây cột trước lăng (mỗi cây cao 12m) đã tốn 600 triệu đồng”.

Sống thì đóng góp cho quê, chết thì về quê, đó cũng là cách không quên nguồn cội của người Kế Môn. Ngày xưa, ông Độ không trả ơn người cứu mạng bằng tiền, bằng của mà bằng cái nghề để vinh danh cả làng. Thấm nhuần đạo lý đó, người làng Kế Môn đã không quên ơn sinh thành của làng, dù trôi dạt đi đâu, hàng năm họ vẫn quay về làng, để tảo mộ, thắp hương cho người thân, để hội tộc, để giúp đỡ bà con trong làng.

Và để tiện cho việc ăn ở trong những ngày về làng làm những việc kể trên, người Kế Môn đi xa về quê kiếm đất xây nhà. Trong đó có những nhà xây biệt thự hết mấy tỷ đồng. Nhà to, đẹp vậy nhưng mỗi năm chỉ mở cửa vài ngày. Ông Phạm Do nói: Có khoảng 50 cái nhà xây lên chỉ để mở cửa mỗi năm vài ngày như vậy.

Một chủ tiệm vàng ở Đà Nẵng có nhà biệt thự ở Kế Môn tâm sự: Không xây nhà ở quê thì chúng tôi mỗi khi về quê có thể ở khách sạn tại TP.Huế, tính ra rẻ hơn nhiều so với làm nhà để rồi đóng cửa. Nhưng dù tốn kém, chúng tôi vẫn làm nhà, để mỗi năm dành ra ít ngày đưa con cháu về ở trong làng, cho chúng nó cảm nhận không khí linh thiêng của làng quê, qua đó nhắc nhở chúng không quên nguồn cội.

Có thể nói Kế Môn là làng nông thôn có lao động ly hương sớm nhất ở Việt Nam - hơn 200 năm. Tuy nhiên, không như nhiều làng quê có người ly hương khác, Kế Môn vẫn giữ được nếp quê, có những ứng xử riêng khiến ta an lòng. Ở nơi đây, con người ra đi để quay về tốt đẹp hơn, no ấm hơn. Ở nơi đây, dù giàu hay nghèo, dù ở lại hay ra đi, ai cũng thủy chung với làng, vẫn muốn cuối đời về trong vòng tay thiên thu của mảnh đất làng.

Theo Phước Lê - Ngọc Vũ (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan