Mới đây, một màn biểu diễn kịch chuyển mặt nạ Tứ Xuyên đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng. Không chỉ có động tác điêu luyện và khả năng kiểm soát nhịp điệu chính xác, màn biểu diễn này còn khiến người xem bất ngờ, ngưỡng mộ vì người biểu diễn là một cô gái mắc hội chứng Down.
Biến diện hay còn gọi là chuyển mặt nạ là một nghệ thuật kinh kịch truyền thống của Trung Quốc. Trong đó, người biểu diễn phải nhanh chóng thay đổi nhiều mặt nạ trong một khoảng thời gian ngắn để diễn các nhân vật khác nhau. Để một người bình thường học được nghệ thuật độc đáo này còn rất khó, vậy cô gái 19 tuổi mắc hội chứng Down biểu diễn biến diện này đã phải vượt qua khó khăn thế nào?
"Tôi mong con có thể tự đứng trên đôi chân của mình và kiếm được bát cơm ăn”
Cô gái trong đoạn video đang gây sốt cộng đồng mạng với màn biểu diễn biến diện tên là Yin Qiuhua, quê ở Nam Sung, Tứ Xuyên, Trung Quốc. Qiuhua năm nay 19 tuổi và được chẩn đoán mắc hội chứng Down khi mới 6 tháng tuổi. Từ nhỏ, mẹ của Qiuhua đã đưa con gái đi vái tứ phương nhưng vẫn không tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả.
Lên 1 tuổi, Qiuhua vẫn không thể ngồi vững. Khi lên 5, cô bị sốt hàng tháng và phải nhập viện thường xuyên. Ngày lên 7, Qiuhua chưa thể tự đi lại hay ăn uống... Những kỹ năng mà lũ trẻ cùng trang lứa có thể học rất nhanh, Qiuhua phải dành một thời gian dài để luyện tập mới làm được.
Với sự đồng hành của mẹ, Qiuhua giờ đây đã có thể nấu những bữa ăn đơn giản, giặt quần áo và quét mã QR để thanh toán khi ra ngoài. Tuy nhiên, mẹ của Qiuhua biết rằng, để con gái có thể tự lập trong cuộc sống sau này, cô bé vẫn cần có kỹ năng.
Qiuhua và mẹ.
"Tôi sinh ra Qiuhua năm 38 tuổi, bây giờ tôi đã ngoài 50. Một ngày nào đó, tôi sẽ không còn trên đời. Tôi mong con có thể tự đứng trên đôi chân của mình và kiếm được bát cơm ăn”, mẹ của Qiuhua đau đáu.
Dù Qiuhua phản ứng chậm nhưng mẹ cô đã phát hiện ra con gái có tình yêu đặc biệt với âm nhạc. Mỗi khi nhạc nổi lên, Qiuhua sẽ mỉm cười và tay chân đung đưa theo điệu nhạc. Với một đứa trẻ đặc biệt như Qiuhua, không có nhiều cơ sở giáo dục nhận hướng dẫn. Và một ngày, hai mẹ con đã tình cờ gặp được Lin Chun, một nghệ sĩ biểu diễn biến diện.
"Tôi nghĩ cô bé có thể mài giũa được”
3 năm trước, Lin Chun tham gia một sự kiện của Liên đoàn Người khuyết tật với tư cách là biên đạo múa. Trong hoạt động này, cô Lin đã rất ấn tượng trước sự chăm chỉ luyện tập của Qiuhua. "Tôi nhớ rất rõ hình ảnh Qiuhua trong đám đông đã nhìn tôi rồi chớp mắt. Tôi nghĩ cô bé ấy thật dễ thương", Lin Chun nhớ lại.
Lin Chun đã rất ấn tượng với cô bé từ lần gặp đầu tiên.
Sau buổi biểu diễn, mẹ của Qiuhua đã tìm đến cô Lin và ngỏ ý xin cho con gái học múa. Ngay khi gặp cô Lin trong phòng tập, Qiuhua đã bày tỏ tấm lòng biết ơn bằng ngôn ngữ ký hiệu. Trong chốc lát, Lin Chun thấy rất cảm động, đồng ý nhận cô bé làm học trò.
"Tôi muốn thử dạy cô bé nghệ thuật biến diện. Tôi nghĩ cô bé có thể mài giũa được”, Lin Chun tin tưởng.
“Nếu một lần không được thì hãy làm lại, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn lần!”
Là lần đầu tiên tiếp xúc với học trò mắc hội chứng Down, Lin Chun đã xác định sẵn tinh thần nhưng không ngờ rằng mọi việc lại khó khăn hơn cô tưởng. Đầu tiên là vấn đề giao tiếp.
Vì Qiuhua chậm hiểu và không thể giao tiếp bằng lời nên việc dạy các động tác gặp rất nhiều khó khăn. Cô bé không phân biệt được trái phải cũng như hạn chế trong khả năng định hướng. Đôi khi, vì không làm được động tác, Qiuhua dễ mất kiểm soát cảm xúc.
Đôi khi, vì không làm được động tác, Qiuhua dễ mất kiểm soát cảm xúc.
Vì vậy, mẹ đã đồng hành cùng Qiuhua suốt những giờ học. Ban ngày, bà đi theo Qiuhua học với cô Lin, sau khi về nhà sẽ ôn lại cho con từng chút một. Mỗi sáng vào lúc 6 giờ, hai mẹ con sẽ bắt đầu luyện tập các kỹ năng cơ bản.
Môn nghệ thuật này đòi hỏi khả năng kiểm soát nhịp điệu rất cao cũng như các động tác và biểu cảm phải thật chính xác. Qiuhua đôi khi phải luyện tập một động tác đến hàng trăm lần.
"Nếu không làm được thì con hãy thử lại. Nếu một lần không được thì hãy làm lại, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn lần!”
Mẹ của Qiuhua cho biết, con gái có trí nhớ kém và chỉ có thể làm được bằng cách luyện tập nhiều lần để cơ bắp phát triển trí nhớ. Để Qiuhua nắm bắt nhịp điệu tốt hơn, cô Lin đã kết hợp âm nhạc và điệu nhảy yêu thích của cô bé để tăng khả năng nhận thức và ghi nhớ.
Đồng thời, để hiểu rõ sự chuyển hóa của các nhân vật trong biến diện, cô Lin còn lồng ghép biểu diễn Kinh kịch Tứ Xuyên vào giảng dạy hàng ngày, đưa cô học trò nhỏ tham gia các hoạt động giao lưu kỹ năng với những đứa trẻ bình thường. Tại đây, Qiuhua không hề bị các bạn phân biệt đối xử mà còn kết được thêm nhiều bạn tốt.
Sau một năm rưỡi đào tạo, Qiuhua lần đầu tiên biểu diễn trước công chúng. Những kỹ năng điêu luyện và động tác uyển chuyển khiến khán giả phải bất ngờ và vỗ tay không ngớt. Qiuhua cũng nở một nụ cười rất vui vẻ và tự tin.
Hiện tại, Qiuhua đã học kịch chuyển mặt nạ được 3 năm và có thể thay đổi 8 mặt nạ liên tiếp. Nói về sự tiến bộ của Qiuhua, mẹ cô chia sẻ: "Dù rất khó khăn nhưng tất cả đều xứng đáng. Tôi sẵn sàng ở bên con mọi lúc mọi nơi".
Bà hy vọng Yin Qiuhua sẽ có một gia đình, sự nghiệp như những người bình thường và không bị phân biệt đối xử.
Theo cô Lin, Qiuhua hiện là người mắc hội chứng Down duy nhất trong cả nước có thể biểu diễn môn nghệ thuật này. Cô hy vọng xã hội sẽ quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn nhóm người mắc hội chứng Down này.