Dù được cách ly tại nhà nhưng có đến 23 người là F1, F2, F3, F4 dương tính có liên quan đến ca mắc Covid-19 ở Bình Định về từ tỉnh Bình Dương.
Ngày 10/8, ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Định thông tin về các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn. Ghi nhận có thêm một trường hợp dương tính Covid-19 tại xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, Bình Định có liên quan đến BN 215843 (16 tuổi; ngụ thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây) về từ tỉnh Bình Dương.
Như vậy, đến nay đã có 23 ca dương tính Covid-19 là các F1, F2, F3, F4 của BN 215843.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế Bình Định cho biết: Thời điểm hiện tại, đối với những công dân Bình Định từ TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và các vùng có dịch trở về phải cách ly tập trung 7 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 4 lần.
Một cô gái đi từ Bình Dương về cách ly tại nhà nhưng vẫn khiến hàng chục người trong và ngoài thôn dương tính Covid-19
Đó là do hiện tại số lượng người về từ vùng dịch ít. Còn trước kia, có thời điểm người về địa phương từ vùng dịch lên đến gần 2.000 người nên không thể cách ly tập trung được mà phải cách ly tại nhà.
Đối với trường hợp BN 215843 từ tỉnh Bình Dương về đến địa phương vào trưa 25/7 được cách ly tại nhà 14 ngày. Lấy mẫu xét nghiệm 4 lần.
"Không có quy định nào về việc bắt buộc người trong nhà phải cách ly hết. Trong ba đợt dịch trước, Bình Định vẫn tổ chức cách ly tại nhà đối với những người về từ vùng dịch nhưng không có ca dương tính nào. Đến đợt dịch thứ tư này, số ca nhiễm cả nước tăng cao nên nguy cơ những người về từ vùng dịch nhiễm Covid-19 cao hơn, nguy cơ người nhà bị lây nhiễm cũng rất cao.
Do đó, dù không có quy định nhưng vẫn yêu cầu người thân trong gia đình các trường hợp về từ vùng có dịch hạn chế tiếp xúc với người khác cũng như tiếp xúc với chính bệnh nhân để đề phòng lây nhiễm dịch bệnh cho chính mình và cộng đồng. Trường hợp cần thiết phải ra ngoài thì buộc tuân thủ nghiêm túc quy định về 5K. Đây là vấn đề nằm ở ý thức phòng chống dịch của mỗi người", ông Hùng chia sẻ.
Trong khi đó, trao đổi với PV về trường hợp về từ Bình Dương dương tính Covid-19, sau đó nhiều người tiếp xúc với bệnh nhân này và người nhà bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2, ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: Trưa 25/7, nữ bệnh nhân 215843 từ tỉnh Bình Dương về đến địa phương, sau đó được cách ly tại nhà. Kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 1 ngày 28/7, lần 2 ngày 31/7 đều âm tính SARS-CoV-2.
"Dù không có quy định về cách ly tại nhà, nhưng địa phương vẫn chủ động cho người thân của trường hợp này tự cách ly ở nhà trong 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần. Những ngày này người nhà cũng tuyệt đối không được ra ngoài. Tất cả kết quả đều âm tính với Covid-19. Từ ngày thứ 8 trở đi, người nhà bệnh nhân được ra ngoài để sản xuất, sinh hoạt nhưng phải đảm bảo quy định phòng dịch. Đây là quy định riêng của huyện để chủ động đảm bảo an toàn phòng dịch.
Nhưng mãi đến ngày cách ly thứ 14, bệnh nhân 215843 được làm xét nghiệm định kỳ bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mới cho kết quả dương tính nên chuyển cách ly tạm thời tại Trung tâm Y tế huyện Hoài Ân để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm RT-PCR ngày 8/8, bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2. Sau đó xét nghiệm phát hiện hàng chục trường hợp khác có tiếp xúc với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân dương tính", ông Khúc chia sẻ.
Theo ông Khúc, nguyên nhân của ổ dịch tại Ân Tường Tây có thể do bệnh nhân có tiếp xúc với người nhà, sau đó những người khác tiếp xúc với người nhà nạn nhân trong quá trình đi gặt lúa, đi chợ... dẫn đến lây nhiễm, còn bệnh nhân tuyệt đối được cách ly tại nhà chứ không đi đâu.
Trong đợt dịch vừa qua, rất nhiều trường hợp người Bình Định về từ vùng dịch dương tính với Covid-19
Cũng theo lãnh đạo huyện Hoài Ân, trên địa bàn hiện còn 1.177 trường hợp đang được cách ly tại nhà. Trong đó, người từ TP.HCM là 558, Bình Dương là 342, Đồng Nai là 29, còn lại là các tỉnh khác về.
"Sau ca lây nhiễm tại Ân Tường Tây, chúng tôi sẽ cho cách ly người thân các trường hợp về từ vùng dịch 14 ngày để đảm bảo an toàn", ông Khúc chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Hữu Khúc cũng cho biết, hiện tại bệnh nhân 215843 và người nhà và đa số những người trong xóm đều đã được đưa đi cách ly tập trung. Do đó, địa phương đã giao công an điều tra, nắm bắt tình hình để có hướng xử lý vụ việc.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, ngày 9/8, Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Bình Định thông tin về các trường hợp dương tính SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là ca bệnh gây chùm lây nhiễm tại Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định).
Cụ thể, trong 23 ca Covid-19 vừa được ghi nhận tại huyện Hoài Ân đều là người dân trong thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây. Trong đó, có 1 ca là nữ bệnh nhân 215843 (16 tuổi; ngụ thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây) về từ tỉnh Bình Dương, 22 ca còn lại đều là F1, F2, F3 và F4 của bệnh nhân này.
(Theo Báo Giao Thông)
Thứ trưởng Bộ Y tế nói về việc quá tải điều trị bệnh nhân Covid-19
Ngày 11-8, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã trả lời một số vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP HCM.
Trước câu hỏi về việc đáp ứng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết để đáp ứng điều trị, ngay từ rất sớm Bộ Y tế đã bàn với các địa phương dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị mọi phương án khi tình huống xấu hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trả lời báo chí tại cuộc họp báo ngày 11-8
"Tuy nhiên, thực tế có sự quá tải. Việc quá tải chủ yếu xảy ra ở tầng 3 tháp điều trị là chính. Trong khi đó, tầng 3 chúng ta có thể điều trị ở tuyến dưới. Trong công tác điều trị, chúng ta phân tầng các tầng điều trị, việc phân tầng là hết sức quan trọng" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay.
Theo ông Thuấn, một số bệnh nhân được phân vào tầng 3 điều trị nhưng hoàn toàn có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, ở bệnh viện tuyến huyện.
Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay cơ quan này đã phối hợp xây dựng các bệnh viện dã chiến, Trung tâm hồi sức cấp cứu dưới sự phụ trách của các Bệnh viện tuyến Trung ương tại TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Hiện Bộ Y tế đã chuyển 10.000 liều thuốc của Ấn Độ để kịp thời phục vụ công tác điều trị cho các tỉnh phía Nam. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng huy động 11.000 cán bộ y tế, sinh viên để hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam.
Về tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết cả nước đã tiêm được 11,4 triệu liều/18 triệu liều đã được cấp. Thứ trưởng cũng giải thích thêm rằng có thể số liệu đến hơi chậm so với số lượng người đã được tiêm thực tế.
TP HCM được cấp hơn 4 triệu liều, hiện số lượng tiêm đã chiếm trên 88,2%. "Trong hôm nay và ngày mai, TP HCM sẽ tiêm hết số vắc-xin được cấp, sau đó sẽ triển khai lượng vắc-xin mới. Tại Hà Nội được cấp gần 3 triệu liều, hiện đã tiêm được trên 1,5 triệu liều. Những ngày tới, Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm vắc-xin"- ông Thuấn cho hay.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã nhắc đến sự vất vả của lực lượng y tế trong công cuộc chiến đấu với dịch bệnh. Theo đó, lực lượng y tế đã gồng mình chống dịch từ Đà Nẵng, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang… và lần này là hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam.
"Hi vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành y tế, chúng ta sẽ sớm khống chế được dịch Covid-19"- ông Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
(Theo Người Lao Động)
Bình Định thuê 5 chuyến bay, tiếp tục đưa người dân ở TP.HCM về quê
Ngày 11/8, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long ký văn bản về việc tiếp tục đón người dân đang gặp khó khăn ở TP.HCM về địa phương bằng đường hàng không.
Trước đó từ giữa đến cuối tháng 7, tỉnh Bình Định đã tổ chức 4 chuyến bay đưa gần 1.000 người dân ở TP.HCM về quê.
Theo đó, bắt đầu từ 15/8, Bình Định sẽ tổ chức 5 chuyến bay, mỗi chuyến khoảng 190 người để đưa người dân Bình Định đang làm ăn, sinh sống, học tập có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nhu cầu trở về tỉnh.
Theo kế hoạch, tỉnh Bình Định sẽ phối hợp với Hội đồng hương Bình Định tại TP.HCM để lập danh sách những người thực sự đang khó khăn, không còn việc làm, không có thu nhập, chỗ ở để kịp thời hỗ trợ và lên kế hoạch đưa về quê.
Trước đó, từ các ngày 20, 23, 27 và 30/7, tỉnh Bình Định đã tổ chức 4 chuyến bay miễn phí đưa gần 1.000 người dân Bình Định ở TP.HCM về quê. Người dân sau khi về đến Bình Định được đưa đi cách ly tập trung 7 ngày, sau đó tiếp tục tái xét nghiệm sàng lọc, đủ điều kiện sẽ được chuyển về tiếp tục cách ly tại gia đình. Mọi chi phí liên quan đến vé máy bay, xét nghiệm COVID-19 sinh hoạt tại khu cách ly tập trung… phục vụ người dân sẽ được hỗ trợ 100% từ nguồn lực xã hội hóa.
(Theo Dân Việt)
TP HCM: Cần thêm 12.000 người chống dịch, đặc biệt bác sĩ chuyên hồi sức
Tối 11-8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết vừa ghi nhận thêm 1.288 ca nhiễm SARS-CoV-2. Tính từ 6 g đến 18 g 30 phút ngày 11-8, Bộ Y tế đã công bố 1.288 trường hợp nhiễm mới tại TP HCM. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27-4 đến nay, TP có tổng cộng 133.167 trường hợp mắc Covid-19 được công bố.
Nhân viên y tế tất bật công việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Theo HCDC, TP HCM hiện có gần 58.000 người đang công tác trong ngành y tế và hơn 20.000 người tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, còn tiếp nhận hơn 4.000 nhân sự từ 44 bệnh viện trực thuộc trung ương, các tỉnh thành và hơn 63.000 người đăng ký tình nguyện và từ các khối chính quyền, Đảng, đoàn thể.
TP vẫn cần bổ sung 12.000 người tham gia công tác phòng, chống dịch, lực lượng bác sĩ, điều dưỡng đủ trình độ khám, điều trị từ tầng 2 đến tầng 5, đặc biệt rất cần đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn về hồi sức, hồi sức tích cực, hồi sức nâng cao.
HCDC cho hay dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, TP HCM vẫn không quên gửi những món quà yêu thương đến người dân Phú Yên thông qua những chuyến xe chở hơn 15 tấn nhu yếu phẩm để gửi đến bà con Phú Yên tại khu phong tỏa, cách ly và đội ngũ y, bác sĩ cùng các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19. Đây là một hoạt động trong chuỗi hành trình "San sẻ yêu thương, chung tay cùng vượt qua đại dịch Covid-19" do Trung tâm Công tác xã hội Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức.
Từ cuối tháng 4, đợt dịch Covid-19 thứ 4 xảy ra đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế. Dẫu vậy, TP vẫn xác định giữ các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra với tinh thần, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn. TP đang tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân trên địa bàn, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9.
"Để sớm kiểm soát được dịch bệnh, mỗi người dân hãy thực hiện tốt nhất có thể các biện pháp phòng bệnh, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thông điệp 5K, tham gia tiêm chủng vắc-xin ngay khi đến lượt và cùng chung tay ngăn chặn sự lây lan của tin giả (fake news) trên mạng xã hội. Người dân và chính quyền hãy cùng nhau hành động để sớm đưa TP trở về trạng thái bình thường mới" - HCDC kêu gọi.
(Theo Người Lao Động)
Bất ngờ lời khai tài xế xe cứu thương "chặt chém" người nhà bệnh nhân Covid-19
Ngày 11/8, Công an quận Tân Bình (TP HCM) đang lấy lời khai của tài xế Nguyễn Duy Tâm (31 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước) để điều tra về hành vi "chặt chém" tiền của người nhà bệnh nhân mắc Covid-19.
Tại cơ quan điều tra, Tâm thừa nhận là tài xế điều khiển xe cứu thương mang BKS 51B-321.49 chở bệnh nhân từ phường 10, quận Tân Bình đến Bệnh viện Chợ Rẫy bị tố "chặt chém" người nhà bệnh nhân mắc Covid-19 vào ngày 10-8.
Ô tô cải trang thành xe cứu thương chặt chém người nhà bệnh nhân mắc Covid-19 bị công an tạm giữ
Bước đầu, Tâm khai được Công ty vận chuyển cấp cứu 115 Phía Đông có trụ sở tại TP Thủ Đức (không rõ địa chỉ cụ thể) điều phối đi nhận bệnh nhân Covid-19. Quá trình di chuyển, trên xe không có nhân viên y tế đi cùng mà 1 mình Tâm xử lý toàn bộ vụ việc. Mặc dù giá cả đã được thân nhân bệnh nhân thương lượng với công ty nhưng Tâm vẫn "chặt chém" đến 3,5 triệu đồng.
Do quá bức xúc người nhà bệnh nhân đã gọi vào đường dây nóng Công an quận Tân Bình phản ánh vụ việc. Cơ quan công an đã vào cuộc truy tìm tài xế và xe cứu thương đã xử lý.
Khoảng 18 giờ 25 phút, ngày 10-8, Công an phường 15, quận 8 tuần tra trên đường Lưu Hữu Phước thì phát hiện xe ô tô có đặc điểm giống với phương tiện đang bị truy tìm nên yêu cầu dừng lại kiểm tra. Thời điểm này, Tâm tiếp tục chở bệnh nhân mắc Covid-19 từ phường 15, quận 8, đi Bệnh viện Gia đình.
Tâm không xuất trình được căn cước công dân, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe nên tổ tuần tra tiến hành tạm giữ người và phương tiện để điều tra. Qua kiểm tra, công an xác định ô tô này là dòng xe 16 chỗ đã được cải trang thành xe cứu thương, gắn biển số giả để chở khách.
Riêng bệnh nhân Covid-19 đã được lực lượng chức năng quận 8 hỗ trợ, đưa đi cấp cứu.
Công an phường 15, quận 8, đã bàn giao người và tang vật cho Công an quận Tân Bình thụ lý theo thẩm quyền.
(Theo Người Lao Động)
Tìm được bệnh nhân COVID-19 nghiện ma túy nhảy lầu bỏ trốn khỏi bệnh viện ở Bình Thuận
Ngày 11/8, Công an thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, cho biết đã tìm được bệnh nhân COVID-19 nghiện ma túy nhảy lầu bỏ trốn khỏi bệnh viện.
Theo đó, sau nhiều giờ đồng hồ truy tìm, trưa cùng ngày, Công an thị xã La Gi đã tìm thấy L.Đ.K.T.H (39 tuổi, trú phường Bình Tân, thị xã La Gi) khi đối tượng này đang lẩn trốn tại nhà. Cơ quan chức năng đã bắt giữ và đưa H về nơi cách ly, điều trị COVID-19.
Trước đó, vào khoảng 20h ngày 10/8, H đang trong thời gian điều trị COVID-19 đã tự ý nhảy lầu bỏ trốn khỏi bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi.
Được biết, ngoài bị mắc COVID-19, H còn nghiện ma túy nặng.
Hiện ngành y tế đang điều tra dịch tễ để xác định những người tiếp xúc gần với bệnh nhân H trong thời gian người này bỏ trốn để đưa đi cách ly theo quy định.
Công an thị xã La Gi cho biết đang củng cố hồ sơ để sau khi bệnh nhân này khỏi bệnh sẽ xử lý theo các quy định.
Cách đây hơn 10 ngày, một bệnh nhân khác đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện Đa khoa khu vực La Gi cũng đã bỏ trốn và bị bắt giữ không lâu sau đó.
Cũng trong ngày 11/8, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký văn bản yêu cầu, tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thị xã La Gi theo Chỉ thị số 16.
(Theo Đời sống & Pháp luật)
Thanh Hóa: Thông tin mới nhất về nhân viên nhà hàng mắc COVID-19 sau khi hết cách ly và 3 lần xét nghiệm âm tính
Như thông tin đã đưa, bệnh nhân là nhân viên nhà hàng Lộc Nga, thị xã Bỉm Sơn được cách ly tập trung, khi có thông tin 1 ca mắc COVID-19 ở tỉnh ngoài có dừng lại ăn uống ở nhà hàng. Sau khi kết thúc cách ly 21 ngày, với 3 lần xét nghiệm âm tính, bệnh nhân được chuyển về theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Đến ngày thứ 7 được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính SARS-CoV-2 vào tối ngày 10/8.
Lực lượng chức năng lập chốt phong tỏa 80 hộ dân tại khu vực bệnh nhân sinh sống ở thôn Đồng Bồng, xã Hà Tiến
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin trên, lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại địa bàn tiến hành truy vết, rà soát, lập danh sách những người tiếp xúc gần với bệnh nhân để thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại đã truy vết được 12 trường hợp F1 và 47 trường hợp F2; lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, đưa đi cách ly tại khu cách ly của huyện theo quy định. Toàn bộ khu vực nhà bệnh nhân, các hộ liền kề và có yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh nhân đã được phun tiêu độc khử trùng và phong tỏa.
Tối ngày 11/8, CDC Thanh Hóa phát đi thông báo về 3 ca bệnh mới nhất đều có địa chỉ tại thị trấn Sao Vàng, mã BN234728, 234729 và 234730.
Trước đó, cả 3 bệnh nhân đều trở về từ thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau khi trở về địa phương, cả 3 người được cách ly tập trung theo quy định tại công sở xã Thọ Thắng cũ. Các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 11/8.
Như vậy, từ ngày 10/8 đến 18h ngày 11/8, Thanh Hoá ghi nhận 13 ca bệnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trong đợt dịch bùng phát thứ 4 này lên 151 ca; trong đó có 62 ca được điều trị khỏi ra viện; không có ca bệnh nặng và tử vong.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Bé trai 3 tuổi ở Hải Dương mắc COVID-19, xuất hiện 8 ổ dịch trên địa bàn
Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, sau hơn 40 ngày không có bệnh nhân mắc COVID-19 trong đợt dịch thứ 4, ngày 27/7/2021, tại tỉnh Hải Dương xuất hiện ca dương tính SARS-CoV-2, là người phụ nữ bán hàng ăn tại thị trấn Nam Sách, nguyên quán tại xã Thái Tân. Ngay sau đó, xã Thái Tân nhanh chóng trở thành ổ dịch khi có nhiều ca mắc.
Tính đến 17h chiều nay (11/8), trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có 5 huyện (Nam Sách, Kim Thành, Gia Lộc, Tứ Kỳ, Ninh Giang) và 2 thành phố (Chí Linh, TP. Hải Dương) có bệnh nhân mắc COVID-19 từ 27/7. Trong đó có đến 8 ổ dịch; riêng huyện Nam Sách có 2 ổ dịch (xã Thái Tân, xã Quốc Tuấn) và huyện Gia Lộc có 2 ổ dịch (xã Gia Khánh, xã Gia Tân).
Cũng trong ngày hôm nay, tại địa phương này có 4 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế đánh mã số ở huyện Kim Thành và huyện Gia Lộc. Đây là những ca bệnh thuộc F1 được cách ly tập trung từ trước, trong đó huyện Gia Lộc có 3 trường hợp và 1 bé trai 3 tuổi huyện Kim Thành.
1. Bệnh nhân 233023: Sinh năm 2018, trú tại thôn Hưng Hòa, xã Liên Hòa (huyện Kim Thành), là F1 (con trai) ca bệnh T.N.S. Ngày 10/8, công dân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
2. Bệnh nhân 233024: Sinh năm 1982, trú tại đội 1, thôn Bình Đê, xã Gia Khánh (huyện Gia Lộc), là F1 của 3 ca bệnh khác trong cùng một gia đình. Vào chiều 4/8 khi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng theo diện cộng đồng cho kết quả âm tính.
Ngày 6/8, công dân được cách ly tập trung tại Trường THCS Lê Thanh Nghị và lấy mẫu lần 2 âm tính. Đến ngày hôm sau, trường hợp này tiếp tục được lấy mẫu tại Bệnh viện Nhi Hải Dương khi đi chăm 2 con tại đây và cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, hôm qua công dân tiếp tục được nhân viên y tế lấy mẫu có kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
3. Bệnh nhân 233025: Sinh năm 2010, trú tại thôn Cao Lý, xã Gia Khánh (huyện Gia Lộc), là trường hợp F1 (cháu nội) của bệnh nhân N.T.T. Ngày 4/8, công dân được lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng và sáng hôm sau do trong mẫu chùm có 1 mẫu nghi ngờ nên bệnh nhân đã được lấy mẫu đơn cho kết quả âm tính.
Tuy nhiên, cùng thời điểm này, công dân nhận được thông tin bà nội dương tính với SARS-CoV-2 nên được Trạm Y tế ra quyết định cách ly tập trung tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Vào ngày hôm qua, trường hợp này được lấy mẫu lần 3 cho kết quả khẳng định dương tính với SARS-CoV-2.
4. Bệnh nhân 233026: Sinh năm 1948, trú tại đội 8, thôn Cao Lý, xã Gia Khánh (huyện Gia Lộc), là F1 (chồng) ca bệnh N.T.P. Chiều 4/8, trường hợp này đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng tại điểm xét nghiệm thôn Cao Lý cho kết quả âm tính.
Đến 6/8, bệnh nhân được xác định là F1 nên được lấy mẫu đơn xét nghiệm, sau đó được chuyển đi cách ly tập trung tại Trường THCS Lê Thanh Nghị. Vào sáng hôm qua, công dân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Hà Nội khẩn tìm người mua thịt, cá ở chợ Vĩnh Thịnh - Thanh Trì
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Thanh Trì thông báo tìm người có liên quan đến chợ Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì trong các ngày từ 25/7/2021 đến 31/7/2021.Theo đó, những người đến chợ Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì trong các ngày từ 25/7/2021 đến 31/7/2021, đặc biệt là người đến dãy hàng cá, hàng thịt gà, hàng rau, cần thực hiện ngay tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm y tế gần nhất hoặc liên hệ với Trung tâm y tế huyện Thanh Trì (khoa kiểm soát dịch bệnh, số điện thoại 0242.263.1408) hoặc gọi điện thoại đến CDC Hà Nội (số 0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn.
Trước đó, theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, đã ghi nhận nhiều trường hợp dương tính SARS-CoV-2 tại xã Đại Áng.
Ngày 8/8, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận trường hợp N.T.H, nữ, sinh năm 1993; P.T.T, nữ, sinh năm 1991; N.T.B, nữ, sinh năm 1986. Các bệnh nhân ở Vĩnh Thụy, Đại Áng, Thanh Trì, cùng là F1 của bệnh nhân N.T.C (mua hàng của F0), được cách ly tập trung và xét nghiệm lần 1 (âm tính) ngày 1/8. Ngày 6/8 xuất hiện sốt, đau họng, ngày 7/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
Ngày 9/8, ghi nhận thêm trường hợp N.T.T, nữ, sinh năm 1985, địa chỉ tại Đại Áng, Thanh Trì; là F1 bệnh nhân N.T.C (tiếp xúc tại chợ), ngày 1/8 được xét nghiệm lần 1 âm tính, chuyển cách ly tập trung. Ngày 7/8 có biểu hiện triệu chứng được xét nghiệm lần 2, ngày 9/8 có kết quả dương tính.
Đặc biệt, ngày 10/8, ghi nhận thêm một số trường hợp, gồm N.T.H, nữ, sinh năm 1991, địa chỉ tại Vĩnh Thịnh, Đại Áng, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.C. Ngày 1/8, được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển khu cách ly tập trung. Ngày 9/8, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
N.T.N, nữ, sinh năm 1984, địa chỉ tại Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.C. Ngày 1/8, được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển khu cách ly tập trung. Ngày 9/8, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính .
V.T.H, nữ, sinh năm 1981, địa chỉ tại Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.C. Ngày 1/8, được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển khu cách ly tập trung. Ngày 8/8, xuất hiện triệu chứng: ho, mất khứu giác. Ngày 9/8, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
Đ.T.N, nữ, sinh năm 1982, địa chỉ tại Vĩnh Quỳnh, Đại Áng, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.C. Ngày 1/8, được lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển khu cách ly tập trung. Ngày 8/8, xuất hiện ho, đau họng. Ngày 9/8, được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả dương tính.
N.T.L, nữ, sinh năm 1965, địa chỉ tại Vĩnh Thịnh, Đại Áng, Thanh Trì; là F1 của bệnh nhân N.T.C, đã xét nghiệm lần 1 (âm tính) và chuyển cách ly tập trung. Ngày 9/8 được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính.
(Theo Tiền Phong)
Thành vùng dịch lớn thứ 2 cả nước, Bình Dương đang điều trị F0 như thế nào?
(Theo Tiền Phong)
Thanh Hóa: Phong tỏa tạm thời 3 dây chuyền tại Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam
Sáng ngày 11/8, theo CDC Thanh Hóa, 3 ca bệnh vừa ghi nhận là những người về cùng chuyến xe với bệnh nhân ở xã Thọ Thanh, Thường Xuân. Trước khi về địa phương, cả 6 người đi cùng chuyến xe đều làm công nhân xây dựng ở Hà Nội và đã làm xét nghiệm test nhanh COVID-19 cho kết quả âm tính tại Bệnh viện Nam Thăng Long. Trong quá trình di chuyển, xe có dừng lại đổ xăng. Khi đi qua các trạm, các chốt trên đường, chỉ mình lái xe xuống làm thủ tục. Khi trở về địa phương, họ đều được cách ly tại hộ gia đình.
Trong chiều hôm qua (ngày 10/8), sau khi bệnh nhân ở Thọ Thanh, Thường Xuân có kết quả dương tính, cả 3 bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính vào đêm muộn ngày 10/8.
Công tác truy vết, khoanh vùng đang được lực lượng chức năng khẩn trương triển khai
Trong số 3 bệnh nhân vừa ghi nhận, có vợ của 1 bệnh nhân làm việc tại Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam, đóng tại Khu Công nghiệp xã Định Liên, huyện Yên Định. Lực lượng chức năng tiến hành truy vết bước đầu xác định có vợ của bệnh nhân (F1) làm tại phân xưởng Hoàn chỉnh 16.
Sáng ngày 8/8, vợ và con gái của bệnh nhân đi khám răng tại Khoa Răng - Hàm - Mặt thuộc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức Thành. Tại đây, F1 đã có tiếp xúc và ngồi trong phòng khám có 18 người. Số F2 có tiếp xúc với F1 có 18 người là bác sĩ, y tá, điều dưỡng và một số người đến khám răng.
Ngày 9/8, F1 là vợ của bệnh nhân cùng con trai đi làm bình thường tại xưởng, buổi trưa có ăn tại nhà ăn tại công ty, có 77 người làm cùng chuyền Hoàn chỉnh 16.
Trường hợp F1 là con trai bệnh nhân F0 làm tại phân xưởng May vi tính. Tại phân xưởng này có 62 người làm việc cùng. Từ ngày 8/8 đến ngày 10/8, đi làm bình thường tại xưởng.
Qua truy vết F2 liên quan đến 2 F1 này có 272 người, trong đó tại huyện Yên Định có 160 người. Với quan điểm chỉ đạo "Ai ở đâu ở đấy", huyện Yên Định đã phong toả tạm thời 3 dây chuyền tại Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam; phun khử khuẩn toàn bộ phân xưởng và khu vực mà 2 F1 từng di chuyển đến (trên 10.000 công nhân); tất cả F2 thực hiện cách ly tại nhà; thông báo các huyện có số F2 để thực hiện cách ly tại nhà, rà soát F3 theo quy định.
Huyện Thọ Xuân đã truy vết được 15F1 của 03 bệnh nhân, đã lấy mẫu chuyển về CDC Thanh Hóa xét nghiệm, cách ly tập trung 15F1 này theo quy định. Đồng thời quyết định tạm thời cách ly tại nhà toàn bộ thôn Cao Phú, Thành Vinh và Cốc Thôn, xã Trường Xuân để thực hiện biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19, thời gian bắt đầu từ 0h00 ngày 11/8 cho đến khi có kết quả đánh giá nguy cơ dịch của CDC Thanh Hóa.
(Theo Gia đình & Xã hội)
Cặp vợ chồng đi bộ dưới mưa từ Hà Nội về Hoà Bình chịu tang mẹ và hành động đẹp của tổ công tác chốt kiểm soát
Theo Công an TP. Hà Nội, sự việc xảy ra vào khoảng 17h chiều qua. Thời điểm đó Tổ công tác huyện Thanh Oai làm việc tại chốt kiểm soát Quốc lộ 21, khu vực thôn Thượng, xã Bích Hòa thấy một đôi nam, nữ, xách theo hành lý, đi bộ hướng Hà Đông về Thanh Oai. Lúc này, trời mưa rất to.
Qua kiểm tra, Tổ công tác được biết anh Bùi Văn Tá, 34 tuổi, trú tại xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình và vợ là chị Bùi Thị Hằng, 25 tuổi, trú tại xã Kim Bình, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Cả 2 làm thuê tại phường Định Công, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhưng do dịch Covid-19 phải nghỉ việc, không có xe về quê.
Do dịch Covid-19, cả hai phải nghỉ việc và cũng không có xe để về quê. Sáng cùng ngày 10/8, vợ chồng anh Tá nhận tin báo mẹ anh đang hấp hối ở nhà, anh chị phải về ngay.
Trước việc không thể đừng, anh chị đã đi bộ từ 9h sáng đến Bệnh viện 103 để làm xét nghiệm nhanh Sars-CoV-2 rồi tiếp tục đi bộ để về quê ở huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình.
Chứng kiến hoàn cảnh của anh Tá chị Hằng, Tổ công tác đã mời anh chị trú mưa trong chốt kiểm soát, rồi ăn cơm tối và hỗ trợ kinh phí, liên hệ người dân giúp anh chị đi nhờ xe, kịp về nhà trong đêm để chịu tang mẹ.
(Theo Người Đưa Tin)
Phong tỏa khu dân cư có nhân viên nhà hàng mắc Covid-19
Sáng ngày 11-8, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết tính từ 27-4 đến 18 giờ ngày 10-8, tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận có 145 trường hợp mắc Covid-19, trong đó đã điều trị khỏi ra viện 62 người.
Khu cách ly tập trung huyện Nông Cống, là một trong những địa phương đang có hàng ngàn người cách ly khi từ các tỉnh, TP về địa phương - Ảnh CDC Thanh Hóa
Cũng theo CDC tỉnh Thanh Hóa, trong ngày 10-8, địa phương này ghi nhận có thêm 7 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này có 6 trường hợp từ các nơi khác trở về địa phương, 1 trường hợp làm nhân viên nhà hàng tại thị xã Bỉm Sơn.
Cụ thể, tại huyện Nông Cống và Cẩm Thủy, ghi nhận 3 ca bệnh mới tại xã Công Liêm (Nông Cống, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy), các bệnh nhân trở về từ các tỉnh thành phía Nam đã được cách ly tập trung theo quy định.
Tại thị xã Nghi Sơn, một ca bệnh ngụ xã Hải Hòa, bệnh nhân trở về từ Tân Uyên, Bình Dương, được cách ly tập trung ở Khách sạn Thanh Còi. Quá trình cách ly, bệnh nhân đã lấy mẫu xét nghiệm 2 lần âm tính, đến ngày 9-8, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 có kết quả dương tính SARS-CoV-2.
Tại huyện Thường Xuân có 2 ca mắc mới, là công dân trở về từ TP Hà Nội và tỉnh Nam Định. Sau khi trở về địa phương, được cách ly tại hộ gia đình.
Đi siêu thị mua đồ nhậu, bị đề xuất phạt 7,5 triệu đồng
Thông tin ban đầu, khoảng 22 giờ 30 phút ngày 10-8, tổ công tác C1-911 tuần tra đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực giáp ranh quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn thì phát hiện một nam thanh niên chạy xe máy nghi ngờ vi phạm Chỉ thị 05 của TP Đà Nẵng về phòng chống dịch Covid-19.
Cán bộ tổ C1-911 yêu cầu phương tiện dừng lại để kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, thanh niên quay đầu xe bỏ chạy, rồi đưa xe máy vào một căn biệt thự nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan, phường Mỹ An.
Đào Mạnh H bị lực lượng 911 bắt giữ sau khi quay xe bỏ chạy
Xác minh nhanh, thanh niên tên Đào Mạnh H. (SN 1997, trú quận Lê Chân, TP Hải Phòng). H cho biết mình đang nhậu với "chiến hữu" thì hết "mồi" nên đến một siêu thị mini gần đó để mua đồ nhậu. Khi thấy cảnh sát, H. hoảng sợ nên quay xe bỏ chạy.
Kiểm tra hành chính, H. không xuất trình được giấy đi đường theo quy định. Ngoài ra, tổ công tác phát hiện một giấy triệu tập H. của Công an quận Hồng Bàng (Hải Phòng) liên quan đến một vụ gây rối trật tự công cộng tại địa phương. Bản thân H. cũng có một tiền án về tội "Cướp tài sản".
Ngay trong đêm, Tổ C1-911 đã lập biên bản và bàn giao H. cho công an địa phương để xử lý hành vi "ra ngoài đường không thuộc các trường hợp cho phép" theo Chỉ thị 05 và các hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ khác.
(Theo Người Lao Động)
Ba thợ xây từ Hà Nội về quê Thanh Hoá dương tính với SARS-CoV-2
Các bệnh nhân là nam, sinh năm 1973, 1992, 1990, là thợ xây. Trước khi về địa phương cả 3 công dân ở CT02, đường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.
Vào lúc 17 giờ 05 phút, ngày 7/8, 3 công dân này đi bằng xe ô tô 7 chỗ từ Hà Nội về xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân (trên xe có 6 người, trong đó đã ghi nhận 1 ca dương tính chiều 10/8).
Theo CDC Thanh Hoá thì trước khi về địa phương, cả 6 người đi cùng trên chuyến xe này đều làm công nhân xây dựng ở Hà Nội và đã làm xét nghiệm test nhanh COIVD-19 cho kết quả âm tính tại Bệnh viện Nam Thăng Long. Trong quá trình di chuyển có dừng lại đổ xăng và đi qua các trạm, các chốt trên đường chỉ mình lái xe xuống làm thủ tục.
Đến 22 giờ 25 phút ngày 7/8, về đến xã Trường Xuân và đến thẳng Trạm y tế xã Trường Xuân khai báo Y tế; sau khi khai báo y tế xong thì trạm y tế hướng dẫn cách ly y tế tại nhà và lấy mẫu xét nghiệm gửi CDC Thanh Hoá theo quy định.
15 giờ 30 ngày 10/8, sau khi nhận được thông báo của CDCThanh Hoá về trường hợp công dân ở huyện Thường Xuân dương tính với SARS-CoV-2, có liên quan đến 3 công dân của xã Trường Xuân (đi cùng chuyến xe); Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Thọ Xuân ban hành Quyết định và đưa người vào Khu cách ly tập trung của huyện tại khu cách ly công sở xã Thọ Thắng cũ; đồng thời triển khai thực hiện truy vết các F2, F3 theo quy định.
21 giờ 30, ngày 10/8/2021, kết quả xét nghiệm của 3 công dân này dương tính với SARS-CoV-2 và đã được chuyển về Cơ sở điều trị số 1 tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cách ly, điều trị.
Huyện Thọ Xuân đã quyết định tạm thời cách ly tại nhà toàn bộ thôn Cao Phú, Thành Vinh và Cốc Thôn, xã Trường Xuân để thực hiện biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVId -19, thời gian bắt đầu từ 0 giờ 00, ngày 11/8/2021 cho đến khi có kết quả đánh giá nguy cơ dịch của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa.
Kết quả điều tra truy vết liên quan đến 3 ca bệnh, tính đến 2 giờ ngày 11/8, trên địa bàn xã có 10 trường hợp F1 và 32 F2. Địa phương đang tiếp tục truy vết, khoanh vùng tất cả các trường hợp F1, F2, F3 có liên quan.
(Theo Tiền Phong)
Hà Nội xét nghiệm sàng lọc COVID-19 diện rộng toàn thành phố
Ngày 10/8, UBND TP.Hà Nội có kế hoạch triển khai xét nghiệm diện rộng để chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Cụ thể, TP tập trung mọi nguồn lực, tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội để thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, đảm bảo an toàn ở mức tối đa, truy vết, bóc tách triệt để F0, kiểm soát không để dịch bệnh lây lân, bùng phát. Đảm bảo xét nghiệm đúng, trúng khu vực nguy cơ, nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân.
Theo UBND TP.Hà Nội, từ ngày 9/8 đến ngày 15-17/8, TP sẽ tập trung thực hiện xét nghiệm với tổng số khoảng 1.300.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR. Phạm vi xét nghiệm cho toàn bộ người dân tại “nhóm đỏ”, người có ho, sốt, khó thở qua khai báo y tế. Xét nghiệm cho “nhóm da cam” bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, lực lượng tham gia phòng, chống dịch, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng thực phẩm, chợ, siêu thị, lái xe, người giao hàng, bảo vệ toà nhà. Trên cơ sở chỉ định chuyên môn dịch tễ xét nghiệm “vùng xanh” theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi hộ gia đình đại diện 1 mẫu.
Song song với việc xét nghiệm RT-PCR, các địa phương chủ động triển khai test nhanh theo hướng dẫn của CDC Hà Nội, dự kiến thực hiện 2 triệu test nhanh.
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu Sở Y tế chủ trì điều phối việc phân luồng xét nghiệm trên toàn địa bàn TP. Giao CDC Hà Nội điều tra dịch tễ và chỉ định vùng nguy cơ, nhóm nguy cơ, số lượng mẫu xét nghiệm cần thực hiện. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu bệnh phẩm theo quy định, bảo đảm đầy đủ điều kiện để thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm.
Chính quyền địa phương phối hợp trong công tác lập danh sách, lấy mẫu, hỗ trợ lực lượng và huy động sự tham gia của lực lượng chức năng, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện yêu cầu xét nghiệm sàng lọc COVID-19, giám sát việc lấy mẫu đảm bảo an toàn tối đa, không để xảy ra lây nhiễm chéo.
(Theo Dân Việt)