Phát tán nội dung phim khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự.
Ngày 13/11, một fanpage phim trên Facebook đã quay lén toàn bộ nội dung phim điện ảnh Cô Ba Sài Gòn. Đoạn clip được livestream (phát trực tiếp) và thu hút hàng nghìn lượt xem chỉ trong thời gian chừng 30 phút.
Đoạn clip được livestream (phát trực tiếp) và thu hút hàng nghìn lượt xem (Ảnh: Cắt từ màn hình)
Ngay sau khi sự việc xảy ra, diễn viên Ngô Thanh Vân đã vào trang phim và trang cá nhân của nam thanh niên - người trực tiếp quay clip để yêu cầu dừng việc phát tán phim trái phép. Bên cạnh đó, nữ diễn viên còn có những hành động pháp lý nhằm chống lại kẻ đã quay lén phim Cô Ba Sài Gòn.
Sáng 14/11, đại diện ban quản lý rạp chiếu phim tại Vũng Tàu cho biết, khi phát hiện sự việc, đơn vị đã phối hợp cùng công an truy tìm người thực hiện việc livestream lén này.
Được biết, nghi phạm là N.V.T (SN 1998, ngụ thị trấn Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Tại thời điểm làm việc với các bên, T. đã thừa nhận hành vi của mình và viết biên bản giải trình sự việc. Hiện T. đã được ê kíp phim Cô Ba Sài Gòn giao cho công an xử lý.
T. đã thừa nhận hành vi của mình và viết biên bản giải trình sự việc
Trao đổi với chúng tôi, LS Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết việc phát tán nội dung phim khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Điều 72 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định, hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu, quyền của nhà sản xuất, xuất bản, ghi âm, ghi hình sẽ bị phạt 15-35 triệu đồng. Ngoài ra, nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có thể sẽ bị xử lý theo Điều 170a Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.
Theo đó, ngoài số tiền phạt cao nhất có thể lên tới 1 tỉ đồng, người vi phạm có thể bị phạt tù đến 3 năm.
“Với những cá nhân vi phạm, tùy theo từng địa phương cũng như tính chất của vụ việc mà cơ quan có thẩm quyền (đó có thể là thanh tra chuyên ngành, thanh tra du lịch, văn hóa, thể thao, cơ quan công an, chủ tịch UBND các cấp)… tiến hành xử lý.
Tuy nhiên, việc xử phạt các cá nhân vi phạm rất khó vì họ sử dụng chỉ vì mục đích cá nhân, không mang tính tổ chức, chuyên nghiệp hay vì lợi nhuận nên việc khởi kiện hay xử lý vi phạm không đơn giản về mặt thủ tục cũng như tố tụng”, LS Hùng nói.
Điều 170a. Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan 1. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm: a) Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; b) Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
>> Xem thêm: Kẻ giả mạo Cường Đô la trên Facebook nhằm “câu like” có thể bị xử lý hình sự