Do bố mẹ hay quát mắng, ép học quá sớm khiến con rơi vào tình trạng sốc tâm lý, tự hủy hoại bản thân bằng cách cắn cụt hết cả móng tay mà không thấy đau.
Mới đây, trên trang cá nhân của bà mẹ T.N., đã chia sẻ một dòng trạng thái thu hút được sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là những bậc phụ huynh đang trong độ tuổi đi học.
“Sáng đưa con đi khám. Lòng hối hận vô cùng, cả mệt mỏi nữa. Giờ chắc có khóc thì cũng chả giải quyết đc gì, vì tất cả là lỗi do cha mẹ quá đặt nhiều kỳ vọng và áp lực lên con cái. Tự nhiên thấy sợ chính mình và cách mình dạy con.
Bác sĩ chuẩn đoán cháu bị tự kỷ sốc tâm lý do bố mẹ hay quát mắng, bắt học quá sớm và chứng sợ đám đông sợ khoảng trống dẫn đến việc cắn cụt móng tay và không biết đau. Giờ ko biết nên làm gì nữa, thật sự mệt mỏi, mệt tất cả”, nguyên văn dòng chia sẻ của chị T.N.
Chia sẻ của chị T.N., nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh.
Theo chia sẻ của chị T.N., con trai chị năm nay 5 tuổi, đang chuẩn bị vào học lớp 1. Khi năm học mới sắp bắt đầu chị T.N., có thuê gia sư về nhà dạy chương trình lớp 1 cho con, đồng thời chị cũng tranh thủ thời gian để kèm cặp con.
Tuy nhiên, những lúc con chậm hiểu chị thường hay cáu rồi quát mắng con, nói những câu làm con tổn thương, từ đó khiến con bị ảnh hưởng đến tâm lý.
Trước câu chuyện của chị T.N., TS Vũ Thu Hương (khoa Giáo dục tiểu học – ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng, với một người làm giáo dục thì đây không phải là điều mới mẻ.
Theo TS Hương, hiện có rất nhiều cha mẹ đang suy nghĩ theo lối tư duy của người lớn, với một bộ não hoàn chỉnh. Vì thế, họ không thể biết được đứa trẻ mong manh sẽ bị tổn thương những gì từ việc bị quát mắng, ép học.
TS Vũ Thu Hương cho biết thêm, khi đứa trẻ bị tổn thương, bị sốc tâm lý sẽ có nhiều biểu hiện như: cắn móng tay, mút tay, mút môi, sờ soạng một bộ phận nào đó trên cơ thể…
Lớn dần, trẻ sẽ không có sự tự tin khi tiếp xúc với ai, sống khép kín, thậm chí lẩn tránh các giao tiếp vì luôn ám ảnh ý nghĩ mình kém cỏi hơn người khác.
Ngoài sốc tâm lý, con chị N. nhiều khả năng còn mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân.
Cũng liên quan đến vấn đề này, TS Dương Minh Tâm (Trưởng phòng điều trị stress - Viện Sức khỏe tâm thần) cho biết, cháu bé trên ngoài vấn đề về tâm lý thì còn có biểu hiện mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân.
“Dấu hiệu quan trọng để nhận biết người bệnh mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân so với các hội chứng tâm thần, trầm cảm khác là sau mỗi lần tự làm tổn hại bản thân mình, bệnh nhân lại thấy tâm trạng thoải mái hơn.
Vì thế, các bệnh nhân này có xu hướng tái diễn hành động tự hủy hoại bản thân nhiều lần mỗi khi ức chế hay bế tắc…đặc biệt người bệnh khi tự hủy hoại bản thân mình dù chảy máu nhưng lại không có cảm giác đau đớn”, TS Tâm cho hay.
BS Tâm khuyến cáo, khi phát hiện ra một người tự hủy hoại bản thân cần đưa đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần.
“Việc điều trị các vết thương trên thể xác do bệnh nhân tự hủy hoại không khó, song muốn trị khỏi hẳn bệnh thì cần phải tìm ra nguyên nhân khiến trẻ tự ngược đãi bản thân mới có hiệu quả”, TS Tâm nói.