COVID-19 ngày 1/4: Sau 1 đêm, số ca nhiễm ở nhiều nước tăng sốc, thế giới gồng mình chống dịch

Ngày 01/04/2020 10:31 AM (GMT+7)

Mỹ có 23.559 ca nhiễm mới và 719 ca tử vong vì COVID-19 sau 24 giờ. Đây là con số cao nhất tại nước này từ khi có ca nhiễm virus cho đến nay.

Sau 1 đêm ca nhiễm COVID-19 ở Châu Âu tăng cao chưa từng thấy

Với tổng số người nhiễm lên tới 187.347, Mỹ bỏ xa những nước trong tốp 5 có tổng số ca nhiễm COVID-19 cao nhất thế giới. Tính đến sáng nay, tổng số ca tử vong tại Mỹ đã lên tới 3.860 và ghi nhận số tử vong cao nhất từ trước đến nay sau 1 đêm là 719 người.

Trước tình hình này, Tổng y sỹ Mỹ Jerome Adams cho biết, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đang tiếp tục giám sát dữ liệu về COVID-19 và có thể khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang khi cần thiết. 

Pháp công bố 52.128 ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc, tăng thêm 7.758 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ và là mức tăng 17%. Tổng số người tử vong ở Pháp hiện là 3,523, tăng 499 ca so với ngày hôm trước.

Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca tử vong ở Pháp tiếp tục tăng mạnh. Quốc gia châu Âu này đã bước vào tuần thứ ba phong tỏa toàn quốc nhằm kiểm soát Covid-19.

Tây Ban Nha, tính đến sáng nay, số ca tử vong của nước này đã lên tới 8.464 (tăng 748), số người nhiễm là 95.923 (tăng 7.967). Hiện Tây Ban Nha đứng thứ ba toàn thế giới cả về số người nhiễm và đứng thứ hai sau Italy về số ca tử vong do COVID-19. 

Đức có tổng số người nhiễm là 71.808 người (tăng 4.923) và 775 người đã tử vong (tăng130). Thành phố Jena, miền đông nước Đức hôm 31/3 ra quy định bắt  buộc người dân phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. 

Anh tiếp tục có 3.009 người nhiễm và 381 người tử vong sau một ngày, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên 25.150 và 1.789.

Thuyền trưởng tàu sân bay Mỹ gửi lời cầu cứu khẩn cấp vì Covid-19

Thuyền trưởng tàu sân bay hạt nhân USS Theodore Roosevelt, con tàu có ít nhất 70 thủy thủ nhiễm Covid-19, đã gửi lời cầu cứu khẩn cấp đến giới lãnh đạo nhằm cứu mạng sống các thành viên thủy thủ đoàn.

“Chúng ta không phải đang ở trong tình trạng chiến tranh. Thủy thủ không cần phải chết. Nếu chúng ta không hành động bây giờ, chúng ta đang thất bại trong việc bảo vệ thứ giá trị nhất - đó chính là các thủy thủ”, thuyền trưởng Brett Crozier viết trong lá thư gửi Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, theo CNN.

COVID-19 ngày 1/4: Sau 1 đêm, số ca nhiễm ở nhiều nước tăng sốc, thế giới gồng mình chống dịch - 1

Số ca nhiễm Covid-19 trên tàu sân bay hạt nhân Mỹ đã tăng hơn 70 chỉ trong vòng một tuần.

Ông Crozier nhấn mạnh rằng dịch bệnh đang lây lan ngày càng nhanh trên tàu sân bay. “Cần có hành động khẩn cấp, đưa thủy thủ rời tàu ngay lập tức và cách ly họ trong 2 tuần”, ông Crozier đề ra biện pháp.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hiện vẫn neo ở Guam trong khi các thủy thủ chưa được phép rời tàu.

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương khẳng định số ca nhiễm trên tàu USS Theodore Roosevelt có tăng nhưng chưa có ai rơi vào tình trạng nguy kịch cần đến các thiết bị hỗ trợ sự sống.

Cứ mỗi 2 phút lại có một người Mỹ chết vì COVID-19 trong ngày 31/3

Hiện nay, chính phủ Mỹ đang gấp rút xây dựng các bệnh viện dã chiến để giảm bớt căng thẳng cho hệ thống y tế đang vô cùng quá tải, đặc biệt khi chỉ trong ngày 31/3, có 700 người Mỹ tử vong vì COVID-19, con số kỷ lục lần đầu tiên kể từ khi nước này có người bị nhiễm bệnh. Điều đó có nghĩa là trong ngày 31/3, cứ mỗi 2 phút lại có một người Mỹ chết vì COVID-19.

Tính đến 9h ngày 1/4, số ca nhiễm virus tại Mỹ đã tăng lên 188.530 người, 3.988 người tử vong và 5.511 người được chữa khỏi. Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca nhiễm COVID-19. Trong đó, thành phố New York là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Mỹ. Trong số 700 người tử vong ngày 31/3, gần một nửa là tại New York.

COVID-19 ngày 1/4: Sau 1 đêm, số ca nhiễm ở nhiều nước tăng sốc, thế giới gồng mình chống dịch - 2

Bên trong một bệnh viện điều trị COVID-19 tại quận Manhattan, thành phố New York.

Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đang yêu cầu sự tiếp viện từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, vì lo sợ điều tồi tệ nhất có thể xảy ra trong vài tuần nữa.

"Đây là thời điểm mà chúng ta phải chuẩn bị cho những tuần tới vì lo ngại sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh. Điều tôi đề nghị rất rõ ràng, đó là triển khai thêm lực lượng quân y tới đây", ông Bill phát biểu tại Trung tâm quần vợt quốc gia Billie Jean King ở quận Queens, thành phố New York, nơi đang được sử dụng làm bệnh viện dã chiến. 

Ông De Blasio, một thành viên đảng Dân chủ, cho biết đã yêu cầu Nhà Trắng viện trợ thêm 1.000 y tá, 300 nhà trị liệu hô hấp và 150 bác sĩ vào ngày 5/4 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản bồi từ Tổng thống Trump.

Các chuyên gia y tế từ Nhà Trắng cho biết, khoảng 100.000 đến 200.000 người Mỹ có thể tử vong vì COVID-19 trong năm nay, dù các thành phố lớn đều đã ra lệnh cách ly xã hội, hạn chế người dân ra đường, trừ trường hợp vô cùng cần thiết. Hơn 30 tiểu bang đã ra lệnh cho người dân ở nhà để ngăn chặn sự lây lan của virus, dù động thái này có thể bóp nghẹt nền kinh tế và khiến hàng triệu người không có lương.

Quân đội Mỹ hiện đang rà soát, tìm kiếm các khách sạn, ký túc xá, trung tâm hội nghị và không gian mở rộng lớn để xây dựng khoảng 341 bệnh viện dã chiến. Trước đó, bộ phận kỹ thuật của Quân đội Mỹ đã kết hợp với các quan chức tiểu bang New York để chuyển đổi Trung tâm Hội nghị Jacob Jacobits, thành phố New York thành một bệnh viện 1.000 giường trong vòng một tuần.

Tại Los Angeles, trung tâm hội nghị lớn nhất thành phố đang được Vệ binh Quốc gia chuyển đổi thành trạm y tế liên bang, Thị trưởng Gil Garcetti cho biết trên mạng xã hội Twitter.

Tại California, tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng mạnh trong những ngày qua. Tính đến ngày 31/3, bang này xác nhận có hơn 7.400 ca nhiễm virus, và hơn 150 người tử vong.

Thêm 2.000 máy thở cho “cuộc chiến” chống Covid-19 tại Việt Nam

Để chung tay cùng Chính phủ Việt Nam đảm bảo nguồn lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn sắp tới, một số nhà tài trợ công bố đã sẵn sàng bổ sung ngay 2.000 máy thở cho ngành y tế Việt Nam.

Số lượng 2.000 máy thở này tương đương khoảng 50% số máy thở hiện có tại Việt Nam, do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) và Trường Đại học Văn Lang tài trợ chi phí.

COVID-19 ngày 1/4: Sau 1 đêm, số ca nhiễm ở nhiều nước tăng sốc, thế giới gồng mình chống dịch - 3

Một bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị

Hiện, hợp đồng mua máy thở đã được ký kết và các nhà tài trợ đã thanh toán 100% giá trị 2.000 bộ máy thở (mới 100%) cho nhà sản xuất. Theo kế hoạch, số máy thở nói trên sẽ được phân bổ đều cho TP.HCM và Hà Nội với 1.000 máy mỗi nơi.

Được biết, các máy thở mới trang bị nói trên mang thương hiệu Humming Plus. Đây là dòng máy thở được chế tạo đa năng đặc biệt thích hợp điều trị Covid-19, do Công ty Cổ phần Metran (Metran Co., Ltd) của Nhật Bản sản xuất.

Là người Việt Nam và mong muốn thể hiện tình cảm với quê hương đất nước nên ông Kazufuku NITTA (Trần Ngọc Phúc) - Chủ tịch HĐQT Công ty Metran cam kết sẽ cung cấp toàn bộ 2.000 máy thở này trong thời gian nhanh nhất có thể.

Đề xuất hỗ trợ lao động tự do mất việc làm 1 triệu đồng/ tháng vì dịch COVID-19

Chiều 31/3, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Thủ tướng cho rằng, tác động của dịch là rất lớn, không chỉ đối với sản xuất kinh doanh, thu ngân sách mà cả với đời sống của người dân, nhất là người nghèo, công nhân thất nghiệp và một số đối tượng khác không có tích lũy gặp rất nhiều khó khăn.

“Tình thế cấp bách hiện nay đòi hỏi chúng ta phải lo cho cuộc sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, người làm bán thời gian, người mất việc làm, thu nhập để bảo đảm đời sống ở mức cơ bản tối thiểu”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong phiên họp ngày mai, Chính phủ sẽ quyết định gói hỗ trợ cho người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo dự kiến, tổng số tiền ước tính ban đầu để hỗ trợ vào khoảng 28 – 30 nghìn tỷ đồng, cả ngân sách Trung ương và địa phương. Cụ thể như hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo 1 triệu đồng/người/tháng, trước mắt hỗ trợ 3 tháng (tháng 4, 5, 6). Hỗ trợ cho một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công với mức hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng.

Hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể phải tạm ngừng kinh doanh gặp khó khăn nhất do COVID-19 với mức 1 triệu đồng/tháng trong ba tháng 4,5,6. Hỗ trợ người lao động tự do không có hợp đồng, mất việc hoặc không có việc làm, mức 1 triệu đồng/người/tháng, trong 3 tháng 4,5,6.

Hỗ trợ người lao động có hợp đồng làm việc với doanh nghiệp nhưng phải nghỉ việc, làm việc bán thời gian, nghỉ không lương giảm thu nhập thì mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng (tức 50% lương tối thiểu), trước mắt hỗ trợ cho 3 tháng 4,5,6.

Công bố 5 ca mới mắc COVID-19 nâng tổng số lên 212, thêm 1 bếp ăn có người nhiễm bệnh
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 05 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 212 ca.
Hà Anh (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h