Trong lúc khai quật ngôi mộ cổ, các chuyên gia đã rất bất ngờ khi tìm thấy hài cốt của một bé gái 5 tuổi, mặc bộ váy cô dâu dát vàng bạc.
Trong xã hội hiện đại, trẻ em được coi là nhóm người cần được yêu thương và bảo vệ nhất trên thế giới. Ở bất kỳ quốc gia nào, hành vi xâm hại và làm tổn thương trẻ em với bất kỳ hình thức nào đều bị coi là trái pháp luật, thậm chí có thể bị trừng phạt rất nặng. Thế nhưng ở thời cổ đại, trẻ em không được coi trọng như thế, nhất là trẻ em gái, khi mà quan niệm "trọng nam khinh nữ" vẫn còn nặng nề. Khi các chuyên gia tại Trung Quốc khai quật một ngôi mộ cổ, họ mới bàng hoàng khi phát hiện ra một phong tục đáng sợ mà trẻ em gái thời xưa phải gánh chịu.
Vào năm 2003, dinh thự cũ của Vương Hi Chi, nhà thư pháp nổi tiếng thời Đông Tấn, nằm ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, đã được tiến hành khai quật và nghiên cứu trên quy mô lớn. Vào ngày 30/4/2003, khi đang khai quật sảnh phía đông của dinh thự này, một tai nạn đã xảy ra.
Khi đang đào móng, một số công nhân không chú ý nên đã ngã vào một cái hố lớn bên dưới. Rất may, tai nạn nhỏ này không khiến người nào bị thương. Thế nhưng chính nhờ việc đó, các chuyên gia khảo cổ học mới ngỡ ngàng nhận ra phía dưới lòng đất có một ngôi mộ cổ khá lớn. Ngay sau đó, những người có liên quan đã được cử đến để khám phá ngôi mộ cổ này.
Ngay từ bước đầu, các chuyên gia đã phát hiện một số dấu vết màu đỏ ở cửa ngôi mộ. Theo cuốn sách "Độc giả Hoàng gia", lớp phủ đỏ bằng quặng sắt là thứ chỉ có hoàng đế mới được sở hữu, điều này cho thấy đây phải là ngôi mộ thuộc về hoàng thất, danh tính người nằm trong mộ hẳn không tầm thường.
Sau đó, một cuộc khai quật lớn và nhanh chóng đã được tiến hành và không mất nhiều thời gian để xem xét toàn bộ ngôi mộ cổ. Sau khi kiểm tra, các nhà khảo cổ học đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện ngôi mộ cổ này có chôn cất hài cốt của 3 đứa trẻ, trong đó có 2 nam và một nữ.
Dựa trên các cuộc xét nghiệm và kiểm tra, chuyên gia khẳng định 2 đứa trẻ nam đều qua đời từ khi còn rất nhỏ vì bệnh nặng. Trong khi đó, bé gái chỉ khoảng 5 tuổi nhưng không có dấu hiệu bệnh tật rõ ràng. Điều gây kinh ngạc nhất là trên người bé gái còn mặc một bộ đồ cô dâu màu đỏ được dát vàng bạc.
Ngôi mộ cổ kỳ lạ này đã thu hút sự quan tâm lớn của các chuyên gia khảo cổ, nhiều người nhanh chóng bắt tay nghiên cứu danh tính của 3 đứa trẻ trong ngôi mộ. Sau khi dịch các văn bia, xem xét trạng thái ngôi mộ, các chuyên gia khẳng định đây là phần mộ của Lang Nha Điệu vương Tư Mã Hoán, có từ thời Đông Tấn hơn 1.700 năm trước.
Tư Mã Hoán là con trai thứ 5 của Tấn Nguyên Đế Tư Mã Duệ - vị vua đầu tiên của nhà Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc. Chỉ đáng tiếc, Tư Mã Hoán đã bị bệnh nặng và qua đời khi mới 2 tuổi. Bé trai thứ 2 nằm trong ngôi mộ cổ là cháu trai 1 tuổi của Tấn Nguyên Đế.
Tấn Nguyên Đế vô cùng đau buồn trước sự ra đi đột ngột của cậu con trai này, vì vậy quyết định xây dựng hẳn một ngôi mộ cổ hoành tráng cho con bất chấp sự phản đối của quần thần. Vì sự yêu mến dành cho con trai, Tấn Nguyên Đế cũng dành những đặc quyền của hoàng đế để xây dựng nên ngôi mộ này. Sau đó, người cháu trai của Tấn Nguyên Đế cũng chẳng may chết yểu và được đưa vào ngôi mộ này.
Tuy nhiên, danh tính của bé gái mặc bộ váy cưới trong ngôi mộ cổ này vẫn còn là bí ẩn. Các chuyên gia cảm thấy vô cùng khó hiểu bởi dưới thời của Tấn Nguyên Đế, không có vị công chúa hay con gái trong hoàng tộc nào chết trẻ như vậy.
Tấn Nguyên Đế.
Sau khi tiến hành nghiên cứu về trang phục của bé gái cũng như phong tục thời bấy giờ, các chuyên gia mới tìm ra câu trả lời, đó chính là minh hôn.
Thời xưa, con người rất coi trọng lễ đón tuổi trưởng thành và lễ thành hôn. Một người không thể được coi là đã trưởng thành nếu không kết hôn, cũng không thể được đặt vào mộ tổ tiên sau khi chết, thậm chí con cháu còn không được tế lễ. Ngoài ra, người xưa còn tin rằng mồ mả cô đơn sẽ ảnh hưởng đến phong thủy. Vì vậy, một người chưa kết hôn nhưng đã qua đời sẽ được chôn cất cùng một người khác giới cho bớt cô đơn. Đây được gọi là tục minh hôn, hay "đám cưới ma".
Các chuyên gia tin rằng bé gái 5 tuổi trên đã được chọn là "cô dâu ma" cho con trai chết yểu của Tấn Nguyên Đế. Rất có thể, bé gái này đã bị chôn sống trong ngôi mộ này. Vì đây là mệnh lệnh của hoàng đế, bố mẹ của bé gái dù có đau lòng tới mức nào cũng không dám chống lại, chỉ đành nhìn con gái nhận số phận bi thảm.