Các điều tra viên đã phải sửng sốt khi phát hiện ra số lượng bác sĩ mà cơ phó Andreas Lubitz đã đến khám trước khi gây ra thảm kịch.
Ngày 6/4, tờ Der Spiegel của Đức đã tiết lộ một bản báo cáo y tế bị rò rỉ trong quá trình điều tra vụ máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings đâm vào núi cho thấy viên “cơ phó tử thần” đã đi khám số lượng bác sĩ “đáng ngạc nhiên” trước khi cố tình tự sát cùng 149 người khác trên máy bay.
Theo đó, viên cơ phó 27 tuổi này đã đến khám và nhận tư vấn của ít nhất 5 bác sĩ, trong đó có các chuyên gia về tâm thần và thần kinh.
Một điều tra viên giấu tên tiết lộ với tờ Der Spiegel: “Đối với một người đàn ông trẻ như anh ta, việc đến khám một số lượng bác sĩ lớn như vậy quả là đáng ngạc nhiên”.
"Cơ phó tử thần" Andreas Lubitz
Cho đến 5, đã có 5 bác sĩ nộp các thông tin mà họ có về viên cơ phó này cho các điều tra viên, và trong tương lai có thể sẽ có thêm bác sĩ giao nộp các bệnh án của anh ta.
Các bác sĩ này đã viết giấy nghỉ ốm cho Lubitz vì các lý do sức khỏe trong vòng 2 tuần trước và sau ngày 24/3, ngày xảy ra thảm kịch, tuy nhiên viên cơ phó đã xé tan tất cả những giấy nghỉ ốm đó nhằm che giấu bệnh tật của mình với hãng Germanwings.
Hồi năm 2009, trong khi tham gia khóa đào tạo phi công máy bay Airbus A320 của hãng Lufthansa, Lubitz cũng đã phải xin nghỉ vài tháng vì có các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng.
Các quan chức ở Dusseldorf xác nhận rằng trước khi tốt nghiệp khóa đào tạo trên, Lubitz đã được các bác sĩ điều trị vì anh ta có “xu hướng tự sát”. Mặc dù vậy, Lubitz vẫn được cấp phép lái máy bay A320, và hãng Germanwings đã không nắm được thêm thông tin gì về tình trạng sức khỏe tinh thần của anh ta.
Theo thông tin do các công tố viên Đức cung cấp, nhiều khả năng Lubitz cũng đã tìm kiếm cách chữa trị cho những vấn đề về mắt mà anh ta đang gặp phải và có thể chấm dứt vĩnh viễn nghiệp bay của anh ta.
Một mảnh vỡ của chiếc A320 trên sườn núi Alps
Dưới cái tên “Skydevil”, Lubitz đã tìm kiếm trên mạng các thông tin liên quan đến “hội chứng cảm tính lưỡng cực”, “hưng cảm-trầm cảm”, “đau nửa đầu”, “thị lực kém” và “chấn thương do âm thanh” trong vài tuần trước khi thực hiện vụ tự sát kinh hoàng.
Những dữ liệu do các hộp đen máy bay ghi lại cho thấy Lubitz đã cố tình khóa chặt cửa buồng lái khi viên cơ trưởng ra ngoài đi vệ sinh, sau đó liên tục thay đổi các thông số của chế độ tự lái để máy bay lao thẳng xuống đất ở tốc độ nhanh nhất.
Lubitz vẫn thở một cách đều đặn khi tăng tốc cho chiếc máy bay lên vận tốc 700 km/h trước khi nó lao thẳng vào dãy núi Alps khiến 150 người trên máy bay thiệt mạng ngay lập tức.
Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần thì cho rằng chính sự hung hăng và thù địch trong tâm tính của Lubitz mới là động cơ thúc đẩy anh ta cố tình lao vào núi tự sát cùng 149 người khác, chứ không phải là chứng trầm cảm.
Tiến sĩ Jeff Victonoff, chuyên gia về thần kinh học tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California (Mỹ) nhận định: “Đây không phải là một phi công tự sát cùng máy bay. Đây là một gã sát nhân có đầy đủ các yếu tố của chứng rối loạn nhân cách và rối loạn tâm tính”.
Lực lượng cứu hộ làm việc tại hiện trường máy bay đâm vào núi
Tiến sĩ Steven Pitt, chuyên gia về tâm lý học tội phạm cũng có cùng quan điểm: “Những người bị trầm cảm thường có xu hướng tự làm tổn thương bản thân chứ không làm hại đến người khác. Trường hợp của viên cơ phó này không phải là trầm cảm, mà là sự khiếm khuyết về tính cách”.
Những thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu vừa tuyên bố rằng cơ quan quản lý hàng không dân dụng châu Âu EASA đã phát hiện “nhiều vấn đề về an toàn hàng không” với hãng hàng không Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings.
Theo đó, các quan chức EASA đã phát hiện ra rằng Lufthansa đang trong tình trạng thiếu nhân lực và gặp nhiều hạn chế trong việc thực hiện các cuộc kiểm tra đối với máy bay và phi hành đoàn của mình, trong đó có các cuộc kiểm tra y tế.