Người khôn ngoan không nói 9 câu tưởng lịch sự mà hóa ra thiếu tế nhị này

Bảo Anh. - Ngày 26/07/2024 19:00 PM (GMT+7)

Những câu nói này thoạt nghe tưởng lịch sự nhưng ẩn chứa bên trong là thông điệp khác không mấy dễ chịu cho người nghe. 

1. “Bạn trông có vẻ mệt mỏi”

Người khôn ngoan không nói 9 câu tưởng lịch sự mà hóa ra thiếu tế nhị này - 1

Bạn có thể nghĩ rằng mình chỉ đang thể hiện sự quan tâm khi nói với ai đó rằng họ trông mệt mỏi. Nhưng hãy cẩn thận vì bình luận có vẻ vô hại này thực ra có thể không được coi là một lời nhận xét lịch sự.

Trên thực tế, điều này thường bị hiểu thành một lời chỉ trích ngầm, ngụ ý rằng bạn thấy ai đó không có vẻ ngoài tốt nhất. Bình luận này có thể khiến ai đó cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình và cảm giác đó không dễ chịu chút nào.

Trừ khi ai đó chủ động đề cập cụ thể rằng họ đang mệt mỏi, sẽ tốt hơn khi bạn giữ lấy bí mật này cho riêng mình. Nhớ rằng, lịch sự không chỉ ở những từ ngữ bạn sử dụng mà còn là việc khiến người khác cảm thấy thoải mái và được tôn trọng khi ở bên.

2. “Không có ý xúc phạm, nhưng…”

Thực tế là câu nói "Không có ý xúc phạm, nhưng..." thường đi kèm với phần bình luận khá xúc phạm phía sau. Bạn có thể nghĩ rằng mình đang giúp đỡ đối phương, đưa ra góp ý nào đó nhưng nó khiến mọi người có cảm giác an toàn giả tạo trước câu nói thiếu tôn trọng hoặc gây tổn thương.

Không phải vì chúng ta thêm tiền tố "không có ý xúc phạm" thì bình luận sau đó sẽ trở nên bớt xúc phạm hơn. Sẽ tốt hơn khi chúng ta suy nghĩ trước khi nói, cân nhắc xem lời nói của mình có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

3. “Bạn giảm cân đấy à!”

"Bạn giảm cân đấy à!" thường được hiểu là lời khen hay sự công nhận về nỗ lực chăm chỉ, kỷ luật của ai đó nhưng thực tế là nó củng cố quan điểm rằng gầy hơn thì tốt hơn. Điều này góp phần vào văn hóa chế giễu ngoại hình. 

Hơn nữa, cân nặng có thể là một chủ đề nhạy cảm. Sự thật là cân nặng của một người có thể dao động do căng thẳng, bệnh lý hoặc nhiều lý do cá nhân khác mà một số người không muốn đem ra thảo luận. Thay vì bình luận về cân nặng của ai đó, người khôn ngoan sẽ khen ngợi đối phương về những điều khác như sự sáng tạo, lòng tốt hay phong cách tuyệt vời. 

4. “Đó chỉ là một trò đùa thôi!”

“Đó chỉ là một trò đùa thôi!” là câu nói kinh điển vẫn được nhiều người dùng để bác bỏ hoặc hạ thấp tác động của một bình luận không phù hợp với người khác. Vấn đề ở đây là, nếu ai đó thấy một trò đùa thiếu tôn trọng hoặc gây tổn thương, thì đó không "chỉ" là một trò đùa.

Nhiều người có xu hướng nói câu này như một cách thoát tội, tránh trách nhiệm sau khi nói điều gì đó vượt quá giới hạn. Nhưng thực tế nó lại phủ nhận cảm xúc của người khác.

Chúng ta cần nhớ rằng sự hài hước thay đổi rất nhiều tùy theo từng người. Điều buồn cười với người này có thể lại là xúc phạm sâu sắc với người khác. Khi ai đó nói với bạn rằng họ khó chịu vì trò đùa của bạn, phản ứng tốt nhất không phải là gạt bỏ cảm xúc của họ, hãy xin lỗi và rút ra cho mình kinh nghiệm từ đó. Bằng cách này, chúng ta có thể đảm bảo rằng sự hài hước của mình mang lại niềm vui thay vì sự khó chịu hay tổn thương cho người khác. 

5. “Bình tĩnh nào”Người khôn ngoan không nói 9 câu tưởng lịch sự mà hóa ra thiếu tế nhị này - 2

Chúng ta thường dùng câu nói "Bình tĩnh nào" để xoa dịu ai đó nhưng đôi khi nó có thể tác dụng hoàn toàn ngược lại, thậm chí giống như đổ thêm dầu vào lửa vậy.

Thử đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ thấy việc người khác nói bạn bình tĩnh lại khi đang buồn khiến bạn cảm thấy bản thân bị coi thường. Điều đó có thể ngụ ý rằng cảm xúc của bạn không có giá trị hoặc bạn đang phản ứng một cách thái quá. Và thay vì giúp đỡ, câu nói có thể làm tình hình leo thang bằng cách khiến người đó cảm thấy bị hiểu lầm hoặc không được coi trọng.

Lần tới, khi bạn thấy mình sắp khuyên ai đó "Bình tĩnh lại", hãy thử một cách tiếp cận khác như "Tôi thấy bạn đang buồn. Chúng ta hãy nói chuyện khi bạn đã sẵn sàng". Với một chút thay đổi, câu nói của bạn sẽ thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu hơn thay vì gạt bỏ.

6. “Bạn nhạy cảm quá!”

Câu nói "Bạn nhạy cảm quá" có thể gây tổn thương cho người nghe. Nó như một cách phủ nhận cảm xúc hoặc trải nghiệm của ai đó, ám chỉ rằng phản ứng của họ mới là vấn đề.

Nhớ rằng, mọi người đều có quyền với cảm xúc của mình và ngưỡng cảm xúc của mỗi người là khác nhau. Những gì người này thấy không vấn đề, người khác có thể thấy tổn thương sâu sắc. Và điều này không sao cả vì nó khiến chúng ta trở nên rất con người, độc đáo và riêng biệt.

Chìa khóa ở đây chính là sự đồng cảm. Thay vì dán nhãn cho ai đó rằng họ "quá nhạy cảm", hãy cố gắng hiểu quan điểm của họ. Bạn có thể nói: "Tôi không nhận ra điều đó làm bạn khó chịu. Chúng ta hãy nói về điều đó..." Cách tiếp cận này tôn trọng cảm xúc của đối phương và mở ra một cuộc đối thoại lành mạnh hơn. Ai cũng có lúc mềm yếu hơn và hãy đối xử với nhau bằng lòng tốt, sự hiểu biết.

7. “Ít nhất thì bạn cũng không rơi vào cảnh tệ như…”

Khi thấy ai đó đang gặp khó khăn, bạn muốn nói lời gì đó mang tính an ủi, rằng mọi thứ có thể tệ hơn vậy. Nhưng câu “Ít nhất thì bạn cũng không rơi vào cảnh tệ như…” lại khiến người nghe cảm thấy như họ đang hạ thấp vấn đề của tôi.

Cụm từ "Ít nhất thì bạn không phải chịu đựng tệ như..." thường được dùng để cung cấp góc nhìn. Nhưng trên thực tế, nó có thể bị coi thường và vô cảm. Giống như nói rằng nỗi đau của họ không quan trọng vì nỗi đau của người khác lớn hơn.

Mỗi người đều có những khó khăn khác nhau và chỉ vì người khác có hoàn cảnh tệ hơn không làm cho nỗi đau của bất kỳ ai trở nên kém giá trị hơn. Thay vì so sánh những khó khăn, chúng ta hãy cố gắng thừa nhận và xác nhận cảm xúc của nhau. Điều đó tạo nên sự khác biệt lớn.

8. “Tôi không có ý định ngắt lời nhưng…”

“Tôi không có ý định ngắt lời nhưng…” thừa nhận rằng việc ngắt lời sắp xảy ra, nhưng bạn vẫn tiếp tục làm như vậy. Bạn có thể nghĩ rằng đó là cách lịch sự để xen vào một cuộc trò chuyện nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại. Câu nói này khiến người nghe dễ hiểu rằng những gì bạn phải nói quan trọng hơn những gì họ đang nói.

Việc ngắt lời có thể khiến người nói cảm thấy bị bỏ rơi và không được coi trọng. Sẽ tốt hơn khi bạn chờ cho cuộc trò chuyện tạm dừng một cách tự nhiên rồi chia sẻ suy nghĩ của mình. Khi bạn thấy mình sắp ngắt lời người khác, hãy cố dừng lại và lắng nghe tích cực hơn. Bạn sẽ ngạc nhiên về việc mình có thể học được nhiều khi thực sự lắng nghe thay vì nói.

9. “Đó không phải là những gì tôi nhớ”

Câu nói “Đó không phải là những gì tôi nhớ” có thể vô tình làm giảm tính uy tín của ai đó trong lời kể về một sự kiện, khiến họ thấy như bạn đang đặt câu hỏi về trí nhớ hoặc sự trung thực của họ. Điều này có thể đặc biệt gây tổn thương khi họ chia sẻ một trải nghiệm cá nhân hoặc cảm xúc. Sự nghi ngờ trong câu nói này có thể khiến người khác cảm thấy bị coi thường.

Chúng ta có thể nhớ về cùng một sự kiện theo những cách khác nhau. Thay vì thách thức trí nhớ của người khác, bạn có thể tiếp cận với một cách khác đi như: "Điều đó thật thú vị. Theo trí nhớ của tôi thì..." Điều này thừa nhận sự khác biệt mà không bác bỏ phiên bản của họ. Nhớ rằng, quan điểm của mọi người đều có giá trị và đáng được tôn trọng.

Ngôn ngữ là một công cụ mạnh mẽ, có khả năng kết nối, an ủi, truyền cảm hứng và khẳng định nhưng cũng có thể loại trừ, hạ thấp, làm tổn thương và vô hiệu hóa. Mọi người có thể quên những gì bạn đã nói, hành động bạn đã làm nhưng sẽ không quên cảm giác mà bạn mang lại cho họ. Vì vậy, hãy cố gắng sử dụng ngôn ngữ tôn trọng, nâng cao và xác nhận người khác. Suy cho cùng, thước đo thực sự của lịch sự không chỉ nằm ở lời nói của chúng ta mà còn ở ý định và sự tôn trọng đằng sau đó.

8 đặc điểm của người ngày càng hạnh phúc hơn, bất chấp tuổi tác
Những người này không cố ép buộc hạnh phúc vào cuộc sống của họ mà tự nhiên làm những việc mang lại cho họ niềm vui và sự viên mãn.

Tư duy thông minh

Theo Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh