Cô trò hoang mang vì bài đọc ở SGK lẫn lộn 'trái', 'phải'

Ngày 03/03/2015 14:04 PM (GMT+7)

Cùng là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 2, cùng miêu tả phong cảnh xung quanh đền Hùng, tuy nhiên điều lạ đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn là ở mỗi quyển sách lại có cách miêu tả khác nhau.

Điều này cũng được chị Hồng Điệp, một giáo viên Tiểu học tỉnh Hòa Bình phát hiện ra qua một tiết dự giờ mới đây.

“Mình phát hiện ra điều này khi đi dự giờ, lúc giáo viên gọi học trò đọc bài, ban đầu mình tưởng các con đọc sai bởi mình theo dõi một quyển sách của một em khác ngồi cạnh mình thì ngược lại. Sau đó mình kiểm tra thì thấy khá nhiều cuốn có sự khác nhau này. Quả thật rất băn khoăn khi không biết nên dạy như thế nào khi đây cùng là sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5”.

Cô trò hoang mang vì bài đọc ở SGK lẫn lộn #039;trái#039;, #039;phải#039; - 1

Cụ thể, ở bài Tập đọc Phong cảnh đền Hùng ở tuần thứ 25, có đoạn:

“…Lăng của các vua Hùng kề bên đền Thượng, ẩn trong rừng cây xanh xanh. Đứng ở đây, nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp. Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương - con gái vua Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trôi cuồn cuộn…”

Đây là nội dung bài tập đọc này trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 tập 2 tái bản năm 2007 và năm 2014. Còn cũng sách giáo khoa này đan xen ở các năm 2006, 2013 thì những từ in đậm “bên phải” và “bên trái” trên lại được đảo chỗ cho nhau để miêu tả phong cảnh nơi đây.

Qua tìm hiểu của PV Infonet, khá nhiều thầy cô cho biết cũng đã phát hiện được điều kỳ lạ này trong quá trình giảng dạy, và việc miêu tả khác nhau ở từng năm xuất bản.

Vừa hoàn thành bài học tuần thứ 25 theo chương trình, cô giáo Hồ Thị Hà (giáo viên khối lớp 5 trường Tiểu học Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An) cũng cho biết: “Như lớp mình dạy cũng khoảng nửa lớp sách in bên phải, nửa còn lại sách lại in là bên trái. Có đoạn các em thắc mắc: “Cô ơi! Bạn ấy đọc sai!” hay “Sao sách con là “bên phải” mà bạn ấy lại đọc là “bên trái”? khiến mình cũng không biết trả lời thế nào cho thỏa đáng”

Theo cô Hà, như bản thân cô, do điều kiện địa lý xa, chưa có điều kiện được đến đền Hùng, thậm chí qua chia sẻ nhiều giáo viên đồng nghiệp dù có dịp đi rồi nhưng cũng không thể nhớ được, nên các cô giáo rất lưỡng lự trong việc chọn hướng dạy cuối cùng.

“Cuối cùng mình vẫn quyết định thống nhất chọn theo nội dung sách tái bản mới nhất năm 2014 để dạy cho các con ở bài học đó. Nhưng sau giờ học mình vẫn thấy rất phân vân với bài này sau khi liên tục nhận câu hỏi từ các con, ví dụ sách năm 2006 là bên trái, thì năm 2007 là bên phải, nhưng sách năm 2013 lại bên trái, rồi sách 2014 lại là bên phải”

Thậm chí, không ít thầy cô giáo lại cho rằng đây có thể là những lỗi sai chính tả hoặc do việc in ấn.

Để giải đáp thắc mắc của một số giáo viên tiểu học, PV Báo điện tử Infonet đã liên hệ với GS. Nguyễn Minh Thuyết, người là chủ biên của bộ SGK Tiếng Việt lớp 5.

Qua trao đổi, ông Thuyết cho biết: “Bài Phong cảnh đền Hùng trong SGK Tiếng Việt 5, tập 2 lấy lại văn bản trong SGK cải cách giáo dục năm 1984. Sau khi sách phát hành (năm 2006), chúng tôi nhận được góp ý của một giáo viên ở tỉnh Phú Thọ (nơi có Đền Hùng), là đứng từ đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nhìn về xuôi thì Ba Vì ở bên phải, còn Tam Đảo ở bên trái mới đúng. Tiếp thu ý kiến này, chúng tôi đã báo cáo Nhà xuất bản Giáo dục, và ngay từ năm 2007, chi tiết này đã được sửa lại.”

Cô trò hoang mang vì bài đọc ở SGK lẫn lộn #039;trái#039;, #039;phải#039; - 2

Ông Thuyết cũng cho hay: “Trong bản gốc của nhà văn Đoàn Minh Tuấn, nhà văn tả Ba Vì ở bên trái, còn Tam Đảo ở bên phải cũng đúng vì đó là nhìn theo hướng từ Hà Nội lên Phú Thọ. Tuy nhiên, có thể trong quá trình cắt bớt một số câu văn cho văn bản đỡ dài, câu mở đoạn lại là “Đứng ở đây [Đền Hùng], nhìn ra xa, phong cảnh thật là đẹp”. Nhìn theo hướng này, Ba Vì ở bên phải, Tam Đảo ở bên trái mới đúng.

Từ năm 2007 đến nay, không ai thắc mắc về chi tiết này nữa. Nhưng đến lần tái bản năm 2013, chi tiết “bên phải, bên trái” bỗng nhiên lại quay về giống như SGK năm 2006. Qua tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết lỗi là do các nhà in lấy nhầm phim cũ (phim in sách năm 2006, lẽ ra phải hủy). Ngay sau đó, Nhà xuất bản Giáo dục đã phát hiện ra lỗi và từ lần tái bản năm 2014 đã sửa đúng.”

Ngoài ra, theo lời khuyên của GS Thuyết, các thầy cô giáo nên dạy theo nội dung sách tái bản năm 2014, bởi ông theo ông, trừ trường hợp hãn hữu như bản in năm 2013, nhìn chung, sách mới bao giờ cũng là sách cập nhật thông tin nhất.

Theo Thanh Hùng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan