Người dân Thâm Quyến liên tục phải “ngoáy mũi” test Covid-19, đồng thời đổ lỗi cho những người nhập cư trái phép từ Hồng Kông (Trung Quốc) là nguồn cơn lây bệnh.
7 diễn biến
Covid-19: Có cư dân Thâm Quyến phải xét nghiệm 25 ngày liền
Thống kê của giới chức y tế Trung Quốc cho thấy chỉ trong vòng một tháng qua đã có hơn 30.000 ca nhiễm Covid-19 tại Thâm Quyến. Vốn theo đuổi chính sách "Zero Covid", nên chính quyền thành phố 17,5 triệu dân yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó" và phải làm các xét nghiệm kiểm tra Covid-19 mỗi ngày.
Nữ doanh nhân Guo Qiaoqiao cho biết đã liên tục phải "ngoáy mũi" test Covid-19 trong suốt 25 ngày qua. "Như thế đã là quá đủ" - vị nữ doanh nhân nói và thể hiện sự mệt mỏi vì qui định phòng chống dịch bệnh hiện hành của Thâm Quyến.
"Thâm Quyến hiện tại dành quá nhiều nguồn lực cho việc kiểm tra sàng lọc để xác định không Covid-19. Tôi cảm thấy cách làm này là không ổn" - bà Guo Qiaoqiao nhấn mạnh - "Sự bùng phát dịch tại Thâm Quyến được cho là lây lan bởi những người nhập cảnh trái phép từ Hồng Kông. Nhưng ngay cả khi điều này không đúng thì thực tế giữa Hồng Kông và Thâm Quyến cũng có rất nhiều hoạt động giao lưu. Vì thế, không thể ngăn chặn được dịch bệnh lây lan".
Người dân Trung Quốc liên tục phải xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Reuters.
Đa số các ca nhiễm mới Covid-19 tại Thâm Quyến do biến chủng Omicron (đặc biệt là chủng BA.2), có thể dẫn tới không còn truy tìm được nguồn gốc của các đợt bùng phát khác nhau.
Nhiều người dân Thâm Quyến cũng đổ lỗi cho Hồng Kông chính là nguồn lây nhiễm khiến toàn bộ thành phố của họ hiện đang bị phong tỏa. Về mặt chính quyền, vẫn chưa xác khẳng định nguồn lây cho Thâm Quyến từ đâu.
Về phía Hồng Kông họ cũng không đồng ý bị cho là "thủ phạm" gây ra đợt bùng phát hiện tại ở Thâm Quyến.
"Các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Thâm Quyến có thể bắt nguồn từ Hồng Kông nhưng cũng có thể từ bất cứ đâu" - Nhà vi-rút học của ĐH Hồng Kông Jin Dongyan giải thích: "Thực tế trước đó Thâm Quyến mở cửa cho tất cả các tỉnh và thành phố khác nhau ở Trung Quốc chứ không chỉ riêng gì với Hồng Kông"
Covid-19 đang khiến tất cả các hệ thống xe buýt và tàu điện ngầm tại Thâm Quyến phải dừng hoạt động, hầu hết các doanh nghiệp, ngoại trừ cung cấp mặt hàng thiết yếu cũng đều phải đóng cửa. Nhân viên được yêu cầu làm việc tại nhà nếu có thể. Cư dân bị cấm rời khỏi thành phố - nơi có trụ sở chính của Tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei Technologies và Tencent Holdings Ltd.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã ghi nhận các ca bệnh trên khắp cả nước, chỉ có Ninh Hạ, Tây Tạng và Tân Cương - không chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát mới.
Theo SCMP, Trung Quốc đã tiêm chủng cho hơn 87% dân số nhưng chủ yếu bằng các loại vắc-xin cho thấy hiệu quả tương đối thấp với biến chủng Omicron.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/co-cu-dan-tham-quyen-phai-xet-nghiem-covid-19-25-nga... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/co-cu-dan-tham-quyen-phai-xet-nghiem-covid-19-25-ngay-lien-20220317111311029.htm
Covid-19: Thâm Quyến xét nghiệm toàn dân, Hàn Quốc "dễ thở"
Thâm Quyến ghi nhận 71 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng hôm 16-3. Tuy số ca mắc rất thấp so với mặt bằng toàn cầu nhưng thành phố này đã xét nghiệm tất cả cư dân 3 lần từ ngày 14 đến 17-3, đồng thời tạm dừng xe buýt, xe điện ngầm cùng tất cả hoạt động kinh tế không thiết yếu.
Trước chương trình "sống chậm" này, Foxconn - nhà cung cấp linh kiện cho Apple - dự định lập "bong bóng Covid-19" tại nhà máy ở Thâm Quyến để duy trì hoạt động ít nhất là đến ngày 20-3. Trong khi đó, công ty logistics United Parcel Service dừng mọi hoạt động giao nhận ở Thâm Quyến và TP Đông Hoản lân cận (cùng thuộc tỉnh Quảng Đông).
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại một khu dân cư bị phong tỏa ở TP Thâm Quyến - Trung Quốc hôm 14-3. Ảnh: REUTERS
Số người mắc Covid-19 ở Trung Quốc tiếp tục giảm ngày 17-3 dù vẫn ở mốc trên 1.000 ca. Ngược lại, số ca mới ở Hàn Quốc vẫn tăng và lập kỷ lục về cả số ca mắc mới và tử vong trong vòng 24 giờ - lần lượt là 621.328 ca và 429 trường hợp, theo thông báo ngày 17-3.
Theo Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA), tuy số ca mắc cao nhưng ít bệnh nhân gặp vấn đề nghiêm trọng. Do đó, chính phủ Hàn Quốc tiếp tục kế hoạch gỡ bỏ hầu như tất cả biện pháp giãn cách xã hội trong những ngày tới và nhận được sự ủng hộ của người dân.
Reuters dẫn lời các chuyên gia nhận định Hàn Quốc tránh được tình cảnh nghiêm trọng như Hồng Kông (Trung Quốc) nhờ độ phủ vắc-xin Covid-19 cao. Số liệu của KCDC cho thấy gần 63% trong số 52 triệu dân Hàn Quốc đã được tiêm mũi tăng cường và 86,6% được tiêm 2 mũi.
Tình hình ở Hàn Quốc và Trung Quốc khiến số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ở khu vực Tây Thái Bình Dương tăng nhiều nhất trên toàn cầu - theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Số ca mắc Covid-19 toàn cầu cũng tăng trở lại trong tuần lễ từ ngày 7 đến 13-3, với 11 triệu ca mới cùng hơn 43.000 trường hợp tử vong, sau hơn 1 tháng chứng kiến đà giảm. Theo WHO, xu hướng tăng lên là do biến thể Omicron và biến thể phụ BA.2 của nó dễ lây lan, trong khi nhiều nước bỏ các hạn chế phòng dịch.
"Số ca tăng lên trong khi một số nước giảm bớt xét nghiệm. Như vậy, số ca mà chúng ta thấy chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm" - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, cảnh báo hôm 16-3.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-tham-quyen-xet-nghiem-toan-dan-han-quoc-de-... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/covid-19-tham-quyen-xet-nghiem-toan-dan-han-quoc-de-tho-2022031721191244.htm
Cho F0, F1 đi làm: Chỗ ủng hộ, nơi e dè
Tỉnh Long An và Cà Mau là hai tỉnh đầu tiên hưởng ứng đề xuất của Bộ Y tế cho phép các trường hợp F0 (không triệu chứng), F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (DN).
Dù đã được phép nhưng nhiều nơi vẫn e ngại
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi tại các DN và các cơ quan trên địa bàn tỉnh Long An thì việc F0 đi làm vẫn còn không ít e ngại.
Đơn cử như tại Khu công nghiệp Hòa Bình, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa có gần 15.000 công nhân đi làm, với 22 DN đang hoạt động, ông Đặng Trung Tín - Giám đốc hành chính quản trị khu công nghiệp cho biết hiện tại, tại khu công nghiệp này chưa có DN nào có F0, F1 đi làm theo văn bản của tỉnh.
Các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Hòa Bình, huyện Thủ Thừa, Long An chưa có F0, F1 nào đi làm dù tỉnh này đã cho phép F0, F1 không triệu chứng được đến công ty. Ảnh: HUỲNH DU
106.000 là số người nhiễm COVID-19 ở tỉnh Cà Mau đến lúc này. Con số này chiếm gần 10% dân số của tỉnh.
Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, trong hơn 10 ngày qua, số F0 của tỉnh Cà Mau luôn ở mức cao, có ngày trên 4.000 ca.
Ông Võ Thành Tâm, một DN trên địa bàn huyện Bến Lức, cho biết công ty của ông test cho công nhân hằng tuần và công nhân tự test ở nhà, ai là F0 thì ở nhà tự cách ly, hết rồi đi làm.
Riêng ở cơ quan nhà nước thì cũng không khác so với các DN. Một cán bộ Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thanh huyện Thủ Thừa, hiện đang là F0, cho biết khi test lên hai vạch, chị ở nhà, xin phép lãnh đạo được làm việc online, khi nào âm tính sẽ đi làm lại bình thường.
Theo quy định của tỉnh Long An về việc này, F0, F1 có nhu cầu làm việc vẫn ưu tiên bố trí để làm việc trực tuyến.
Nếu không thể làm việc trực tuyến mà phải đi làm trực tiếp, F0 không triệu chứng, đang trong thời gian cách ly (bảy ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính và chưa có kết quả xét nghiệm âm tính) đang làm trong cơ quan nhà nước khi đến cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách phải trên tinh thần tự nguyện và phải có sự đồng ý của thủ trưởng hoặc cấp trên trực tiếp.
Cà Mau: Đồng ý cho Fo đi làm
Ngày 17-3, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định chính thức cho F0 được đi làm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Quy định này có hiệu lực ngay khi ban hành.
Theo đó, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau sửa đổi quy định cách ly F0, F1, F2 trong Quyết định 2777/QĐ-UBND ngày 8-12-2021. Nội dung này nay được sửa lại cụ thể: “Đối với các trường hợp F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 có nguy cơ, nguy cơ cao là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty, nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp... tạm thời cho phép tham gia một số hoạt động”.
Bao gồm được làm việc trực tiếp hoặc trực tuyến. Trước đó, ngày 14-3, tại cuộc họp với các sở, ngành của tỉnh, ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Cà Mau, đã kết luận cho phép F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ và F1 được đi làm.
Đây là tỉnh thứ hai trong cả nước đã phát pháo cho F0 đi làm trong bối cảnh Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm F0 không được rời khỏi khu cách ly.
Cụ thể, thời điểm đầu tháng 3-2022, Bộ Y tế từng lên tiếng đề xuất cho F0 đi làm. Tuy nhiên, đến ngày 14-3, Bộ Y tế đã có Quyết định 604/QĐ-BYT về việc ban hành hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19.
Trong quyết định trên có nội dung “Người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.
PV báo Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề về chủ trương cho F0 đi làm liệu có trái với quy định của Bộ Y tế không? Tuy nhiên, một lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng chờ sau khi ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về việc cho F0 đi làm sẽ bàn sâu hơn.
Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/cho-f0-f1-di-lam-cho-ung-ho-noi-e-de-1049088.html Nguồn: https://plo.vn/thoi-su/cho-f0-f1-di-lam-cho-ung-ho-noi-e-de-1049088.html
Đông Nam Á nhận tin xấu vì Covid-19
Số liệu trên vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm 16-3, theo Reuters. Người nghèo khổ cùng cực được hiểu là những người sống dưới mức 1,90 USD/ngày, tức chỉ gần 44.000 đồng/ngày.
Theo ADB, số người nghèo khổ cùng cực ở Đông Nam Á năm ngoái là 24,3 triệu người, tương đương 3,7% trong tổng số 650 triệu dân của khu vực. Trước đại dịch, số người nghèo cùng cực ở Đông Nam Á đã giảm xuống mức 14,9 triệu người vào năm 2019, so với 18 triệu người năm 2018 và 21,2 triệu người năm 2017.
"Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp khắp nơi. Bất bình đẳng cũng ngày càng trầm trọng và mức độ nghèo đói gia tăng, đặc biệt là với phụ nữ, lao động trẻ và người cao tuổi ở Đông Nam Á" - Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết. Theo ông Asakawa, thực tế đó làm đảo ngược những kết đạt được trong nỗ lực chống đói nghèo.
Cư dân tại một khu ổ chuột ở Tondo, Manila, Philippines. Ảnh: Reuters.
ADB cho biết do ảnh hưởng bởi đại dịch nên chỉ khoảng 9,3 triệu lao động ở Đông Nam Á có việc làm trong năm 2021, trong khi phần lớn lao động thất nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Asakawa kêu gọi chính phủ các nước Đông Nam Á cải thiện hệ thống y tế, hợp lý hóa các quy định để thúc đẩy khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh, thông minh và áp dụng công nghệ để tăng trưởng nhanh kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế năm 2021 của khu vực Đông Nam Á chỉ là 3%. Dự báo con số này của năm 2022 là 5,1% nhưng biến chủng Omicron đang lây lan chóng mặt có thể khiến mục tiêu này khó thành. Ngoài ra, dự báo nói trên chưa tính đến tác động kinh tế đến từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dong-nam-a-nhan-tin-xau-vi-covid-19-2022031610341110... Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dong-nam-a-nhan-tin-xau-vi-covid-19-20220316103411103.htm
TP.HCM: 67% số ca mắc Covid-19 nhưng không thông báo với y tế địa phương
Tại cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, hiện TP.HCM quản lý hơn 100.000 F0; trong đó có gần 95.000 trường hợp điều trị tại nhà và cơ sở cách ly; hơn 4.800 ca ở tầng 2, hơn 500 ca ở tầng 3.
Đáng lo ngại là số ca cần hỗ trợ hô hấp và thở máy xâm lấn đang tăng dần 5-7 ca mỗi ngày và hiện nay có 97 ca phải thở máy xâm lấn. PGS.TS Tăng Chí Thượng dự báo, số ca thở máy tăng có thể dẫn tới số ca tử vong sẽ nhích lên trong thời gian tới; hiện nay, số ca tử vong dao động từ 1-3 trường hợp/ngày.
Qua phân tích 63 trường hợp nặng, Sở Y tế TP.HCM ghi nhận 60 trường hợp có bệnh nền. Trong đó, 6 trường hợp (chiếm 10%) không biết mình có bệnh lý nền cho đến khi nhập viện; gần 43% các trường hợp thở máy do bệnh nền, bệnh cấp tính, không phải do Covid-19; gần 56% thở máy do Covid-19 nặng.
Lấy mẫu xét nghiệm cho F0 tại địa phương. Ảnh: B.D
Đặc biệt, chỉ có 5 trường hợp (trong số 63 trường hợp) sử dụng thuốc Molnupiravir trước khi nhập viện. Gần 67% trường hợp không thông báo y tế địa phương khi biết mình mắc bệnh và không điều trị Molnupiravir trước nhập viện. Hầu hết các ca bệnh nặng là người thuộc nhóm nguy cơ nhưng có đến 65% chưa có tên trong danh sách người thuộc nhóm nguy cơ tại các địa phương.
Về tình hình số trường hợp mắc Covid-19 trong trường học, tuần qua ghi nhận hơn 44.100 trường hợp, tăng so với tuần trước đó (tuần trước có gần 37.500 trường hợp).
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhận xét số lượng F0 đang ở mức cao và dấu hiệu gia tăng số ca trở nặng, phải có biện pháp để kìm và giảm xuống các trường hợp trở nặng cũng như các trường hợp mắc mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, điểm đáng chú ý, 2/3 số trường hợp trở nặng lại chưa tiêm đủ vaccine; điều đó cho thấy vai trò của vaccine hết sức quan trọng.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đánh giá chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ đã đạt kết quả rõ ràng, tuy vậy vẫn xuất hiện người có nguy cơ cao nhưng chưa được phát hiện, chỉ phát hiện khi mắc Covid-19 trở nặng nhập viện điều trị.
Trong nâng chất công tác quản lý F0, theo ông Đức phải ứng dụng công nghệ thông tin, giảm tối đa quy trình thủ tục, tránh phiền hà cho F0 để F0 dễ dàng khai báo khi mắc bệnh, thuận lợi nhận sự chăm sóc cũng như dễ dàng thông báo hoàn thành thời gian cách ly điều trị.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức lưu ý là phải rà soát các phát sinh liên quan đến các khu cách ly, khu điều trị mà trước đây các địa phương đã mượn ở các cơ sở, nhất là trường học. Bởi, một số trường đang chuẩn bị cho năm học mới, rất cần khôi phục lại cơ sở vật chất. Đồng thời, phải rà soát, giải quyết đầy đủ chế độ chính sách đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM.
Nguồn: https://danviet.vn/tphcm-67-so-ca-mac-covid-19-nhung-khong-thong-bao-voi-y-te-dia-phuon... Nguồn: https://danviet.vn/tphcm-67-so-ca-mac-covid-19-nhung-khong-thong-bao-voi-y-te-dia-phuong-20220318081603481.htm
Ca COVID-19 trung bình tuần qua hơn 171.000 F0/ngày, cấp độ dịch mới nhất cả nước thế nào?
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số ca mắc mới COVID-19 có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong thời gian gần đây. Ngày 17/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 178.112 ca nhiễm mới tại 63 tỉnh, thành phố (trong có 124.725 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 171.446 ca/ngày. Trong khi tuần từ 3-10/3, số ca mắc trung bình mỗi ngày là 141.797 ca/ngày.
Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế cho thấy số xã, phường thuộc 'vùng xanh' đã giảm xuống còn 40,9%. Ảnh minh hoạ.
Dự báo số ca mắc thời gian tới sẽ tiếp tục tăng do mầm bệnh đã lây lan rộng trong cộng đồng; biến thể BA.2 của biến chủng Omicron vẫn là biến thể chủ đạo...
Theo Bộ Y tế, hiện nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 218/QĐ-BYT để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP; Căn cứ kết quả đánh giá, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt các biện pháp đáp ứng phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.
Ca bệnh tăng nhanh, theo đó, cấp độ dịch trên quy mô xã, phường tại nhiều địa phương đã có sự thay đổi. Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến ngày 18/3 cho thấy cả nước hiện có có 4.337 xã, phường thuộc 'vùng xanh', chiếm 40,9% trong tổng số xã, phường đánh giá; 2.711 xã, phường thuộc 'vùng vàng', chiếm 25,6%; số xã, phường thuộc 'vùng cam' là 3.134 chiếm 29,6%; số xã, phường thuộc 'vùng đỏ' là 403 chiếm khoảng 3,8%.
Qua thống kê trên cho thấy số xã, phường thuộc cấp độ dịch 1- tương đương 'vùng xanh' vẫn chiếm nhiều nhất, tuy nhiên so với khoảng 10 ngày trước thì tỷ lệ xã, phường thuộc 'vùng xanh' trên cả nước đã tiếp tục giảm (đánh giá ngày 9/3 là 44,4%); số xã, phường thuộc cấp độ dịch 2,3 và 4 tương đương 'vùng vàng', 'vùng cam' và 'vùng đỏ' có tỷ lệ gia tăng... Tổng cộng 3 vùng này chiếm khoảng 59,1% tổng số xã, phường đánh giá ( 9 ngày trước tỷ lệ này là khoảng 55,6%).
Ngày 17/3, theo thống kê của Bộ Y tế có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh nhiều nhất là: Hà Nội (25.311), Nghệ An (10.511), Lào Cai (9.574), Phú Thọ (7.867), Bắc Ninh (5.020).
Tại Hà Nội, địa phương liên tục thời gian qua dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19, đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất cập nhật đến 9h ngày 4/3 của thành phố cho thấy, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Hà Nội đã có 326 xã phường ở cấp độ 3 (tăng gấp khoảng 4,5 lần so với đánh giá được thông báo ngày 26/2); số xã phường 'vùng xanh' (cấp độ 1) giảm còn 66; 187 xã phường cấp độ 2; chưa có xã phường nào cấp độ 4.
Tại Nghệ An, địa phương đã gần 1 tuần luôn đứng trong top 5 tỉnh, thành có số mắc mới COVID-19 cao, thống kê trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế ngày 18/3 cho thấy, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Nghệ An hiện có 31 xã, phường là 'vùng xanh'- cấp độ 1 về dịch; 66 xã, phường thuộc 'vùng vàng', riêng số xã, phường 'vùng cam' lên đến 337; số xã, phường thuộc 'vùng đỏ' là 26.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ca-covid-19-trung-binh-tuan-qua-hon-171000-f0-ngay-cap-do-dic... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ca-covid-19-trung-binh-tuan-qua-hon-171000-f0-ngay-cap-do-dich-moi-nhat-ca-nuoc-the-nao-169220318092459247.htm
2.900 ca mắc mới, toàn tỉnh Tiền Giang chuyển sang 'vùng vàng'
Sở Y tế tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Quyết định 440 về việc đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Tiền Giang đã nâng cấp độ dịch COVID-19 của tỉnh từ “vùng xanh” sang "vùng vàng" tương ứng với cấp độ 2, tức vùng nguy cơ.
Trước đó, trong 8 tuần liên tục Tiền Giang ở "vùng xanh", tức vùng nguy cơ thấp. Tuy nhiên, chỉ trong 1 tuần vừa qua đã có 10 thành phố, huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh đã chuyển từ cấp độ 1 sang cấp độ 2 và cấp độ 3. Chỉ còn duy nhất huyện Cái Bè là khu vực thuộc cấp độ dịch 1 trong tỉnh.
Tình hình dịch COVID-19 tại Tiền Giang có chiều hướng diễn biến phức tạp.
Về tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, thời gian qua dịch COVID-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn ở Tiền Giang. Theo báo cáo của Sở Y tế, trong tuần vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận 14.297 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 (tăng 260% so với tuần trước đó). Riêng trong 24 giờ gần nhất (16/3), tỉnh Tiền Giang phát hiện gần 2.900 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện nay, dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nhiều khu vực, nhất là ở rường học.
Trong buổi họp đánh giá tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học vừa qua, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Ngành Y tế cần tích cực hỗ trợ ngành GD-ĐT trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt là việc xử trí các ca F0 trong trường học; tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch trong trường học đến cấp xã, cấp huyện với mục tiêu là giảm ca mắc, giảm lây lan và giảm nguy cơ tử vong; phải tập trung giảm ca nhiễm, bảo vệ tính mạng con người là trên hết.
Cùng với đó, ngành y tế và ngành GD-ĐT thực hiện tổ chức các đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà trường. Sở Y tế khẩn trương trình UBND tỉnh kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi nhằm kịp thời triển khai tiêm cho trẻ khi được phân bổ vaccine.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/2900-ca-mac-moi-toan-tinh-tien-giang-chuyen-sang-vung-vang-16... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/2900-ca-mac-moi-toan-tinh-tien-giang-chuyen-sang-vung-vang-169220317153530828.htm