Vì đánh giá cao thâm niên cũng như kinh nghiệm công tác của nhân viên này nên công ty đã đồng ý cho ông S nghỉ ốm để điều trị trầm cảm mà vẫn có lương, thưởng.
Nhân viên nghỉ ốm vì “trầm cảm”, công ty vẫn trả lương thưởng
Ông S (Trung Quốc) sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành về công nghệ điện đã gia nhập một công ty công nghệ. Sau 10 năm làm việc, công ty này đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông S. Năm 2020 là năm thứ 16 ông S làm việc tại đơn vị này.
Tháng 8/2020, ông S được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm, lo âu, mất ngủ. Từ đó, ông S liên tục nộp giấy khám bệnh cho công ty và xin nghỉ ốm, thời gian nghỉ ốm kéo dài đến tháng 1/2022 (17 tháng). Sau đó, ông S quay lại công ty để tiếp tục làm việc.
Sở dĩ công ty này chấp thuận cho ông S nghỉ ốm dài ngày là vì họ tin rằng dựa trên thâm niên công tác và kinh nghiệm làm việc của ông S, ông S có thể được hưởng thời gian chữa bệnh lên tới 18 tháng. Vì vậy, công ty luôn có thái độ tương đối bao dung và tạo điều kiện cho nhân viên S nghỉ ốm mà không bị ảnh hưởng nhiều về lương và phúc lợi.
Trong thời gian ông S nghỉ ốm, công ty này đã trả cho cho ông tổng cộng gần 400.000 nhân dân tệ (1,37 tỷ đồng), riêng mức lương cơ bản bình quân hàng tháng là hơn 20.000 nhân dân tệ (68 triệu đồng).
Ảnh minh họa.
Bí mật bại lộ
Tháng 3/2022, công ty kia tình cờ biết ông S đã đỗ chương trình Thạc sĩ Tâm lý học Ứng dụng (MAP) tại một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh trong thời gian nghỉ ốm và tiếp tục theo học tại trường. Sau khi phát hiện ra sự việc, chủ tịch công đoàn kiêm giám đốc nhân sự đã nói chuyện cụ thể với nhân viên S và nói rằng việc ông giấu điều này đã vi phạm nguyên tắc thiện chí và yêu cầu ông S giải thích. Ông S cho biết bản thân không có ý kiến gì về việc này.
Tìm hiểu thêm, công ty phát hiện ông S đã đăng ký thi Thạc sĩ Tâm lý học ứng dụng (MAP) tại một trường đại học danh tiếng ở Bắc Kinh vào tháng 10/2020 và tham gia Kỳ thi tuyển sinh Thạc sĩ Quốc gia năm 2021 vào tháng 12/2020. Sau đó, S bước vào phỏng vấn với số điểm thi viết gần 420 điểm, vượt qua kỳ thi vào tháng 3/2021 và trúng tuyển. Từ tháng 9/2021 đến tháng 1/2022, ông S theo học khóa Thạc sĩ Tâm lý học Ứng dụng (MAP) tại trường đại học danh tiếng kia.
Ngoài ra, theo nội dung giấy chẩn đoán do ông S nộp cho công ty trong thời gian ông S nghỉ chữa bệnh, ông S từng nhiều lần nói với bác sĩ rằng ông không thể tiếp tục làm việc với tình trạng "đỡ cáu kỉnh hơn trước, có thể xem TV, nửa đêm hay thức giấc, sau đó khó ngủ lại dậy, sau khi thức dậy khó ngủ và không thường xuyên uống viên natri valproate.”
Hơn nữa, trong khi ông S tiếp tục theo học tại trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh, ông tự tăng hoặc ngừng dùng thuốc, từ chối các xét nghiệm liên quan và nhiều hành vi khác không tuân theo chỉ dẫn điều trị của bác sĩ.
Xin nghỉ ốm rồi thi tuyển sinh sau đại học có phù hợp không?
Để xác nhận hành vi thi sau đại học, đăng ký học và tiếp tục học của ông S có phù hợp với mục đích xin nghỉ ốm hay không, công ty này đã tiến hành khảo sát và nhận tư vấn thêm về mối tương quan giữa hai việc này.
Sau khi tìm kiếm hồ sơ bệnh án của nhiều bệnh nhân trầm cảm, công ty nhận ra “các bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân trầm cảm đi làm”. Họ cũng tham khảo ý kiến của một giảng viên tại trường ông S theo học và được biết “việc chuẩn bị cho các kỳ thi sau đại học đòi hỏi yêu cầu về cả thể chất và tinh thần tương đối cao, tỷ lệ trúng tuyển đối với Thạc sĩ Tâm lý học Ứng dụng chưa đến 10%. Đối với những bệnh nhân không có chuyên môn về tâm lý học và mắc chứng trầm cảm ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc, việc chuẩn bị cho kỳ thi sau đại học sẽ tạo ra gánh nặng lớn cho thể chất và tinh thần của bệnh nhân”.
Giảng viên này cũng cho biết: "Đi học không phải là cách để chữa bệnh. Bệnh nhân nên đến bệnh viện để điều trị chính thức và đến trường sẽ chỉ gây thêm căng thẳng cho bệnh nhân. Hơn nữa, trường đại học này chưa có tiền lệ điều trị bệnh trầm cảm thông qua học tập, chỉ có tiền lệ là học sinh không thể tiếp tục theo học vì trầm cảm.”
Qua quá trình tìm hiểu và nhận tư vấn, phía công ty cho rằng ông S có đủ khả năng chuẩn bị cho kỳ thi, học tập cường độ cao thì xin nghỉ ốm và không thực hiện công việc hàng ngày là không hợp lý. Ông S xin nghỉ ốm không phải để chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, hành vi của ông không phù hợp với lý do, mục đích nghỉ việc.
Ngoài ra, việc ông S kiên quyết giấu cũng như không chịu giải thích sau khi bị phát hiện có nghĩa là ông S rõ ràng có ý đồ chủ quan. Họ cho rằng hành vi của ông S không chỉ vi phạm nghiêm trọng nội quy, quy định của công ty mà còn vi phạm nguyên tắc thiện chí, đạo đức nghề nghiệp và kỷ luật lao động của người lao động.
Nhân viên vi phạm kỷ luật bị sa thải liền kiện công ty
Tháng 3/2022, công ty này đã gửi cho ông S “Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động” với sự đồng ý của liên đoàn lao động. Sau đó, ông S nộp đơn kiện lên Ủy ban Trọng tài tranh chấp lao động vì cho rằng hành vi chấm dứt hợp đồng lao động của công ty là vi phạm pháp luật và yêu cầu công ty phải bồi thường. Cùng lúc đó, công ty cũng nộp đơn kiện ông S, yêu cầu ông phải trả lại lương cơ bản và các loại trợ cấp, phụ cấp đã nhận trong thời gian nghỉ ốm. Tuy nhiên yêu cầu của 2 phía đều không được ủng hộ. Đôi bên sau đó quyết định kiện nhau ra tòa.
Trong phiên xét xử vụ án tại Tòa án nhân dân quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc, ông S cho biết: “Sau khi được bác sĩ tư vấn, tôi nghĩ việc nghiên cứu tâm lý học sẽ có lợi cho quá trình điều trị bệnh nên tôi đã chọn đi thi tâm lý với thái độ thử sức thôi. Tôi là nghiên cứu sinh và chưa lấy bằng tốt nghiệp. Trong thời gian nghỉ ốm, tôi có uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khả năng học tập của tôi khác với người thường. Tôi đọc sách sau khi thức dậy, xem các dạng câu hỏi trên mạng cũng như bài giảng miễn phí của các giảng viên nổi tiếng. Trước khi thi, tôi mua một bộ đề thi mô phỏng của các giảng viên nổi tiếng và theo sát tình hình thời sự, chính trị”.
Phía công ty cho rằng việc luyện thi sau đại học đòi hỏi yêu cầu khá cao về thể chất và tâm lý. Với tư cách là nhân viên của công ty, ông S phải chấp nhận việc công ty quản lý nhân viên trong thời gian nghỉ ốm và hoạt động thi tuyển sinh sau đại học của ông trong thời gian nghỉ ốm phải được báo cáo và nhận được sự đồng ý của công ty. Hành vi không trung thực của ông S đã ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự công việc và quản lý kinh doanh của công ty.
Sau khi xét xử, tòa án ra phán quyết ông S phải trả lại cho công ty các khoản đã nhận với số tiền tương ứng là hơn 360.000 nhân dân tệ (1,23 tỷ đồng). Ông S không đồng tình với bản án trên nên kháng cáo và sau đó đôi bên đồng ý hòa giải, đạt được thỏa thuận. Ông S đã trả lại gần 200.000 nhân dân tệ (684 triệu đồng) tiền lương vượt mức cho công ty.