Thượng Hải, thành phố có hơn 25 triệu dân ở Trung Quốc, đang là điểm nóng của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới, với số ca nhiễm không ngừng tăng cao.
7 diễn biến
Số ca nhiễm Covid-19 ở Thượng Hải tăng cao kỷ lục 9 ngày liên tiếp
Hôm 10.4, nhà chức trách Thượng Hải đã cho 11.000 bệnh nhân khỏi Covid-19 xuất viện.
Wu Qianyu, quan chức cấp cao của ủy ban y tế công cộng thành phố, trả lời trong cuộc họp báo rằng những người được xuất viện sẽ cách ly tại nhà và không bị áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát.
“Cần thông báo cho nhà chức trách địa phương, rằng các bệnh nhân đã được phép về nhà”, ông Wu nói. “Cần giám sát sức khỏe của họ trong thời gian cách ly tại nhà”.
Thượng Hải vắng lặng trong những ngày phong tỏa toàn diện vì Covid-19.
Giới chức Thượng Hải không cho biết có bao nhiêu bệnh nhân khỏi Covid-19 từng bộc lộ triệu chứng.
Hôm 10.4, số ca nhiễm mới ở Thượng Hải trong 24 giờ tăng lên con số 24.944, mức cao kỷ lục trong 9 ngày liên tiếp số ca nhiễm không ngừng tăng.Thượng Hải, trung tâm kinh tế và tài chính của Trung Quốc, hiện đang trải qua đợt bùng phát biến thể Omicron, với tổng cộng hơn 179.000 ca nhiễm.
Ước tính khoảng 5.400 bệnh nhân bộc lộ triệu chứng và số còn lại là các ca nhiễm không triệu chứng. “Thượng Hải chưa đạt đỉnh về số ca nhiễm, có những lo ngại rằng thành phố sẽ còn bị phong tỏa trong nhiều tuần tới, tác động nặng nề đến nền kinh tế địa phương”, Wang Feng, chủ tịch của tập đoàn tài chính Ye Lang Capital có trụ sở tại Thượng Hải, nói. “Cộng đồng doanh nghiệp đang theo dõi sát sao tình hình”.
Zong Ming, Phó thị trưởng Thượng Hải nói thành phố sẽ áp dụng chiến lược phân vùng, để dỡ bỏ dần phong tỏa, nhưng chưa ấn định thời điểm thực hiện.
Những người sống trong “khu vực đề phòng” sẽ được ra ngoài mua nhu yếu phẩm, với số lượng khách hàng bị giới hạn. Thượng Hải đến nay đã trải qua 5 ngày phong tỏa trên phạm vi toàn thành phố.
Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022, nhưng nhiều khả năng sẽ không đạt được vì các quy định phòng dịch Covid-19.
Kể từ ngày 3.4, 25 triệu người dân Thượng Hải đã trải qua 6 lần xét nghiệm Covid-19 đại trà. Giới chức thành phố nói các đợt xét nghiệm trên diện rộng là cần thiết để xác định các ổ dịch và chấm dứt chuỗi lây nhiễm.
Chính quyền trung ương Trung Quốc cho biết, nước này vẫn áp dụng chiến lược “Zero Covid” và Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đã có mặt ở Thượng Hải từ ngày 2.4 để giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh.
Nguồn: http://danviet.vn/so-ca-nhiem-covid-19-o-thuong-hai-tang-cao-ky-luc-9-ngay-lien-tiep-50... Nguồn: http://danviet.vn/so-ca-nhiem-covid-19-o-thuong-hai-tang-cao-ky-luc-9-ngay-lien-tiep-502022104202916190.htm
TP.HCM thay đổi quan điểm về cách phòng, chống dịch COVID-19
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra 10 hoạt động trọng tâm trong quý II/2022, trong đó chú trọng thực hiện Nghị quyết số 38/NQ-CP về chương trình phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã soạn thảo một văn bản triển khai, trong đó thay đổi quan điểm phòng, chống dịch COVID-19 theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong.
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng kịch bản cho tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Bên cạnh đó, căn cứ tình hình dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, đồng thời sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn.
Song song với hoạt động phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế TP Hồ Chí Minh sẽ khởi động các đề án chuyển đổi số như lập hồ sơ sức khỏe điện tử người dân thành phố; hoàn thiện nền tảng số COVID-19 và phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm; hoàn chỉnh dữ liệu trên nền tảng tiêm ngừa vaccine COVID-19; triển khai ký số tại các đơn vị tiêm chủng… Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án y tế cộng đồng; triển khai Nghị quyết của HĐND Thành phố về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế và chính sách đặc thù cho tình nguyện viên (vừa được thông qua ngày 7/4/2022); củng cố công tác quản trị bệnh viện (nhân lực quản lý, mua sắm…); triển khai chương trình biệt phái hỗ trợ công tác quản trị bệnh viện; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý hành nghề y, dược tư nhân…
Dự kiến trong quý II/2022, ngành y tế sẽ khánh thành Bệnh viện Truyền máu Huyết học; đưa Bệnh viện Ung Bướu cơ sở mới đi vào hoạt động; triển khai khối nhà Trung tâm tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi đồng 1 đi vào hoạt động.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tp-ho-chi-minh-thay-doi-quan-diem-ve-cach-phong-chong-dich-co... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tp-ho-chi-minh-thay-doi-quan-diem-ve-cach-phong-chong-dich-covid-19-169220410072440294.htm
Hà Nội phát hiện hơn 2.200 ca COVID-19 mới
Cụ thể, 2.202 bệnh nhân mới ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 388 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Long Biên (145); Hoàng Mai (139); Sóc Sơn (138); Thanh Trì (124); Thanh Xuân (120).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay là 1.520.619 ca.Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, hiện toàn thành phố chỉ còn 150.681 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi (giảm gần 5.000 ca so với ngày trước đó).
Trong số này, 674 ca điều trị tại các bệnh viện (chiếm hơn 0,4%) và hiện không còn bệnh nhân điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố hay của các quận, huyện, thị xã. Còn lại 150.007 F0 theo dõi, cách ly tại nhà.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-phat-hien-hon-2200-ca-covid-19-moi-169220409173113468.... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-phat-hien-hon-2200-ca-covid-19-moi-169220409173113468.htm
TP.HCM chấn chỉnh tình trạng chênh lệch giá khám hậu COVID-19
Thực tế cho thấy, đợt dịch COVID-19 bùng phát mạnh kèm theo là số người nhiễm SARS-CoV-2 tăng cao khiến nhu cầu thăm khám các di chứng sau khi khỏi bệnh rất lớn. Để đáp ứng vấn đề này, nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng hậu COVID-19 tại các bệnh viện công lập, tư nhân ở TP.HCM ra đời với nhiều mức giá khám bệnh khác nhau.
Qua tìm hiểu, PV Báo Sức khỏe và Đời sống được biết, hầu hết các bệnh viện công lập ở TP.HCM hiện nay không có gói khám tổng quát hậu COVID-19. Theo đó, bệnh nhân cần trực tiếp tới khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, sau đó các bác sĩ mới chỉ định xét nghiệm tầm soát cụ thể.
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM giới thiệu 3 gói khám sức khỏe hậu COVID-19 cơ bản, nâng cao và chuyên sâu, lần lượt có giá là 2,1 triệu; 4,9 triệu và 7,4 triệu đồng.
Các gói khám gồm dịch vụ xét nghiệm phân tích máu xét nghiệm phát hiện và theo dõi tình trạng viêm, kiểm tra chức năng đông máu, tổn thương mô, đái tháo đường, đánh giá nguy cơ gout, chuyển hóa mỡ máu, tổn thương gan, thận, điện giải.
Riêng gói khám nâng cao và chuyên sâu có thêm các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh gồm điện tim, siêu âm tổng quát, siêu âm Doppler tim, chụp CT và MRI não - mạch não.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám hậu COVID-19 cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định đơn vị này hiện không có các gói khám tổng quát di chứng hậu COVID-19. Bệnh nhân cần trực tiếp tới khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, sau đó mới chỉ định xét nghiệm. Chi phí khám di chứng hậu COVID-19 ban đầu của Bệnh viện Chợ Rẫy là 38.700 đồng.
Riêng tại các bệnh viện công lập của TP.HCM như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới niêm yết giá khám ban đầu là 130.000 đồng. Tuy nhiên, nếu thực hiện các dịch vụ như xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh sẽ phải đóng tiền. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có 2 gói chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 cho trẻ em, trong đó, gói chăm sóc cho trẻ dưới 6 tuổi là 1,4 triệu đồng và trên 6 tuổi là 2,1 triệu đồng.
Tại các cơ sở y tế tư nhân như: Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn có 2 gói khám hậu COVID-19, trong đó, gói cơ bản giá 2 triệu đồng, gói nâng cao giá 6 triệu đồng. Còn Phòng khám Victoria niêm yết giá 6,3 triệu đồng cho gói khám. Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) có 2 gói khám tư vấn và điều trị COVID-19, gói cơ bản là 5,9 triệu đồng, gói nâng cao là 14,3 triệu đồng.
Riêng tại Bệnh viện FV, chương trình kiểm tra sức khỏe hậu COVID-19 hiện có 3 gói. Gói tiêu chuẩn là 9,8 triệu đồng, gói mở rộng là 16,4 triệu đồng và gói đặc biệt là 24,9 triệu đồng.
Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.Thủ Đức) là một trong những cơ sở y tế đầu tiên triển khai khám và điều trị di chứng hậu COVID-19 tại TP.HCM. Mỗi ngày, có khoảng 40-50 bệnh nhân cần can thiệp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và tâm lý. Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, bệnh viện tính phí khám hậu COVID-19 theo khung giá khám Nhà nước quy định với mức khám 120.000 đồng. Sau đó, tùy theo bệnh lý, triệu chứng thì bác sĩ sẽ chỉ định thêm các dịch vụ kỹ thuật khác, để tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân. Việc khám nói trên vẫn thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế.
Cũng theo bác sĩ Khanh, ở các bệnh viện có sự chênh lệch về giá, nhất là các bệnh viện tư nhân là do trong nội hàm các gói đó có những cận lâm sàng khác nhau. Khi xây dựng giá các gói này đều được công khai, nếu người dân tham khảo, đồng thuận thì thực hiện khám.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-chan-chinh-tinh-trang-chenh-lech-gia-kham-hau-covid-19-... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-chan-chinh-tinh-trang-chenh-lech-gia-kham-hau-covid-19-169220409085822662.htm
Dịch Covid-19 hôm nay: Số nhiễm mới và tử vong giảm sâu, cả nước thêm 34.140 F0
Về tình hình dịch Covid-19 hôm nay 9-4, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 8-4 đến 16 giờ ngày 9-4, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 34.140 ca nhiễm mới. Có 2 ca nhập cảnh và 34.138 ca ghi nhận trong nước (giảm 5.195 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 10.715 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (2.202), Bắc Giang (1.956), Nghệ An (1.656), Phú Thọ (1.652), Yên Bái (1.608), Lào Cai (1.544), Đắk Lắk (1.210), Bắc Kạn (1.118), Quảng Ninh (1.097), Quảng Bình (1.037), Lạng Sơn (990), Tuyên Quang (959), Vĩnh Phúc (954), Thái Bình (931), Hải Dương (820), Thái Nguyên (793), Bắc Ninh (720), Cao Bằng (708), TP HCM (636), Lâm Đồng (601), Hà Giang (589), Hưng Yên (538), Sơn La (520), Bình Dương (489), Hà Nam (456), Lai Châu (454), Vĩnh Long (450), Hà Tĩnh (445), Bình Định (430), Nam Định (410), Quảng Trị (408), Gia Lai (395), Hòa Bình (383), Ninh Bình (359), Bình Phước (356), Đắk Nông (348), Tây Ninh (332), Quảng Ngãi (322), Điện Biên (309), Bến Tre (283), Đà Nẵng (281), Cà Mau (278), Thừa Thiên Huế (251), Quảng Nam (251), Phú Yên (236), Thanh Hóa (226), Bà Rịa - Vũng Tàu (197), Hải Phòng (132), Khánh Hòa (119), Kiên Giang (116), Long An (94), Bình Thuận (90), An Giang (88), Trà Vinh (87), Bạc Liêu (67), Ninh Thuận (36), Kon Tum (27), Sóc Trăng (23), Cần Thơ (22), Đồng Nai (21), Đồng Tháp (15), Hậu Giang (10), Tiền Giang (3).
Bản đồ dịch Covid-19- Nguồn: Bộ Y tế
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (695), Bắc Giang (546), Yên Bái (507).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Lâm Đồng (601), TP HCM (193), Bình Dương (187).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 46.131 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.169.929 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 102.850 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.162.185 ca, trong đó có 8.494.715 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.520.081), TP HCM (601.116), Nghệ An (413.646), Bình Dương (381.381), Bắc Giang (372.998).
Trong ngày có 41.857 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 8.497.532 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.551 ca.
Trong 24 giờ qua cả nước ghi nhận 26 ca tử vong tại: Đắk Lắk (7 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (2), Kiên Giang (2), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hậu Giang (1), Lạng Sơn (1), Vĩnh Long (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 33 ca.
Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.794 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Ngày 8-4, có 216.244 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 208.460.812 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 191.235.861 liều: Mũi 1 là 71.380.925 liều; Mũi 2 là 68.483.665 liều; Mũi 3 là 1.505.511 liều; Mũi bổ sung là 15.003.297 liều; Mũi nhắc lại là 34.862.463 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.224.951 liều: Mũi 1 là 8.821.673 liều; Mũi 2 là 8.403.278 liều.
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-hom-nay-so-nhiem-moi-va-tu-vong-giam-sau-ca-n... Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-hom-nay-so-nhiem-moi-va-tu-vong-giam-sau-ca-nuoc-them-34140-f0-20220409173003709.htm
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chủ động ứng phó biến chủng Covid-19 mới
Ngày 9-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đã chủ trì phiên họp thứ 14 của ban chỉ đạo.
49% người từ 18 tuổi đã tiêm mũi 3
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch Covid-19 cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Đến hết quý I/2022, ước tính có 60% người từ 18 tuổi trở lên (40,4 triệu người) đủ thời gian để tiêm mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19; có 33,4 triệu người được tiêm mũi 3; tỉ lệ bao phủ mũi 3 cho người 18 tuổi trở lên là 49% (khoảng 83% số người 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm). Số liều vắc-xin phòng Covid-19 tiêm cho trẻ 12-17 tuổi là hơn 17 triệu, tỉ lệ bao phủ mũi 1 và 2 cho nhóm này lần lượt là 99,8% và 95,1%.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hơn 53 quốc gia có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ dưới 12 tuổi, trong đó có Mỹ và các nước Liên minh châu Âu. "Với các nguồn vắc-xin viện trợ và mua, việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi dự kiến hoàn thành trong quý II/2022" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần chuẩn bị cho tình huống biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Ảnh: NHẬT BẮC
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 chưa đạt hoàn toàn mục tiêu đề ra. Số lượng người mắc Covid-19 tăng cao, trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng. Một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc-xin, sau khi mắc Covid-19 có xu hướng không tiêm mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên.
Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục tăng cường vận động người dân tiêm vắc-xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để tránh bỏ sót. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vắc-xin.
Tiếp tục nghiên cứu tiêm mũi 4
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ - ngành theo dõi sát tình hình, diễn biến dịch bệnh trong nước và trên thế giới; bám sát khuyến cáo của các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học; kịp thời phát hiện, cảnh báo và có kịch bản sẵn sàng ứng phó với các diễn biến chưa dự báo được, như virus có thể thích ứng với vắc-xin, có thể xuất hiện các biến chủng mới hay dịch bệnh có thể phức tạp, khó lường hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh vắc-xin vẫn là vũ khí chiến lược, là "lá chắn" quan trọng nhất trong phòng chống dịch Covid-19, là nền tảng để thích ứng an toàn, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc-xin cho các đối tượng chỉ định; hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho trẻ 12-17 tuổi trong tháng 4; đẩy nhanh cung ứng vắc-xin, quyết tâm cao nhất để hoàn thành tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu việc tiêm mũi 4 cho các đối tượng chỉ định, nhất là các đối tượng rủi ro cao, vì hiệu quả miễn dịch của vắc-xin suy giảm theo thời gian.
Thủ tướng lưu ý phải tự chủ về thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, kit xét nghiệm để chuẩn bị cho tình huống biến chủng mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc trong nước trên tinh thần bám sát các quy định của pháp luật, khuyến cáo của các tổ chức quốc tế; bảo đảm về chuyên môn, khoa học. "Không để bị động, bất ngờ về vắc-xin, thuốc chữa bệnh, vật tư, sinh phẩm y tế trong bất cứ hoàn cảnh nào" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 4 về kịch bản, phương án ứng phó tình huống dịch bệnh có diễn biến mới, biến chủng mới lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Cùng với đó, ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch. Ngoài ra, xem xét, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội; tạo thuận lợi cho phát triển lĩnh vực y tế - nhất là về vắc-xin, thuốc điều trị, kit xét nghiệm, sinh phẩm, vật tư y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, vật tư y tế.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/chu-dong-ung-pho-bien-chung-covid-19-moi-20220409204409289.h... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su/chu-dong-ung-pho-bien-chung-covid-19-moi-20220409204409289.htm
Chuyên gia hàng đầu TQ chỉ ra nguyên nhân khiến Covid-19 bùng phát mạnh ở Thượng Hải
“Các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở Thượng Hải còn nhiều thiếu sót do chưa hiểu rõ đặc tính lây lan của biến chủng Omicron”, ông Chung Nam Sơn phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến với các quan chức y tế Trung Quốc, SCMP đưa tin hôm 9.4.
“Về tổng thể, Omicron dễ lây lan, có triệu chứng tương đối nhẹ và có tỷ lệ tử vong tương đối thấp so với biến chủng Delta. Nhưng chúng ta phải ngăn chặn nguồn lây nhiễm ngay từ đầu đợt bùng phát”, ông Chung lưu ý.
Thượng Hải vắng vẻ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 mới (ảnh: SCMP)
Theo ông Chung Nam Sơn, bất chấp dịch bệnh lây lan mạnh ở Thượng Hải, Trung Quốc có thể dần nới lỏng chiến lược “không Covid”.
“Trung Quốc chưa thể hoàn toàn mở cửa vì điều này có thể làm tăng số ca tử vong do dịch bệnh”, ông Chung nói.
Nhận xét của chuyên gia Chung Nam Sơn đưa ra trong bối cảnh Thượng Hải – thành phố hơn 25 triệu dân – trở thành tâm dịch lớn nhất ở Trung Quốc giữa đợt bùng phát mới.
Hôm 9.4, Thượng Hải ghi nhận thêm hơn 23.500 ca nhiễm Covid-19 mới sau 24 giờ, đa số các trường hợp không biểu hiện triệu chứng. Thượng Hải đang áp dụng lệnh hạn chế tiếp xúc nghiêm ngặt với nhiều khu dân cư bị phong tỏa nhằm ngăn chặn ổ dịch lây lan.
Cùng ngày, Phó Thị trưởng Thượng Hải Tôn Minh cho biết, thành phố sẽ xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ cư dân trong vài ngày tới. Dựa trên kết quả xét nghiệm, thành phố sẽ được phân thành 3 khu vực, bao gồm: Vùng phong tỏa, vùng kiểm soát và vùng cẩn trọng.
Theo Phó Thị trưởng Thượng Hải, chính quyền thành phố đã có một số thiếu sót trong phòng chống dịch bệnh.
“Rất nhiều công việc của chúng tôi làm chưa đủ tốt và chưa đáp ứng sự kỳ vọng của người dân. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để cải thiện”, bà Tôn Minh nói.
Bà Tôn Minh nhấn mạnh, hiện là thời điểm quan trọng nhất để Thượng Hải kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nguồn: http://danviet.vn/chuyen-gia-hang-dau-tq-chi-ra-nguyen-nhan-khien-covid-19-bung-phat-ma... Nguồn: http://danviet.vn/chuyen-gia-hang-dau-tq-chi-ra-nguyen-nhan-khien-covid-19-bung-phat-manh-o-thuong-hai-50202210455917623.htm