Tối 1/8, UBND TP.Hà Nội có công điện số 17 thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Công điện nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tuyệt đối không để người dân di chuyển ra ngoài địa bàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội theo đúng quy định, trừ những người được chính quyền cho phép. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để người dân tự ý di chuyển ra khỏi địa phương mình.
Chịu trách nhiệm tổ chức công tác tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên địa bàn đảm bảo đúng đối tượng. Đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trong tiếp cận vắc xin phòng COVID-19. Tổ chức tốt công tác truyền thông cho chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên địa bàn thành phố. Tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin thần tốc, hướng tới mục tiêu sớm đạt được miễn dịch cộng đồng nhưng vẫn đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn lên hàng đầu.
Người dân không di chuyển khỏi thành phố trong thời gian giãn cách xã hội (ảnh minh họa)
Yêu cầu các cấp chủ động đánh giá tại các khu vực có nguy cơ cao trên địa bàn đặc biệt tại các bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán hàng thiết yếu, khu đông dân cư, các khu cách ly tập trung, khu phong tỏa.
Phê duyệt phương án phòng chống dịch đối với các trụ sở cơ quan, đơn vị đang hoạt động trên địa bàn, chủ động quyết định việc thực hiện các biện pháp cao hơn trong thời gian giãn cách xã hội như phong tỏa một khu vực để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Ưu tiên tập trung một số biện pháp cấp bách: Truy vết tối đa trong thời gian ngắn nhất, sàng lọc các đối tượng có triệu chứng như ho, sốt, khó thở, mất vị giác, tăng cường, tăng tốc xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với các khu vực có nguy cơ, người về từ vùng dịch. Khu trú tập trung đảm bảo hiệu quả, thiết thực, tiết kiệm nguồn lực theo quyết định của cơ quan y tế. Cách ly, giám sát, xét nghiệm các trường hợp về từ vùng dịch và các địa điểm, vùng có nguy cơ khác do cơ quan y tế tham mưu.
Huy động tối đa các lực lượng, phân công cụ thể, hướng dẫn quy trình đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh khi làm nhiệm vụ.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại chỗ và lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Khẩn trương triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ về việc người lao động và người sử dụng lao động găp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội Trung ương và Thành phố, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế trên địa bàn Thành phố chấp hành nghiêm Chỉ thị số 17.
Triển khai đồng bộ các mô hình hay, có hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở như mô hình cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm vật tư trang thiết bị y tế đảm bảo minh bạch, hiệu quả, không để tiêu cực, thất thoát lãng phí. Yêu cầu rà soát, kích hoạt và đưa vào hoạt động theo phương án, kịch bản cao hơn.
Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố (gồm các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện ngoài công lập) đều phải thực hiện xây dựng phương án hoạt động bệnh viện an toàn. Kiểm soát chặt chẽ người ra vào bệnh viện. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được hoạt động khi được đảm bảo các tiêu chí an toàn COVID-19 do Bộ Y tế quy định.
Huy động tối đa các lực lượng cơ sở đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để toàn dân nâng cao ý thức tự giác, tự nguyện và chủ động tham gia phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện quy định của Thành phố. Kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế. Cung cấp các lương thực, thực phẩm cho những người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy” tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành và đơn vị liên quan rà soát kỹ, tham mưu phương án điều trị tổng thể 20.000 bệnh nhân mắc COVID-19, báo cáo UBND Thành phố trước ngày 05/8/2021.
Triển khai công tác nâng cao năng lực xét nghiệm của thành phố: Xây dựng kế hoạch phân bổ máy xét nghiệm PCR đảm bảo an toàn, hiệu quả, đúng mục đích. Bổ sung cán bộ (sinh viên các trường đại học, cao đẳng y trên địa bàn và mạng lưới y tế học đường) hỗ trợ, tổ chức đào tạo nhân lực về lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển.