Lẽ thông thường, một người lành lặn yêu thương một số phận tật nguyền đã là điều hiếm thấy. Thế nên, chuyện một phụ nữ đảm đang gần 20 năm trời kiên định theo đuổi một người đàn ông mù, lại sống cảnh “gà trống nuôi con” càng khiến người nghe khó tin hơn.
Càng đáng nói, trong gần 20 năm ròng rã, người phụ nữ ấy không ít lần bị từ chối, thậm chí xua đuổi phũ phàng. Thế nhưng, bằng trái tim chân thành, bà vẫn đi được đến tận cùng bến bờ hạnh phúc khi mái tóc đã điểm bạc. Đó là câu chuyện tình cảm động của ông Nguyễn Trai (SN 1951) và bà Nguyễn Thị Thương (SN 1956) ở xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Đến khi tuổi đã cao họ mới có được niềm hạnh phúc khi ở cùng nhau. Ảnh TG
Những ngày dài theo đuổi vô vọng
Chúng tôi tình cờ gặp ông bà trên một con phố nhỏ giữa TP. Huế. Bên chiếc xe đẩy chở đầy những thứ nào chổi đót, chổi lông gà, tăm tre, đũa tre…, người đàn ông mù đang níu vạt áo của người phụ nữ nhỏ nhắn khiến những người nhìn thấy đều cảm động. Mặc dù với người dân cố đô, họ không còn lạ lẫm gì hình ảnh cảm động của đôi vợ chồng tật nguyền này. Hàng ngày, ông bà lang thang khắp phố để bán những món hàng do chính tay mình làm ra. Bắt chuyện làm quen, chúng tôi được ông bà kể lại cuộc đời đầy cảm động của mình.
Ông Trai sinh ra đã không được may mắn như những người bình thường. Từ khi lọt lòng mẹ, đôi mắt của ông không thể nhìn thấy gì. Năm 20 tuổi, ông được cha me xin vào làm việc tại trung tâm từ thiện dành cho người khuyết tật của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cũng tại đây, ông được mọi người mai mối cho một cô gái cùng hoàn cảnh. Một năm sau, hai người có với nhau một người con trai. Bất hạnh thay, cháu bé cũng bị bệnh mù bẩm sinh giống bố. Những sóng gió cuộc đời ập lên đầu ông vẫn chưa dừng lại ở đó. Vài năm sau khi sinh con, vợ ông vĩnh viễn ra đi vì một trận ốm thập tử nhất sinh. Một thân một mình, ông vừa phải tự chăm lo bản thân, vừa lo cho cậu con trai tật nguyền. “Ngày vợ qua đời, tôi đau đớn vô cùng. Tôi thầm nhủ, cuộc đời sao lại bất công đối với mình như vậy. Có lẽ, cái số của tôi sinh ra đã mang cái kiếp khổ cực, không sao thoát nổi. Mặc dù vậy, trong cơn bĩ cực, tôi chưa hề có ý nghĩ buông xuôi”, ông Trai tâm sự.
Số phận của bà Thương không đến mức bất hạnh như ông Trai nhưng cũng trải qua rất nhiều cơ cực, sóng gió. Là con duy nhất trong nhà, mẹ lại thường xuyên đau ốm bệnh tật nên tuổi thanh xuân của bà Thương là những chuỗi ngày bươn chải chợ búa mưu sinh. Nhớ thời xuân sắc, bà cũng được vô khối chàng trai đến ngỏ lời. Thế nhưng, người phụ nữ hiếu thảo đã một mực từ chối tất cả vì muốn làm tròn chữ hiếu. “Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ lấy chồng, cuộc sống đã khó khăn nếu lấy chồng thì không biết sẽ thế nào nữa. Hơn thế, tôi muốn được ở bên để chăm sóc cho mẹ, bởi lẽ bà chỉ có một mình tôi”, bà Thương kể lại.
Thấy con gái bước sang tuổi tứ tuần nhưng vẫn chưa lập gia đình, mẹ bà Thương nhiều lần khuyên bảo và nhờ người mai mối nhưng người phụ nữ hiếu thảo nhất mực không chịu. Hiểu được tâm sự của con, mẹ bà Thương đã xin vào làm việc tại trung tâm từ thiện dành cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên - Huế để đỡ đần con gái, đồng thời chứng tỏ mình có thể tự lo được cho bản thân, mong con gái yên tâm lập gia đình. Người mẹ già không ngờ, chính quyết định này đã mang đến cho bà Thương bước ngoặt làm thay đổi số phận.
“Tôi đến trung tâm để đưa đón mẹ nên đã bắt gặp ông Trai. Lúc đó, tôi rất ấn tượng với một người mắt không thấy gì mà vót tăm nhanh thoăn thoắt, lại chăm con từng li từng tí. Anh chăm con như một báu vật. Hỏi ra mới biết, vợ anh mất cách đó vài năm, vì thế ngoài tình yêu người cha còn có thêm tình yêu của người mẹ. Không biết từ bao giờ, hình ảnh chăm con của anh ấy cứ bám lấy tôi. Đầu tiên, tôi quý thằng bé kháu khỉnh dễ thương rồi yêu anh khi nào không hay biết”, bà Thương tâm sự.
Cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ không hề cảm thấy buồn phiền. Ảnh TG
Hạnh phúc buổi xế chiều
Tuy nhiên, khi nghe con gái đề cập chuyện tình cảm, mẹ bà Thương nhất mực phản đối. Bà bảo: “Con gái đã lớn tuổi rồi sao lại còn dại dột đến thế. Bao nhiêu người đàn ông khác bình thường, công việc ổn định thì không chọn mà lại đi chọn người đàn ông tật nguyền”. Với suy nghĩ ấy, người mẹ nhất quyết ngăn cản vì không muốn nhìn thấy cô con gái duy nhất phải chịu cảnh khổ sở. Bà muốn cô con gái sẽ tìm được một tấm chồng tử tế, đỡ đần trong cuộc sống. Mặc cho mẹ mình ra sức can ngăn, bà Thương vẫn quyết giữ ý kiến, một mực từ chối người đàn ông mà mẹ đã sắp xếp. Biết không thể nào căn ngăn được tình cảm của con mình, mẹ bà Thương cuối cùng cũng đành để cho con gái tự quyết định hạnh phúc.
Kể từ ngày gặp ông Trai, trái tim tưởng đã chai sạn của bà Thương như mềm lại. Bà cảm nhận được sự rung động đầu đời mà trước đây mình chưa hề biết đến. Sau nhiều ngày chỉ đứng từ xa nhìn hai cha con, cuối cùng bà cũng mạnh dạn tới bắt chuyện làm quen. Cứ thế hàng ngày, mỗi khi tới trung tâm đưa đón mẹ, bà đều tới nói chuyện với ông Trai. Một thời gian dài sau đó, bà Thương quyết định tâm sự về tình cảm của mình dành cho ông Trai và ngỏ ý muốn được về chung sống với 2 cha con ông. Nghe điều này, ông Trai cảm thấy vô cùng bất ngờ. Ông không thể tin được rằng, một người con gái lành lặn, đảm đang như bà Thương lại chấp nhận gắn bó cuộc đời với hai cha con tật nguyền của ông. “Chỉ mới nghe, tôi đã từ chối tình cảm của bà ấy. Số tôi đã khổ nên không muốn phải làm liên lụy thêm cho một ai nữa. Nên những ngày sau đó khi bà ấy tới nói chuyện, tôi chỉ nói vài ba câu rồi lại lẳng lặng đi chỗ khác. Không được nói chuyện với tôi ở trung tâm, bà ấy còn hỏi đường tìm về đến nhà tôi. Tôi nghe nói, bà ấy có người đàn ông khác sắp tới dạm hỏi rồi nên nhiều lần khuyên nhủ, thậm chí xua đuổi phũ phàng. Thế nhưng, bà ấy vẫn bất chấp tất cả”, ông Trai xúc động kể.
Mặc dù bị ông Trai kiên quyết từ chối, thậm chí còn tỏ thái độ xa lánh nhưng bà Thương không vì thế mà cảm thấy tức giận. Bà biết rằng ông Trai đang mang mặc cảm bản thân bị tật nguyền nên mới từ chối mở lòng đón nhận tình yêu. Thời gian cứ thế trôi qua, bà vẫn quyết tâm theo đuổi tình yêu của mình đã chọn. Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cũ cọc cạnh, bà Thương lại đến với căn nhà nhỏ của của hai cha con ông Trai để trò chuyện, chăm sóc cho 2 cha con. Lần nào bà Thương đến, cậu con trai nhỏ của ông Trai là Nguyễn Minh cũng quấn quýt không rời. Mặc kệ thái độ lạnh nhạt của ông Trai, ngày qua ngày, bất kể nắng mưa, bà đều lui tới dọn dẹp căn nhà nhỏ, nấu cho hai cha con bữa cơm rồi tất tả ra về. Công việc đó cứ lặp đi lặp lại trong thầm lặng nhưng bà chưa bao giờ cảm thấy nản lòng. Với bà, được ở bên cạnh hai cha con ông Trai mỗi ngày như thế là hạnh phúc. Bà cũng tin, rồi sẽ có một ngày ông Trai hiểu và chấp nhận tình cảm chân thành của mình.
Cái ngày ấy rồi cũng đến sau gần… 20 năm. Cuối cùng, ông Trai cũng cảm thấy mình không phụ lòng bà thêm được nữa. Cuối năm 2012, ông quyết định mở lòng, nói lời xin lỗi và cầu hôn với bà Thương. Ngày hai người chính thức về ở chung không có đám cưới rình rang, không có bạn bè chúc phúc. Nhưng với hai mái đầu điểm bạc, những điều đó đã chẳng còn quan trọng. Giờ đây, hạnh phúc với ông bà là ngày ngày cùng nhau vượt qua quãng đường gần 10 km lên thành phố bán vé số kiếm tiền mưu sinh. Cuộc sống của gia đình nhỏ vẫn bấp bênh bởi nguồn thu ít ỏi. Nhưng vượt lên tất cả, ông bà thấy trái tim mình được sưởi ấm, được sống thanh thản trong hạnh phúc giản dị.