Sau những vụ mổ nhầm thời gian qua, rõ ràng người bệnh phải chịu hậu quả đầu tiên, nhưng trách nhiệm thì thuộc về ai? bác sĩ, bệnh viện hay toàn ngành y tế.
Thời gian vừa qua, ngành y tế liên tục xảy ra những sự cố đáng tiếc không ai mong muốn, đó là những chẩn đoán nhầm, mổ nhầm đến khó tin của các bác sĩ... Sau những sự việc trên lãnh đạo các bệnh viện đã đứng ra xin lỗi, nhận lỗi, nhưng đằng sau chuyện đó chính là trách nhiệm thuộc về ai thì đến giờ vẫn chưa có câu trả lời. Và người chịu thiệt thòi đầu tiên đó chính là người bệnh.
Điển hình như trường hợp của anh Trần Văn Thảo ở Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. Khi vào bệnh viện anh Thảo chỉ có những triệu chứng đau rút chân, chân đi “chấm phẩy”, chính vì những khó chịu và đau đớn ấy anh đã đến viện cậy nhờ các bác sĩ điều trị.
Lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức đã đứng ra nhận lỗi vụ mổ nhầm chân.
Nhưng sau chỉ một phút lơ là của bác sĩ, không những bệnh không được điều trị trúng đích mà cả hai chân anh phải băng bó và nằm xe lăn cho đến tận bây giờ vì bác sĩ mổ nhầm chân. Giá như bác sĩ không mổ nhầm thì đến thời điểm này anh đã có thể chống nạng đi lại, chứ không phải nằm một chỗ như hiện nay.
Câu chuyện ở Bệnh viện Việt Đức chưa đến hồi kết, thì tại TP HCM, lại xảy ra một vụ cắt chân oan do bác sĩ chẩn đoán nhầm tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Vẫn biết, việc chẩn đoán thì không thể đúng 100% nhưng bác sĩ lại chẩn đoán nhầm để bệnh nhân phải cắt bỏ toàn bộ chân thì không thể chấp nhận được.
“Chẳng ai đang lành bị què mà lại vui cả. Cho dù bác sĩ, bệnh viện có giải thích thế nào, có đền bù bao nhiêu thì cũng không thể lấp đầy được mất mát một phần cơ thể mà người bệnh phải gánh chịu suốt cuộc đời”, đó là nhận định của một facebooker trước hàng loạt các vụ chẩn đoán, mổ nhầm trong thời gian gần đây.
Bệnh nhân bị cắt chân do chẩn đoán nhầm ở TP HCM.
Ngoài hai sự vụ trên trong thời gian gần đây có hàng loạt những vụ mổ và chẩn đoán nhầm ở khắp trong nam, ngoài bắc như vụ kết luận đau ruột thừa nhưng khi mổ lại cắt buồng trứng, hay vụ rút đinh tay phải nhưng mổ nhầm tay trái cho bệnh nhi.
Sau tất cả những sự vụ trên, các cơ quan quản lý có bác sĩ làm sai đều đã đứng lên xin lỗi hoặc đưa ra những quyết định, giải trình ngay lập tức và cũng như những lần đã từng xảy ra trước đây là tạm đình chỉ và trừ lương...
Còn về phần các bác sĩ trực tiếp làm sai, có muôn vàn lý do để họ đùn đẩy lỗi như do áp lực phải mổ nhiều, do mệt mỏi, do không đọc bệnh án, do hỏi bệnh nhân... nhưng trách nhiệm đối với bệnh nhân là gì? Tất cả vẫn còn phải chờ đợi sau khi có kết luận điều tra cuối cùng, mà thông thường kết luận đó chỉ các bác sĩ mới biết với nhau.
Cháu bé bị mổ rút đinh nhầm tay.
Trước hàng loạt những ca mổ nhầm và tai biến y khoa xảy ra trong thời gian qua, khi trao đổi với phóng viên về trách nhiệm khi để xảy ra sự việc TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, đối với những sự việc mổ nhầm thì trách nhiệm được quy định rất rõ trong Luật khám chữa bệnh.
Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra lại sự việc xem sai sót ở khâu nào, trách nhiệm các bên liên quan ra sao, từ đó mới quy trách nhiệm đối với các cá nhân cụ thể.
Theo TS Quang, khi đã có kết luận cụ thể về sự việc và trách nhiệm đúng sai giữa cá nhân và tập thể gây ra sự cố thì cá nhân đó cũng sẽ phải có trách nhiệm trong việc bồi thường chi phí đối với người bệnh, bệnh viện không thể bỏ toàn bộ chi phí khắc phục sự cố do cá nhân bác sĩ gây ra.
Về quy trình phẫu thuật, TS Quang cho rằng đã có quy định cụ thể rõ ràng, đó là trước khi mổ bác sĩ phải kiểm tra kỹ hồ sơ, bệnh án của bệnh nhân, đối chiếu nhận dạng, thậm chí phải tiếp xúc với bệnh nhân… chứ không thể hỏi bệnh nhân sau đó tiến hành mổ được.
Theo TS Quang, hiện Bộ Y tế cũng đã triển khai bảng kiểm an toàn phẫu thuật, thực hiện bảo đảm an toàn phẫu thuật, xác định chính xác người bệnh trước khi thực hiện cung cấp dịch vụ cho người bệnh theo quy định.