Sau 15 ngày và quãng đường 650km, chàng trai này đã hoàn thành lời hứa đi bộ về quê ăn Tết. Chi phí cho chuyến đi này là hơn 4000 tệ (gần 14 triệu đồng).
Trước khi bắt đầu hành trình đi bộ này, Xia Wanghui là một chàng trai 9x người Hồ Nam đến Thâm Quyến làm việc. Trước đây, anh từng tham gia lĩnh vực thương mại điện tử và mở một nhà hàng cách đây 4 năm.
Tài khoản Douyin của anh là "Shenpiao Ahui". Từ ngày 10 tháng 1 đến ngày 24 tháng 1, Ah Hui đã liên tục đăng tải hơn 60 video ngắn trên Douyin, ghi lại toàn bộ hành trình, những gì anh nhìn thấy, nghe được và cảm nhận được trên đường đi. Tổng số lượt thích đã vượt hơn 200.000 và anh đã có 21.000 người theo dõi.
Ban đầu, Ah Hui chỉ muốn ghi lại trải nghiệm đi bộ về quê ăn Tết của mình, nhưng không ngờ càng quay càng có nhiều người quan tâm.
"Thực ra, tôi cũng không hình dung được 650km là bao xa. Lúc xuất phát, tôi thậm chí còn không chuẩn bị một đôi giày thể thao. Đôi giày tôi mang chỉ có giá 35 tệ (120 nghìn đồng)", anh thẳng thắn chia sẻ.
Đêm trước khi khởi hành, Ah Hui nói với bạn bè rằng anh sẽ đi bộ về quê ăn Tết, một người bạn nói sẽ cùng đi. Ban đầu, người bạn đó đã đi cùng anh một đoạn đường, nhưng đến Quảng Châu thì không đi nữa, còn Ah Hui thì vẫn tiếp tục.
"Có lẽ lúc đó bạn tôi nghĩ chỉ là một lời nói đùa, nhưng tôi thực sự nghiêm túc. Tôi là người có tính quyết đoán, bạn tôi không ngờ tôi lại đi bộ về nhà thật", anh nói.
"Ban đầu tôi định vừa đi vừa livestream, nhưng bị nền tảng cấm vì lý do an toàn", Ah Hui chia sẻ.
Xia Wanghui trên đường đi bộ về nhà.
Trong suốt hơn 10 ngày đi bộ, anh nhận được rất nhiều sự cổ vũ từ bà con, bạn bè trên mạng, thậm chí cả những người xa lạ. Nhiều hãng truyền thông cũng liên hệ phỏng vấn, điều này khiến anh khá bất ngờ.
"Nhiều bà con trong làng đã để lại bình luận nói sẽ đợi tôi về nhà,và liên tục có người mang nước cho tôi. Có một lần, sau khi ăn xong ở một quán ăn, tôi đã đi rất xa rồi mà chủ quán vẫn đạp xe đuổi theo để tặng tôi hai chai nước. Ông ấy nói đã thấy tôi trên Douyin và khen tôi là một thanh niên có ý chí. Tôi cảm thấy rất xúc động”, anh chia sẻ.
"Nhiều người hỏi tôi có phải vì nghèo mới đi bộ không. Tôi nói tất nhiên là không rồi. Tôi và vợ mở một quán tôm hùm, quán của chúng tôi khá đông khách trên con phố đó”, anh nói thêm.
Ah Hui cho biết, mọi chuyện không giống như mọi người tưởng tượng. Trước khi đi bộ, anh không có kế hoạch chi tiết, cũng không có bất kỳ lý do đặc biệt nào. Bình thường anh rất bận rộn với việc kinh doanh, không có nhiều thời gian để suy nghĩ.
Đến mùa đông, việc kinh doanh cũng chậm lại. Trước khi về quê ăn Tết còn một chút thời gian rảnh nên anh bảo vợ đi tàu cao tốc về trước, còn mình thì đóng cửa hàng và đi bộ về nhà.
"Nói về việc chuẩn bị, có lẽ chỉ có 6 cục sạc dự phòng mà tôi mua thôi", anh nói.
Đôi khi, ở một nơi quá lâu, người ta sẽ quen với cuộc sống ổn định và lần này anh muốn thử thách bản thân, muốn rèn luyện chính mình. Anh tin rằng, con người ta luôn phải hướng tới sự tiến bộ.
"Chuyến đi này không phải là lang thang, cũng không có gì quá khó khăn. Chỉ khi đi đến những nơi vắng vẻ thì tôi mới gặp chút khó khăn khi cần tìm chỗ ăn ở.
Đa phần thời gian là tôi xuất phát vào ban ngày và nghỉ ngơi vào ban đêm. Hiện tại, ngoài việc chân hơi mỏi thì tôi không gặp vấn đề gì khác", anh chia sẻ thêm.
Trên các nền tảng mạng xã hội, ngoài những lời động viên còn có một số ý kiến thể hiện sự nghi ngờ. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là: Việc làm này có ý nghĩa gì? Ah Hui đã đưa ra một ví dụ rất thú vị để trả lời câu hỏi này.
“Ví dụ như người miền Nam thích ăn cơm, người miền Bắc thích ăn bánh bao. Người ta sẽ hỏi người miền Nam rằng: “Tại sao bạn không ăn bánh bao? Tại sao bạn lại ăn cơm?” Thực ra lý do cũng giống nhau, mỗi người có một quan điểm và thế giới quan khác nhau. Vì vậy, không thể đánh giá người khác.
Có những việc, nhiều người không thấy được ý nghĩa nhưng tôi cảm thấy lần này mình đã làm được và sau này khó có việc gì có thể làm khó tôi. Đó chính là ý nghĩa. Đừng quá quan tâm đến những gì người khác nói, hãy làm tốt phần việc của mình", A Huy nói.