Liên quan tới ung thư đại tràng mổ ruột thừa, nếu bệnh nhân tới khám lại còn dấu hiệu đau nên gửi bệnh nhân tới các chuyên khoa khác để xem bệnh tình rõ ràng sẽ phù hợp hơn.
Hai lần thăm khám tại bệnh viện Thanh Nhàn nhưng các bác sĩ ở đây không phát hiện ra khối u đại tràng đã ở giai đoạn 3 của bệnh nhân Đỗ Nguyên Đại (42 tuổi ở phường Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đó là nội dung chị Đỗ Vân Anh (35 tuổi) là vợ anh Đại phản ánh với PV báo Người Đưa Tin, đồng thời cũng là lời “kêu cứu” gửi tới bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Thêm nữa, theo phản ánh của chị Vân Anh, các bác sĩ tại bệnh viện Thanh Nhàn khẳng định bệnh nhân bị viêm ruột thừa và tiến hành mổ. Tuy nhiên, chính việc điều trị sau phẫu thuật cắt phần ruột thừa khiến bệnh nhân mất đi khoảng thời gian quý báu để chữa đúng bệnh.
Gia đình bệnh nhân Đại đã gửi lời “kêu cứu” gửi tới bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Liên quan tới câu chuyện này, PV đã có trao đổi với một lãnh đạo bệnh viện K và được biết, mổ ruột thừa, mổ cấp cứu phải làm ngay trong 6 tiếng đầu, không thể trì hoãn được vì nếu để chậm rất nguy hiểm.
“Mổ ruột thừa là mổ đường rất bé ở ổ bụng dưới bên phải, độ 1 đốt ngón tay. Mổ ruột thừa không cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ bụng. Còn đại tràng trái sẽ nằm hẳn bên trái và là vấn đề khác.
Đại tràng nằm quanh ổ bụng nhưng nếu đi xuống dưới, có dấu hiệu đau ở dưới thì chỉ có đại tràng xích ma. Đại tràng này nằm bên trái nên không có chuyện mổ nhầm. Bệnh ung thư là bệnh cấp tính chứ không phải mãn tính.
Tuy nhiên câu chuyện đáng nói ở đây, nếu bệnh nhân tới khám lại còn dấu hiệu đau nên gửi bệnh nhân tới các chuyên khoa khác để xem bệnh tình rõ ràng sẽ phù hợp hơn”, vị lãnh đạo này khẳng định.
Cùng chia sẻ về câu chuyện này, bác sĩ Phạm Đình Tuấn hiện công tác tại khoa Ung bướu Bệnh viện đa khoa Bộ Nông nghiệp chia sẻ: Trước hết tôi chia sẻ với gia đình và với các đồng nghiệp sự việc trên. Có 1 bậc thầy trong ngành đã từng nhắc, con người là chiếc hộp kín rất khó hiểu hết tường tận được nên trong y khoa mới có 2 chữ LÂM SÀNG nghĩa là RỪNG BỆNH. Với trường hợp này, có thể cùng lúc bệnh nhân mắc 2 bệnh lí là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã trả lời có đủ chụp CT, xét nghiệm máu và đặc biệt là kết quả giải phẫu bệnh của ruột thừa cắt bỏ là viêm thì đó là tiêu chuẩn vàng. Tuy nhiên, nếu nghi ngờ kết quả của bệnh viện thì có thể dùng nến bệnh phẩm nếu bệnh viện còn lưu đến 1 cơ sở uy tín để làm lại.
Trả lời cho câu hỏi về độ chính xác của chụp CT tại sao không thấy u tại thời điểm bệnh nhân đi khám lần 1 vào tháng 7, bác sĩ Tuấn cho biết thêm:
Bệnh viện Thanh Nhàn chụp CT không rõ phần nào, chụp ổ bụng tầng trên để phát hiện di căn như vào gan chẳng hạn, còn chụp tầng dưới ổ bụng thì độ chính xác về khối u là 50 % ở giai đoạn sớm và 80 - 90 % ở giai đoạn muộn, di căn hạch là 70-80%.
Kỹ thuật quan trọng nhất hiện nay để phát hiện ra ung thư đại tràng là nội soi bằng ống mềm. Phương pháp này giá thành cao, kỹ thuật phức tạp và có biến chứng hơn nội soi trực tràng bằng ống cứng. Nhưng ngay cả việc áp dụng nội soi đại tràng tràng bằng ống mềm cũng không thể tìm chính xác 100% các khối u, nhất là ở giai đoạn còn sớm.
Chụp cộng hưởng từ tiểu khung có giá trị chẩn đoán cao hơn CT trong đánh giá giai đoạn khối u xâm lấn và di căn hạch với độ nhạy 95%, độ đặc hiệu 90%.
Sử dụng máy soi truyền hình điện tử có độ phân giải hình ảnh cao là phương pháp ưu việt nhất, chẩn đoán chính xác nhất, khách quan nhất đối với ung thư đại tràng nhưng Việt Nam chưa có.
Trao đổi thêm với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường – Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay, phía Sở đã nhận được thông tin về bức “thư kêu cứu” của chị Đỗ Vân Anh, vợ bệnh nhân Đạt. Phía Sở cũng đã giao phòng chuyên môn tìm hiểu nội dung sự việc.