Cơ quan công an tỉnh Quảng Trị đang làm rõ việc một giám đốc đi cùng chuyến bay với nữ du khách người Anh mắc Covid-19 (ca thứ 30), đã "đánh tráo" nhân viên thay mình đi cách ly.
Chủ tịch HĐQT một công ty "đánh tráo" nhân viên đi cách ly COVID-19 thay mình
Vụ việc cụ thể như sau, vào tối 8-3, cơ quan chức tỉnh Quảng Trị tìm thấy các ông N.T.L, N.B.S, N.M.Đ và L.Th.H (cùng quê ở Hà Nội) đi cùng chuyến bay với nữ du khách người Anh mắc Covid-19 (ca thứ 30) lưu trú tại một khách sạn ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Trong tối cùng ngày, có 4 người được đưa về Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị để cách ly, kiểm tra bằng xe chuyên dụng.
Khách sạn nơi 4 người này lưu trú.
Ông Hồ Sỹ Nhung, Trưởng Công an huyện Hướng Hóa, cho hay khi đọc tên từng người lên xe đưa đi cách ly vào tối 8-3 thì có tên ông L.Th.H, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại P.Đ (đang triển khai một dự án điện gió ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)- người đi cùng chuyến bay từ Hà Nội đến Huế với nữ du khách người Anh mắc Covid-19. Tuy nhiên, đến ngày 9-3, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị phát hiện 4 người được đưa về cách ly không có ông L.Th.H, thay vào đó là một người khác không đi cùng chuyến bay.
Phát hiện sự việc, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã sử dụng các biện pháp và mời ông L.Th.H đến trình diện cùng lái xe của mình. Sau khi trình diện, ông H. cùng lái xe được đưa vào cách ly ở Bệnh viện chuyên khoa Lao và Bệnh phổi tỉnh Quảng Trị. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị Đỗ Văn Hùng xác nhận có việc ông L.Th.H "đánh tráo" người khác để trốn cách ly. Tuy nhiên, sự việc cụ thể như thế nào thì cơ quan công an tỉnh Quảng Trị sẽ điều tra, làm rõ.
(Theo Báo Người lao động)
Thông tin mới nhất về việc "phong tỏa khách sạn Metropole 14 ngày"
Theo ông Đinh Hồng Phong, thông tin trên là không chính xác. Việc lập hàng rào sáng nay (9/3) tại khách sạn Metropole Hanoi để phục vụ công tác phun khử khuẩn, hoàn toàn chưa có quyết định cách ly hay phong tỏa khách sạn trong 14 ngày.
Hiện tại quận Hoàn Kiếm đang khẩn trương tiến hành rà soát phân loại, lập danh sách, thu thập thông tin về quá trình hoạt động, di chuyển, hai du khách này đã tiếp xúc với những người nào trong khách sạn thời gian từ ngày 2/3 đến nay.
Đồng thời, xác định rõ số nhân viên có tiếp xúc gần đối với các trường hợp mắc bệnh, tổ chức kê khai y tế đối với từng cá nhân để theo dõi sức khỏe, phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh.
Khách sạn Metropole Hanoi trong buổi sáng ngày 9/3.
Cũng theo ông Đinh Hồng Phong khách lưu trú tại khách sạn cũng sẽ được rà soát quá trình như đến từ đâu, ngày nào để từ đó có báo cáo chính xác nhất.
Vị này cũng thông tin, hai nam du khách từng lưu trú tại khách sạn Metropole từ ngày 2/3 đến ngày 5/3 được xác nhận là dương tính với virus SARS-COV-2 (Covid-19).
Trước đó, cả hai du khách đều có mặt trên chuyến bay có số hiệu VN0054. Hiện 11 khách trên chuyến bay này dương tính với nCoV trong đó có hai người Việt Nam và 9 người nước ngoài.
Sau khi 2 du khách người Anh trên chuyến bay VN0054 bị phát hiện dương tính với Covid-19, sáng 9/3, TP.Hà Nội thực hiện việc khử khuẩn tại khách sạn.
Ngày 8/3 UBND phường Tràng Tiền có văn bản số 106/UBND về việc Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 gửi Ban Giám đốc khách sạn Sofitel Legend Metropole (số 15 Ngô Quyền, Hà Nội).
Việc dựng hàng rào quanh khách sạn Metropole Hanoi sáng 9/3 để tiến hành công tác khử khuẩn.
Nội dung văn bản nêu rõ, thực hiện ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, về việc tổ chức cách ly đối với các cơ sở có khách đang lưu trú trên địa bàn phường Tràng Tiền theo danh sách của Sở Y tế TP.Hà Nội cung cấp về người có kết quả dương tính với Covid-19, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Tràng Tiền thông báo, khách sạn Metropole có 2 hành khách là Dixon JohnGarth, sinh năm 1946 và Barker Shan Coralic, sinh năm 1953 đã lưu trú tại khách sạn từ ngày 2/3 đến ngày 5/3 dương tính với Covid-19.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Tràng Tiền yêu cầu khách sạn Metropole thực hiện: Cách ly khu vực khách sạn, toàn bộ nhân viên và khách đến tạm trú, lưu trú theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp.
Yêu cầu khách sạn Metropole không nhận khách mới vào lưu trú từ 22 giờ ngày 8/3/2002 cho đến khi kết thúc quá trình cách ly theo quy định.
Lập danh sách toàn bộ nhân viên khách sạn và thu thập thông tin quá trình hoạt động, di chuyển, tiếp xúc với những người nào trong thời gian từ ngày 2/3/2020 đến nay. Trong đó cần xác định rõ số nhân viên có tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, tổ chức kê khai y tế đối với từng cá nhân để theo dõi sức khỏe và phục vụ công tác chống dịch bệnh.
Được biết, trước đó, nhiều cơ quan báo giới đã đưa tin, khách sạn này đã có thông báo nội bộ về việc hai vị khách lưu trú tại đây 4 ngày trước đã dương tính Covid-19, do đó, các vị khách hiện còn trong khách sạn sẽ bị cách ly trong vòng 14 ngày. Toàn bộ khách sẽ chỉ được check-out khỏi khách sạn vào ngày 20/3.
Khách sạn Sofitel Metropole, tên giao dịch tiếng Anh là: Hotel Sofitel Legend Metropole Hanoi, là một khách sạn 5 sao nằm ở số 15 phố Ngô Quyền, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội.
Khách sạn được xây dựng năm 1901 bởi 2 nhà đầu tư người Pháp, Metropole là khách sạn 5 sao đầu tiên và đồng thời là khách sạn lâu đời nhất ở Hà Nội.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, khách sạn trở thành nơi đón tiếp các chính trị gia, nhà ngoại giao và những nhân vật quốc tế nối tiếng quan tâm đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngày đó, khách sạn phải xây thêm một khu hầm trú bom, được phát hiện lại khi trùng tu tòa nhà vào năm 2012.
Sức khỏe của 8 ca nhiễm Covid-19 đang điều trị tại Hà Nội
Liên quan đến sức khỏe của bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 và 7 bệnh nhân đang điều trị tại Hà Nội, trao đổi với PV chiều 9/3, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân N.H.N đang có dấu hiệu tốt lên.
"Hôm trước, bệnh nhân có dấu hiệu strees do bị cộng đồng mạng bày tỏ thái độ giận dữ vì không khai báo y tế nhưng đến hôm nay bệnh nhân đã ổn định. Bệnh nhân được nhân viên y tế động viên nên tâm lý đã tốt lên", bác sĩ Cấp nói về tình trạng sức khỏe chị N.H.N - bệnh nhân số 17.
Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Cấp, 3 bệnh nhân khác tại Hà Nội gồm D.D.P (27 tuổi, lái xe riêng của bệnh nhân N.H.N); L.T.H (64 tuổi, bác của bệnh nhân N.H.N); N.Q.T (61 tuổi, ngồi gần bệnh nhân N.H.N trên chuyến bay VN0054) đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh), sức khỏe đều có tiến triển tốt, chưa có trường hợp nào nặng.
Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng thông tin về sức khỏe của 4 du khách người nước ngoài được chuyển từ Quảng Ninh lên bệnh viện ngày 8/3 bao gồm 3 bệnh nhân người Anh và 1 bệnh nhân người Ireland.
“Cả 4 người này sức khỏe ổn định”, BS Cấp nói.
Bộ Y tế cũng cho biết, tính đến ngày 8/3/2020 Việt Nam ghi nhận 30 trường hợp mắc Covid-19 tại 10 tỉnh, thành phố.
Chính sách mới về tiền lương sẽ có hiệu lực từ giữa tháng 4
Từ ngày 15/4, người sử dụng lao động sẽ bị phạt đến 75 triệu đồng nếu trả lương nhân viên thấp hơn lương tối thiểu vùng, bị xử phạt đến 100 triệu đồng nếu trả lương không đúng hạn.
Đó là những nội dung đáng chú ý trong Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa được ban hành. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.
Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm về tiền lương vừa được ban hành. Ảnh minh họa.
Nghị định này quy định rõ mức phạt khi người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, công việc đòi hỏi đã qua đào tạo, học nghề theo quy định của pháp luật; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây:
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Tuy nhiên, mức phạt tiền quy định nói trên là mức phạt đối với cá nhân, trừ một trường hợp quy định cụ thể khác. Còn theo Điều 5 của Nghị định 28/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt được nhân đôi. Như vậy, người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.
Ngoài ra, Khoản 3 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP nêu rõ: Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có hành vi trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Mức xử phạt áp dụng từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng với vi phạm từ 1 - 10 người lao động; từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11 - 50 người lao động và từ 50.000.000 - 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Xem xét khởi tố những trường hợp đăng tin sai sự thật về BN17 nhiễm COVID-19
Thông tin từ Công an thành phố Hà Nội cho biết, đến nay đơn vị đã lập hồ sơ xử lý 21 trường hợp về hành vi đăng tin, bài sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 lên trang Facebook cá nhân.
"Lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an các quận, huyện đã tăng cường nắm tình hình, xử lý các hành vi đưa tin không chính xác gây hoang mang dư luận. Đặc biệt liên quan trường hợp BN17, chúng tôi yêu cầu xử lý nghiêm, khởi tố khi đủ điều kiện để răn đe, phòng ngừa chung đối với tình trạng đưa tin không chính xác", Thiếu tướng Đoàn Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Trước đó, hàng loạt chủ sở hữu tài khoản mạng xã hội bị xử phạt vì tung tin đồn liên quan đến COVID-19. Đối với việc tung tin đồn thất thiệt, những người vi phạm sẽ chịu mức phạt 7,5-30 triệu đồng tùy mức độ.
Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội) vừa xử lý một trường hợp đăng tải cách chữa trị COVID-19 không theo chỉ dẫn của Bộ Y tế.
Công an Thành phố Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác, chọn lọc thông tin; không nên chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, thiếu cơ sở; đồng thời, nên tiếp nhận thông tin thông qua các trang chính thống, có uy tín để tránh những hậu quả đáng tiếc do sự thiếu hiểu biết, bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Trong trường hợp phát hiện có người tung tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, người dân cần thông báo ngay với cơ quan Công an nơi xảy ra vụ việc để có biện pháp xử lý kịp thời.