COVID-19 2/8: Đi xe máy từ Bình Dương về Nghệ An, vừa tới nơi thì phát hiện dương tính SARS-CoV-2

K.T - Ngày 02/08/2021 12:10 PM (GMT+7)

Đi xe máy hơn 1.200 km từ tỉnh Bình Dương về quê Nghệ An, 2 người dân có kết quả dương tính SARS-CoV-2.

Đi xe máy từ Bình Dương về Nghệ An, tới nơi thì phát hiện dương tính với SARS-CoV-2

Sáng 2-8, Tiến sĩ Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Nghệ An, cho biết qua lấy mẫu xét nghiệm đã phát hiện thêm 6 trường hợp ở Nghệ An dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, 4 trường hợp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Minh An, 2 người từ Bình Dương về quê.

Trường hợp thứ nhất là anh N.V.D. (SN 1991), trú xã Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ngày 30-7, anh D. đi bằng xe máy từ Thuận An, Bình Dương về đến Nghệ An. Chiều ngày 1-8, anh D. đến chốt kiểm dịch Bến Thủy, TP Vinh được làm test nhanh COVID-19 hai lần đều cho kết quả dương tính SARS-CoV-2, sau đó anh D. được cách ly tại Trạm Y tế Nghi Đức và lấy mẫu RT-PCR gửi CDC Nghệ An, tối 1-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Những ngày qua rất đông người từ TP HCM, Binh Dương đi xe máy về quê Nghệ An.

Những ngày qua rất đông người từ TP HCM, Binh Dương đi xe máy về quê Nghệ An.

Trường hợp thứ 2 là anh V.B.P. (SN 1988), trú xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ngày 29-7, anh P. đi xe máy từ tỉnh Bình Dương về Nghệ An, đến ngày 1-8, anh P. về đến chốt kiểm dịch tại Hồng Tiến, Chiêu Lưu, Kỳ Sơn được làm test nhanh COVID-19 hai lần đều cho kết quả dương tính SARS-CoV-2, sau đó anh P. được cách ly tại Trường THCS Dân tộc nội trú Kỳ Sơn và lấy mẫu RT- PCR gửi CDC, sáng ngày 2-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 3 là H.T.T.S. (SN 2015), trú xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu. Cháu S. là F1 của bệnh nhân H.T.Y. đã được công bố trước đó. Ngày 28-7, cháu S. được cách ly tại Trường mầm non Quỳnh Lâm và được lấy mẫu lần 1 cho kết quả âm tính. Ngày 31-7, cháu S. được lấy mẫu lần 2 gửi BVĐK Quang Khởi, tối 1-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 4 là bà N.T.N. (SN 1975), trú xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu. Bà N. là F1 của bệnh nhân H.T.Y. đã được công bố trước đó. Ngày 28-7, bà N. được cách ly tại Trường mầm non Quỳnh Lâm và được lấy mẫu lần 1 cho kết quả âm tính. Ngày 31-7, bà N. được lấy mẫu lần 2 gửi BVĐK Quang Khởi, tối ngày 1-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 5 là cháu N.T.H.A. (SN 2015), trú xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu. Cháu A. là F1 của bệnh nhân N.N.N. đã được công bố trước đó. Ngày 31-7, cháu A. được cách ly tại Trường mầm non Thuận Nghĩa và được lấy mẫu xét nghiệm gửi BVĐK Quang Khởi, tối ngày 1-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Trường hợp thứ 6 là cháu H.N.T.L. (SN 2011), trú xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu. Cháu L. là F1 và là con bệnh nhân N.T.T đã được công bố trước đó. Ngày 30-7, cháu L. được cách ly tại Trường tiểu học Quỳnh Giang và lấy mẫu lần 1 cho kết quả âm tính. Ngày 31-7, cháu L. được lấy mẫu lần 2 gửi Bệnh viện đa khoa Quang Khởi, tối ngày 1-8 cho kết quả khẳng định dương tính SARS-CoV-2.

Như vậy, tính đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 253 bệnh nhân mắc COVID-19 ở 14 địa phương: TP Vinh: 91, Quỳnh Lưu: 61, Tương Dương: 23, Diễn Châu: 21, Yên Thành: 13, Kỳ Sơn: 12, Hoàng Mai: 10, Nam Đàn: 8, Quỳ Hợp: 5, Nghi Lộc: 5, Đô Lương: 1, Nghĩa Đàn: 1, Tân Kỳ: 1, Thanh Chương: 1.

(Theo Người Lao Động)

Quảng Ngãi: Quá tải khu cách ly, nguy cơ dịch bùng phát do lây nhiễm chéo

Chiều 2/8, ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi cho biết: Trong 15 ngày qua, Quảng Ngãi không phát hiện ca bệnh ở cộng đồng (trừ phường Phổ Thạnh (Thị xã Đức Phổ, là khu vực phong tỏa).

Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người dân từ TP HCM về tỉnh Quảng Ngãi với số lượng người rất lớn và đã có nhiều trường hợp mắc Covid-19. Từ 15/7 đến nay ghi nhận 26 ca bệnh Covid-19 là người dân từ TP Hồ Chí Minh về.

Ông Đức cho rằng, khả năng trong những ngày tới sẽ còn nhiều ca mắc bệnh, nên có nhiều nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 tại Quảng Ngãi. Vì vậy cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ các đối tượng này tránh lây nhiễm trong khu cách ly.

Ông Đức thông tin: Trong thời gian qua, xuất hiện một số trường hợp nghi lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời do số lượng người về từ các vùng dịch quá nhiều, nên các khu cách ly đều quá tải. Nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao nếu không được kiểm soát tốt.

Ông Đức cho biết: Khi mở rộng các khu cách ly tập trung ở tuyến xã thì vấn đề đặt ra là thiếu nhân lực tại chỗ, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác vệ sinh (nhà vệ sinh, nhà tắm dùng chung) nếu không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong khu cách ly; đồng thời công tác đảm bảo xuất ăn cho người cách ly nếu để người nhà cung cấp thì sẽ có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo ông Đức, trước tình hình trên, Sở Y tế Quảng Ngãi đã kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ngãi có chỉ đạo phòng, chống lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. Áp dụng xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần đối với những trường hợp cách ly tập trung vào ngày đầu, ngày thứ 7, ngày thứ 14; xét nghiệm ít nhất 1 lần đối với những trường hợp cách ly tại nhà/ nơi lưu trú vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10.

Yêu cầu các khu cách ly tập trung tập trung phân luồng chặt chẽ giữa F1 nguy cơ cao và F1 nguy cơ thấp, F1 vào trước và F1 vào sau… để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo; đồng thời quản lý tốt các khu cách ly theo đúng quy định.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào địa phương, nhất là từ Đà Nẵng, TP HCM, các tỉnh phía Nam. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người và phương tiện đi qua địa phương mà không được kiểm tra, kiểm soát.

Cùng với đó, tăng cường quản lý chặt chẽ đối tượng ngư dân có tiếp xúc người dân các tỉnh có dịch hoặc đi qua, buôn bán với vùng dịch ngay khi cập cảng ở Quảng Ngãi. Kiểm soát chặt chẽ đối tượng lái xe, nhất là đối tượng lái xe khách đường dài từ các tỉnh/thành có dịch về Quảng Ngãi.

Không những vậy, cần tăng cường hỗ trợ nhân lực cho các khu cách ly tập trung tại tuyến xã; đẩy mạnh việc xét nghiệm sàng lọc, nhất là sàng lọc ngẫu nhiên.

Chiều 2/8, UBND tỉnh Quảng Ngãi có chỉ đạo về việc thay đổi biện pháp chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch Covid-19 trên địa bàn xã Phổ Châu và phường Phổ Thạnh (Thị xã Đức Phổ).

Theo đó, từ 0h ngày 4/8, áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 15 đối với toàn bộ xã Phổ Châu và thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 16 đối với các tổ dân phố: Thạch By 1, Thạch By 2, La Vân, Thạnh Đức 2 của phường Phổ Thạnh.

Tính từ ngày 26/6/2021 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 281 ca bệnh. Trong đó, số ca hiện đang điều trị là 142 ca; số ca được điều trị khỏi bệnh là 139 người.

Hoạt động truy vết từ ngày 26/6/2021 đến nay đã xác định được 1.684 trường hợp F1; 8.005 trường hợp F2. Hiện tại địa phương này đang cách ly tập trung 8.751 người (512 người F1, người từ vùng dịch: 8.239) và số người cách ly tại nhà là 1.960 trường hợp.

(Theo Báo Giao Thông)

TP HCM: Tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân trong khu phong tỏa

Ngày 2-8, hàng trăm người dân trong khu vực phong tỏa tại TP Thủ Đức, TP HCM đã được tiêm vắc-xin Covid-19 để tăng miễn dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm. 

Ghi nhận tại 2 hẻm thuộc khu phố 6, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, 500 người dân trong khu vực phong tỏa đã được tiêm vắc-xin Covid-19. 2 đội tiêm thuộc Bệnh viện Lê Văn Thịnh di chuyển bằng xe máy để thuận tiên khi qua các hẻm nhỏ giúp người dân được tiêm vắc-xin Covid-19. Đặc biệt, trên xe cũng được trang bị đầy đủ thiết bị y tế và vắc-xin. 

Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu vực a classTextlinkBaiviet hrefhttps://eva.vn/tiem-chung-p1358c73.htmltiêm chủng/a.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn khu vực tiêm chủng.

Bà Đoàn Thị Thanh Điệp, Phó Chủ tịch UBND phường Linh Trung cho biết toàn phường hiện có 49 khu vực đang phong tỏa. Những khu hẻm nào không phát sinh thêm ca F0 sau khi xét nghiệm lại sẽ được UBND phường tổ chức tiêm vắc-xin, sau đó gỡ bỏ phong tỏa, lập thành "vùng xanh" (khu vực không có bệnh nhân mắc Covid-19). 

Đồng thời, giao cho tổ nhân dân tự quản lý phòng dịch. Đây là mô hình để bảo vệ khu vực không có dịch, giúp người dân yên tâm hơn. Việc này cũng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Ghi nhận tại phường Phước Bình, TP Thủ Đức đội tiêm lưu động cũng triển khai tiêm cho 390 người dân. Tại phường có 9 khu vực phong tỏa, trước đó ngày 1-8, đội tiêm cũng đã đến tiêm cho 90 người dân tại khu vực này. Đối tượng tiêm là người dân từ 18 đến 65 tuổi, không bệnh nền, không phân biệt có hộ khẩu hay không có hộ khẩu. 

Các trường hợp có bệnh nền được tiêm ở bệnh viện để theo dõi sức khỏe. Sau khi khám sàng lọc, các trường hợp huyết áp cao theo dõi từ 15-20 phút. Nhân viên y tế cũng đã chuẩn bị sẵn thuốc dành cho những người có bệnh huyết áp.

Sinh sống trong khu vực phong tỏa nên khi biết được có đội tiêm lưu động đến tận nơi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, chị Kiều Thanh Trang (ngụ phường Phước Bình, TP Thủ Đức) vui mừng nói: "Mong rằng TP sẽ sớm có vắc-xin để tiêm hết cho người dân nhằm đạt miễn dịch giúp cuộc sống trở lại bình thường". 

Cùng ngày, tại quận 1, TP HCM cũng triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân tại khu vực gần chợ Tân Định. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế quận 1, TP HCM cho biết địa phương có 10 điểm tiêm cố định tại 10 phường, các điểm tiêm tại bệnh viện và 2 đội tiêm lưu động với sự hỗ trợ từ Sở Y tế có 20 đội tiêm đến từ các bệnh viện khác nhau.

Sở Y tế TP HCM cũng cho biết, đến hết ngày 1-8 TP đã tiêm được 767.885 người. Riêng ngày 1-8, TP đã có thêm 144.970 người được tiêm. Tốc độ đang tiếp tục tăng lên nhanh hơn và tuyệt đối an toàn.

(Theo Người Lao Động)

Hà Nội bác thông tin người dân chỉ được ra ngoài 7 ngày/1 lần 

Ngày 2/8, tài khoản Lệ Trần đăng tải trên mạng xã hội Facebook thông tin “12h đêm nay Hà Nội sẽ có chỉ thị mới về việc giãn cách. Người dân sẽ chỉ đc ra ngoài 7 ngày/1 lần chứ ko được đi chợ cách ngày như bây giờ. Việc đi lại của những người có giấy phép đi làm cũng sẽ siết chặt hơn. Các bác xem chiều nay đi mua trữ thêm đồ ăn nếu gần hết nhé”.

Liên quan đến thông tin trên, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, đây là tin giả, sai sự thật, đề nghị người dân cần cẩn trọng.

COVID-19 2/8: Đi xe máy từ Bình Dương về Nghệ An, vừa tới nơi thì phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 3

Để tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông đã có văn bản đề nghị Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử công bố tin giả trên trang thông tin điện tử, khuyến cáo cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả trên, tránh gây hoang mang trong dư luận.

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường rà quét, xử lý tổ chức, cá nhân đăng thông tin vi phạm, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành phố trong xử lý thông tin sai sự thật về COVID-19.

Trước diễn biến tình hình dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khuyến cáo người dân cần thận trọng, có kiểm chứng khi sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin về tình hình dịch bệnh; cùng chung tay thực hiện, chia sẻ, tự giác chấp hành nghiêm nguyên tắc giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng; góp phần cùng thành phố đẩy lùi đợt bùng phát dịch thứ tư, tiến tới chiến thắng đại dịch COVID-19.

(Theo Dân Việt)

Cách ly y tế Bệnh viện đa khoa Sóc Trăng 14 ngày để phòng dịch COVID-19

Ngày 2-8, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành công văn hỏa tốc về việc tăng cường biện pháp kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu người dân của tỉnh tuyệt đối không được ra đường từ 20 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Thời gian bắt đầu áp dụng từ ngày 2-8 cho đến khi có thông báo mới.

Các trường hợp được phép ra đường gồm: Cấp cứu, các lực lượng thi hành công vụ như thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng chống thiên tai, cán bộ, phóng viên - biên tập viên các cơ quan báo, đài, lực lượng phát hành thư, báo, công nhân vệ sinh môi trường đô thị, phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu...  

Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ký quyết định thiết lập vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, cách ly y tế BVĐK tỉnh Sóc Trăng 14 ngày kể từ chiều 2-8.

Thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng, tính từ ngày 4-7 (phát hiện ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng có nguồn lây từ ổ dịch chợ đầu mối Bình Điền, TP.HCM) đến nay dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện tại 10/11 huyện, thị xã, TP ở Sóc Trăng với 254 ca mắc.

Hiện có bảy trường hợp đủ điều kiện xuất viện và được đưa về nhà, bàn giao cho địa phương tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng ghi nhận gần 2.000 trường hợp F1, tổng số trường hợp đang cách ly tập trung hơn 3.600 người.

Trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 195 trường hợp, 3 cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về giãn cách xã hội và vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Tài xế làm lây dịch COVID-19 che giấu chuyện tiếp xúc để bạn gái không phải đi cách ly

Ngày 2/8, Công an huyện Đức Trọng đã khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” để tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng liên quan.

Cơ quan công an bước đầu xác định B.V.D (35 tuổi, thường trú TP.Biên Hòa, Đồng Nai; tạm trú phường 9, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) là tài xế xe tải vận chuyển hàng hóa đường dài chạy tuyến Lâm Đồng - Tây Ninh.

Ngày 25/7, sau khi đi Tây Ninh về, D. đến kiểm tra nhanh SARS-Cov-2 ở Trung tâm Y huyện Lâm Hà với kết quả âm tính. Sau đó, D. không lưu trú tại khu cách ly tập trung dành cho tài xế xe tải theo quy định mà đến ở trong phòng trọ của bạn gái tên là B.T.C.H (31 tuổi) tại đường Phan Đinh Phùng (thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng).

Giao hàng xong, D. cho xe chạy về Kho vận Thủ Đức (TP.HCM) lấy hàng hóa khác và trở về Lâm Đồng vào sáng ngày 28/7, bỏ hàng ở kho hàng Chung Thúy (xã Phú Hội, Đức Trọng). Sau đó, D. cùng Tr. về phòng trọ của H., dùng xe máy chở H. đến gặp tài xế P. để lấy tiền rồi về lại phòng trọ, ăn cơm cùng nhiều người khác.

Quảng Cáo

Đến trưa 28/7, D. đến xét nghiệm tại điểm trường Lê Hồng Phong (Đức Trọng), kết quả dương tính với SARS-Cov-2, được đưa đến cách ly, điều trị tại Trạm y tế xã Liên Hiệp.

Lực lượng chức năng đã truy vết và xét nghiệm nhanh số F1 tiếp xúc với D., ngày 30/7 ghi nhận H. dương tính với SARS-CoV-2, đưa đi cách ly y tế, điều trị tập trung.

Theo cơ quan điều tra, sau khi biết mình mắc COVID-19, D. đã che giấu, không khai báo tiếp xúc trực tiếp với bạn gái để H. không phải đi cách ly tập trung theo quy định, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra ngoài cộng đồng.

Hiện Công an huyện Đức Trọng đã khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra làm rõ vụ án theo quy định, đồng thời đang củng cố chứng cứ để khởi tố bị can đối với D. và H. Quyết định này đã được Viện Kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

(Theo Tiền Phong)

Tập thể, cá nhân hoạt động thiện nguyện tại TP.HCM được hỗ trợ cấp giấy đi đường ra sao?

Ngày 2/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM đã ra thông báo về việc hỗ trợ cấp giấy đi đường cho tập thể, cá nhân hoạt động thiện nguyện tại địa bàn thành phố. Theo đó, quy trình tiếp nhận và xử lý thông tin người có nhu cầu vận chuyển, hỗ trợ nhu yếu phẩm tại các bếp ăn từ thiện, khu phong tỏa, khu cách ly và một số nơi khác nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. HCM như sau:

- Người có nhu cầu gọi điện thoại trực tiếp đến cán bộ tiếp nhận thông tin để đăng ký.

- Cán bộ tiếp nhận thông tin hướng dẫn người có nhu cầu điền phiếu đăng ký hỗ trợ vận chuyển, hỗ trợ nhu yếu phẩm.

- Người có nhu cầu gửi hình ảnh cho cán bộ tiếp nhận thông tin gồm: Phiếu đăng ký hỗ trợ vận chuyển, CMND hay CCCD, giấy phép lái xe, biển số xe vận chuyển hàng hóa qua zalo số điện thoại 0389 231 280.

- Cán bộ tiếp nhận tham mưu trình ký giấy đi đường cho người có nhu cầu và thông tin đến người có nhu cầu biết để nhận. - Người có nhu cầu đến cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố để nhận giấy đi đường.

- Thời gian cấp Giấy đi đường được thực hiện trong vòng 4 giờ làm việc kể từ lúc người có nhu cầu hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định.

*Thời gian tiếp nhận thông tin:

- Buổi sáng từ 08 giờ 00 đến 11 giờ 00.

- Buổi chiều từ 14 giờ 00 đến 18 giờ 00. Việc tiếp nhận được thực hiện qua số điện thoại: (028) 38.227.216; 0389.231.280.

Bình Thuận phát thông báo khẩn, tìm người đến loạt địa điểm liên quan ca mắc COVID-19

Để bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh được triển khai có hiệu quả, ngày 2/8, Sở Y tế Bình Thuận yêu cầu những người dân có đi đến địa điểm dưới đây liên hệ ngay với cơ quan y tế gần nhất để thực hiện việc khai báo và được tư vấn hỗ trợ.

Các địa chỉ gồm có:

1. Siêu thị Vinmart số 180 đường Võ Thị Sáu, phường Hưng Long, TP.Phan Thiết từ 9h ngày 27/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.

2. Nhà thuốc Đông Hưng số 148 đường Võ Thị Sáu, phường Bình Hưng, TP.Phan Thiết từ 9h ngày 27/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.

3. Nhà cô Trang bán cháo trong hẻm số 70 đường Tôn Đức Thắng, TP.Phan Thiết từ 9h30 ngày 27/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.

4. Nhà bán trứng số 109 đường Nguyễn Hội, phường Phú Tài, TP.Phan Thiết từ 15h ngày 30/7/2021 đến hết ngày 1/8/2021.

5. Quán ăn Bánh khọt Vũng Tàu số 114 đường Từ Văn Tư, phường Phú Trinh, TP.Phan Thiết từ ngày 23/7/2021 đến ngày 1/8/2021.

Sở Y tế Bình Thuận yêu cầu những người đến địa điểm và thời gian nêu trên, liên hệ ngay với Trạm Y tế xã, phường, thị trấn/phòng khám đa khoa khu vực; Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện khai báo y tế để được hướng dẫn giám sát, xét nghiệm, cách ly y tế theo quy định. Cung cấp đầy đủ, chính xác số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình.

Bản tin sáng ngày 2/8 của Bộ Y tế công bố, tỉnh Bình Thuận ghi nhận thêm 46 nghi mắc COVID-19 (La Gi 43, Phan Thiết 1, Hàm Tân 1, Tánh Linh 1). Như vậy, toàn tỉnh Bình Thuận đã ghi nhận 679 ca mắc COVID-19 (La Gi 577, Tánh Linh 28, Tuy Phong 13, Đức Linh 9, Phan Thiết 14, Bắc Bình 5, Hàm Thuận Bắc 7, Hàm Thuận Nam 9, Hàm Tân 18). Trong đó có 641 ca đang được điều trị tại cơ sở y tế, 38 ca đã điều trị khỏi và xuất viện.

Bình Thuận đang thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị 15, riêng thị xã La Gi và TP. Phan Thiết thực hiện giãn cách xã hội theo quy định tại Chỉ thị 16. Bình Thuận cũng đã tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19

Bình Thuận yêu cầu người dân đoàn kết, đồng lòng chấp hành nghiêm túc các quy định giãn cách xã hội, biện pháp phòng chống dịch, thông điệp 5K, đeo khẩu trang, không tụ tập… để đẩy lùi được dịch bệnh để sớm quay lại cuộc sống bình thường mới.

(Theo Tiền Phong)

Bộ Y tế: Không phun hóa chất, chế phẩm diệt virus SARS-CoV-2 khu vực ngoài trời hay vào người

Ngày 2/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, trước hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một số địa phương áp dụng biện pháp phun hóa chất diệt khuẩn tại các nơi công cộng để phòng chống dịch. Tại một số địa điểm, cơ quan, tổ chức lắp đặt buồng khử khuẩn để phun hóa chất diệt khuẩn vào người đứng trong buồng; một số đơn vị sử dụng máy phun hóa chất diệt khuẩn phun vào người cách ly, nhập cảnh.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những nơi như đường phố, vỉa hè không phải là nơi chứa virus SARS-CoV-2. Việc phun hóa chất diệt khuẩn ở ngoài trời không được WHO, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo do kém hiệu quả, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người phun và người xung quanh khu vực phun.

Việc sử dụng số lượng lớn hóa chất diệt khuẩn để phun diệt khuẩn ngoài trời còn có thể gây hại đến môi trường và làm lãng phí nguồn hóa chất dự trữ cho công tác phòng, chống dịch.

Mặt khác, WHO và CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo không phun hóa chất diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào do phương pháp này không làm giảm nguy cơ lây nhiễm mà có thể gây hại cho sức khỏe con người.

Để đảm bảo công tác vệ sinh khử khuẩn phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, an toàn và tiết kiệm, Bộ Y tế (cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo không thực hiện việc phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn để diệt virus SARS-CoV-2 tại những khu vực ngoài trời.

Không áp dụng biện pháp phun hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn vào người trong bất cứ tình huống nào, gồm cả biện pháp dùng máy phun hóa chất trực tiếp vào người hoặc sử dụng buồng khử khuẩn phun hóa chất.

Việc phun khử khuẩn chỉ áp dụng trong phạm vi hẹp khi xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng theo hướng dẫn tại Công văn số 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế.

Khi sử dụng các hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế đã được Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) cấp số đăng ký lưu hành còn hiệu lực, phải sử dụng theo đúng liều lượng và phương pháp sử dụng ghi trên nhãn sản phẩm.

(Theo Gia đình và Xã hội)

Bệnh viện Long An dỡ phong tỏa, vào khám phải nộp 238.000 đồng test nhanh

Sau 34 ngày (kể từ 29/6) tạm ngừng hoạt động do phát hiện ca dương tính với COVID-19, sáng 2/8, Bệnh viện Đa khoa Long An chính thức dỡ phong tỏa, các phòng, khoa hoạt động trở lại.

Theo đó, từ 6h sáng đã có hàng trăm người dân trên địa bàn TP.Tân An và lân cận đến xếp hàng chờ vào khám bệnh. Tất cả đều đeo khẩu trang, đứng giãn cách.

Bệnh viện Đa khoa Long An hoạt động trở lại.

Bệnh viện Đa khoa Long An hoạt động trở lại.

Ông Đỗ Văn Hoàng (65 tuổi, ngụ phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết, ông bệnh đái thào đường, hết thuốc nay hơn 1 tuần, khi nghe bệnh viện hoạt động trở lại ông đến khám, lấy thuốc về uống. Trước khi vào khám, ông được lấy mẫu test nhanh kháng nguyên Covid-19, kết âm tính.

Ông Mai Văn Dũng, Phó Giám đốc Bệnh Viện Đa khoa Long An cho biết, tất cả bệnh nhân đến khám bệnh, tái khám và người nuôi bệnh khi vào bên trong bệnh viện phải thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng, chống dịch và tuân thủ theo hướng dẫn, phân luồng của bệnh viện.

Tại 2 cổng ra vào, bệnh viện bố trí lực lượng lấy mẫu xét nghiệm kháng nguyên COVID-19 tất cả người vào khám bệnh (thu phí 238.000 đồng/lần test nhanh), kết quả âm tính mới tiếp tục vào khám nếu dương tính thì cách ly theo quy định.

Chỉ có người bệnh được vào bên trong xét nghiệm và khám bệnh, người thân đi cùng chờ đón bên ngoài (trừ trường hợp người bệnh không tự đi lại được).

Cũng theo ông Dũng, khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, bệnh viện ghi nhận thêm 55 ca F0, có 2 ca nguy kịch nhưng được điều trị khỏi và ra viện, hiện còn 8 ca có bệnh nền nặng đang tập trung điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

(Theo Báo Giao Thông)

Chốt phòng dịch hỗ trợ 3 người suy kiệt khi đạp xe hơn 200km về Sóc Trăng

“Vì quá khổ nên tôi phải đi lên Bình Chánh làm bảo vệ với hy vọng có tiền lo cho cuộc sống. Nhưng do dịch bệnh kéo dài, công ty không hoạt động nên tôi thất nghiệp phải về trở về quê.

Mấy ngày đạp xe từ TP. HCM về quê, ăn uống thất thường nên tôi gần như bị kiệt sức. May mà tới địa phận tỉnh Sóc Trăng, các chú CSGT biết, hỏi thăm và giúp tôi được xét nghiệm, hỗ trợ thêm cho một số tiền để về quê.

"Bây giờ được về đến Vĩnh Châu rồi, tôi mừng lắm. Trong thời gian cách ly, tôi sẽ chấp hành tốt các qui định để sớm được về nhà với gia đình. Tôi cảm ơn các chú công an và mọi người nhiều lắm”, ông Thạch Ớt (58 tuổi, quê ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) tâm sự.

Đại tá Phạm Minh Khả, Trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông này đã đi xe đạp suốt 2 ngày, từ TP. HCM về quê để tránh dịch và về đến chốt kiểm soát của tỉnh Sóc Trăng vào tối 1/8.

Theo lời kể của ông Thạch Ớt, ông làm bảo vệ cho 1 công ty ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) với mức lương 5,7 triệu đồng/tháng. Nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên ông thất nghiệp, sau đó phải cách ly 21 ngày ở TP.HCM.

Hết thời gian cách ly, do không có việc làm, tiền cũng không có, dịch ngày càng diễn biến phức tạp nên ông không thể trụ lại ở TP. HCM, nên quyết định đi xe đạp về quê tránh dịch vào sáng 30/7.

Dọc đường đi, không có tiền, ông được các chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương nơi ông đi qua giúp đỡ thức ăn, nước uống.

Đến chiều tối 1/8, về đến chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh Sóc Trăng đóng tại xã Đại Hải (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) thì sức khỏe của ông gần như suy kiệt. Ông được các chiến sĩ của Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng đang làm nhiệm vụ phát hiện, đưa vào chốt hỏi thăm.

Sau khi biết hoàn cảnh của ông, các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ đã lo cho ông nghỉ ngơi, ăn uống và báo cáo, xin ý kiến lãnh đạo. Nhận được chỉ đạo, các chiến sĩ đã hỗ trợ chi phí cho ông thực hiện test nhanh COVID-19 và có kết quả âm tính.

Biết hoàn cảnh của ông, các cán bộ đang làm nhiệm vụ ở chốt cùng cán bộ, đoàn thể xã Đại Hải đã quyên góp hỗ trợ ông Ớt được khoảng trên 3 triệu đồng.

Cũng vào khoảng thời gian đó, các chiến sĩ phát hiện 2 thanh niên đến chốt kiểm tra trong bộ dạng mệt mỏi. Qua kiểm tra, 2 thanh niên này là Lưu Văn Bảo (SN 2005) và anh Thạch Nựng (SN 1994) cho biết họ làm công nhân ở huyện Bình Chánh (TP. HCM).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có việc làm, tiền cũng không còn nhiều nên ngày 29/7, họ quyết định đi bộ về quê ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải (thị xã Vĩnh Châu) để tránh dịch.

Khi đến chốt kiểm soát xã Đại Hải là 4 ngày đi bộ. Kiểm tra nhanh thì 2 thanh niên này có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 của huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang).

Đến khoảng 22h ngày 1/8, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Sóc Trăng đã dùng phương tiện đưa ông Thạch Ớt cùng anh Lưu Văn Bảo và anh Thạch Nựng về đến thị xã Vĩnh Châu bàn giao cho cơ quan chức năng để đưa đi cách ly theo quy định.

Thượng úy Nguyễn Hồng Anh (Phòng CSGT Công an Sóc Trăng) cho biết: “Khi thấy ông Thạch Ớt đạp xe đến chốt, nhìn bề ngoài, chúng tôi biết ông không khỏe nên hỏi thăm.

Khi nghe nói ông đạp xe 3 ngày từ TP.HCM bây giờ mới đến Đại Hải, chúng tôi thấy thương quá. Anh em hỗ trợ ông một số tiền để thực hiện test nhanh và hỗ trợ thêm một số tiền để về quê trang trải cuộc sống.

Sau đó chúng tôi đưa ông cùng 2 thanh niên khác về tận chốt kiểm tra phòng, chống dịch của thị xã Vĩnh Châu (ở đầu cầu Mỹ Thanh, phường Khánh Hòa - giáp với huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) bàn giao cho cơ quan chức năng ở đó rồi mới trở về đơn vị. Khi đó chúng tôi mới yên tâm”.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ qua Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng chống dịch Covid-19, đối với người dân đã rời khỏi tỉnh xuất phát đến địa bàn tỉnh khác (trước ngày 1/8) thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa về địa phương đích đến bảo đảm an toàn.

(Theo Báo Giao Thông)

Cần Thơ cấm các loại xe vào thành phố, tiếp tục giãn cách đến ngày 16/8

Ngày 1/8, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Trần Việt Trường đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường một số biện pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn, theo báo Lao Động.

Theo đó, Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cho đến 0h ngày 16/8.

Trong thời gian này, yêu cầu mỗi hộ gia đình chỉ cử 1 người đại diện đi mua lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu theo nguyên tắc không quá 3 lần/tuần ở trong phạm vi phường, xã, thị trấn nơi cư trú.

Cấm các phương tiện giao thông, bao gồm người điều khiển và người đi cùng từ các tỉnh, thành phố khác vào TP. Cần Thơ, trừ trường hợp chở người đến cơ sở khám, chữa bệnh để cấp cứu, người đi thực hiện nhiệm vụ công vụ và lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch.

Theo chỉ thị của chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, người dân chỉ được phép đi chợ không quá 3 lần/tuần và chỉ trong phạm vi phường, xã, thị trấn nơi cư trú.

Theo chỉ thị của chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, người dân chỉ được phép đi chợ không quá 3 lần/tuần và chỉ trong phạm vi phường, xã, thị trấn nơi cư trú.

Các lĩnh vực được phép hoạt động gồm: ngân hàng, kho bạc, công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch đảm bảo, chứng khoán, bưu chính viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng chỉ duy trì với công suất tối thiểu để cung ứng các dịch vụ cần thiết, bố trí luân phiên làm việc trực tiếp, bảo đảm thực hiện nghiêm giãn cách.

Đối với việc vận chuyển hàng hóa, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ yêu cầu phải được kiểm tra các điểm tập kết, giao nhận và trung chuyển hàng hóa do thành phố quy định và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Tài xế và người ngồi trên phương tiện tuyệt đối không được xuống xe và phải rời khỏi thành phố ngay sau khi nhận hàng hóa xong.

Ông Trường yêu cầu các sở, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Phát huy mạnh mẽ những kết quả đã đạt được, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và khắc phục những tồn tại, hạn chế… Các địa phương không tự đặt ra các quy định, thủ tục trái với quy định pháp luật, cái gì chưa hợp lý phát sinh từ thực tế phải đề xuất sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Chủ tịch thành phố yêu cầu phải chăm lo sức khỏe và đời sống người dân, nhất là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, cao tuổi, khuyết tật, người mất việc do dịch bệnh… Tuyệt đối không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc…

Sở Y tế được yêu cầu đẩy nhanh tốc độ truy vết khai thác hiệu quả thông tin dịch tễ các F0, F1 để đưa đi cách ly tập trung. Chủ động lấy mẫu xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 ngẫu nhiên đối với các hộ kinh doanh lương thực, thực phẩm… người giao hàng.

(Theo Người Đưa Tin)

Bình Dương cho F1, F0 không triệu chứng cách ly tại nhà

Sáng 2/8, Sở Y tế Bình Dương thông tin từ 17h ngày 1/8 đến 6h ngày 2/8, địa phương ghi nhận 496 ca dương tính với SARS-CoV-2. Tính từ đợt dịch thứ 4 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 17.354 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 1.525 bệnh nhân khỏi bệnh; 84 bệnh nhân tử vong.

Số bệnh nhân đang điều trị là 6.580 bệnh nhân (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số bệnh nhân F0 không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời); trong đó có 110 phụ nữ mang thai, 118 người trên 65 tuổi, 293 người có bệnh lý nền, 361 người có diễn biến nặng (5,3%).

Hiện, Bình Dương có 16 khu điều trị bệnh nhân COVID-19, với 120 bác sĩ, 295 điều dưỡng trực tiếp phục vụ; cùng nhân viên y tế hỗ trợ 166 người (tổng cộng: 581 người). Số giường trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng điều trị được 17.240 người.

Bình Dương đang xét nghiệm sàng lọc toàn dân.

Bình Dương đang xét nghiệm sàng lọc toàn dân.

Toàn tỉnh Bình Dương có 1.602 khu vực đang phong tỏa với 152.867 người; 126 điểm cách ly tập trung với 18.969 người đang cách ly và 2.533 trường hợp F1 cách ly tại nhà.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Đồng thời, chỉ đạo Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng khu phố triển khai thực hiện ngay nội dung "Tuyệt đối không để người di chuyển khỏi tỉnh, nơi cư trú từ sau ngày 1/8 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong trường hợp để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.

Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đề nghị các đơn vị chuyên môn tiến hành thực hiện test nhanh các trường hợp F1 trong khu cách ly tập trung, trường hợp kết quả âm tính, cho về cách ly tại nhà; đối với các trường hợp F0 không có triệu chứng trong các khu cách ly, sau khi test nhanh, nếu kết quả âm tính, tiến hành cho về nhà tự cách ly theo hướng dẫn.

Việc tổ chức cách ly F1 tại nhà phải thực hiện đảm bảo theo các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; thường xuyên thực hiện theo dõi, có biện pháp ứng cứu kịp thời, không để trường hợp tử vong xảy ra tại nhà và ở các huyện, thị, thành phố.​

(Theo Tiền Phong)

Những tỉnh/thành nào đang áp dụng thực hiện Chỉ thị 16?

COVID-19 2/8: Đi xe máy từ Bình Dương về Nghệ An, vừa tới nơi thì phát hiện dương tính SARS-CoV-2 - 7

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Hàng loạt tài xế quay đầu vì Hà Nội cấm tuyệt đối ra khỏi thành phố

Sáng 2/8, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một số chốt kiểm dịch cửa ngõ Hà Nội, lực lượng chức năng không chỉ kiểm soát chặt đầu vào mà còn kiểm tra kỹ từng xe và người trên xe ở đầu ra.

Rất nhiều người dân từ nội thành đi các tỉnh buộc phải quay đầu xe vì thực hiện chỉ đạo khẩn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội

Tổ công tác chốt kiểm soát Covid-19 số 2 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ quét mã QR Code đối với xe có giấy chứng nhận đi luồng xanh (ảnh chụp sáng ngày 2/8).

Tổ công tác chốt kiểm soát Covid-19 số 2 trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ quét mã QR Code đối với xe có giấy chứng nhận đi luồng xanh (ảnh chụp sáng ngày 2/8).

Tại chốt kiểm dịch số 2 ngay vị trí trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc địa bàn huyện Thanh Trì (Hà Nội), các tổ công tác được bố trí tại 2 đầu hướng vào Hà Nội và hướng từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam. Cả hai đầu đều để biển ghi luồng xanh cho các phương tiện có Giấy chứng nhận mã QR Code đi qua nhanh chóng, không cần kiểm tra, chỉ quét mã Code.

Các phương tiện còn lại đều được kiểm tra nghiêm ngặt, chỉ xe nào người trên xe, tài xế có giấy xác nhận của cơ quan, địa chỉ làm việc tại tỉnh khác cùng giấy xét nghiệm PCR âm tính mới được qua.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) - ca trưởng phụ trách chốt kiểm soát Covid-19 số 2 thông tin, tối qua, Chủ tịch Hà Nội đã có công điện khẩn yêu cầu người dân "ai ở đâu ở đấy", tuyệt đối không di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội, trừ những người được chính quyền cho phép.

"Vì vậy, các tài xế, người ngồi trên xe không có giấy xác nhận công tác của cơ quan, thì dù có giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính vẫn phải quay trở lại Hà Nội để đảm bảo công tác phòng chống dịch", Trung tá Tuấn nói.

Tương tự, tại chốt kiểm dịch Covid-19 số 1 trên QL1A cũ thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên (Hà Nội), CSGT yêu cầu hàng loạt người điều khiển xe máy, ô tô từ nội thành ra quay đầu.

Thượng uý Phạm Văn Cường (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội), thành viên Tổ công tác chốt kiểm dịch số 1 cho hay, trong sáng cùng ngày (2/8), tổ công tác đã yêu cầu nhiều trường hợp người điều khiển xe máy và ô tô từ Hà Nội ra phải quay đầu về đảm bảo việc giãn cách xã hội.

"Đối với các phương tiện luồng xanh, xe đi công tác từ các tỉnh về, ra khỏi Hà Nội sẽ tiến hành kiểm tra các loại giấy tờ, quét mã QR Code đúng sẽ cho qua. Còn lại các xe máy, ô tô con, xe tải từ Hà Nội ra hoặc vào Hà Nội, không có giấy tờ chứng minh đi công tác, công vụ cần thiết, sẽ yêu cầu quay đầu", Trung tá Phạm Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) - Tổ trưởng tổ công tác Chốt kiểm dịch số 1 thông tin.

(Theo Báo Giao Thông)

Khẩn: Hà Nội tìm người liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga và loạt chợ dân sinh
Trong 2 ngày đầu tháng 8/2021, CDC Hà Nội liên tục ra thông báo khẩn tìm người liên quan đến các ổ dịch mới phát hiện trên địa bàn.

Tin tức Hà Nội

K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19