Bên cạnh những bài giảng lôi cuốn, cô Tuyết còn là người bạn, người mẹ hiền hậu, ấm áp luôn động viên, chia sẻ với học sinh những nỗi niềm, tâm sự mỗi khi các em trống trải, chông chênh...
Thần tượng của nhiều học sinh
Nói đến giáo viên Văn nổi tiếng ở Hà Nội, nhiều thế hệ học trò sẽ kể ngay đến TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên là giáo viên trường THPT Chu Văn An.
Cô Trịnh Thu Tuyết đã gắn bó với trường THPT Chu Văn An, Hà Nội hơn 15 năm. Trong quãng thời gian này, cô đã tạo được những thành quả mà nhiều giáo viên phải mơ ước: giải Nhất thi Giáo viên giỏi môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm 2004; tham gia tư vấn và ôn, luyện thi trực tuyến trên truyền hình, chương trình luyện thi ĐH, CĐ trên các website; có rất nhiều năm kinh nghiệm luyện thi đại học, cao đẳng môn Ngữ văn và nhiều học sinh đỗ đại học với số điểm cao tại các trường... Thế nhưng, có lẽ ít người hình dung được con đường gian truân, trắc trở mà cô đã trải qua để đạt được những thành quả này!
Cô giáo Trịnh Thu Tuyết.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống trong sự nghiệp giáo dục, bản thân cô Tuyết rất yêu thích môn Văn song trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn trường, cô lại không hề muốn trở thành giáo viên Văn.
Ngày đó, cô gái tuổi 17 lãng mạn, tràn đầy nhiệt huyết, luôn khát khao "xê dịch" và thích khám phá những điều mới mẻ, cô Tuyết cho rằng sẽ là quá nhàm chán nếu cứ nhắc đi nhắc lại những cảm nhận, suy nghĩ cho cùng một bài giảng hết lớp này đến lớp khác, năm này qua năm khác... những xúc cảm mà cô tin rằng giống như tình yêu, chỉ xuất hiện một lần!
Nhưng rồi sự định hướng của gia đình cùng những lời khuyên chân thành từ bố mẹ - những nhà giáo đầy kinh nghiệm, cô Tuyết đã miễn cưỡng theo nghề giáo. Tuy nhiên, ngay khi đã học tại khoa Văn - Sử, trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam Ninh, cô vẫn chưa tìm ra lý do nào cho mình để yêu nghề.
Cho đến chuyến thực tế sư phạm tại một trường phổ thông, trong giờ chào cờ, một cái gì đó kì diệu bất chợt ùa đến trong lòng khi cô đứng trên khán đài nhìn thấy hàng trăm ánh mắt trong veo của học trò vào buổi sáng mùa xuân, những ánh mắt nghiêm trang ngước lên lá cờ Tổ Quốc, và dường như không có chút logic nào trong sự chuyển biến kì lạ của xúc cảm khi chính từ khoảnh khắc này, cô đã bắt đầu yêu nghề giáo.
Cô nhận ra, nghề giáo viên không phải tiếp xúc với máy móc, gạch đá, công trình...hay đơn thuần là chỉ những trang giấy vô hồn mà là tiếp xúc với con người luôn thường xuyên biến đổi, luôn là những cá thể duy nhất, không lặp lại, những đứa trẻ luôn trong sáng vô ngần.
Và năm tháng giúp cô dần nhận ra những trang văn tuyệt đối không phải những đối tượng thẩm mĩ nhất thành bất biến, nó cũng biến đổi linh diệu theo thời gian, theo sự trải nghiệm của người đọc, người dạy, theo tâm thế tiếp nhận cùng trạng thái tâm hồn, đặc điểm nhân cách của mỗi thế hệ học trò, thậm chí mỗi học trò... Những phát hiện ấy đã luôn theo cô, tạo thành nguồn cảm hứng cho từng trang giáo án, giữ gìn ngọn lửa đam mê với văn, với nghề trong suốt cuộc đời nhà giáo
Sau 9 năm dạy Văn ở Nam Định, năm 1989, trong một lần lên Hà Nội khám bệnh, cô Tuyết đi qua trường đại học Sư phạm, ngôi trường cô ao ước và đã thất bại trong ngưỡng cửa đầu tiên của cuộc đời, nỗi cay đắng của thất bại chưa hề nguôi ngoai trong lòng cô sau gần 10 năm trời, bất chấp những thành công đã đạt được trong nghề nghiệp. Sự ngẫu nhiên của số phận đã khiến cô nhìn thấy ngay cửa văn phòng khoa văn tấm bảng tin thông báo kỳ thi tuyển sinh khoá đại học cốt cán cấp 2.
Trong tâm thế không có gì để mất, cô đã đăng ký tham gia kỳ thi sẽ diễn ra sau đó...2 ngày. Và số phận đã mỉm cười với cô trong tờ giấy báo trúng tuyển, thậm chí đạt mức % lương đi học cao nhất khoá.
Sau khi nhận bằng Đại học loại Giỏi với điểm 10 khoá luận tốt nghiệp về " Hình tượng tiếng đàn trong Truyện Kiều"; cô Tuyết tiếp tục học lên thạc sĩ, chuyển tiếp nghiên cứu sinh và nhận bằng tiến sĩ năm 2000. Sau 3 năm dạy hợp đồng, sau khi bảo vệ xuất sắc Luận án Tiến sĩ về đề tài "Nguyễn Minh Châu trong sự vận động của văn học Việt Nam hiện đại" năm 2000, cô Tuyết chính thức trở thành giáo viên Văn của trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Bằng tâm huyết của mình, cô Tuyết đã giúp nhiều thế hệ học trò chuyên văn đỗ đạt, trưởng thành, rất nhiều học sinh cũ xúc động bày tỏ:" Ba năm được cô dạy dỗ đã làm nên một phần con người con hôm nay".
Nhà chật, học trò chen chúc thăm cô
Niềm hạnh phúc lớn đối với giáo viên là nhận được nhiều tình cảm của học sinh và cô Tuyết là một trong số những giáo viên có niềm vui đó. Cô Tuyết nhớ lại, cách đây hơn chục năm, cô bị ốm, học sinh cũ tự quyên góp tiền để biếu cô, nhưng khi quyên góp xong thì không ai dám nhận trách nhiệm đưa cô vì đều quá biết tính cô chủ nhiệm, đành tiền ai trả về nhà nấy!
Thời gian đó đúng mùa World Cup, thế là cả lớp tụ tập nhau đến nhà cô chơi rồi cùng xem trận chung kết. Nhà cô Tuyết nằm trong khu tập thể ở đường Nguyễn Trãi. Căn phòng chật lắm, chỉ có 10m2 nên không đủ chỗ, các em phải ngồi tràn cả ra sân.
Cô Thu Tuyết và học sinh khóa 2011-2014.
Cách đây vài năm, đúng dịp 8/3, có một học trò không phải lớp cô chủ nhiệm nhưng đã mang đến cho cô món quà bất ngờ. Hôm đó trời mưa, cô đang nấu cơm, bạn học sinh này đã mang tặng cô một cuốn sổ nhỏ. Lúc mở ra, cô Tuyết vô cùng xúc động khi trong đó là những lời chúc của rất nhiều học sinh ở các khóa học cô dạy. Hỏi ra mới biết, em này đã chủ động liên lạc và hẹn với các anh chị khóa trên, các em khoá dưới tại một quán cà phê ở Cầu Gỗ để xin lời chúc tặng cô. Cuốn sổ ướt nhoèn vì mưa, còn cô Tuyết thì cảm động đến mức không nói nên lời.
Còn có học sinh khác cũng yêu quý cô tới mức bị trêu là "fan" cuồng. Đó là bạn chụp một bức ảnh đang chép lại Luận án TS của cô trong thư viện và ghi là "Báu vật của con" rồi đăng lên Facebook. Điều đáng nói là cuốn luận án này dài hơn 100 trang nhưng bạn học sinh ấy vẫn miệt mài ngồi... chép tay! Hay có nhiều học sinh chỉ học cô trên chương trình luyện thi trực tuyến nhưng cảm nhận được con người cô ngay trong hệ thống bài giảng mà thần tượng, yêu quí, thậm chí coi cô như một người mẹ, người chị, người bạn lớn để chia sẻ tâm tình.
Quá nhiều câu chuyện cảm động học sinh đã dành tặng cho cô và đến giờ cô Tuyết vẫn nâng niu, trân trọng từng mảng ký ức đẹp đó. Bởi trong mắt học sinh, cô Tuyết luôn là biểu tượng của sự thành công, giỏi giang, gần gũi. Thế nhưng, sự thật cô đã từng thất bại trong kì thi Đại học đầu tiên của cuộc đời. Nỗi đau này cô đã nghĩ không thể chia sẻ với ai vì mặc cảm. Tuy nhiên, chứng kiến cảnh học sinh của mình chịu nhiều áp lực thi đại học, cô Tuyết đã hơn một lần kể cho trò nghe về con đường vòng gian khổ nhọc nhằn của mình để đi tới đích, tới ước mơ. Câu chuyện của cô giúp học sinh giảm cảm giác áp lực khi thi cử, nhưng cũng là bài học giúp các em hiểu gánh nặng của những nỗi đau!
Dù ra trường nhiều năm nhưng các thế hệ học sinh vẫn luôn đến thăm cô mỗi khi có dịp.
Bây giờ, khi đã về hưu, cô vẫn luôn biết ơn cha mẹ đã định hướng cô đến với nghề giáo; đặc biệt cô không quên nhắc tới chồng, người không chỉ đồng hành với cô trên con đường gian khổ mà trước hết, đã "chiều" theo một đề nghị có phần phi lí của cô trong phút ngẫu hứng rẽ vào trường Đại học Sư phạm 1 để cô có cơ duyên đi tiếp con đường mình đã ước mơ, trở thành cô giáo dạy Văn được nhiều thế hệ học sinh yêu mến.
Một số lời tri ân của học trò sau kỳ thi ĐH năm 2014: - Cô ơi, con rất muốn cám ơn cô đã tận tình chỉ bảo cho con trong suốt thời gian qua. Con thi đại học được 8,5 Văn cô ạ, dù con không đi học thêm. Cô đã dạy cho con tất cả những gì tuyệt vời nhất, đầy đủ nhất để con tự tin bước vào kỳ thi đại học này. Con cảm ơn cô rất nhiều. trong kỳ thi đại học này chính môn văn mới là môn giúp con đỗ vào đại học chứ không phải Anh hay Toán. Con cảm ơn cô, cảm ơn tất cả những gì cô đã cho con. Người khách này sẽ không bao giờ quên công ơn của người chèo đò đâu ạ". (KKL, 12D0, LTV) - "Cô ơi, con là LC ở lớp 12 Anh đây ạ. Con vừa được biết điểm ĐH của mình, trong đó môn văn con được 7.5 cô ạ, cao hơn cả mong đợi của con. Nhờ thế mà giờ tổng điểm của con là 32.5 nên cơ hội vào ĐH Hà Nội của con có thể coi là khá an toàn rồi ạ. Con cảm ơn cô nhiều lắm cô ơi. Bây giờ con vừa thấy may mắn nhẹ nhõm không phải lại trải qua 1 kỳ ôn thi căng thẳng như vậy nữa, lại vừa nhớ muốn được ngồi trong lớp nghe cô giảng văn cô ạ. Kì lạ lắm. Con thay mặt các bạn cảm ơn cô rất nhiều ạ. Lớp con đang rộn lên bàn việc khi nào cả lớp sẽ cùng đến thăm cô, đến khi ấy thì cô đồng ý mở cổng cho lũ bọn con vào nhà cô nhé". (12 Anh, CVA). - “Con xin lỗi vì bây giờ mới dám báo với cô. Thực sự thì hôm thi Văn con đã nghĩ đấy là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời vì trước đó con đã chủ quan để lại đúng bài Lorca. Trong phòng thi lúc mới đọc đề con bủn rủn chân tay, bàng hoàng không biết sẽ phải làm thế nào. Nhưng trong lúc ấy con lại nghĩ đến cô, nghĩ đến status của cô tối hôm trước để bình tĩnh trở lại và cố gắng dùng hết khả năng của mình. Cuối cùng con cũng vượt qua mà đến chính con cũng không ngờ. Hôm nay con biết điểm rồi ạ. Con xin lỗi vì điểm 7 có thể làm cô buồn nhưng mà con muốn cảm ơn co vì trong lúc con tuyệt vọng nhất cô đã xuất hiện trong suy nghĩ của con". (TBĐ, 12D1, CVA) - "Cô ơi!!! Con đỗ rồi. Con được tận 8,5 văn cơ ạ. Con khóc mất. Con được 24,5 cô ạ . Vui quá cô ơi. Nhà bật dậy hết rồi. Ôi sướng quá cô ơi. Yêu cô quá cô ơi !!!!!!!!! Con cảm ơn cô nhiều nhiều". ( MK, 12 D1, CVA) |