Cả cô dâu và chú rể đều còn trong độ tuổi đi học và chưa đủ tuổi kết hôn theo luật pháp quy định, gây xôn xao dư luận.
Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ nạn tảo hôn cao nhất thế giới. Mới đây, một vụ việc như thế lại xảy ra, khiến dư luận xôn xao và bất bình, đồng thời khiến một số nhà lập pháp muốn xem xét lại về quy định độ tuổi hợp pháp để kết hôn.
Theo trang Detik News đưa tin, vào ngày 22/5/2022 vừa qua, tại làng Wiring Palannae, thuộc vùng Tempe, quận Wajo, tỉnh Nam Sulawesi, Indonesia, đám cưới giữa cô dâu Nikma Sari Saskia và chú rể Muh Ferdi đã diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người thân, họ hàng và bạn bè. Điều đáng chú ý nhất là khi ấy, cô dâu Saskia chỉ mới 16 tuổi còn chú rể Ferdi thậm chí trẻ hơn, chỉ mới 15 tuổi.
Anh Muhammad Aris Ali, một người thân trong gia đình cô dâu, cho biết cả cô dâu Saskia lẫn chú rể Ferdi đều đang theo học một trường trung học cơ sở. Đám cưới này thực chất là do 2 gia đình sắp đặt. Cô dâu và chú rể không chỉ là hàng xóm của nhau mà còn có họ hàng xa với nhau. Anh Ali nói: "Khoảng cách từ nhà cô dâu đến nhà chú rể chỉ khoảng 1 km và họ là họ hàng xa với nhau".
Vào ngày cưới, bố của cô dâu Saskia cũng tặng cho chú rể Ferdi một mảnh đất, coi như của hồi môn để con gái về nhà chồng. Cả 2 gia đình đều ủng hộ cuộc hôn nhân này và cảm thấy không có vấn đề gì dù tuổi tác của cặp đôi còn quá trẻ.
Thực tế, Saskia và Ferdi học chung trường với nhau và đã nảy sinh tình cảm từ lâu. Khi 2 gia đình biết chuyện, họ quyết định để Saskia và Ferdi kết hôn sớm với nhau, vừa để gắn kết tình cảm giữa 2 gia đình, vừa để tránh tình trạng ngoại tình sau này.
Trong đám cưới, cô dâu Saskia và chú rể Ferdi mặc trang phục cưới truyền thống màu xanh lá, trang điểm kỹ càng, đeo rất nhiều phụ kiện trên người. Cả 2 vui vẻ chụp ảnh nhưng gương mặt trẻ măng của họ đã gây ra rất nhiều tranh cãi.
Hầu hết cư dân mạng đều cho rằng 2 bên gia đình đã quá sai trái khi khuyến khích cuộc hôn nhân này bởi cô dâu và chú rể đều còn quá trẻ. Ít nhất, họ nên học hành xong và tìm được việc làm rồi mới tính đến chuyện hôn nhân. Đó là chưa kể cả Saskia và Ferdi đều chưa đủ tuổi kết hôn hợp pháp.
Hiện nay, độ tuổi kết hôn hợp pháp tại Indonesia đối với cả nam giới và nữ giới là từ 19 tuổi trở lên. Tuy nhiên, theo Cơ quan Dân số Kế hoạch hóa Gia đình Indonesia, độ tuổi khuyến khích kết hôn là từ 20-25 tuổi đối với nữ giới và từ 25-30 tuổi đối với nam giới.
Bất chấp sự quy định của luật pháp, rất nhiều đám cưới tại Indonesia vẫn được tổ chức khi cô dâu hoặc chú rể, hoặc cả 2 chưa đủ tuổi kết hôn hợp pháp, mà không hề bị phạt. Đó là bởi xã hội Indonesia vẫn chấp nhận những cuộc hôn nhân này nếu chúng được thực hiện phù hợp với niềm tin tôn giáo, được gọi là "hôn nhân nikah siri", chỉ cần được gia đình và tòa án tôn giáo đồng ý.
Khoảng 1/4 thiếu nữ Indonesia kết hôn trước 18 tuổi, theo số liệu chính thức từ Indonesia và Liên Hợp Quốc. Indonesia cũng có số cô dâu trẻ em cao thứ 8 trên thế giới, theo tổ chức phi chính phủ "Girls Not Brides". Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cho biết 14% bé gái ở Indonesia kết hôn trước 18 tuổi và 1% lấy chồng trước 15 tuổi. Nghèo đói, quan niệm về danh dự gia đình, các tiêu chuẩn xã hội, phong tục và yếu tố tôn giáo là những yếu tố đẩy nhiều bé gái vào tình cảnh tảo hôn.