Kẻ giả mạo Cường Đô la trên Facebook nhằm “câu like” có thể bị xử lý hình sự

Ngày 02/10/2017 12:32 PM (GMT+7)

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, tội danh giả mạo người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một fanpage mang tên Cường Dollar đăng tải những dòng chia sẻ hứa sẽ tặng thẻ điện thoại mệnh giá từ 100-500 nghìn đồng cho bất kỳ ai chia sẻ bài viết ấy. Đặc biệt, chỉ sau 5 phút để lại số điện thoại, người đó sẽ được nạp thẻ.

Kẻ giả mạo Cường Đô la trên Facebook nhằm “câu like” có thể bị xử lý hình sự - 1

Bài đăng "hứa hẹn" nạp thẻ điện thoại trên trang giả mạo của Cường Đô la (Ảnh: Cắt từ màn hình)

Sau khi đăng tải, hàng nghìn cư dân mạng “tin tưởng” Cường Đô la đã vào bình luận và chia sẻ với hi vọng sẽ nhận được may mắn. Tuy nhiên, nhân vật chính đã lên tiếng xác nhận đó không phải fanpage của cá nhân anh.  Lúc này, cư dân mạng mới tá hỏa rằng đó là trang giả mạo.

Việc lập FaceBook giả mạo người khác là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm theo Luật Công nghệ thông tin năm 2006.

Luật sư Đào Thị Bích Liên – Đoàn LS TP.HCM cho biết: “Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm mục đích xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân”.

Kẻ giả mạo Cường Đô la trên Facebook nhằm “câu like” có thể bị xử lý hình sự - 2

Một trang giả mạo khác tiếp tục chiêu trò "câu like" bằng cách tặng thẻ điện thoại 100 nghìn đồng (Ảnh: Cắt từ màn hình)

Cụ thể, nếu cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. (Điều 77 Luật Công nghệ thông tin năm 2006).

Trong trường hợp xử phạt hành chính, người mạo danh có thể bị phạt  từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Riêng hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Ngoài ra, tội danh giả mạo người khác sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự, việc “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet (gọi chung là mạng) những thông tin trái pháp luật, thông tin trái pháp luật ở đây được hiểu là những thông tin vi phạm các điều cấm của pháp luật” sẽ có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Những hành vi phạm tội dưới đây sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

- Có tổ chức

- Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet;

- Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên;

- Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

LS. Bích Liên cho hay, khi phát hiện giả mạo trang thông tin điện tử, người dùng nên gửi thông báo và đầy đủ các thông tin liên quan để chứng minh trang của mình bị giả mạo cho Facebook và đề nghị khóa trang giả mạo lại. Đồng thời, chính chủ cần báo ngay cho cơ quan chức năng và liên tiếng trên trang chính thức của mình về việc bị giả mạo để kịp thời ngăn chặn những thiệt hại.

Khai Tâm
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề An ninh hình sự