Chuyện thú vị về đại gia đình có 22 người con

Ngày 28/04/2013 15:49 PM (GMT+7)

Cùng với 18 đứa con đẻ, vợ chồng bà Trương Thị Chín còn nhận nuôi thêm bốn đứa trẻ của hàng xóm, nâng tổng số con trong gia đình lên con số 22.

Tuy nhiên, một điều kì lạ là "đại đội con" trong gia đình bà sống rất hoà thuận và vui vẻ, chịu khó làm ăn, sống đẹp trong lòng mọi người.

Loay hoay tìm tên cho con

Việc sinh nhiều con của đại gia đình bà Trương Thị Chín và ông Nguyễn Văn Lấc ở xã Tân Hoà (huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã trở thành một câu chuyện dân gian của người dân nơi đây. Thế nhưng, điều kì lạ là mọi người bàn tán nhau không phải về những hậu quả tiêu cực về việc sinh con đông mà ai cũng tỏ ra ngạc nhiên và nể phục bởi sự hoà hiếu thảo, hết mực thương yêu nhau của "đại đội con" này.

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thị Mười Bảy (SN 1962, là con thứ 17 của bà Chín) tại ấp Hoà Định (xã Tân Hoà). Nhớ lại những kí ức về gia đình, bà Bảy kể lại: "Khi lớn lên, tôi được mẹ và các anh chị kể lại vùng quê này trước cách mạng tháng Tám là một vùng chiêm trũng, quanh năm ngập nước và cây cối rậm rạp. Ba mẹ tôi sinh ra trong những ngày đầu tiên mảnh đất được khai phá nên phải đối diện với không ít khó khăn, thiếu thốn. Cha gặp mẹ rồi nên duyên vợ chồng khi cuộc sống vẫn triền miên trong cái đói".

Với khuôn mặt chất đầy những nếp nhăn theo thời gian, bà Nguyễn Thị Hai (SN 1938, con gái thứ hai của bà Chín) kể lại: "Khi mới cưới về, cuộc sống của cha mẹ tôi cực khổ lắm. Hàng ngày, cha thì đi chài từ khi trời còn tối mù để bắt cá, bắt chuột bán lấy tiền mua gạo ăn. Mẹ ở nhà bòn mót từng củ khoai, củ mì, hái lá rau để cải thiện cho bữa ăn gia đình. Thỉnh thoảng, mẹ lại đội thúng chuối, lội bộ vài cây số đi bán, kiếm tiền lo hai bữa ăn cho chúng tôi. Cứ như thế, cha mẹ càng phải chắt bóp, tằn tiện từng xu, thậm chí ăn không đủ no, mặc không đủ ấm khi liên tục mỗi năm mẹ tôi cho "ra lò" một đứa em nhỏ.

Bà Hai nhớ lại: "Năm 1947, khi sinh cùng lúc hai đứa (một trai, một gái), cha mẹ tôi quyết định đặt tên con liên quan đến các hoạt động để xây thành một cái nhà. Và như vậy, những cái tên của các em tôi như: Bào, Tiện, Chạm, Dồi, Lộng, Ván, Vách, Phên... lần lượt được ra đời. Năm 1960, em trai thứ 16 là Nguyễn Văn Nhà chào đời. Thế nhưng, chưa dừng lại ở đó, năm 1961, mẹ tôi tiếp tục sinh em bé thứ 17 mà không biết phải dùng tên gì để đặt. Cha mẹ thảo luận một hồi rồi quyết định đặt tên con theo số thứ tự. Vì thế, họ đã đặt tên cho đứa con thứ 17 của mình Nguyễn Thị Mười Bảy. Và năm 1963, cô em út Nguyễn Thị Mười Tám cũng chào đời".

Chuyện thú vị về đại gia đình có 22 người con - 1
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Vách (người con thứ 14 của bà Chín) (ảnh Huệ Trần)

Gia đình ngập tiếng cười

Nhớ lại những kỉ niệm vui của gia đình, bà Nguyễn Thị Mười Bảy cho biết: "Dân làng ở vùng này vì thấy cha mẹ tôi có "tay" nuôi con tốt, lại dạy con ngoan nên đã gửi nuôi bốn người của bốn gia đình khác nhau. Dù khó khăn, thiếu thốn nhưng cha mẹ tôi vui vẻ nhận chúng con nuôi rồi đặt tên là: Nguyễn Văn Mười Chín, Nguyễn Văn Hai Mươi, Nguyễn Thị Hai Mốt, Nguyễn Văn Hai Hai. Mặt khác, vì chịu khó làm ăn nên khi tôi lên 6 - 7 tuổi, cha mẹ tôi đã dùng số tiền tích góp từ việc chài lưới để mua 70 - 80 công đất (một công =1440m2). Không những thế, cha còn dùng số tiền bán thóc gạo để mua trâu, bò về nuôi. Cuộc sống gia đình vì thế mà khấm khá rất nhiều, trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Đó cũng chính là lí do mà trong kí ức về gia đình, tôi không hề biết đến một kỉ niệm buồn".

Ông Trần Văn Út (SN 1943), chồng của bà Nguyễn Thị Mập (SN 1942, con gái thứ sáu) vui vẻ tâm sự về đại gia đình đông con nhà vợ: "Gần hai mươi anh chị em bên vợ, ai cũng có nhà cửa khang trang, kinh tế khá giả và khó mà tìm được một nhà có hoàn cảnh khó khăn. Tôi lấy bà Mập cũng theo nếp nhà vợ nên cũng sinh ra chục người đứa con, đứa nào cũng khoẻ mạnh, lễ phép. Gia đình nhỏ của tôi có được cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc như bây giờ cũng nhờ nền tảng giáo dục của bố mẹ vợ".

Bà Mười Tám nói thêm: "Từ ngày xã có trường học, cha mẹ tôi đều tạo mọi điều kiện để các con học hành thành đạt. Trong đó, có anh thứ mười bốn và mười sáu (Nguyễn Văn Vách, Nguyễn Văn Nhà) từng làm giáo viên và cán bộ địa phương. Đến thời con cháu của chúng tôi, các cháu rất thành đạt trong việc học hành, công danh. Chẳng hạn như con của anh thứ 9, thứ 10, thứ 11 đều làm giáo viên, cán bộ có tiếng tại địa phương. Mỗi khi đến ngày giỗ của cha mẹ, anh chị em chúng tôi có thời gian sum họp, quây quần kể lại chuyện thơ ấu, rồi chia sẻ với nhau về đời sống hiện tại. Chúng tôi luôn dặn lòng phải dạy con cháu mình sống làm sao cho xứng đáng với truyền thống mà cha mẹ, ông bà chúng đã gây dựng bao nhiêu năm nay. Truyền thống tốt đẹp ấy đã được nhiều bà con hàng xóm hét lời khen ngợi khiến chúng tôi cảm thấy rất tự hào".

Ông Sáu (người hàng xóm của bà Mười Bảy) chia sẻ gia đình nhà ông Lấc, bà Chín là một gia đình có tiếng gương mẫu trong việc nuôi con giỏi, dạy con ngoan. Mặc dù con đông nhưng họ luôn chăm sóc con cái chu đáo, dạy con từng lời ăn tiếng nói, cách ăn, cách ở với anh em, họ hàng, làng xóm. Bao nhiêu năm là hàng xóm, tôi chưa một lần nghe họ cãi vã, tiếng to, tiếng nhỏ với nhau. Ngược lại, họ rất đoàn kết và sẵn sàng hỗ trợ nhau mỗi khi có người gặp nạn. Vì vậy, ai cũng cảm phục và thương mến họ, một gia đình đông con, hòa thuận.

Theo Huê Trần - Thơ Trịnh (Người đưa tin)
Nguồn:

Tin liên quan