Thói quen sử dụng facebook, sống, ăn, ngủ với nó đã đẩy cô gái 18 tuổi vào cảnh chán ghét cuộc sống hiện tại, thu mình trong cuộc sống ảo và dẫn đến rối loạn tâm thần.
Gần đây, Bệnh viện Tâm thần Trung ương tiếp nhận bệnh nhân bị tâm thần vì thói quen nghiện facebook. Cô gái 18 tuổi ở Hà Nội thường xuyên thức đêm đăng ảnh để chờ nút “like” trên facebook.
Các bác sĩ cho biết, trước khi vào viện, bệnh nhân có những triệu chứng bất thường như không ăn uống, thức khuya, hay lẩm bẩm một mình và sống thu mình, không còn quan hệ bạn bè như trước.
Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhân này đã ở giai đoạn cấp tính, một thời gian dài chịu áp lực, bị ảm ánh và mắc chứng ảo thanh, luôn thấy có người chửi bới trong đầu, thường xuyên nói nhảm một mình.
Cô gái 18 tuổi nhập viện tâm thần vì nghiện facebook. (Ảnh minh họa)
Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương, ông La Đức Cương cảnh báo, nếu mọi người cứ say sưa với facebook chẳng mấy chốc phải nhờ can thiệp của y tế và buộc phải vào viện tâm thần điều trị.
Theo thông tin từ bác sĩ La Đức Cương, hiện nay, Bệnh viện Tâm thần Trung ương có rất nhiều người tới viện khám và điều trị tâm thần do nghiện internet, facebook… Đặc biệt, người nào càng tốn thời gian với facebook thì nguy cơ trầm cảm càng cao. Bởi họ có tâm trạng chán ngán, không có động lực phấn đấu, hòa mình vào thế giới ảo, không tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Bác sĩ Cương phân tích, việc “cắm mặt” đầu vào điện thoại, máy tính, vào những giao tiếp ảo làm cho thế giới của nhiều người trẻ thu hẹp lại. Thời gian dành cho thế giới ảo qua màn hình vi tính ngày càng nhiều, còn thời gian giao tiếp cho thế giới thật bị cắt xén đi. Đặc biệt, khi thế giới thật không được như ý, thì giới trẻ càng xa lánh nó để đắm chìm vào thế giới ảo".
Cũng theo Giám đốc Bệnh viện tâm thần Trung ương, với những người nghiện facebook, khi vì một lý do gì đó mà không được chơi sẽ dễ rơi vào tình trạng bồn chồn, bứt rứt.Trong trường hợp đó người bệnh thường tìm mọi cách để chơi thì mới cảm thấy yên tâm. Thậm chí có những triệu chứng của rối loạn giấc ngủ, các bệnh về thần kinh như suy nhược và cả động kinh.
Khi bệnh ở mức độ nặng, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh (bệnh nhân tự sát) hoặc những người xung quanh (gây hại người khác trước khi tự sát).
Trong trường hợp trẻ có những dấu hiệu như lầm lỳ, hay cáu gắt, không thích giao tiếp với mọi người, mắt hay nhìn xuống, bàn tay bị chai thì nên đưa đến các cơ sở về sức khỏe tâm thần để điều trị sớm, cắt nghiện facebook.