COVID-19 2/9: Hà Nội phân 3 vùng để siết chặt hoặc nới lỏng giãn cách xã hội sau 6/9

H.A - Ngày 02/09/2021 12:14 PM (GMT+7)

Thường vụ Thành uỷ Hà Nội biểu quyết 100% thống nhất chủ trương đối với phương án phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 của TP theo đề xuất của Ban cán sự đảng UBND TP.

Theo Thông báo 480 của Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Ban Thường vụ Thành uỷ biểu quyết 100% thống nhất với đề xuất của Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19 sau đợt giãn cách thứ 3 (sáng 6/9). Trong đó, thiết lập 3 vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía tây, phía nam thành phố (sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao - “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Người dân Hà Nội chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch trong ngày 2-9 - Ảnh: Ngô Nhung

Người dân Hà Nội chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch trong ngày 2-9 - Ảnh: Ngô Nhung

Tại các khu vực nguy cơ cao - “vùng cam” và nguy cơ thấp hơn - "vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tình hình dịch bệnh.

Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn được phép quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước thành phố. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận của nhân dân; giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu thì ở đó”.

Lê Phương

Bảng sự khác biệt giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ (Nguồn: Báo Hà Nội Mới)

Bảng sự khác biệt giữa Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 và Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ (Nguồn: Báo Hà Nội Mới)

Hà Nội: Đi làm đông người, một ngân hàng bị xử phạt

Tối 2/9, lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, quận đã ban hành quyết định xử phạt 15 triệu đồng với ngân hàng Bangkok Đại chúng TNHH- Chi nhánh Hà Nội ở phòng 3, tầng 3, Trung tâm Quốc tế 17 Ngô Quyền, phường Tràng Tiền do vi phạm quy định, phòng chống dịch COVID-19.

Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, lý do xử phạt Ngân hàng Bangkok Đại chúng TNHH-Chi nhánh Hà Nội là do đơn vị này đi làm đông người, không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền thiễm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Trước đó, ngày 25/8, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã ra quyết định xử phạt 19 triệu đồng với Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Sở giao dịch tại tầng 1 và tầng 3 số 34 phố Hai Bà Trưng, Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) do khách hàng từng đến giao dịch tại ngân hàng có kết quả dương tính SARS-CoV-2 nhưng phía ngân hàng không báo cáo chính quyền.

(Theo Dân Việt)

Tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM ngày 2/9

Tối nay (2/9), Bộ Y tế đã công bố 5.963 ca nhiễm COVID-19 (F0) mới tại TP.HCM, tăng 595 ca so với hôm qua. Như vậy, tính từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam (từ ngày 27/4) tới nay, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 232.585 F0, riêng 56 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 vừa qua là 223.519 F0.

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM từ ngày 9/7 đến ngày 2/9.

Số ca nhiễm COVID-19 tại TP.HCM từ ngày 9/7 đến ngày 2/9.

Chi tiết hơn theo thống kê từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, số ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng, sàng lọc tại bệnh viện và trong khu cách ly trong ngày 2/9 đều giảm so với hôm trước. Riêng số ca nhiễm phát hiện trong khu phong tỏa tăng nhẹ.

Cũng theo số liệu từ Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, tính từ 17h ngày 1/9 đến 17h ngày 2/9, đã có 217 bệnh nhân COVID-19 tử vong - giảm mạnh so với những ngày trước (thường trên dưới 300 trường hợp). Cùng khoảng thời gian, 3.369 bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh tại TP.HCM lên 116.337 người (chiếm hơn 50% tổng số ca bệnh).

Đáng chú ý, theo thông tin do Trung tâm Báo chí TP.HCM dẫn lại, trong ngày 2/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quận 7 (TP.HCM) đã công bố kiểm soát dịch COVID-19 trên địa bàn quận này. Trước đó, trung bình mỗi ngày, tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 quận 7 số 1 có từ 4 - 5 ca tử vong, nay giảm xuống còn 2 ca/ngày, đặc biệt ngày 1/9 không có ca nào tử vong nào.

Chiều 2/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM cũng đã tổ chức họp báo cung cấp một số thông tin. Theo thông tin tại họp báo, TP.HCM đang điều trị 41.040 bệnh nhân, trong đó có 2.890 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.749 bệnh nhân nặng đang thở máy và 19 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương đã thông tin về số lượng đăng ký các đơn hàng đi chợ hộ trong những ngày vừa qua. Cụ thể, ngày 31/8, có 101.645 hộ đăng ký, 101.443 hộ đã nhận đơn hàng. Ngày 1/9, 89.489 đơn hàng đăng ký, 93.153 đơn hàng đã nhận. Ngày 2/9, 100.745 hộ đăng ký, 115.130 hộ đã nhận đơn hàng.

Về đội ngũ giao hàng (shipper) được tăng cường, theo Sở Công thương, ngày 1/9, số lượng shipper hoạt động là 10.782 người, hỗ trợ cung ứng 196.635 đơn hàng. Từ đó, giúp giảm tải công việc cho lực lượng đi chợ hộ, để họ tập trung những công tác chống dịch khác.

Về tình trạng lừa đảo đi chợ hộ, nắm được thông tin trên, Sở Công thương đã yêu cầu địa phương cung cấp thông tin đầu mối mua, vận chuyển hàng hoá đến người dân. Hiện tại, Sở không nhận thêm phản ánh liên quan đến vấn đề này.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam, sau khi được điều trị ổn định, các F0 sẽ có nồng độ kháng thể, miễn nhiễm tạm thời với virus SARS-CoV-2. Do đó, lực lượng này có thể tham gia cùng Thành phố trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Nam cho biết thêm, trước khi tham gia các công tác phòng, chống dịch, lực lượng F0 khỏi bệnh sẽ được đánh giá nồng độ kháng thể để bố trí ở một số vị trí phù hợp. Khi lực lượng này hỗ trợ ngành y tế trong công tác điều dưỡng, khử khuẩn, hướng dẫn, thì nhân viên y tế có thể tập trung vào công tác chuyên môn.

Thông tin về hiệu lực của giấy đi đường, thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết: Sau ngày 6/9, nếu vẫn giãn cách kéo dài, Công an TP.HCM sẽ có những phương án để người dân không gặp khó khăn trong quá trình thay đổi giấy đi đường. Bên cạnh đó, nhằm tránh tình trạng tiếp xúc gần khi quét mã QR tại các chốt kiểm soát, Công an TP.HCM đang thử nghiệm hình thức quét mã vạch bằng camera và đã triển khai tại 2 điểm kiểm soát.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM Bùi Hoà An bổ sung thêm, thống kê từ ngày 25/8 đến 1/9, lưu lượng phương tiện giao thông giảm trung bình từ 83 - 85% so với trước. Cụ thể, trong khung giờ từ 6 - 18h giảm 83%, từ 1 - 6h ngày sau giảm hơn 90%.

Để nhanh chóng bao phủ miễn dịch trong cộng đồng, TP.HCM cũng đang đẩy mạnh tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho người dân. Song song đó là xét nghiệm tầm soát người mắc COVID-19 để mở rộng "vùng xanh".

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM kêu gọi người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp "5K + vắc-xin", "ai ở đâu thì ở đó" và tiêm vắc-xin ngay khi đến lượt để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đồng thời, người dân cần tuân thủ quy định cách ly tại nhà, dùng thuốc đúng cách khi có kết quả xét nghiệm dương tính.

(Theo Tạp chí Du lịch TP.HCM)

5 tài xế dương tính với SARS-CoV-2 khai báo gian dối, vẫn di chuyển sang tỉnh khác

Theo thông tin ban đầu, ngày 18/8, Công ty T.N. điều động 10 tài xế trú tại huyện Long Điền, trong đó có Ngô Thành L. (SN 1990), Nguyễn Văn C. (SN 1990), Trần Quang K. (SN 1990), Lê Hoàng H. (SN 1996), Lưu Văn Tr (SN 1986) đi trên 5 xe ôtô từ xã Phước Tỉnh đến một cảng tại thị xã Phú Mỹ để áp tải xe chở cánh quạt gió đến tỉnh Đắk Lắk. Khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn huyện Long Điền, 10 người này đều xuất trình đầy đủ các giấy tờ có liên quan. 

Chiều 26/8, nhóm tài xế này được công ty tổ chức xét nghiệm PCR tại một địa điểm gần khách sạn Đế Vương (khu vực Tân Vạn, Bình Dương). Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, đoàn 10 người này di chuyển về Bà Rịa – Vũng Tàu.

Khoảng 21h cùng ngày, 7 người vào cảng và ngủ trên xe, 3 người trong đoàn là Nguyễn Chí T., Hoàng Tr. và Lê Hồng Ph. về Bà Rịa – Vũng Tàu. Khi đến chốt kiểm soát phòng chống dịch ở xã Phước Hưng, lực lượng làm nhiệm vụ hướng dẫn 3 người này đến Bệnh viện Bà Rịa xét nghiệm. Tại Bệnh viện Bà Rịa, 3 người này có kết quả dương tính nên được cơ quan chức năng đưa vào cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bà Rịa.

Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cảnh báo người dân cần phải khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe...

Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cảnh báo người dân cần phải khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe...

Tối 27/8, 7 người còn lại tiếp tục đi từ Phú Mỹ đến khu vực Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương rồi dừng xe và ngủ dọc đường. Chiều 28/8, 7 người này được công ty tổ chức xét nghiệm nhanh, 5 người (gồm: C., Kh., H., Tr. và L.) có kết quả dương tính nên lãnh đạo công ty yêu cầu cả 7 người này về địa phương để cách ly, điều trị.

Trên đường di chuyển từ Bình Dương về Bà Rịa - Vũng Tàu, những người này được lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt dừng xe, kiểm tra, nhưng họ đã khai báo gian dối về tình trạng sức khỏe, dùng giấy xét nghiệm PCR ngày 26/8 (âm tính và vẫn còn giá trị vì chưa quá 72 giờ) để cơ quan chức năng kiểm tra nên được qua chốt.

Khi đi đến vòng xoay Vũng Vằng thuộc thị trấn Long Điền, những người này mới khai báo đúng tình trạng sức khỏe và được tổ công tác huyện Long Điền đưa về Trung đoàn Minh Đạm để cách ly, điều trị.

Hiện Công an huyện Long Điền và Công an thị xã Phú Mỹ đang tiếp tục truy vết để khoanh vùng dập dịch, đồng thời thông báo cho các địa phương nơi những người này đi qua để truy vết các trường hợp tiếp xúc gần. 

Khoe thành tích "diễn quá xuất sắc" trên Facebook, nam thanh niên Hải Dương bị đề nghị xử phạt

Theo thông tin từ Công an huyện Kim Thành (Hải Dương), vào khoảng 22h15 đêm 31/8, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, tổ công tác Công an xã Kim Anh phát hiện anh B.Đ.D (SN 1991), có HKTT ở xã Thanh Lang (huyện Thanh Hà), là chủ cửa hàng hoa tại đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Phú Thái (huyện Kim Thành) có hành vi ra đường sau 21h không có lý do cần thiết.

Ngay sau đó, tổ công tác tiến hành dừng xe, làm việc với anh D. về hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 nói trên. Tuy nhiên, quá trình làm việc với lực lượng chức năng, nam thanh niên đã khóc và trình bày việc ra đường muộn là do về chăm con bị ốm chỉ có vợ ở nhà... nhằm tranh thủ sự đồng cảm của tổ công tác.

Sau khi về đến nhà, nam thanh niên khoe thành tích trên Facebook cá nhân

Sau khi về đến nhà, nam thanh niên khoe thành tích trên Facebook cá nhân

Trước sự việc trên, tổ công tác tiến hành lập biên bản và tạo điều kiện để anh D. kịp thời về nhà giải quyết việc gia đình. Tuy nhiên, ngay sau khi về đến nhà, nam thanh niên đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân tự nhận mình ngụy tạo lý do "diễn sâu sắc" để tổ công tác không xử lý hành vi vi phạm phòng chống dịch của mình.

Cụ thể nội dung anh D. đăng tải trên Facebook cá nhân sau khi về nhà: "Phải nói là em diễn quá xuất sắc nên các chú công an huyện Kim Thành không nỡ lòng nào phạt tiền em".

Nắm được thông tin, Công an huyện Kim Thành phối hợp Công an xã Kim Anh tiến hành xác minh và tham mưu cấp có thẩm quyền ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với anh Đ.B.D vì hành vi ra đường từ 21h đêm hôm trước đến 5h sáng hôm sau trong trường hợp không thật sự cần thiết theo điểm a, khoản 1, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Hà Nội siết chặt chống dịch, chỉ cá nhân "được phép mới ra đường"

Theo đó, UBND TP.Hà Nội yêu cầu các sở, ban ngành, cơ quan liên quan coi công tác dập dịch COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay, phải quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm "khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh".

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trước hết, Hà Nội yêu cầu rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn và tại các đơn vị; rà soát, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Trong đó, phải tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị, kiểm tra việc chuẩn bị các khu cách ly của cấp quận, huyện, thị xã; thực hiện tốt quan điểm lấy xã, phường là "pháo đài", người dân là "chiến sỹ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch và xác định "chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân".

Dù giãn cách xã hội toàn TP.Hà Nội nhưng người ra đường vẫn đông. Ảnh chụp ngày 9/8.

Dù giãn cách xã hội toàn TP.Hà Nội nhưng người ra đường vẫn đông. Ảnh chụp ngày 9/8.

UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu phương án, kịch bản phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam".

Đối với khu vực "vùng xanh", giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt từng phương án để tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ sản xuất hàng hóa cho khu vực "vùng đỏ", "vùng da cam", bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phát huy hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Từ đó xây dựng kế hoạch, phương án tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... để có kịch bản phòng, chống dịch chủ động.

Tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn thành phố, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly "nhóm đỏ" (tần suất 2-3 ngày/lần). Tại các khu vực có nguy cơ cao "nhóm da cam" (tần suất 5-7 ngày/lần). Song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các "nhóm xanh" cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng "nhóm xanh".

Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, ưu tiên tiêm ngay vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao, hộ gia đình tại các khu vực đông dân cư, ngõ/hẻm giáp danh ổ dịch nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng cho người dân trong vùng nguy cơ cao.

Hà Nội cũng yêu cầu lực lượng Công an TP tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân, quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn thành phố (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, dịch vụ công ích thiết yếu, công vụ, phòng chống dịch, khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân…).

Tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện  “được phép mới ra đường”, "ai ở đâu thì ở đó", "người ở vùng nào thì ở vùng đó".

UBND TP Hà Nội cũng đề nghị tập trung chỉ đạo xây dựng các "pháo đài" phòng, chống dịch là các xã, phường, thị trấn, thực hiện giãn cách xã hội hoặc tăng cường giãn cách xã hội phải thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm việc cung ứng, cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong khu vực thực hiện giãn cách, nhất là ở nơi phong tỏa, cách ly.

(Theo Dân Việt)

Hà Nội ghi nhận chùm ca bệnh mới tại phường Thanh Xuân Nam, tìm người từng đến mua rau quả

Chiều 2/9, lãnh đạo UBND phường phường Thanh Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, hiện Sở Chỉ huy phòng, chống dịch của phường đang tổ chức họp khẩn, nhằm triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn sau khi ghi nhận trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Theo lãnh đạo UBND phường Thanh Xuân Nam, Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường cũng có thông báo khẩn, tìm người từng đến mua hàng tại hàng rau và hoa quả, phòng 111, H9 (tổ dân phố số 2) ngõ 477 Nguyễn Trãi, từ ngày 18/8 đến 1/9, cần khai báo với cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi đến trạm y tế phường Thanh Xuân Nam (0243.8547854 - 0985099039 - 0977032594).

Ngõ 477 Nguyễn Trãi phường Thanh Xuân Nam, (Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2.

Ngõ 477 Nguyễn Trãi phường Thanh Xuân Nam, (Thanh Xuân, Hà Nội) ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2.

Trước đó, sáng 2/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC) cho biết, tại phường Thanh Xuân Nam, (Thanh Xuân) ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện qua sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng. Đó là Đ.X.N., nam, 19 tuổi, trú tại tòa H9 ngõ 477 Nguyễn Trãi.

Ngày 28/8, N. xuất hiện triệu chứng ho, sốt, sang ngày 1/9 khai báo y tế được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bố mẹ ngoài 50 tuổi của N., được xác định là F1, mẫu bệnh phẩm đến trưa 2/9 cũng khẳng định dương tính SARS-CoV-2. 3 người trong 1 gia đình N. dương tính SARS-CoV-2, họ bán hàng rau và hoa quả.

Một cô gái 29 tuổi, cùng trú tại ngõ 477 Nguyễn Trãi và đến mua hàng tại gia đình N. ngày 31/8 xuất hiện sốt, được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Con trai 5 tuổi của cô này ngày 1/9 sốt cao, cũng được xác định dương tính. Như vậy, tại phường Thanh Xuân Nam ghi nhận 5 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

(Theo Dân Việt)

TP.HCM: Gần 9.000 shipper hoạt động lại, giảm quá tải 'đi chợ hộ'

Chiều 1-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, sau 10 ngày siết giãn cách xã hội.

Liên quan đến shipper giao hàng, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết từ 30-8 đến nay, có 22.124 shipper của 33 đơn vị đăng ký hoạt động trở lại tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức.

Theo đó, ngày 30-8, có 7.481 shipper đáp ứng các yêu cầu và đi giao nhận 138.101 đơn hàng. Ngày 31-8, có 8.942 shipper đã giao nhận 163.332 đơn hàng.

Đội ngũ shipper giao hàng được cho phép hoạt động trở lại từ 30-8. Ảnh: TÚ UYÊN

Đội ngũ shipper giao hàng được cho phép hoạt động trở lại từ 30-8. Ảnh: TÚ UYÊN

Theo ông Phương, trước đây, một siêu thị, cửa hàng chỉ được cung ứng hàng hóa cho 1-2 phường nhưng giờ hàng hóa có thể phân phối cả quận thông qua đội ngũ shipper.

Chính vì thế, ông Phương cho rằng, với sự tham gia của hơn 30.000 nhân viên các siêu thị, cùng đội ngũ shipper, tình hình cung ứng hàng hóa của các địa phương cho các đơn vị “đi chợ hộ” đã giảm xuống. Áp lực cho hệ thống phân phối giảm nên tốc độ chuẩn bị đơn hàng cũng nhanh hơn, từ đó sự quá tải đã giảm xuống.

Trước đó, hôm 29-8, UBND TP.HCM có văn bản cho phép đội ngũ shipper hoạt động ở tám quận “vùng đỏ” đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine. Thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 một lần/ngày theo mẫu gộp ba người.

Thời gian xét nghiệm hàng ngày từ 5 giờ đến 6 giờ sáng do lực lượng quân y thực hiện tại các Trạm Y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trên trên địa bàn thành phố.

Đối với đội ngũ giao hàng hoạt động ở 14 quận, huyện còn lại đã được tiêm ngừa ít nhất một mũi vaccine. Thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 hai ngày/ lần theo mẫu gộp ba người do lực lượng quân y thực hiện tại các Trạm Y tế lưu động của 312 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố cho đến hết ngày 6-9.

(Theo Pháp luật TPHCM)

Thái Lan ngày đầu thử nghiệm "sống chung với dịch bệnh COVID-19"

Sự bùng phát của biến thể Delta đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới phải áp đặt những biện pháp hạn chế quyết liệt để phòng dịch COVID-19. Trong đó, Thái Lan là một trong những quốc gia ở Đông Nam Á hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với số ca mắc mới cao nhất lên tới 20.000 trường hợp/ngày. 

Tuy nhiên, mới đây, giới chức Thái Lan đã quyết định thay đổi chiến lược sang "sống chung với dịch bệnh". Trong đó, các quan chức Thái Lan nhận định nước này đã vượt qua giai đoạn đỉnh dịch và có thể từng bước nới lỏng các hạn chế được áp đặt trước đó để phòng dịch.

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha từng khẳng định đất nước sẽ được mở cửa trở lại vào tháng 10 "để giảm bớt thiệt hại đối với những người mất việc". Ông gọi đó là một "rủi ro được tính toán" và yêu cầu mọi người "sẵn sàng sống với một số rủi ro."

Nhân viên nhà hàng tại thủ đô Bangkok trở lại làm việc trong ngày đầu thử nghiệm sống chung với dịch bệnh. Ảnh: Reuters

Nhân viên nhà hàng tại thủ đô Bangkok trở lại làm việc trong ngày đầu thử nghiệm "sống chung với dịch bệnh". Ảnh: Reuters

Theo đó, dù số ca mắc COVID-19 mới vẫn tăng nhanh nhưng Thái Lan đã quyết định mở cửa dần dần đất nước, bắt đầu học cách "sống chung với COVID-19" từ tháng 9/2021.

Cụ thể, Thủ đô Bangkok cùng 28 tỉnh, thành phố khác nằm trong danh sách vùng "đỏ sẫm", là những nơi dịch đặc biệt nghiêm trọng, hiện cũng đã bắt đầu mở cửa trở lại các nhà hàng và trung tâm thương mại. Trong đó, các cơ sở kinh doanh chỉ được phép hoạt động với công suất 50% (đối với những nhà hàng có điều hoà) đến khoảng 75% (đối với những nhà hàng không có điều hoà) sức chứa và phải đóng cửa trước 20h hàng ngày.

Chia sẻ về ngày thử nghiệm "sống chung với dịch COVID-19", Orrapin Peenanee, một khách hàng ở Bangkok, cho biết: "Tình hình hiện nay đã được cải thiện vì nhiều người đã đi tiêm phòng và họ cũng thận trọng hơn với dịch bệnh".

Trong khi đó, ông Dale Fisher, một chuyên gia cao cấp về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore, nhận định việc nới lỏng hạn chế để khôi phục nền kinh tế sau thời gian khoá cửa là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Thái Lan cần tăng tốc độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Được biết hiện nay, mới chỉ khoảng 11,2% dân số (tương đương gần 8 triệu người) tại Thái Lan được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19. 

Bên cạnh nhà hàng và trung tâm thương mại, nhiều cơ sở kinh doanh khác cũng đã được phép mở lại từ ngày 1/9 tại Thái Lan bao gồm: Tiệm làm tóc; Spa; Cửa hàng mát xa, chăm sóc sức khoẻ; Các công viên công cộng, sân thể thao, khu liên hợp thể thao và hồ bơi ngoài trời...

Trong đó, các tiệm làm tóc, spa, tiệm mát xa, chăm sóc sức khoẻ chỉ được phép phục vụ khách hàng nếu khách hàng liên hệ đặt chỗ từ trước. Còn các trung tâm thể thao có thể mở cửa tới 20h và được phép tổ chức sự kiện, cuộc thi trong trường hợp không có khán giả. 

(Theo Dân Việt)

Ổ dịch mới ở Vũng Tàu được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm rất cao

Ngày 2-9, tại cuộc họp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Quy Nhơn, trưởng đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về công tác điều trị Covid-19, nhận định ổ dịch mới tại phường Thắng Nhất (TP Vũng Tàu) là ổ dịch có chuỗi lây nhiễm phức tạp, khả năng lây nhiễm rất cao.

Theo tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang, ổ dịch tại phường Thắng Nhất có chuỗi lây nhiễm rộng, chằng chịt, phức tạp, địa bàn khu vực ổ dịch có nhiều ngõ hẻm, khu vực buôn bán tạp hóa và buôn bán nhỏ lẻ nên sẽ có rất nhiều trường hợp tiếp xúc gần với các ca F0.

Ổ dịch tại khu phố 5 và khu phố 11, phường Thắng Nhất được phát hiện vào ngày 30-8. Tính đến sáng 2-9, ổ dịch này ghi nhận 28 trường hợp có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2, hiện cũng chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Trong khi đó chỉ số CT trong xét nghiệm PCR đối với các ca F0 ở ổ dịch này rất thấp (số chu kỳ mà virus SARS-CoV-2 phát hiện trong xét nghiệm PCR), với chỉ số CT thấp như vậy, tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang cảnh báo đây là ổ dịch có nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Đối với ổ dịch có chuỗi lây nhiễm nguy cơ rất cao này, tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang cũng lưu ý chính quyền TP Vũng Tàu cần phải tiến hành truy vết triệt để và nhanh nhất. Cùng với đó, việc tiến hành nhanh công tác xét nghiệm có chủ thể, chủ đích song song với công tác truy vết để nhanh chóng phát hiện các ca F0 trong cộng đồng.

Đánh giá về công tác phòng chống dịch của địa phương, tiến sĩ Huỳnh Hồng Quang cho biết, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã rất quyết liệt nên thực hiện rất tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc xuất hiện một số ổ dịch trên ngoài mong muốn, một số tỉnh khác cũng xảy ra trường hợp tương tự. Bà Rịa – Vũng Tàu đã nhanh chóng phát hiện và khoanh vùng rất tốt.

(Theo Người Lao Động)

Vụ thi lại giữa dịch bệnh: Vì sao học sinh vùng có dịch "lọt" vào phòng?

Ngày 2-9, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Đắk Lắk, cho biết đã báo cáo UBND tỉnh và yêu cầu Trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể trong việc để học sinh ở xã Cư Êbur (vùng dịch, đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ-PV) vào kiểm tra.

Trường THPT Chu Văn An nơi để lọt học sinh vùng có dịch vào kiểm tra

Trường THPT Chu Văn An nơi để "lọt" học sinh vùng có dịch vào kiểm tra

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sáng 1-9, Sở GD-ĐT đã cử đoàn làm việc với Trường THPT Chu Văn An. Kết quả cho thấy trước khi tổ chức kiểm tra, nhà trường đã thông báo kế hoạch kiểm tra đến giáo viên chủ nhiệm và học sinh. Trong đó lưu ý không tổ chức kiểm tra cho đối tượng là học sinh trong vùng phong tỏa và có yếu tố dịch tễ, những đối tượng này sẽ tổ chức đợt 2.

Cũng theo báo cáo, trong quá trình tổ chức kiểm tra, nhà trường tiếp tục rà soát các đối tượng học sinh trong vùng dịch không được tham gia kiểm tra đợt này. Tuy nhiên, nhà trường đã không kiểm soát chặt chẽ nên ở buổi kiểm tra môn Ngữ văn vào sáng 24-8 có 4 học sinh ở địa bàn xã Cư Êbur tham gia kiểm tra (!?).

Theo như báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, không hiểu quá trình kiểm soát học sinh vào phòng kiểm tra của các giáo viên như thế nào mà 4 học sinh ở vùng dịch vẫn "lọt" vào được phòng và nếu có trường hợp đi kiểm tra hộ thì có bị phát hiện?

Trả lời thắc mắc này, một lãnh đạo Sở GD-ĐT thừa nhận do phải báo cáo gấp với UBND tỉnh nên trước mắt qua làm việc đã phát hiện ra sai phạm khi để các em học sinh ở xã Cư Êbur vào phòng kiểm tra. Còn vấn đề có đúng là nhà trường vô tình để "lọt" hay không thì hiện Sở đang yêu cầu từng cá nhân, tập thể giải trình để làm rõ sự việc và xử lý nghiêm theo quy định.

Như đã phản ánh, chiều 24-8, phóng viên Báo Người Lao Động tiếp nhận thông tin Trường THPT Chu Văn An tổ chức thi lại giữa dịch bệnh, trong đó có học sinh ở xã Cư Êbur, gây lo lắng cho phụ huynh nên báo cho 2 lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk.

Sau đó, lãnh đạo Sở thông tin rằng Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (bà Huỳnh Thị Kim Huệ -PV) báo cáo thực hiện đúng quy định và không có học sinh ở xã Cư Êbur đi kiểm tra. Thậm chí, ngày 1-9, sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk có văn bản chỉ đạo, lãnh đạo Sở gọi hỏi, bà Huệ vẫn cho rằng không có việc học sinh ở xã Cư Êbur. Tuy nhiên, khi Sở xuống làm việc thì có 4 em học sinh ở vùng dịch dự kiểm tra.

(Theo Người Lao Động)

Số ca mắc Covid-19 liên tục tăng, Quảng Ngãi xem xét siết chặt giãn cách xã hội

Sáng 2-9,  Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, vừa ghi nhận thêm 19 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Trong đó, có 11 ca trong chuỗi lây nhiễm Công ty Hoya Lens, tại KCN VISIP Quảng Ngãi. Ngoài ra, qua xét nghiệm sàng lọc Covid-19 đối với toàn bộ hơn 19.000 người dân xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi), ngành y tế ghi nhận thêm 3 ca Covid-19 tại ổ dịch thôn Tân An, xã Nghĩa An.

Tính đến nay, sau 6 ngày xuất hiện F0,  ổ dịch Công ty Hoya Lens đã ghi nhận 115 ca bệnh, trong đó có 90 ca là công nhân công ty này và 25 ca bệnh liên quan.

Trước tình hình dịch Covid-19 lây lan nhanh, có nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng, không rõ nguồn lây, tối 1-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi thông báo Kết luận khẳng định Quảng Ngãi sẽ thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" nếu số ca F0 cộng đồng vẫn tăng trong những ngày tới.

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 người dân Quảng Ngãi. Ảnh: T.Trực

Xét nghiệm sàng lọc Covid-19 người dân Quảng Ngãi. Ảnh: T.Trực

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi, nếu đến ngày 5-9, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, số ca F0 và F1 trong cộng đồng vẫn tăng và khó kiểm soát thì thống nhất từ ngày 6-9, toàn tỉnh sẽ áp dụng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, "ai ở đâu ở yên đó".

Để khống chế, kiểm soát tốt dịch bệnh và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi, do bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, do ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh, làm Chỉ huy trưởng.

(Theo Người Lao Động)

Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 dịp nghỉ lễ 2-9

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 1.162 ca, riêng Bình Dương giảm 1.090 ca. Thêm 9.862 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 11.868 ca.

Nước ta đã tiêm hơn 20,2 triệu liều vắc-xin Covid-19, trong đó hơn 2,7 triệu người tiêm đủ 2 liều. Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu các đơn vị khẩn trương lập kế hoạch tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 cho các trường hợp đã được tiêm mũi 1.

Cùng ngày, Bộ Y tế có chỉ thị về việc tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu triển khai nghiêm, triệt để các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, nhất là trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9; hạn chế tối đa nảy sinh các nguy cơ dịch bệnh lây lan, bùng phát như đợt nghỉ lễ 30-4 vừa qua.

Chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) di dời người dân ở ổ dịch phường Thanh Xuân Trung đến nơi bảo đảm an toàn hơn vào tối 1-9Ảnh: Ngô Nhung

Chính quyền quận Thanh Xuân (Hà Nội) di dời người dân ở ổ dịch phường Thanh Xuân Trung đến nơi bảo đảm an toàn hơn vào tối 1-9Ảnh: Ngô Nhung

Chỉ thị cho biết tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân di chuyển, lưu thông với số lượng lớn, cùng với đó vẫn tiếp tục ghi nhận các ca bệnh trong cộng đồng. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm việc bảo đảm phòng ngừa lây nhiễm Covid-19. Tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có kế hoạch và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể, nhất là các tình huống khi dịch bệnh bùng phát trong thời gian nghỉ lễ.

Sau thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế), chiều 1-9, Bộ Y tế tiếp tục gửi đến cộng đồng thông điệp 5T: Tuân thủ nghiêm 5K - Thực phẩm đủ tại nhà - Thầy, thuốc đến tận gia - Test Covid tất cả - Tiêm chủng tại phường/xã.

(Theo Người Lao Động)

Chùm ca mắc Covid-19 tại đám tang ở Thanh Hóa ghi nhận thêm 9 ca

Sáng ngày 2-9, ông Lê Văn Dậu, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết khuya ngày 1-9, huyện nhận được thông báo có thêm 9 ca mắc Covid-19, tất cả đều ngụ ở tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn.

Theo ông Dậu, tất cả những ca mắc Covid-19 đều được ghi nhận trong ngày 1-9 và đều liên quan tới đám tang tại gia đình bà H. (ngụ tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn).

Như vậy, tính đến thời điểm này, chùm ca mắc Covid-19 liên quan tới đám tang ở huyện Nga Sơn đã ghi nhận tổng cộng có 20 ca dương tính SARS-CoV-2. Trong đó, ngày 30-8 ghi nhận 3 ca; ngày 31-8 ghi nhận 8 ca và ngày 1-9 là 9 ca.

Trước đó, từ ngày 30 và 31-8 trên địa bàn huyện Nga Sơn liên tiếp xuất hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2, xuất phát từ tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn, nguồn lây từ ca bệnh Đ.T.H. (SN 1960) đi chăm sóc chồng tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực. Người chồng đã mất và gia đình có tổ chức đám tang vào ngày 26-8.

Kết quả truy vết, tìm kiếm từ ngày 30-8 đến 10 giờ ngày 1-9, ngành y tế ghi nhận được 175 trường hợp F1; hơn 1.000 F2 và 556 F3.

Trước nguy cơ lây nhiễm cao từ chùm ca mắc Covid-19 này, CDC tỉnh Thanh Hóa đã huy động lực lượng hỗ trợ cùng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Nga Sơn thực hiện test nhanh kháng nguyên sàng lọc cho người dân tiểu khu Long Khang, Thắng Thịnh, Trung Bắc, Công ty Hing lung và những người liên quan có yếu tố nguy cơ hơn 5.000 mẫu; lấy mẫu xét nghiệm RT- PCR cho 1.257 trường hợp. Đến nay đã ghi nhận 20 ca dương tính SARS-CoV-2.

Hiện huyện Nga Sơn đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ toàn huyện trong vòng 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-9.

(Theo Người Lao Động)

Bình Định tạm đình chỉ công tác bí thư và chủ tịch một xã để dịch lây lan cộng đồng

Sáng 2-9, Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Cát đã có quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường Phạm Văn Thịnh. Cùng thời điểm này, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cũng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với Chủ tịch UBND xã Cát Tường Nguyễn Kế Sinh.

Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm tra y tế tại xã Cát Tường phun khử khuẩn phương tiện ra, vào địa phương

Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt kiểm tra y tế tại xã Cát Tường phun khử khuẩn phương tiện ra, vào địa phương

Việc tạm đình chỉ công tác bí thư và chủ tịch UBND xã Cát Tường là để xem xét, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. Nguyên nhân tạm đình chỉ công tác đối với 2 vị này là do thiếu quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Được biết, Cát Tường là xã đầu tiên của huyện Phù Cát xuất hiện ca Covid-19 vào ngày 20-7, là công dân về từ TP HCM. Đến nay, toàn xã này có 105 ca F0; trong đó có 43 ca là người về từ TP HCM, tập trung chủ yếu tại các thôn: Xuân Quang, Xuân An, Phú Gia và Kiều Đông. Đáng chú ý, trong một gia đình tại xã này có đến 14 người cùng mắc Covid-19 nhưng chưa rõ nguồn lây.

Trong một diễn biến khác, sáng cùng ngày Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Định đã thông tin về 20 ca Covid-19 trên địa bàn. Nhu vậy, tính đến thời điểm sáng 2-9, Bình Định đã ghi nhận 737 ca Covid-19; trong đó 472 ca đã khỏi bệnh được xuất viện về nhà, 7 ca tử vong và 258 ca đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh.

(Theo Người Lao Động)

Hình ảnh khác lạ trên các phố phường Hà Nội trong ngày 2/9 năm nay
Những con đường dài hun hút không một bóng người, các nút giao giờ cao điểm vẳng vẻ, cuộc sống như chậm lại trong buổi sáng ngày Quốc khánh 2/9.

Quốc khánh 2-9

H.A (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19