Đến sáng nay, 15/5, dịch bệnh tiếp tục tăng cao tại Mỹ, Nga và Brazil. Trong khi đó tại Mỹ, chính quyền và giới chức y tế căng thẳng tranh cãi ngược chiều về quyết định mở cửa trở lại nền kinh tế. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, virus gây đại dịch COVID-19 "không bao giờ biến mất".
Đến 8h15 sáng nay, 15/5 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 4.524.473 người nhiễm, 303.341 người thiệt mạng do COVID-19. Dịch bệnh đang có mặt tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 1,7 triệu người đã bình phục và còn 45.573 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ tiếp tục có số người nhiễm tăng mạnh. Đến sáng nay, Mỹ có thêm 27.246 ca nhiễm mới, 1.715 ca tử vong. Tổng số người nhiễm tại Mỹ đang là 1.457.593, trong đó có 86.912 người thiệt mạng.
Một bệnh nhân nghi mắc COVID-19 được nhân viên y tế chuyển đến một bệnh viện tại New York, Mỹ (Ảnh: THX/TTXVN)
Tại New York (Mỹ), số trẻ em mắc hội chứng viêm hiếm gặp nghi liên quan COVID-19 tiếp tục tăng gây lo ngại cho các phụ huynh tại nước này. Ông Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York cho biết bang đang điều tra về 102 trẻ có hội chứng viêm hiếm gặp, được cho là có liên quan đến COVID-19. Trong số 3 trẻ đã tử vong vì hội chứng này đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Các em đều có tình trạng sốt dai dẳng, đau bụng, mắt đỏ và nổi mẩn đỏ trên da. Thành phố New York đã có các hoạt động truyền thông về căn bệnh này để phổ biến cho các bậc phụ huynh tại các bến xe buýt, trên đài phát thanh và truyền hình.
Dù có dự kiến là sẽ kết thúc lệnh giãn cách xã hội vào ngày 15/5, song Thị trưởng Muriel Bowser của Thủ đô Washington cho biết sẽ tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa đến hết ngày 8/6 do số ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục gia tăng.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có bất đồng lớn với ông Anthony Fauci - cố vấn y tế cấp cao của nước này. Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ mở cửa đất nước và trường học bởi "người dân muốn như vậy", và việc ông Fauci khuyến cáo chính quyền thận trọng trong việc này là "không thể chấp nhận được". Hiện chính quyền Mỹ và giới chức y tế đang tranh cãi lớn về việc có cho phép học sinh, sinh viên trở lại trường học vào tháng 9 tới hay không.
Số liệu cho thấy, tình hình dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha có diễn biến tăng trở lại số ca tử vong. Tổng số ca nhiễm tại nước này là 272.646 người (tăng 1551), trong đó có 27.321 người tử vong (tăng 217). Tuy nhiên, theo số ca xét nghiệm đại trà tại nước này thì có khoảng 5% người dân đã nhiễm COVID-19, cao hơn 10 lần so với thống kê trước đây. Điều này cho thấy việc nới lỏng phong toả từ từ, theo 4 giai đoạn của chính phủ Tây Ban Nha đang là bước đi hợp lý.
Italy cũng ghi nhận số ca mắc và tử vong tăng trở lại sau 1 tuần giảm. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây đang là 223.151 (tăng 992) và 31.368 ca tử vong (tăng 262). Nước Anh và Pháp số ca tử vong vẫn ghi nhận ở con số trên 300 ca trong ngày hôm qua. Trong 24 giờ qua, nước Anh có thêm 428 người thiệt mạng và con số này ở Pháp là 351.
Pháp đang bắt đầu gỡ bỏ dần việc phong tỏa trên toàn quốc. (Ảnh: Reuter)
Nước Nga sáng nay ghi nhận thêm 9.974 ca nhiễm mới và 98 người tử vong. Đến thời điểm hiện tại, quốc gia này đang có 252.245 ca nhiễm và 2.305 ca tử vong do COVID-19. Trong số các ca nhiễm mới, có tới 40,6% không có biểu hiện lâm sàng.
Brazil đang là nước có số người nhiễm mới trong ngày cao thứ hai thế giới, sau Mỹ. Đến sáng nay, Brazil có thêm 13.761 ca nhiễm mới, 835 ca tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong nước này lên 202.918 và 13.993.
Hàn Quốc tiếp tục phát hiện thêm 29 ca nhiễm mới trong ngày hôm qua và có thêm 1 ca tử vong. Các ca nhiễm mới này đều ở khu phố đa văn hóa nổi tiếng Itaewon của thủ đô Seoul. Hơn 24.000 người liên quan đến ổ dịch này đã được xét nghiệm và đã phát hiện 120 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Đông Nam Á, Singapore vẫn là quốc gia có số người nhiễm mới cao nhất trong 24 giờ qua. Hiện Singapore có tổng cộng 26.098 ca mắc COVID-19 (tăng 752). Các ca mắc mới vẫn chủ yếu là người lao động nước ngoài, chỉ có 2 ca là người Singapore và người có thẻ thường trú.
Indonesia trong ngày hôm qua tiếp tục có thêm 568 ca mắc bệnh và 15 người tử vong vì COVID-19. Tổng số ca nhiễm và tử vong nước này lần lượt là 16.006 và 1.043.
Trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến khá phức tạp thì một số nước tại Đông Nam Á đang tìm cách khôi phục ngành du lịch. Thái Lan đang đặt lại chỉ tiêu 100 triệu chuyến du lịch nội địa trong năm nay để bù đắp cho thị trường khách quốc tế chưa hồi phục. Hiện đã có khách bắt đầu đặt phòng cho các ngày nghỉ lễ trong nước tại Thái Lan. Chính phủ Indonesia cũng đang chuẩn bị nhằm tăng tốc phục hồi ngành du lịch bằng việc triển khai gói kích thích trị giá 25.000 tỷ rupiah dưới dạng giảm giá vé máy bay và phòng khách sạn.
Virus SARS-CoV-2 sẽ không bao giờ biến mất, con người phải chung sống và cảnh giác với nó. Ảnh minh hoạ.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo người dân trên thế giới sẽ phải học cách sống chung với virus SARS-CoV-2 vì nó sẽ không bao giờ biến mất. Ông Michael Ryan, Giám đốc Chương trình Tình trạng khẩn cấp của WHO cho biết chưa thể dự đoán con người sẽ tiêu diệt được loại virus này vào thời điểm nào, và nó sẽ vẫn hiện hữu trong cộng đồng.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO khuyến cáo các nước vẫn nên duy trì cảnh giác và ở mức cao nhất có thể đối với loại virus này.