Bộ Y tế vừa công bố thêm 1 ca nhiễm virus corona. Người này cũng đi trên chuyến bay VN0054 cùng với 12 bệnh nhân dương tính trước đó.
Công bố ca nhiễm COVID-19 thứ 33, đi cùng chuyến bay với 12 người dương tính
Viện Pasteur Nha Trang vừa thông tin, qua xét nghiệm viện phát hiện một mẫu bệnh phẩm dương tính với CODVID-19.
Bệnh nhân là nam giới, mang quốc tịch Anh, là hành khách cùng đi trên chuyến bay VN0054 đang lưu trú tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Quảng Nam gửi xét nghiệm, đã có kết quả dương tính.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ghi nhận 33 trường hợp dương tính với COVID-19, trong đó 16 ca đã dược điều trị khỏi. 17 ca mới phát hiện từ ngày 6/3 đến 10/3 được xác định ở Hà Nội (4 ca), Quảng Ninh (4 ca), Lào Cai (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Quảng Nam (2 ca) TP HCM (1 CA), Huế (1 ca), Ninh Bình (1 ca).
Trong số 17 ca đang phải điều trị trên, có 13 ca nhiễm cùng đi trên chuyến bay VN0054, trong đó có 11 ca là người nước ngoài. Hiện cơ quan chức năng các địa phương đang tiến hành xác định, cách ly những người tiếp xúc gần với ca dương tính để thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.
Bệnh nhân số 21 tiếp xúc gần 116 người
Theo báo cáo của Hà Nội, với bệnh nhân số 17 N.H.N (tạm trú tại Trúc Bạch, Hà Nội), số ca tiếp xúc gần (F1) là 43, số tiếp xúc với tiếp xúc (F2) là 209 trường hợp; đã lấy 41 mẫu xét nghiệm, trong đó 37 trường hợp đã có kết quả (2 dương tính, 35 âm tính). 4 trường hợp đang chờ kết quả.
Với bệnh nhân Ph., số ca tiếp xúc gần (F1) là 18, số tiếp xúc với tiếp xúc (F2) là 36. Đã lấy 26 mẫu xét nghiệm, trong đó 13 trường hợp âm tính, 13 trường hợp đang chờ.
Với bệnh nhân H., 64 tuổi, số ca tiếp xúc gần (F1) là 14, không có trường hợp F2. Hiện đã lấy mẫu 2 trường hợp, đang chờ kết quả.
Với bệnh nhân N.Q.T., số ca tiếp xúc gần (F1) là 116, số tiếp xúc của tiếp xúc ( F2) là 324. Đã lấy mẫu xét nghiệm 82 trường hợp, trong đó 56 trường hợp âm tính, 26 trường hợp đang chờ kết quả.
Thống kê tổng số ca F1 của 4 bệnh nhân dương tính COVID-19 là 191 người, F2 là 569 người. Trong số 151 mẫu xét nghiệm đã lấy có 106 trường hợp âm tính, 45 trường hợp đang chờ.
Về khu vực cách ly ở phường Trúc Bạch, báo cáo cho biết, tổng số hộ gia đình bị khoanh vùng, cách ly là 66 hộ, với 189 người dân. Đã lấy 148 mẫu, tất cả đều âm tính.
Với bệnh viện Hồng Ngọc, đã cách ly 21 người tiếp xúc gần (F1) trong đó cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 20 người và tại nhà 1 người (do đối tượng có thai); 164 người thuộc diện tiếp xúc F2, trong đó 64 người là bệnh nhân ngoại trú thực hiện cách ly tại nhà; 60 người là bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện thực hiện cách ly tại Long Biên; 40 bác sĩ, nhân viên y tế còn lại thực hiện cách ly tại bệnh viện.
Thành phố đã lấy 20 mẫu xét nghiệm những người tiếp xúc gần với bệnh nhân N.H.N., còn 1 người chưa được lấy mẫu (là người đi khám cùng bệnh viện mới phát hiện, hiện đang cách ly tại nhà, đã liên hệ lấy mẫu trong ngày 9/3/2020). Kết quả xét nghiệm 20 mẫu đều âm tính.
Trên chuyến bay VN0054, theo kết quả điều tra có 217 hành khách và phi hành đoàn. Hành khách ở khoang Vip có 21 người; khoang phổ thông có 180 người; tổ bay và tiếp viên 16 người.
Thành phố đã xác minh được nơi đến của 155/180 hành khách hạng phổ thông; 21/21 hành khách hạng thương gia, trong đó 11 người đã từng lưu trú tại Hà Nội. 11/16 thành viên tổ bay và tiếp viên.
Theo báo cáo, trong số này, 88 người có lưu trú hoặc sinh sống tại Hà Nội, hiện đang có mặt là 41; đã chuyển đi nơi khác là 47.
Cụ thể, quận Hoàn Kiếm có 53 người trong đó hiện chỉ còn 15 người đang cách ly, 38 người đã di chuyển đi nơi khác. Quận Đống Đa có 13 người, trong đó hiện chỉ còn 6 người đang cách ly, 7 người đã di chuyển đi nơi khác. Quận Ba Đình có 8 người, trong đó hiện chỉ còn 7 người đang cách ly, 1 người đã chuyển đi nơi khác.
Quận Long Biên có 6 người, quận Hai Bà Trưng có 3 người; quận Cầu Giấy có 2 người; quận Tây Hồ có 2 người đều đang được cách ly. Huyện Hoài Đức có 1 người đã chuyển TP HCM.
Báo cáo cũng cho thấy, thành phố đã điều tra, khoanh vùng xử lý triệt để tại các khu vực liên quan của trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; lập danh sách theo dõi sức khỏe của 756 người tiếp xúc gần. Giám sát và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng 6.550 người có tiền sử đi từ hoặc đi qua vùng dịch về. Hiện còn 1.795 người phải tiêp tục cách ly theo dõi sức khỏe, 4.755 trường hợp đã hết thời gian cách ly.
TP.HCM đã xác định được 23 người trên chuyến bay VN0054
Theo thông tin vừa mới cập nhật từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, tính đến 19h ngày 9/3, thành phố đã xác định được 23 trường hợp (bao gồm 2 phi công và 1 hành khách người Anh) từng có mặt trên chuyến bay VN0054 với ca nhiễm thứ 17, tức tăng thêm 3 trường hợp so với ngày 8/3.
Tất cả đều tự khai báo y tế, đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Hiện nay, 22/23 trường hợp đã có kết quả âm tính. Riêng trường hợp hành khách người Anh chờ kết quản xét nghiệm đợt tiếp theo.
TP.HCM đang cách ly 23 người trên chuyến bay VN0054, trong đó 22/23 trường hợp đã âm tính với virus SARS-CoV-2.
Ngoài chuyến bay VN0054 nói trên, TP.HCM cũng đang cách ly 1 trường hợp là phi công chuyến bay có bệnh nhân thứ 30 từ Hà Nội đến Huế. Người này đã tự khai báo y tế để cơ quan chức năng triển khai việc cách ly, hiện đang chờ kết quả xét nghiệm.
Ngoài ra, trong ngày 9/3, nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, hệ thống kiểm dịch, dự phòng TP.HCM đã phát hiện 6 trường hợp có tiếp xúc gần trên tàu du lịch với một bệnh nhân dương tính tại Quảng Ninh, nên đã đưa tất cả vào khu cách ly và lấy mẫu xét nghiệm.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho biết, những trường hợp tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19 dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn sẽ phải tiếp tục cách ly đủ 14 ngày theo quy định.
Liên minh châu Âu họp khẩn vì COVID-19
Lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu họp khẩn qua video để bàn phương án đối phó Covid-19 đang lây lan trong khu vực.
"Chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn qua video với lãnh đạo các quốc gia trong khối. Chúng ta cần hợp tác để bảo vệ sức khỏe của công dân", Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel hôm nay viết trên mạng xã hội Twitter.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng thông báo về cuộc họp, nhấn mạnh sự đoàn kết là sức mạnh nhằm đối phó Covid-19. "Tôi kêu gọi các đối tác châu Âu nhanh chóng hành động để điều phối các biện pháp y tế, nỗ lực nghiên cứu và phản ứng kinh tế", Tổng thống Macron viết trên Twitter.
Đức: Hơn 1.200 ca nhiễm Covid-19, 2 ca tử vong đầu tiên
Theo trang The Local, tại thành phố Essen, một cụ bà 89 tuổi nhiễm Covid-19 từ ngày 3.3, đến nay sức khỏe chuyển biến xấu và đã tử vong.
Tại quận quận Heinsberg, nơi bùng phát dịch Covid-19 ở Đức, một người đàn ông 78 tuổi đã tử vong vì suy tim.
Giống như cụ bà 89 tuổi, người đàn ông này đã gặp vấn đề về sức khỏe từ trước khi nhiễm Covid-19. Người đàn ông nhập viện hôm 6.3 và tình trạng sức khỏe xấu đi nhanh chóng.
Thị trưởng thành phố Essen đã gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè người tử vong vì dịch bệnh. Cả thành phố Essen và quận Heinsberg đều nằm ở bang North Rhine-Westphalia.
Đức đã thông báo hai ca tử vong đầu tiên.
Đây là bang có số dân đông nhất ở Đức và chiếm gần một nửa ca nhiễm Covid-19. Tính đến ngày 9.3, Đức ghi nhận 1.224 ca nhiễm Covid-19.
Đức hiện là nước có nền kinh tế hàng đầu châu Âu và khi dịch bệnh bùng phát, Đức cũng là quốc gia châu Âu có số ca tử vong trên tỉ lệ người nhiễm thấp nhất.
Italia hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 với hơn 9.100 ca nhiễm và 463 người tử vong. Tây Ban Nha và Pháp đều đã vượt mốc 1.000 ca nhiễm Covid-19. Hai quốc gia châu Âu này hiện đều ghi nhận 30 ca tử vong.
“Ở Đức, chúng tôi luôn vượt trội về khả năng chẩn đoán, phát hiện dịch bệnh”, Christian Drosten, giám đốc Viện Virus học tại bệnh viện Charite ở Berlin, nói hôm 9.3.
"Công cụ hiệu quả nhất để chống lại coronavirus là yếu tố thời gian, làm chậm sự lây lan của virus và ngăn virus phát tán trong thời gian dài”, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói.
Bà Merkel cũng tái khẳng định lời khuyên của chính phủ về các biện pháp phòng ngừa như tránh tiếp xúc gần để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Pháp: Bộ trưởng Văn hóa dương tính với COVID-19
Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona mới (COVID-19), sau khi một loạt các nghị sĩ nước Pháp đồng thời ngã bệnh.
Cụ thể, hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho hay ông Riester vẫn khỏe và đang nghỉ ngơi ở nhà sau khi phát hiện mình nhiễm virus corona.
Trước đó, 5 nghị sĩ Pháp đã được chẩn đoán dương tính với virus. Một số hoặc toàn bộ nhóm nghị sĩ có thể đã bị truyền bệnh từ một nhân viên làm việc ở quán cà phê bên trong tòa nhà quốc hội. Người này cũng dương tính với Covid-19.
Bộ trưởng Franck Riester dương tính với virus corona (COVID-19).
Các nguồn tin của bộ Văn hóa tiết lộ có lẽ Bộ trưởng Riester đã nhiễm virus từ một trong 5 nghị sĩ nói trên. Bộ trưởng văn hóa đã không gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong nhiều ngày, nguồn tin thân cận với bộ văn hóa cho biết.
Văn phòng thủ tướng nói rằng các quy tắc dành cho các bộ trưởng bị nhiễm virus corona " cũng giống như với tất cả người dân Pháp" bao gồm hành động thận trọng và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu khả năng lây lan bệnh.
Giám đốc điều hành Augustin de Romanet của cơ quan quản lý phi trường Paris ADP cũng đã bị bệnh Covid-19.
Một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus corona, tổng số người nhiễm ở Pháp là 1.412 trường hợp và 25 người tử vong. Virus corona đã giết chết gần 4.000 người trên toàn thế giới.
Đã cấm các cuộc tụ họp công cộng lớn vào cuối tháng 2, Pháp sẽ chứng kiến trận đấu đầu tiên không có người hâm mộ sau 10 năm tại sân vận động PSG, vào thứ Tư.
Trong khi đó, Louvre cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã hạn chế việc vào thăm bảo tàng vì các buổi hòa nhạc đã bị hủy bỏ trên khắp nước Pháp, bao gồm các buổi hòa nhạc ở Paris của Madonna như một phần của chuyến lưu diễn "Madame X" của cô.
Iran: Tiếp tục đẩy mạnh công tác ngừa dịch
Trong phát biểu ngày 8-3 (giờ địa phương), Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki thừa nhận khó khăn vẫn đợi Iran trước mắt nhưng cũng hứa hẹn rằng sẽ kiểm soát bùng phát dịch, một phần nhờ thời tiết sắp tới sẽ ấm hơn. Đồng thời, cơ quan này cũng nhấn mạnh điều quan trọng là người dân Iran phải tuân thủ các chỉ dẫn của giới hữu trách, theo hãng tin Al Jazeera.
Nhân viên y tế khử trùng một khu chợ ở thủ đô Tehran, Iran ngày 6-3. Ảnh: REUTERS
Hiện các đội y tế đã chốt ở rìa các thành phố lớn để ngăn chặn du khách nhiễm bệnh lây lan bừa bãi. Hơn 1.000 trạm xét nghiệm đang được thiết lập. Hoạt động sản xuất khẩu trang phẫu thuật và chất tẩy rửa đã được đẩy mạnh. Thiết bị y tế từ TQ và châu Âu đang trên đường đổ về Iran. Ngoài ra, hơn 300.000 tình nguyện viên cũng đang được đào tạo để đi đến từng nhà kiểm tra các trường hợp chưa bị phát hiện.
Nhiều cơ quan, ban ngành và các tổ chức xã hội cũng vào cuộc phối hợp với Tehran. Các giáo sĩ đe dọa phạt nặng bất kỳ ai không tự cách ly tại nhà khi phát hiện nhiễm bệnh. Trong khi đó, Bộ Tư pháp hôm 3-3 từng cảnh báo những người tích trữ thiết bị y tế phải đối mặt với án tử hình. Quân đội Iran cũng được trông thấy xuống đường hỗ trợ công tác khử trùng và xây dựng các bệnh viện dã chiến.
Dù vậy, Al Jazeera nhận định còn nhiều nghi ngại về hệ thống dịch vụ công của Iran bị quá tải trong bối cảnh chính quyền Iran vẫn đang tiếp tục bị chỉ trích phản ứng chậm và không tiến hành các thành phố bị ảnh hưởng nặng nhất. Nhiều người đi du lịch đến TP Qom - tâm dịch của Iran đã chia sẻ video những người hành hương liếm những cửa sổ lưới quanh lăng mộ thiêng gây mất vệ sinh công cộng, tạo điều kiện cho virus lây lan.