COVID-19 29/3: Hơn 100.000 ca dương tính SARS-CoV-2, địa phương khẩn trương ra khuyến cáo đến người dân

K.T - Ngày 29/03/2022 12:14 PM (GMT+7)

Đến nay, Yên Bái ghi nhận hơn 104.000 ca mắc COVID-19, tương đương khoảng 1/8 dân số toàn tỉnh.

9 diễn biến

1/8 dân số Yên Bái mắc COVID-19, khuyến cáo tâm lý chủ quan với dịch bệnh

Theo báo cáo của Sở Y tế - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái, trong ngày 28/3, trên địa bàn ghi nhận thêm 3.795 ca mắc mới. Trong đó 1.469 trường hợp phát hiện qua lấy mẫu giám sát ho, sốt cộng đồng, 2.312 trường hợp là F1 và 14 trường hợp đi từ tỉnh ngoài về.

Trong ngày, có 3.498 bệnh nhân đủ điều kiện khỏi bệnh. Lũy kế đến nay đã có 77.302 trong số 104.496 bệnh nhân mắc COVID-19 ở Yên Bái đã khỏi bệnh.

Về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19: Trên 99% trẻ em từ đủ 12 - dưới 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; mũi 2 đạt 96%.

Đối với người trên 18 tuổi, tỷ lệ người tiêm vaccine 2 mũi đạt trên 99%, tiêm 3 mũi đạt 93,7%.

Yên Bái quyết tâm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây nhiễm ra cộng đồng.

Yên Bái quyết tâm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh bùng phát, lây nhiễm ra cộng đồng.

Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến ngày 28/3, Yên Bái vẫn là 1 trong 5 tỉnh thuộc cấp độ dịch COVID-19 thứ 3- tương đương với "vùng cam".

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái không còn xã, phường, thị trấn nào ở cấp độ 4 - vùng đỏ; 162 xã, phường, thị trấn cấp độ 3.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Yên Bái, thời gian vừa qua có xuất hiện tình trạng chủ quan của không ít người khi bày tỏ quan điểm "Ai rồi cũng trở thành F0 hay "Đằng nào rồi cũng dính". Một số bộ phận người dân còn có tâm lý đã tiêm vaccine nên bệnh sẽ nhẹ, rồi buông xuôi, thả lỏng.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã ghi nhận nhiều trường hợp đã từng mắc COVID-19 bị tái nhiễm hoặc bệnh nhân "hậu COVID-19" có các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động.

Do vậy, để giảm số ca nhiễm hàng ngày cũng như mang lại sự bình yên cho cộng đồng trong thời gian ngắn nhất, rất cần hơn nữa việc nâng cao ý thức của mỗi người trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là tuân thủ 5K của Bộ Y tế.

Với số lượng người mắc COVID-19 tăng cao (chiếm khoảng 1/8 dân số toàn tỉnh), để tránh tình trạng quá tải, ngành y tế Yên Bái đã tăng cường lực lượng trong việc cập nhật thông tin bệnh nhân F0 để quản lý, theo dõi và hỗ trợ điều trị tại nhà; duy trì lực lượng tình nguyện viên là cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/1-8-dan-so-yen-bai-mac-covid-19-khuyen-cao-tam-ly-chu-quan-vo...

Hướng dẫn mới về tiêm vắc-xin phòng Covid cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

Bộ Y tế ngày 28/3 đã có công văn số 1535 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo hình thức chiến dịch, miễn phí.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 5/2/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vắc-xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Để sẵn sàng tiêm chủng và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em thuộc lứa tuổi này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng tiêm chủng đến lịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế tại các văn bản trước đó.

Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học.

Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học.

Chuẩn bị triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, cụ thể: Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc độ tuổi từ 5 dưới 12 tuổi. Đối với trẻ thuộc lứa tuổi này không đi học thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đủ điều kiện tiêm chủng để có thể triển khai ngay khi được phân bổ vắc-xin.

Loại vắc-xin sử dụng là vắc-xin được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi này. Liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch, miễn phí tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với những nơi tổ chức học tập trung tại trường).

Bộ Y tế nêu rõ, việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định tại mục III Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 ban hành kèm theo các hướng dẫn trước đó.

Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký Phiếu đồng ý tiêm chủng theo mẫu.

Thực hiện khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn tại Quyết định 2470 ngày 14/6/2019, Quyết định số 5002 ngày 29/10/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thực hiện tuyên truyền, vận động để người dân đưa trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng tích cực tham gia tiêm chủng kịp thời và đầy đủ.

Đối với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Bộ Y tế nêu rõ: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xây dựng tài liệu hướng dẫn việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, tổ chức tập huấn cho các cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc.

Các viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur lập kế hoạch tập huấn, hướng dẫn việc tiêm vắc-xin cho các tỉnh, thành phố trong trường hợp cần thiết và tổ chức giám sát, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các tỉnh, thành phố theo địa bàn phân công phụ trách trong quá trình tổ chức triển khai tiêm chủng.

Liên quan đến tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-dưới 12 tuổi, ngày 27/3, Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đã thông báo chính thức cho biết vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng khoảng từ tuần thứ 2 của tháng 4/2022 ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vắc-xin hoàn tất.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/huong-dan-moi-ve-tiem-vac-xin-phong-covid-cho-tre-5-den-duoi...

Tp.HCM: Sẵn sàng tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho 900.000 trẻ từ 5 đến 11 tuổi

Chiều 28/3, trong buổi họp báo thông tin về phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM, đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM (HCDC) cho biết, ngành y tế đã chuẩn bị kỹ càng trong việc tiêm ngừa vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và sẽ tiến hành sau khi có hướng dẫn, phân bổ vắc-xin.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cho biết: “Hiện tại, Sở Y tế và Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM đang phối hợp rà soát lại với trẻ đang đi học có độ tuổi từ 5-11. Đối với trẻ ở lứa tuổi này nhưng chưa hoặc không đi học thì chính quyền địa phương sẽ lập danh sách”.

Tính đến hiện tại, Tp.HCM có 900.000 trẻ từ 5-11 tuổi, trong đó số lượng trẻ chưa hoặc không đi học là khoảng 12.000 trẻ.

Theo ông Tâm, trước đây, khi Bộ Y tế có chủ trương tiêm vắc-xin cho trẻ ở lứa tuổi 5-11, các trạm y tế đã có nhiều bước chuẩn bị để việc tiêm chủng được thực hiện tốt nhất có thể. Dựa trên kế hoạch, Tp.HCM sẽ triển khai ngay khi được Bộ Y tế hướng dẫn.

Về loại vắc-xin, ngành y tế sẽ sử dụng vắc-xin phù hợp với lứa tuổi này, còn về liều lượng và khoảng cách giữa các mũi tiêm sẽ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

"Chúng tôi cũng phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức điểm tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động. Cha mẹ và người giám hộ phải ký vào giấy đồng ý tiêm chủng. Tp.HCM tổ chức tập huấn về nhập liệu, khám sàng lọc cũng như tiêm cho trẻ... rất kỹ càng. Như vậy, chúng ta chỉ còn đợi hướng dẫn và vắc-xin được phân bổ là sẽ tiến hành ngay", ông Tâm cho biết.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cho biết, công tác tập huấn, chuẩn bị tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em của địa phương đã sẵn sàng.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Tp.HCM cho biết, công tác tập huấn, chuẩn bị tiêm chủng phòng COVID-19 cho trẻ em của địa phương đã sẵn sàng.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM tiếp lời, trong những đợt cao điểm, Tp.HCM đã tiêm từ 200-300 mũi tiêm/ngày, từng có 1.000-1.500 đội tiêm, tốc độ tiêm nhanh và thực hiện rất tốt.

Đợt này, Sở Y tế sẽ phối hợp tốt với Sở Giáo dục & Đào tạo Tp.HCM để nắm sát tình hình, số lượng trẻ và tổ chức các điểm tiêm phù hợp với điều kiện thực tế.

“Tùy vào số lượng trẻ em, nơi ở, học tập, Sở Y tế sẽ có sự phân bổ phù hợp. Tiêm cho trẻ em rất khác với tiêm cho người lớn, công tác chuẩn bị phải cẩn thận so với các đợt tiêm ngoài cộng đồng. Từ công tác sàng lọc đến sơ cấp cứu và những theo dõi, hướng dẫn với các bà mẹ trong xử lý khi trẻ sốt hay có tác dụng phụ sau tiêm nên thời gian qua, ngành y tế đã tập huấn rất nhiều cho các đội tiêm, cơ sở giáo dục… để có sự chuẩn bị tốt nhất”, bà Mai nói thêm.

Thông tin về việc cho F0 và F1 đi làm, đại diện Sở Y tế cho biết, Tp.HCM vẫn thực hiện theo hướng dẫn mới nhất về quản lý điều trị người F0 của Bộ Y tế. Trong đó nêu rõ thời gian cách ly điều trị của F0 là đủ 7 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2.

Trường hợp 7 ngày mà kết quả vẫn còn dương, phải cách ly đúng 10 ngày đối với người tiêm đủ mũi vắc-xin ngừa COVID-19theo quy định, 14 ngày với người không tiêm đủ mũi vắc-xin.

Đối với F1, trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin sẽ thực hiện cách ly ngắn hơn so với F0. Vì thế, Tp.HCM sẽ thực hiện hướng dẫn này cho đến khi có hướng dẫn khác từ Bộ Y tế.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Tp.HCM thông tin, tính đến ngày 27/3, tại Tp.HCM có 592.197 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố.

Hiện, địa phương đang điều trị 3.657 bệnh nhân, trong đó có 329 trẻ em dưới 16 tuổi, 79 bệnh nhân thở máy, 5 ca phải chạy ECMO. Trong ngày, có 378 xuất bệnh nhân xuất viện và có 386 bệnh nhân nhập viện.

Về việc tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, đến ngày 27/3, tại Tp.HCM đã có hơn 88 triệu người tiêm mũi 1, còn mũi 2 là hơn 7,3 triệu người, trong khi mũi bổ sung là 680.009 người và mũi nhắc lại là hơn 4,2 triệu người.

Tp.HCM đang thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ, được tiến hành từ đầu tháng 3 và kết thúc vào cuối tháng. Hệ thống đã lập danh sách có 240.858 người thuộc nhóm nguy cơ cao trên 65 tuổi, kèm bệnh nền.

Ngành y tế đã tầm soát được 41.926 người, trong đó, phát hiện 1.478 người mắc COVID-19. Những trường hợp mắc bệnh đều được phát thuốc Molnupiravir điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, có 2.983 người được tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/tp-hcm-san-sang-tiem-vac-xin-phong-covid-19-cho-900-000-tre-...

Mới: Tiêu chuẩn phụ nữ mang thai mắc COVID-19 được điều trị tại nhà

Ngày 28/3, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn Chăm sóc, quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19.

Theo đó, tiêu chí đối với phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19 được chăm sóc tại nhà được áp dụng các tiêu chí theo quy định tại Mục 2 của "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19", và một số yêu cầu đặc thù. 

COVID-19 29/3: Hơn 100.000 ca dương tính SARS-CoV-2, địa phương khẩn trương ra khuyến cáo đến người dân - 4

Tiêu chuẩn phụ nữ mang thai mắc COVID-19 được điều trị tại nhà

Người mắc COVID-19 là phụ nữ có thai để được điều trị tại nhà phải là người chưa có chỉ định chấm dứt thai kỳ, chưa có dấu hiệu chuyển dạ; Không có một trong các dấu hiệu cấp cứu hoặc bất thường sản khoa như:

- Đau bụng liên tục và/hoặc tăng dần;

- Ra máu âm đạo;

 Ra nước ối;

- Ngất hoặc co giật;

- Phù mặt, chân, tay;

- Đau đầu, nhìn mờ;

- Không có cử động thai (đối với thai > 20 tuần) hoặc cử động thai yếu hơn bình thường;

- Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường khác.

Theo dõi sức khoẻ phụ nữ mang thai mắc COVID-19 tại nhà ra sao?

Phụ nữ có thai khi điều trị tại nhà cũng cần theo dõi tình trạng sức khỏe như đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng, buổi chiều và khi có dấu hiệu bất thường. Đếm nhịp thở, đếm mạch, SpO2 và huyết áp (nếu có thể) hàng ngày;

Theo dõi các dấu hiệu của thai kỳ: cử động thai; các dấu hiệu bất thường về sản khoa cũng là điều cần thực hiện, thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường.

Về quản lý thai, chăm sóc thai nghén, cần duy trì khám thai định kỳ theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, khám thai vào bất kỳ thời điểm nào nếu phát hiện dấu hiệu bất thường hoặc khi có chỉ định của nhân viên y tế;

Nếu thai phụ mắc COVID-19 đến ngày hẹn khám thai và không có các dấu hiệu bất thường về sản khoa, có thể khám thai từ xa hoặc tư vấn thai phụ đợi đến ngày hết cách ly;

Thai phụ cũng cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, vận động và tập thể dục, bổ sung vi chất dinh dưỡng, không sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc thụ động, không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích, chất gây nghiện khác; Duy trì bổ sung sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn của nhân viên y tế (tạm dừng khi có các triệu chứng nôn, tiêu chảy).

Đối với bà mẹ trong thời kỳ hậu sản và bà mẹ cho con bú mắc COVID-19

Cần thông báo ngay với nhân viên y tế hoặc đến khám tại cơ sở y tế khi có một trong các dấu hiệu bất thường như: Ra máu tăng dần hoặc có máu cục; Sản dịch có mùi hôi; Đau bụng dữ dội hoặc đau âm ỉ, tăng dần;

Vết khâu tầng sinh môn (đối với sinh thường) hoặc sẹo mổ đẻ có khối bất thường, tăng kích thước hoặc chảy mủ; Sốt >38°C, không giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ;

Phù mặt, chân, tay hoặc nhìn mờ, đau đầu nhiều;  Co giật; Vú: sưng, nóng, đỏ đau hoặc chảy mủ; Hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác.

Với trẻ sơ sinh, theo Hướng dẫn này, không nhất thiết phải làm xét nghiệm COVID-19 thường xuyên cho tất cả trẻ sơ sinh, kể cả khi người chăm sóc trẻ mắc COVID-19.

Trong trường hợp cả bà mẹ và trẻ sơ sinh đều được xác định mắc COVID-19, cần duy trì cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ ngạt mũi khó bú, vệ sinh mũi cho trẻ trước khi cho bú. Nếu trẻ không bú được, vắt sữa mẹ cho trẻ ăn bằng cốc và thìa.

Nếu chỉ có bà mẹ được xác định mắc COVID-19, cần tư vấn cho bà mẹ và gia đình cân nhắc giữa lợi ích của việc cho trẻ bú mẹ và nguy cơ trẻ sơ sinh có thể mắc COVID-19. 

Nguồn: https://danviet.vn/moi-tieu-chuan-phu-nu-mang-thai-mac-covid-19-duoc-dieu-tri-tai-nha-2...

Số ca mắc Covid-19 mới ở tỉnh Khánh Hòa tăng thêm 625 ca

Ngày 29/3, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết từ 17h ngày 28/3 đến 17h ngày 29/3, toàn tỉnh ghi nhận thêm 625 ca nhiễm Covid-19 mới.

Các ca bệnh được ghi nhận tại thành phố Nha Trang 217 ca, thị xã Ninh Hòa 145 ca, huyện Vạn Ninh 63 ca, huyện Diên Khánh 60 ca, thành phố Cam Ranh 35 ca, huyện Khánh Vĩnh 19 ca, huyện Khánh Sơn 54 ca, huyện Cam Lâm 32 ca. Trong đó có 261 ca ghi nhận trong cộng đồng, 358 ca cách ly tại nhà, 6 ca cách ly tập trung.

Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh tăng 264 ca so với ngày 28/3.

Số ca nhiễm mới tại thành phố Nha Trang tăng 129 ca, huyện Diên Khánh tăng 34 ca, thành phố Cam Ranh tăng 9 ca, thị xã Ninh Hòa tăng 37 ca, huyện Cam Lâm tăng 17 ca, huyện Vạn Ninh tăng 19 ca, huyện Khánh Vĩnh tăng 8 ca và huyện Khánh Sơn tăng 11 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 115.313 ca nhiễm, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Riêng đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 114.980 ca. Ba huyện, thị xã, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Nha Trang với 56.283 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 16.790 ca, huyện Diên Khánh 13.068 ca.

Trong ngày 29/3, có 1.307 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi, ra viện là 110.547 ca. Số bệnh nhân tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 350 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị là 4.416 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà là 4.157 người.

Trong 24 giờ qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 2.122 lượt người; xét nghiệm RT-PCR cho 13 lượt người.

Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh này đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.612.264 lượt người; xét nghiệm RT-PCR cho 1.670.673 lượt người.

Tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 2.805.610 liều. Trong đó, mũi 1 là 1.096.381 người, mũi 2 là 1.086.064 người, mũi 3 là 796.946 người.

Trong số này, người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 977.316 người (tỉ lệ 102,56%); tiêm mũi 2 là 975.259 người (tỉ lệ 102,34%); tiêm mũi 3 là 796.947 người (tỉ lệ 83,63%). Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 119.065 người (tỉ lệ 104,57%); tiêm mũi 2 là 110.820 người (tỉ lệ 97,33%).

Về hoạt động của ban chỉ đạo các cấp, Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa ban hành Thông báo số 713/TB-SGTVT ngày 28/3/2022 về việc hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn trong phòng, chống Covid-19”, tính đến chiều 29/3, trong toàn tỉnh có 649 thôn, tổ dân phố bình thường mới - “vùng xanh”; 113 thôn, tổ dân phố nguy cơ - “vùng vàng”; 87 thôn, tổ dân phố vùng nguy cơ cao - “vùng cam” và 119 thôn, tổ dân phố nguy cơ rất cao - “vùng đỏ”.

Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do, cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn, các lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tổ tự quản an toàn trong phòng, chống dịch…

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/so-ca-mac-covid-19-moi-o-tinh-khanh-hoa-tang-them-625-ca-a54...

Đắk Lắk ghi nhận thêm 3.381 trường hợp mắc Covid-19

Ngày 29/3, thông tin từ ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm 3.381 trường hợp mắc Covid-19.

Trong đó, có 2.882 trường hợp trong cộng đồng ghi nhận tại tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tp.Buôn Ma Thuột 653 trường hợp, huyện Buôn Đôn 304 trường hợp, huyện Krông Năng 253 rường hợp, huyện Ea Súp 235 trường hợp, huyện Ea H’leo 230 trường hợp, huyện Krông Pắk 206 trường hợp, huyện Ea Kar 201 trường hợp, huyện Krông Bông 194 trường hợp, huyện Krông Ana 136 trường hợp, huyện Cư Mgar 131 trường hợp, huyện Cư Kuin 118 trường hợp, huyện M’Đrắk 69 trường hợp, thị xã Buôn Hồ 58 trường hợp, huyện Krông Búk 57 trường hợp, huyện Lắk 37 trường hợp.

Bên cạnh đó, có 494 trường hợp ghi nhận cách ly tại nhà gồm: Huyện M’Đrắk 110 ca, thị xã Buôn Hồ 98 ca, huyện Lắk 77 ca, huyện Krông Ana 40 ca, huyện Ea H’leo 29 ca, huyện Krông Bông 28 ca, huyện Krông Năng 25 ca, huyện Krông Búk 21 ca, huyện Ea Kar 21 ca, huyện Cư Mgar 17 ca, huyện Cư Kuin 8 ca, Tp.Buôn Ma Thuột 7 ca, huyện Ea Súp 6 ca, huyện Buôn Đôn 4 ca, huyện Krông Pắk 3 ca.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 3.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 3.

Ngoài ra, còn có một trường hợp ghi nhận trong khu cách ly tập trung và 4 trường hợp qua sàng lọc.

Như vậy, tính đến chiều 29/3, toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 137.554 trường hợp mắc Covid-19. Trong đó, đang điều trị 57.588 trường hợp, 186 trường hợp tử vong và 79.780 bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh.

Trước đó, ngày 28/3, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có thông báo cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn. Theo nội dung thông báo, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang ở cấp độ 3.

Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố, có 15 địa phương đang ở cấp độ 3. Đối với cấp xã, phường, thị trấn, có 1 xã cấp độ 1, 5 xã cấp độ 2 và 178 xã cấp độ 3.

Trên cơ sở nội dung thông báo nói trên, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh và yêu cầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ các cấp độ dịch được công bố để triển khai các biện pháp hành chính “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn phụ trách.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dak-lak-ghi-nhan-them-3-381-truong-hop-mac-covid-19-a548040....

Thượng Hải siết chặt lệnh phong tỏa để chống dịch Covid-19

Mặc dù số ca nhiễm Covid-19 ở Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc, còn ít so với thế giới, 4.381 ca không có triệu chứng và 96 ca có triệu chứng trong ngày 28/3, nhưng Trung Quốc vẫn áp dụng chiến lược zero-COVID để kiểm soát biến thể Omicron có khả năng lây lan cao.

Ngày 29/3, Thượng Hải đã siết chặt giai đoạn đầu của lệnh phong tỏa gồm 2 giai đoạn phòng ngừa đại dịch, theo đó yêu cầu người dân tại một số khu dân cư ở trong nhà để được xét nghiệm Covid -19. Thành phố với khoảng 25 triệu dân này đã bước sang ngày thứ hai thực hiện lệnh phong tỏa.

Theo Tân Hoa xã, từ 5h sáng 28/3 đến 5h sáng 1/4, lệnh phong tỏa tạm thời được áp dụng tại các vùng ở phía đông và phía nam sông Hoàng Phố, trong đó có quận Phố Đông và các vùng phụ cận. Sau đó, từ 3h sáng 1/4 đến 3h sáng 5/4, lệnh phong tỏa được triển khai tại các quận nội đô ở phía tây sông Hoàng Phố.

Cảnh quay bằng máy bay không người lái do truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy những con phố vắng lặng xung quanh các tòa nhà chọc trời của khu tài chính Lục Gia Chủy ở quận Phố Đông. Giao thông công cộng ở phía đông đã ngừng hoạt động và tất cả các phương tiện chưa được phê duyệt cũng bị cấm lưu thông trên đường.

Ở phía tây thành phố, người dân liên tục đổ xô đến các cửa hàng tạp hóa và chợ rau quả để tích trữ lương thực trước khi bị phong tỏa từ ngày 1/4.

Wu Qianyu, một quan chức y tế của thành phố, nói trong một cuộc họp báo ngày 29/3 rằng, người dân không nên rời khỏi nhà, kể cả dắt thú cưng đi dạo hoặc đi vứt rác. Bà đồng thời cho biết 17.000 nhân viên y tế từ Thượng Hải và các khu vực lân cận đã thiết lập 6.300 trạm xét nghiệm và tiến hành tổng cộng 8,26 triệu lần xét nghiệm tại các quận bị cấm của thành phố vào ngày 28/3.

Giới chức khẳng định biện pháp trên nhằm hạn chế virus lây lan, bảo vệ sức khỏe, đời sống của người dân và đạt mục tiêu sớm đưa số ca mắc bệnh trong cộng đồng về 0.

Trong khi đó, Hoàn cầu Thời báo dẫn lời nhà kinh tế Cao Heping từ Đại học Bắc Kinh cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa của Thượng Hải có thể sẽ giảm 0,5% trong quý đầu và quý 2 so với 1 năm trước, nhưng nền kinh tế quốc gia sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thuong-hai-siet-chat-lenh-phong-toa-de-chong-dich-covid-19-a...

Yêu cầu bệnh viện Đa khoa, CDC Bình Dương giải trình việc mượn kit test COVID

Tại công văn số 781, Sở Y tế Bình Dương yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương giải trình, thuyết minh nguyên nhân của việc mượn kit test các công ty.

Sở Y tế Bình Dương cũng đề nghị các đơn vị cam kết việc không nhận bất cứ khoản hoa hồng từ các công ty, doanh nghiệp trong việc thực hiện mua sắm, đấu thầu phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Liên quan đến việc mua sắm kit test COVID-19 của Công ty Việt Á, ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương cùng 3 thuộc cấp bị Bộ Công an khởi tố, bắt giam.

Về kit test của Công ty Việt Á, đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho biết, vào thời điểm mua dịch bệnh bùng phát mạnh nên "lấy bao nhiêu hết bấy nhiêu". Do đó, khi Bộ Công an khởi tố các bị can, kit test của Việt Á không còn.

Nguồn: https://tienphong.vn/yeu-cau-benh-vien-da-khoa-cdc-binh-duong-giai-trinh-viec-muon-kit-...

Còn nhiều người ngại tiêm vắc xin, Bình Dương tính việc tặng quà khuyến khích người dân

Ngày 29/3, Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho hay, địa phương đã tiêm được hơn 6.600.000 liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó, độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi khoảng 180.000 người, từ 18 tuổi trở lên gần 2.066.000 người. Phân theo độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi, tỉ lệ trẻ tiêm mũi 1 đạt 110,1% trẻ trong độ tuổi tiêm và mũi 2 đạt 91,5%. Người từ 18 tuổi trở lên, tỉ lệ mũi 1 đạt 107,6%, mũi 2 đạt 123,3% và mũi 3 so với mũi 2 đạt 78,5%. Từ đầu tháng 3, Bình Dương thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin thần tốc, với quyết tâm hoàn thành trong tháng.

Sau khi đẩy mạnh chiến dịch tiêm vét mũi 1, mũi 2 và hoàn thành mũi 3, các địa phương tổ chức tổng rà soát lại thì số lượng người cần tiêm mũi 3 còn khoảng 553.100 người. Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy số lượng người sẽ không tiêm được theo lộ trình chiến dịch thần tốc khoảng 431.871 người. Nguyên nhân do số không có mặt tại địa phương là 143.258 người, số người mắc COVID-19 là 95.034 người, số người từ chối tiêm mũi 3 là 52.307 người, số tiêm nơi khác là 135.264 người và 6.008 người bệnh nền, bệnh cấp cứu tạm hoãn tiêm.

Bình Dương đang thần tốc bao phủ vắc xin cho người dân

Bình Dương đang thần tốc bao phủ vắc xin cho người dân

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện lãnh đạo các địa phương như TX Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An chia sẻ, mặc dù các đơn vị tích cực truyên truyền, vận động nhưng công tác triển khai tiêm vắc xin vẫn gặp một số khó khăn như dân số biến động, một bộ phận người dân có tâm lý chủ quan về dịch bệnh khi cho rằng đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin là an toàn nên không đồng ý tiêm mũi 3 hoặc có suy nghĩ tiêm mũi 3 có nhiều tác dụng phụ; hệ thống nhập liệu tiêm chủng chưa hoàn chỉnh nên bị mất dữ liệu, không có tính bảo mật vùng; công tác cấp mã định danh không kịp thời, người dân ở nơi khác đến không có mã định danh nên việc cập nhập lên hệ thống tiêm chủng gặp rất nhiều khó khăn.

Xem vắc xin là “lá chắn” an toàn trong bối cảnh sống chung an toàn với dịch, Bình Dương quyết tâm dùng mọi cách để vận động người dân sớm tiêm đủ liều. Đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương kiến nghị các địa phương trong trường hợp người dân không đồng ý tiêm bắt buộc phải cho ký giấy cam kết, khuyến khích người dân đến tiêm mũi 3 sẽ được tặng quà, được phát phiếu khuyến mại mua hàng.

Đối với việc triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bình Dương lưu ý các địa phương điều tra kỹ số trẻ, đặc biệt trẻ ngoài cộng đồng; tổ chức tiêm theo nhiều đợt vì sẽ có nhiều trẻ là F0, trẻ bị bệnh, không đồng ý tiêm, trẻ đã đi đến nơi khác so với thời điểm điều tra và gia đình của trẻ đang là F0.

Mới đây, tại cuộc họp về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Võ Văn Minh nhấn mạnh công tác tiêm chủng, các địa phương tuyệt đối không chạy theo số liệu, báo cáo, tuy nhiên phải nắm chắc sự chênh lệch giữa các mũi tiêm. Tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu, các địa phương phải đặt nhiệm vụ tiêm vắc xin cho người dân là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Các địa phương tăng cường bố trí các điểm tiêm chủng lưu động, tập trung, thành lập các tổ tiêm vắc xin “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vắc xin ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vắc xin.

Nguồn: https://tienphong.vn/con-nhieu-nguoi-ngai-tiem-vac-xin-binh-duong-tinh-viec-tang-qua-kh...

Nộp giấy chứng nhận hưởng BHXH, F0 sau bao lâu nhận tiền hỗ trợ?
SKĐS - Sau khi kết thúc quá trình điều trị COVID-19, người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được chi trả quyền lợi nếu đủ điều kiện và hồ sơ hợp lệ.

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h