Luật sư Phạm Quốc Bình cho biết, hành vi nhét giẻ vào mồm, trói tay chân và đánh đập ngay tại lớp học, 3 cô giáo ở cơ sở mầm non Sơn Ca, Quảng Bình có thể bị xử lý hình sự.
Liên quan đến việc bé trai 15 tháng bị 3 giáo viên đánh, trói, nhét giẻ vào mồm, xảy ra ở cơ sở mầm non Sơn Ca, đường Hữu Nghị, phường Nam Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Phạm Quốc Bình – Chủ tịch – Công ty luật Long Hà, để làm rõ các vấn đề pháp lý xung quanh vụ việc.
Luật sư Phạm Quốc Bình trao đổi với PV Infonet về vụ việc.
Luật sư Phạm Quốc Bình cho biết: “Hành vi nhét giẻ vào mồm, trói tay chân và đánh đập ngay tại lớp học, trong trường hợp này 3 cô giáo có thể bị xử lý hình sự về "Tội hành hạ người khác" theo Điều 110 Bộ luật Hình sự.
Việc hành hạ người người khác là hành vi đối xử tàn ác gây cho họ đau đớn về thể xác, tinh thần người bị lệ thuộc như đánh đập, giam hãm… Theo khoản 1 Điều 110 Bộ Luật Hình sự thì khung hình phạt cho tội này phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Trường hợp phạm tội đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai, người tàn tật (những người gần như là không có khả năng tự vệ) hoặc đối với nhiều người thì khung hình phạt từ 1 đến 3 năm”.
“Người đứng đầu trường mầm non không phải chịu trách nhiệm về tội phạm cũng như bồi thường thiệt hại cho nạn nhân. Tuy nhiên, xét trên quan điểm xã hội thì nhà trường phải công khai xin lỗi gia đình nạn nhân và người dân về việc không giám sát chặt chẽ giáo viên nên để xảy ra tình trạng giáo viên của mình vi phạm pháp luật. Trong trường hợp nhà trường (người đứng đầu - hiệu trưởng) mà biết việc làm của nhân viên nhưng không ngăn chặn mà để xảy ra việc hành hạ trẻ em ngay tại cơ sở của mình thì họ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự (đồng phạm)”, luật sư Phạm Quốc Bình phân tích.
Theo luật sư Phạm Quốc Bình, nhà nước cần phải ban hành các quy định bổ sung để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ở các cơ sở mầm non.
Luật sư Phạm Quốc Bình cũng thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Gần đây các trường mầm non (công lập và tư thục), các nhóm trẻ thường xuyên để xảy tình trạng các cô giáo có hành vi hành hạ trẻ em nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp này nhằm răn đe và tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đội ngũ giáo viên và người quản lý trong các trường mầm non nói riêng và trường học nói chung.
Hiện nay chất lượng giáo viên của các trường mầm non tư thục rất kém, do chạy theo lợi nhuận nên có nhiều trường chỉ tuyển một vài giáo viên đã qua đào tạo (có bằng cấp chuyên môn về giáo dục mầm non), số bảo mẫu còn lại các trường này thường tuyển người lao động phổ thông vào làm việc nên họ không có kỹ năng sư phạm và còn có nhiều hạn chế về nhận thức pháp luật. Cho nên, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, phòng giáo dục, UBND xã phường nơi cấp phép hoạt động cho các trường mầm non phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra”.
Theo luật sư Phạm Quốc Bình, hiện nay hành vi "hành hạ trẻ em" diễn ra chủ yếu và tập trung nhiều nhất vào nhóm các trường mầm non tư thục. Bởi lí do là trong luật Lao Động; Luật giáo dục, và các văn bản hướng dẫn khác thì gần như bỏ ngỏ về quản việc quản lý lao động, chất lượng nghề của đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ở các cơ sở giáo dục này (trường tư thục).
Việc quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đối tượng là giáo viên, bảo mẫu ở các trường mầm non tư thục là rất hạn chế (nếu so sánh với các trường công lập thì các trường tư thục gần như là không có). Vì vậy, nhà nước cần phải ban hành các quy định bổ sung để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bảo mẫu ở các cơ sở giáo dục này.