COVID-19 14/9: Vừa cho mở cửa nhà hàng quán ăn, một địa phương hỏa tốc yêu cầu dừng nới lỏng

HÀ ANH - Ngày 14/09/2021 12:10 PM (GMT+7)

Văn bản điều chỉnh được ban hành cùng ngày, trong đó cho phép nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ từ ngày 0h ngày 15/9, sẽ không có hiệu lực.

TP Hải Dương hoả tốc yêu cầu dừng việc nới lỏng giãn cách xã hội

Ngày 13/9, Chủ tịch UBND TP Hải Dương ban hành quyết định 5708 về việc điều chỉnh áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới. Một trong những điểm mới của quyết định này là cho phép mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đó cho phép các nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ, đảm bảo giãn cách xã hội.

Tuy vậy, văn bản này chỉ có giá trị trong vài tiếng, tới tối 13/9, Chủ tịch UBND TP Hải Dương Trần Hồ Đăng ký văn bản hỏa tốc thông báo chỉ đạo tạm dừng các chỉ đạo tại quyết định số 5708.

Hải Dương tiếp tục cấm hàng ăn uống phục vụ tại chỗ

Hải Dương tiếp tục cấm hàng ăn uống phục vụ tại chỗ

“Việc này để bảo đảm tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch và chuẩn bị điều kiện cần thiết cho việc áp dụng các biện pháp mới theo chỉ đạo của UBND, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh”, văn bản điều chỉnh nêu lý do.

Như vậy, các quyết định nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 15/9, trong đó cho phép nhà hàng, quán ăn được phục vụ tại chỗ, sẽ không có hiệu lực.

TP Hải Dương tiếp tục áp dụng biện pháp chống dịch theo 2 quyết định được ban hành vào ngày 26/8 và 7/9. Theo đó, yêu cầu người dân giữ khoảng cách tổi thiểu 2 m khi tiếp xúc.

Thành phố tiếp tục dừng tổ chức đám cưới, đám hỏi; không tổ chức ăn uống tập trung đông người tại các đám hiếu; dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, phòng hát giao lưu văn nghệ; quán bar, vũ trường; quán game, Internet, rạp chiếu phim; bể bơi dịch vụ; massage, tẩm quất, vật lý trị liệu.

Nhà hàng, quán ăn uống không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang về trong thời gian từ 5h đến 22h hàng ngày. Dịch vụ cắt tóc và các hoạt động kinh doanh, phục vụ sản xuất như thi công công trình xây dựng, hàng hóa, quần áo, giày dép… được hoạt động.

Lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thể dục, thể thao, sự kiện văn hóa không tập trung quá 10 người cả trong và ngoài nhà, tại công viên, vườn hoa, nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

Trước đó, ngay sau khi có thông tin TP Hải Dương ban hành quyết định 5708, nhiều người ở TP Hải Dương háo hức, chia xẻ thông tin trên mạng xã hội. Một số chủ hàng ăn đã chuẩn bị mua thực phẩm, chuẩn bị “mở hàng” trở lại sau thời gian dài đóng cửa.

Theo CDC Hải Dương, tính đến ngày 13/9, tỉnh trải qua 23 ngày liên tiếp không có ca mắc Covid-19 mới. Từ ngày 28/7 đến 13/9, Hải Dương có 137 ca mắc Covid-19, trong đó 126 bệnh nhân đã được ra viện.

(Theo Báo Giao Thông)

TP.HCM: Sau ngày 30-9, không cần giấy đi đường

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình tối 13-9 đã "đăng đàn" giải đáp thắc mắc của người dân về kế hoạch chống dịch và phục hồi kinh tế của TP HCM sau ngày 15-9 qua chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời".

Câu hỏi đầu tiên người dân TP HCM gửi đến Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình là lộ trình nới lỏng giãn cách của TP HCM sau ngày 15-9 như thế nào.

Trả lời, ông Lê Hòa Bình cho biết TP đã có dự thảo kế hoạch. Chiều 14-9, UBND TP sẽ trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM để có quyết định thông qua. Theo kế hoạch, lộ trình từ ngày 16-9 đến 31-10 sẽ có thêm giai đoạn từ ngày 16-9 đến 30-9. Đây sẽ là "giai đoạn thử nghiệm thí điểm" ở quận 7, Củ Chi và Cần Giờ.

Để thực hiện lộ trình này, ông Lê Hòa Bình cho biết TP HCM đã có sự chuẩn bị với những bước đi chắc chắn. Từ ngày 7-9, TP HCM đã có bước chuẩn bị và có quyết định điều chỉnh việc di chuyển hàng hóa, bảo đảm mở lại cửa hàng bán mang về, mở các điểm trung chuyển tại chợ đầu mối... Riêng về hoạt động của shipper, từ ngày 16-9, TP HCM sẽ cho lực lượng này hoạt động liên quận với điều kiện là phải bảo đảm an toàn phòng chống dịch. TP tiếp tục hỗ trợ kinh phí xét nghiệm cho shipper.

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (giữa), giải đáp thắc mắc của người dân tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”

Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM (giữa), giải đáp thắc mắc của người dân tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời”

Trước câu hỏi về việc cho phép người dân về quê, ông Lê Hòa Bình khẳng định TP rất sẵn sàng hỗ trợ người dân có nhu cầu về quê. Tuy nhiên phải giữ nguyên tắc "có người đưa đi, có người đón về". Tức là chỉ cần địa phương của người dân xác nhận đón người hồi hương, TP HCM sẽ hỗ trợ các vấn đề vắc-xin, xét nghiệm để người dân di chuyển. Còn nếu không có người đưa đi và đón về thì người dân không được qua chốt kiểm soát.

Liên quan đến việc di chuyển của người dân sau ngày 30-9, Phó Chủ tịch UBND TP thông tin sau thời gian này, TP HCM không áp dụng giấy đi đường nữa mà sẽ có một app (ứng dụng) di chuyển do công an quản lý. Dữ liệu người dân sẽ được cập nhật lên app này, ai đủ điều kiện an toàn ra đường (tiêm vắc-xin, điểm đến an toàn, tuân thủ 5K...) sẽ được di chuyển mà không cần giấy đi đường.

Trả lời câu hỏi về tiêu chí đánh giá mức độ an toàn khi TP HCM có chủ trương mở cửa cho doanh nghiệp an toàn, điểm đến an toàn, người dân an toàn, ông Lê Hòa Bình cho biết TP sẽ xây dựng bộ 8 tiêu chí của 8 ngành là công thương, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, lao động - xã hội... Nếu các doanh nghiệp bảo đảm các tiêu chí đó thì sẽ được đánh giá là sản xuất an toàn. Đồng thời, doanh nghiệp phải duy trì phương thức sản xuất được TP HCM vận hành là "3 tại chỗ", "một cung đường, hai điểm đến", 4 xanh… Bộ tiêu chí này sẽ được triển khai thí điểm đến ngày 30-9 ở địa phương đã công bố kiểm soát được dịch, có thể mở rộng thêm ở Khu Chế xuất Tân Thuận và Khu Công nghệ cao.

"Quan điểm của lãnh đạo TP HCM là an toàn tới đâu, mở cửa tới đó. An toàn mới mở cửa. Mọi bước đi của TP HCM thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho tính mạng người dân, sau đó là khôi phục và phát triển kinh tế" - ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Thông tin thêm về việc xây dựng công trình đô thị, Phó Chủ tịch Lê Hòa Bình cho biết sau ngày 30-9, các công trình chắc chắn sẽ hoạt động trở lại nhưng hoạt động theo đúng bộ tiêu chí về an toàn đã được TP xây dựng và sẽ ban hành thời gian tới.

(Theo Người lao động)

TP HCM: Thí điểm cấp mã QR cho người dân 3 quận, huyện để làm việc an toàn

Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM vừa có văn bản UBND quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ; Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp; Ban Quản lý khu Công nghệ cao về triển khai thí điểm nền tảng ứng dụng thống nhất hỗ trợ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Sở Y tế để phát triển nền tảng khai báo y tế điện tử của TP HCM (Y tế HCM) thành nền tảng ứng dụng thống nhất để phục vụ người dân tham gia sản xuất, kinh doanh, lưu thông trong điều kiện phòng chống dịch Covid-19.

Mỗi người dân được cấp một mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh (Y tế HCM). Trong trường hợp người dân không dùng điện thoại thông minh thì sẽ được cấp mã số qua tin nhắn điện thoại (SMS) hoặc được cơ quan Nhà nước, đơn vị sử dụng lao động in mã QR ra thẻ.

Các thông tin chính gắn với mã QR cá nhân gồm: khai báo y tếl; lịch sử tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 1, mũi 2); kết quả xét nghiệm; thông tin theo dõi sức khỏe tại nhà (dành cho F0 cách ly tại nhà).

Người dân thực hiện khai báo y tế điện tử trên ứng dụng điện thoại di động hoặc truy cập địa chỉ https://khaibaoyte.tphcm.gov.vn/ trước khi ra đường.

Mã QR hoặc mã số sẽ được dùng để xuất trình tại trạm kiểm soát; trụ sở sản xuất kinh doanh; các nơi kiểm soát ra vào theo quy định như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán thực phẩm... F0 cách ly tại nhà cũng sẽ khai báo sức khỏe trên ứng dụng này.

Đơn vị sản xuất, kinh doanh sẽ lập và duyệt danh sách người lao động được tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo số lượng và điều kiện của UBND TP Thủ Đức, quận, huyện. Doanh nghiệp kiểm tra người ra vào tại khu vực cần kiểm soát; kiểm tra, giám sát yếu tố dịch tễ khi phát hiện các cảnh báo từ hệ thống.

Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị các đơn vị xây dựng kế hoạch thí điểm ứng dụng nền tảng trong phạm vi quản lý của đơn vị, lập danh sách đối tượng dự kiến tham gia thí điểm và gửi về Sở Thông tin và Truyền thông trong ngày 14-9.

Ứng dụng "Y tế HCM" được triển khai trên nguyên tắc liên thông, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, các nền tảng công nghệ phòng chống dịch của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế thông qua nền tảng kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) và TP HCM (HCM LGSP).

Nền tảng sử dụng mã QR cá nhân thống nhất quốc gia, dùng chung giữa các ứng dụng như Bluezone, NCOVI, VHD, VNEID.

Trước đó, tại buổi họp báo chiều 13-9, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đình Thắng cho biết các cơ quan Trung ương và TP HCM đã thống nhất quan điểm gom chung các ứng dụng kiểm soát dịch bệnh, giám sát di chuyển thành một ứng dụng duy nhất trong thời gian tới. Ứng dụng này sẽ tích hợp các dữ liệu đầy đủ của người sử dụng về tiêm chủng vắc-xin, khai báo y tế...

Sau khi ứng dụng trên được Trung ương thông qua, TP HCM sẽ thí điểm triển khai tại một số địa bàn an toàn, đang từng bước mở lại các hoạt động như quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ.

(Theo Người Lao Động)

Thế giới ghi nhận 103.000 ca mắc COVID-19 hiện đang trong tình trạng nguy kịch

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến sáng 14/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu là 225.943.674 ca, trong đó có 4.651.105 người tử vong.

Các nước cũng ghi nhận trên 201 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 19 triệu ca và trên 103.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 13/9, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 81 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 42.013.330 ca mắc và 679.287 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 443.300 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó có 587.000 ca tử vong.

Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 70.000 ca, trong khi 24h qua, Nga có số ca tử vong cao nhất (trên 700).

(Theo Tiền Phong)

Trung Quốc: F0 nhiễm biến thể Delta dù đã qua 21 ngày cách ly, 9 lần âm tính

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 14/9 thông báo nước này ghi nhận thêm 92 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, trong đó 59 ca trong nước (tăng 37 ca so với ngày hôm trước) và tất cả đều ở tỉnh Phúc Kiến.

Tỉnh Phúc Kiến đang là tâm điểm của đợt dịch mới ở Trung Quốc, sau khi các ca F0 đầu tiên được ghi nhận hôm 10/9 tại thành phố Phủ Điền của tình này. Dịch sau đó đã lan sang các thành phố khác của tỉnh như Hạ Môn, Tuyền Châu.

Hiện đợt dịch tại tỉnh Phúc Kiến đã ghi nhận hơn 100 ca nhiễm COVID-19 chỉ sau 4 ngày, trong đó có nhiều ca bệnh là học sinh từ độ tuổi 9-12.

Người dân Phúc Kiến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Baidu

Người dân Phúc Kiến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Baidu

Biến thể Delta được xác nhận là nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch lần này ở Trung Quốc, xuất phát từ một người đàn ông họ Lâm trở về từ Singapore.

Lâm trước đó đã trải qua 21 ngày cách ly tập trung với 9 lần xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, gần 1 tuần sau khi trở về địa phương, Lâm cùng con gái và 1 số người khác xác nhận nhiễm COVID-19. Điều này đặt ra nhiều nghi vấn cho giới chức địa phương, bởi biến thể Delta có tải trọng lớn và thời gian khởi phát ngắn, tuy nhiên Lâm lại có thời gian ủ bệnh cực dài trước khi được phát hiện. Hiện vấn đề này vẫn chưa thể kết luận, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Đối với trường hợp của Lâm, Dương Chiêm Thu, giáo sư tại Viện virus học thuộc khoa Y Đại học Vũ Hán, lại đưa ra góc nhìn khác và cho rằng Lâm có thể bị nhiễm bệnh trong quá trình cách ly.

"Đây là một trường hợp quá hiếm, không thể kết luận rằng anh ấy có thời gian ủ bệnh kỳ dài", ông Dương nhấn mạnh.

Giới chức y tế Phúc Kiến cũng cho rằng không loại trừ khả năng lô thuốc thử phát hiện chủng biến thể delta này "không phát hiện được virus một cách hiệu quả", vì vậy thuốc thử phát hiện cần được nâng cấp kịp thời.

Theo Thời báo Hoàn Cầu, nhóm nghiên cứu của Giáo sư Hoàng Sâm Trung nhận định rằng tình hình lây lan có thể xảy ra của đợt dịch này "vẫn chưa rõ ràng". Nhóm nghiên cứu căn cứ quy luật dịch tễ và kinh nghiệm chống dịch trong nước, đưa ra dự đoán thời điểm “đỉnh dịch” có thể xuất hiện trước ngày 19/9.

Dẫu vậy, các chuyên gia nước này đánh giá đợt dịch mới ở thành phố Phủ Điển (tỉnh Phúc Kiến) sẽ không lớn hơn đợt dịch ở thành phố Nam Kinh (tỉnh Giang Tô) hồi tháng 7-8 và sẽ được kiểm soát vào khoảng ngày 26/9, tức trước ngày Quốc khánh Trung Quốc (1/10).

Kim Đông Nhạn, chuyên gia virus học của trường Đại học Hong Kong cho hay: "Hiện tại, quy mô đợt dịch ở Phủ Điền sẽ không lớn hơn ở Nam Kinh. Các ca lây nhiễm hiện tại về cơ bản là ở các cụm quy mô nhỏ và đều nội tỉnh. Đợt dịch này sẽ được kiểm soát trước ngày Quốc khánh".

Nhóm công tác của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cũng tự tin cho rằng, bằng kinh nghiệm và các biện pháp chống dịch hiệu quả trước đây, dự kiến ​​quy mô của dịch sẽ được khống chế trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh nước này.

Đợt dịch mới xảy ra sau khi Trung Quốc vừa mới kiểm soát thành công đợt bùng dịch cũng do biến thể Delta tại thành phố Nam Kinh.

Theo The Paper, đợt dịch khi đó xuất phát từ một sân bay quốc tế thành phố Nam Kinh hôm 20/7, rồi lây lan ra hơn 40 tỉnh, thành lớn nhỏ ở Trung Quốc, khiến 820 người bị nhiễm bệnh (tính đến hết 13/9). Đây được xem là đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất tại Trung Quốc kể từ sau đợt dịch Vú Hán hồi đầu năm 2020.

(Theo Người Đưa Tin)

Đồng Nai chia vùng chống dịch, cho phép người tiêm vắc xin sau 14 ngày được ra đường

Ngày 14/9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Đồng Nai đã làm việc với 11 huyện, thành phố trong tỉnh, để đưa ra phương án phòng chống dịch sau ngày 20/9.

Thực hiện kế hoạch cho lộ trình trở lại bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra 14 biện pháp quy định về số lượng người tập trung trong nhà, ngoài trời; hoạt động tôn giáo; lưu thông, vận chuyển hàng hóa; sản xuất kinh doanh các dịch vụi thiết yếu, xây dựng; hoạt động cơ quan, công sở; hoạt động thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng; hoạt động vui chơi, giải trí; đi lại của người dân… Các biện pháp được thực hiện dựa theo việ phân chia từng vùng đỏ, cam, vàng, xanh.

Cụ thể, khu vực nguy cơ rất cao (vùng đỏ) vẫn áp dụng Chỉ thị 16. Nếu trên 70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin ít nhất 1 liều và trên 20% người tiêm đủ liều thì sẽ áp dụng Chỉ thị 15.

Ở khu vực nguy cơ cao (vùng cam) áp dụng Chỉ thị 16, nhưng nếu có 60- 70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin ít nhất 1 liều và trên 20% người tiêm đủ liều thì sẽ áp dụng Chỉ thị 15. Nếu trên 70% người được tiêm vắc xin thì sẽ áp dụng Chỉ thị 19.

Ở khu vực nguy cơ (vùng vàng), nếu 60 -70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin ít nhất 1 liều và trên 20% người tiêm đủ liều thì sẽ áp dụng Chỉ thị 15; trên 70% người được tiêm vắc xin thì sẽ áp dụng bình thường mới.

Ở khu vực bình thường mới (vùng xanh) áp dụng Chỉ thị 15; trường hợp 60- 70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin ít nhất 1 liều và trên 20% người tiêm đủ liều sẽ áp dụng Chỉ thị 19; nếu 60 -70% người trên 18 tuổi được tiêm vắc xin ít nhất 1 liều và trên 20% người tiêm đủ liều thì áp dụng bình thường mới.

Các hoạt động như lễ hội, sự kiện, hoạt động giải trí, tham quan, du lịch vẫn dừng hoàn toàn ở các vùng đỏ, cam, vàng.

Người dân lưu thông, tham gia các hoạt động xã hội đều phải đảm bảo tiêu chí đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc ít nhất tiêm một mũi sau 14 ngày.

UBND tỉnh Đồng Nai cũng quy định lộ trình trở lại bình thường mới sẽ do UBND các huyện, thành phố quyết định. Các biện pháp mới sẽ áp dụng thực hiên từ 0 giờ ngày 20/9, quyết định trên nguyên tắc đánh giá về tình hình dịch, mức độ nguy cơ , tiêu chí kiểm soát dịch, tỷ lệ tiêm vắc xin.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp cho nên "không thể cùng lúc mở cửa hết được", mà phải dựa trên nguyên tắc nới lõng giản cách xã hội ở vùng xanh, khoanh hẹp, khóa chặt vùng vàng, cam, đỏ, từng bước bình thường mới trở lại và thực hiện đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người dân.

(Theo Tiền Phong)

Phát hiện ổ dịch COVID-19 ở Quy Nhơn: Tạm đình chỉ công tác Bí thư, Chủ tịch phường

Ngày 13/9, Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Bí thư Đảng ủy phường Hải Cảng Nguyễn Văn Nghị.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam cũng đã ký quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Chủ tịch UBND phường Hải Cảng Nguyễn Quang Thanh.

COVID-19 14/9: Vừa cho mở cửa nhà hàng quán ăn, một địa phương hỏa tốc yêu cầu dừng nới lỏng - 4

Ông Nghị, ông Thanh bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày (kể từ 12h ngày 13/9) để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Bình Định, Sở Y tế tỉnh này cho hay, ngày 12/9 địa phương phát hiện ổ dịch liên quan trường hợp lái xe tải dường dài ở phường Hải Cảng.

Đến nay đã xét nghiệm phát hiện 29 ca dương tính SARS-CoV-2 tại 4 phường: Hải Cảng (23 trường hợp), Trần Hưng Đạo (3 trường hợp), Đống Đa (2) và Ngô Mây (1). Sáng 13/9 tiếp tục ghi nhận 1 trường hợp F1 test nhanh dương tính liên quan đến ổ dịch này.

Tính đến ngày 13/9, Bình Định đã phát hiện 905 ca nhiễm, có 680 ca đã được chữa khỏi, 10 ca tử vong.

Phó Chủ tịch Hà Nội: Vùng 2, 3 có thể sản xuất, kinh doanh ngay từ bây giờ

Ngày 14/9, báo cáo tại buổi giao ban của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, hiện TP còn 7 chùm ca bệnh. Riêng ngày 14/9, có thêm 1 địa điểm phong tỏa, nâng tổng số điểm hiện còn phong tỏa trên toàn TP lên 79 điểm.

Theo ông Hưng, TP hiện còn khoảng 4.700 người cách ly tập trung, đã điều trị 3.892 F0, trong đó đang điều trị 1.028 bệnh nhân F0. Về công tác xét nghiệm, tính đến 14h ngày 14/9, đã lấy 3.262.000 mẫu, trong đó có 2.227.000 mẫu PCR và hơn 1.000.000 test nhanh.

Đến nay, thành phố đã được phân bổ 5.359.000 liều vắc xin. Ngày 14/9, đã tiêm được 127.000 liều, cộng dồn đã tiêm được 56,3% dân số. 

Kết luận tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, đến nay về công tác xét nghiệm diện rộng và tiêm chủng của TP cơ bản đạt tiến độ, có địa phương đã về đích công việc này, các địa phương còn lại cần tiếp tục tăng cường tiến độ.

Ông Dũng đề nghị trong những ngày sắp tới, các quận, huyện tiếp tục xét nghiệm theo đúng kế hoạch để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, tiêm phủ vắc xin mũi 1 theo đúng kế hoạch và tiêm mũi 2 trên cơ sở vắc xin được phân bổ. Các quận, huyện phải thông báo cho người dân tiêm chủng đúng thời gian, đúng đối tượng được tiêm vắc xin, trả lời, giải thích rõ ràng ngay tránh gây bức xúc cho người dân.

“Ngày hôm nay tôi nhận được một phản ánh của công dân quận Hoàng Mai đến tiêm chủng mũi 2 vắc xin nhưng khi đến nơi, người này khai báo chưa đủ 8 tuần nên phải quay về cho nên việc thông báo chúng ta lưu ý để tránh gây bức xúc cho người dân”, ông Dũng nêu dẫn chứng.

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng cho biết, địa phương phải tuyên truyền để người dân hiểu vắc xin sớm nhất là vắc xin tốt nhất. Đặc biệt, các địa phương triển khai nhanh nhưng phải an toàn, không để xảy ra tập trung đông người, mất kiểm soát, thành phố đã có ý kiến về một số địa bàn có tình trạng này. Ngày mai là ngày cuối cùng thực hiện tiêm chủng theo kế hoạch, đề nghị các địa phương, các cơ quan liên quan tập trung làm tốt.

Theo ông Dũng, ngoài ra, các địa phương tiếp tục triển khai một cách hiệu quả, xây dựng các kịch bản, phương án trong thời gian sắp tới và sau ngày 15/9, thành phố sẽ triển khai nới lỏng một số hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng gợi ý, phân vùng 2, 3 ngay từ bây giờ có thể mạnh dạn triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Dũng cũng cho biết, còn các khu vực phát sinh F0 phải xét nghiệm thần tốc để sau khi hoàn thành xét nghiệm, tiêm vắc xin thì thu hẹp nhất vùng nguy cơ, quản lý chặt chẽ.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng cũng đề nghị Công an Thành phố phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, Sở Thông tin và Truyền thông để tích hợp các phần mềm dùng chung trong phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo thuận tiện nhất cho người dân.

(Theo Dân Việt)

Tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM ngày 14/9

Tính từ 17h ngày 13/9 đến 17h ngày 14/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 6.312 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 (F0) tại TP.HCM, tăng 866 ca so với số liệu hôm trước (ngày 13/9).

Như vậy, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay), TP.HCM đã có tổng cộng 309.787 F0 được công bố. Trong đó, chỉ tính riêng 68 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg vừa qua (từ ngày 9/7 đến nay), số F0 đã vượt 300.000 ca, chính xác là 300.721 trường hợp nhiễm bệnh.

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM tăng, giảm theo các ngày, từ ngày 9/7 đến ngày 14/9.

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM tăng, giảm theo các ngày, từ ngày 9/7 đến ngày 14/9.

Cùng ngày, số liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM cho biết, thêm 199 bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM tử vong và thêm 3.100 trường hợp đã xuất viện. Số mũi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong ngày cũng ghi nhận ở mức cao với 177.119 mũi, nâng tổng số mũi tiêm từ ngày 27/4 đến nay lên gần 7,9 triệu liều.

Nói về tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM trong một cuộc họp vào ngày 14/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, đến nay, TP.HCM đã đạt những kết quả trong việc thực hiện giãn cách xã hội: Xét nghiệm diện rộng và triển khai "thần tốc", điều trị bệnh nhân COVID-19 (nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong), đảm bảo an sinh xã hội (nhiệm vụ trọng yếu); vắc-xin, thuốc điều trị (nhiệm vụ chiến lược).

Ông Nguyễn Văn Nên chỉ rõ, nguyên nhân có khách quan, có chủ quan, kể cả những bài học kinh nghiệm cũng cần phân tích, mổ xẻ, nhất là những cách làm hay, chủ động linh hoạt sáng tạo, mô hình mang lại hiệu quả. Qua đó tìm giải pháp quyết tâm trong thời gian tới, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hay và khắc phục những mặt hạn chế yếu kém.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết thêm, TP.HCM đã xin ý kiến Thủ tướng và được thống nhất tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần Chỉ thị 16. Riêng những địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh thì từng bước mở dần theo nguyên tắc "an toàn là trên hết", không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn.

Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 16/9, các shipper tại TP.HCM sẽ được chạy liên quận huyện, với điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch và tiếp tục được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí đến ngày 30/9. TP.HCM cũng đang nghiên cứu áp dụng một ứng dụng duy nhất để người dân tự khai báo, tự cập nhật dữ liệu vắc-xin và di chuyển mà không cần phải xin và trình giấy đi đường.

Sau đợt hỗ trợ 1 và 2, TP.HCM sẽ tiếp tục hỗ trợ đợt 3 cho người dân sau ngày 15/9. UBND TP.HCM đã thống nhất đối tượng được hỗ trợ đợt 3 gồm: Người lao động mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn (không phân biệt người có hộ khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú) đang có mặt tại các phường, xã, thị trấn.

Đồng thời, Thành phố cũng sẽ cân nhắc xem xét hỗ trợ cho người già, trẻ em, cha, mẹ, vợ, chồng, con (ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc) của người lao động bị mất việc, đang có mặt trên địa bàn TP.HCM tại thời điểm khảo sát, lập danh sách.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), tiêm phủ vắc-xin là chìa khóa quan trọng để khôi phục trạng thái bình thường mới và mở rộng kinh tế xã hội. Thành phố đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 để 100% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1. Đồng thời, tổ chức tiêm mũi 2 cho các trường hợp đến thời gian tiêm mũi 2 của vắc-xin.

HCDC khuyến nghị người dân hãy theo dõi thông tin tổ chức tiêm chủng trên địa bàn quận/huyện, phường/xã và thực hiện tiêm ngay khi đến lượt. Ngay cả khi đã được tiêm vắc-xin, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, đảm bảo giãn cách giữa người với người.

(Theo Dân Việt)

Hà Nội lắp camera quét mã QR tại 67 chốt kiểm soát

Ngày 14/9, Công an thành phố Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai lắp đặt các camera quét mã QR code tại 67 Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trước khi tham gia giao thông, công dân kê khai đầy đủ thông tin cá nhân bằng điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối internet tại địa chỉ http://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn hoặc trên ứng dụng VNEID. Sau khi kê khai đầy đủ, hệ thống cho phép xuất/lưu mã QR. Khi công dân đi qua các chốt kiểm soát chỉ cần xuất trình mã QR để cán bộ đối chiếu.

Hệ thống camera quét mã QR được hỗ trợ hoàn toàn trên nền tảng ứng dụng của Bộ Công an tại trang kiemdich.dancuquocgia.gov.vn cài đặt đơn giản và thời gian quét rất nhanh trong khoảng từ 2-5 giây.

Camera có dây nối kéo dài, được đặt cố định giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gây nguy cơ lây nhiễm, tiết kiệm thời gian và bảo đảm cho công dân đi chuyển an toàn... Sau khi quét, hệ thống của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) sẽ tự động kiểm tra thông tin. Đây là các phần mềm được xác thực bởi hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể xác định được các trường hợp F0, F1 và những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin để hạn chế hoặc cho phép công dân nhanh chóng qua chốt; góp phần phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.

Trung tá Đinh Ngọc Đạo - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông số 1, Công an TP.Hà Nội cho biết, mã QR được xuất/lưu trên các ứng dụng này có giá trị trong vòng 72 tiếng, phục vụ cho quá trình đi lại của công dân được thuận tiện, nhanh chóng.

Theo trung tá Đạo, ứng dụng phần mềm VNEID và trang Web sức khỏe dân cư quốc gia với giao diện dễ sử dụng, tạo tiện lợi hơn cho người dân, tăng tốc độ xử lý tự động của hệ thống kiểm soát di chuyển, giúp xử lý nhanh chóng thông tin, tránh ùn tắc tại các chốt.

(Theo Dân Việt)

Long An: Người tiêm 2 mũi vaccine được qua chốt kiểm soát

UBND tỉnh Long An vừa ban hành văn bản áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Theo UBND tỉnh Long An, sau gần hai tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên phạm vi toàn tỉnh, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với một số địa phương đến hết ngày 20-9.

Theo đó các Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định số 2225 ngày 28-5 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Đặc biệt tuân thủ nghiêm các quy định về số người vào cùng một thời điểm không quá 20; Người được tiêm đủ hai mũi vaccine được phép lưu thông, di chuyển trong phạm vị nội huyện...

Các địa phương tiếp tục duy trì các trạm, chốt đối ngoại giữa huyện với huyện, giữa xã vùng xanh với xã vùng đỏ. Tháo dỡ các trạm, chốt trong nội bộ xã vùng xanh khi không thật sự cần thiết. UBND tỉnh giao UBND các huyện chịu trách nhiệm rà soát, xác định việc duy trì các trạm, chốt trên địa bàn.

Tỉnh cũng áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 trên địa bàn thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Trụ, Châu Thành, Đức Huệ. Thời gian áp dụng kể từ 0 giờ ngày 14-9 cho đến khi có thông báo mới.

Các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng gồm không tập trung trên 10 người ngoài phạm vi công sở và trường học, bệnh viện; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp.

Dừng các hoạt động hội họp, hội thảo, sự kiện không thật sự cần thiết tập trung trên 20 người trong một phòng. Dừng tất cả các hoạt động thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; Dừng các nghi lễ tôn giáo, hoạt động tập trung trên 20 người tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, đám tang, đám cưới; Dừng hoạt động của chợ truyền thống.

Về giao thông công cộng: Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh và nội tỉnh, trừ xe đưa rước công nhân. Tỉnh giao Sở GTVT có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể. Trong đó lưu ý có phương án tổ chức hoạt động các bến khách ngang sông phục vụ đi, lại của người dân và công nhân lao động cho phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Về lưu thông, việc vận chuyển hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng hóa được hoạt động, lưu thông nội tỉnh, liên tỉnh khi đã được cấp phép (hoặc mã QR). UBND tỉnh Long An giao Sở GTVT có văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.

Về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu: Cơ sở dịch vụ ăn, uống, giải khát được hoạt động nhưng chỉ phục vụ mang về, không phục vụ tại chỗ và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám chữa bệnh, tang lễ... được hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Riêng các hoạt động, dịch vụ không thiết yếu như karaoke, vũ trường, spa, quán bar, massage, xông hơi, phòng tập thể hình (gym), yoga, điểm kinh doanh trò chơi điện tử công cộng; câu lạc bộ bida, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, câu lạc bộ khiêu vũ, các điểm truy cập Internet; các cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu... tiếp tục dừng hoạt động.

UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại các vị trí ra, vào giữa các địa phương trong tỉnh và giữa các địa phương trong tỉnh với các địa phương thuộc các tỉnh, TP lân cận.

Các trường hợp được ưu tiên lưu thông qua các trạm, chốt kiểm soát, gồm  Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; Thành viên Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; Lực lượng tham gia phòng, chống dịch; Lực lượng cung ứng thuốc, vật tư y tế, bảo trì các trang thiết bị y tế, nhân viên y tế tại các cơ sở y tế; Lực lượng hỗ trợ, cứu trợ theo điều phối của Tiểu ban hậu cần và cứu trợ. Đặc biệt, người đã tiêm đủ hai mũi vaccine được lưu thông qua chốt kiểm soát.

Tuy nhiên khi lưu thông các trạm, chốt kiểm soát phải xuất trình thẻ ngành, thẻ công chức, viên chức, giấy đi đường, giấy nhận diện phương tiện luồng xanh hoặc giấy xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sở GTVT chịu trách nhiệm hướng dẫn, cấp giấy chứng nhận phương tiện luồng xanh theo quy định, kể cả các xe điều tiền của các ngân hàng.

Sở Công Thương chịu trách nhiệm hướng dẫn, cấp giấy xác nhận đối với các trường hợp đơn vị cung cấp lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp thiết yếu khác trong phạm vi liên tỉnh.

UBND các huyện, thị xã, TP chịu trách nhiệm hướng dẫn, cấp giấy xác nhận đối với các trường hợp đơn vị, nhân viên giao hàng, cung cấp lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu và các trường hợp khác theo thẩm quyền quản lý trong phạm vi nội huyện và liên huyện.

(Theo Pháp luật TPHCM)

Thủ tướng đồng ý để TP HCM giãn cách thêm 2 tuần

Ngày 14-9, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025) khai mạc. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị. Đại diện Trung ương tham dự có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 và thảo luận, cho ý kiến về tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM về kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP từ sau 15-9.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Việt Dũng

Đến nay, TP HCM đã đạt những kết quả trong việc thực hiện giãn cách xã hội: Xét nghiệm diện rộng và triển khai "thần tốc"; điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 - nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là giảm tử vong; đảm bảo an sinh xã hội - nhiệm vụ trọng yếu; về tiêm vắc-xin, thuốc điều trị, TP HCM xác định là nhiệm vụ chiến lược trong phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Nên chỉ rõ, nguyên nhân có khách quan, có chủ quan, kể cả những bài học kinh nghiệm cũng cần phân tích, mổ xẻ, nhất là những cách làm hay, chủ động linh hoạt sáng tạo, mô hình mang lại hiệu quả… Qua đó tìm giải pháp quyết tâm trong thời gian tới, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình hay và khắc phục những mặt hạn chế yếu kém.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết TP HCM đã xin ý kiến Thủ tướng và được thống nhất tiếp tục thực hiện giãn cách thêm 2 tuần theo tinh thần Chỉ thị 16. Đa số các địa phương chưa đạt cho nên TP cần tiếp tục thực hiện giãn cách. Trong đó, những địa phương đã kiểm soát được thì từng bước mở dần theo nguyên tắc an toàn là trên hết, không chủ quan nôn nóng, làm chặt chẽ, chắc chắn.

Bí thư Thành ủy TP HCM gợi ý vấn đề để hội nghị thảo luận là những nơi có thể mở được thì cần chủ động thực hiện theo thẩm quyền được giao, quận - huyện là cấp quyết định nới giãn cách theo thẩm quyền. Còn những địa phương chủ động thực hiện "bình thường mới" sau ngày 15-9, cần nghiên cứu thực hiện theo thẩm quyền thế nào, còn đề xuất những vướng mắc ra sao?...

Tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đánh giá công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP HCM đã đạt được những kết quả tích cực. Việc xây dựng mỗi xã, phường, thị trấn là "pháo đài" chống dịch, mỗi người dân là "một chiến sĩ" trong phòng chống dịch đã đạt được kết quả nhất định. Người dân đồng thuận, chấp hành tốt, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội. Nhiều sáng kiến, mô hình hay từ các pháo đài. Trong thời gian tới, TP tiếp tục duy trì phương thức lãnh đạo, chỉ đạo tại các "pháo đài", thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ở "pháo đài" để củng cố hơn nữa kết quả phòng chống dịch vào cuối tháng 9.

TP đã có nhiều nỗ lực và kịp thời điều chỉnh khi triển khai các hoạt động. Trong quá trình điều chỉnh, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sau tuần đầu tiên tăng cường siết chặt giãn cách, TP HCM đã điều chỉnh nới lỏng cho shipper hoạt động, sau đó cho rộng thời gian hoạt động của hệ thống siêu thị, mở cửa một số dịch vụ sau ngày 6-9. Một số địa phương có sáng kiến, mô hình hay trong cung ứng hàng hóa cho người dân. Những việc này đã góp phần làm giảm áp lực trong cung ứng hàng hóa và đáp ứng nhu cầu tiếp cận hàng hóa của người dân.

Về gói an sinh, đến nay, các xã, phường, thị trấn đã chi xong gói 1 và đạt 98% gói 2 theo danh sách.

Trong việc cung hàng hóa và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian tới, TP HCM tiếp tục mở rộng hệ thống cung ứng hàng hóa, phát huy hoạt động của lực lượng shipper. Trước mắt là từ nay đến cuối tháng 9-2021, shipper sẽ hoạt động liên quận và người dân ở các vùng kiểm soát được dịch sẽ trực tiếp đi chợ theo quy định của địa phương. Về gói an sinh, sẽ tập trung phát dứt điểm cho các hộ còn lại trong danh sách gói 1, gói 2 và chuẩn bị triển khai gói 3...

(Theo Người lao động)

Bình Dương thêm 2 vùng xanh về trạng thái bình thường mới sau hơn 60 ngày bị 'khoá chặt'​​​​​​​

Sáng 14/9, TX Bến Cát (Bình Dương) công bố “vùng xanh” để bắt đầu trạng thái bình thường mới. Như vậy, sau hơn 60 ngày bị khóa chặt từ “vùng đỏ” xuống “vùng vàng”, TX Bến Cát đã trở thành địa phương thứ 6 ở Bình Dương được xanh hóa.

Thống kê ca mắc những ngày qua, cho thấy TX Bến Cát vẫn còn ghi nhận nhiều F0. Tuy nhiên, F0 hầu hết nằm trong khu vực bị phong tỏa, khu cách ly. Mặc dù trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TX Bến Cát nói riêng và các địa phương “vùng xanh” ở Bình Dương đều đang trong trạng thái kiểm soát dịch ở mức cao nhất.

Các trường hợp được lưu thông ngoài đường phải đảm bảo điều kiện đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc 1 mũi sau 14 ngày. Cùng với đó, tiểu thương, người đi mua hàng… đều phải xét nghiệm âm tính.

Việc TX Bến Cát trở thành “vùng xanh” có ý nghĩa rất lớn trong lưu thông liên huyện khi địa phương này đang nằm giữa các “vùng xanh” phía Bắc đã được công bố trước đó.

Tính đến nay có 6/9 địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương công bố “vùng xanh”, thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội gồm: Bàu Bàng, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một và TX Bến Cát.

Tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 160.669 ca mắc COVID-19; 1.420 ca tử vong và 113.749 bệnh nhân xuất viện về nhà.

Toàn tỉnh này có 37.729 người đang cách ly tập trung và 4.121 bệnh nhân F0 đang cách ly tại nhà; có 1.548 khu vực phong tỏa với 120.264 người trong khu vực phong tỏa.

Về tiêm vắc xin phòng COVID-19, lũy kế đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiêm 1.848.440 liều (gồm 1.797.638 mũi 1 và 50.802 mũi 2).

Ngày 13/9, Sở Y tế Bình Dương có văn bản xin chủ trương của UBND tỉnh tiêm vắc xin đợt 32 cho các đối tượng. Theo đề xuất, từ ngày 14-15/9 sẽ triển khai tiêm 9.360 liều vắc xin Pfizer cho các đối tượng gồm: Người trên 60 tuổi chưa tiêm mũi 1; người đã tiêm mũi 1 vắc xin Moderna đủ thời gian tiêm mũi 2 (từ 4 tuần trở lên); các đối tượng hoãn tiêm ở các đợt trước đó do có bệnh lý nền kèm theo nhưng đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng COVID-19; phụ nữ có thai trên 13 tuần trở lên và bà mẹ đang cho con bú.

Riêng phụ nữ có thai trên 13 tuần trở lên chỉ được phép tiêm vắc xin sau khi khám sàng lọc có sự đồng ý của bác sĩ sản khoa và tiêm tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có khoa sản.

Bé gái 13 tuổi ở Cần Thơ được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 Pfizer là ai?
Bé gái 13 tuổi được tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 Pfizer ở Cần Thơ là cháu, ở chung nhà một cán bộ Trung tâm y tế phường Tân Lộc.

Tin tức 24h

HÀ ANH (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19