Một đánh giá về dữ liệu tử vong ở 11 quốc gia cho thấy, có nhiều người tử vong do COVID-19 trong một tháng qua hơn so với con số được ghi nhận chính thức.
Bất ngờ với số người chết trong dịch Covid-19 bị bỏ sót
Theo tờ New York Times của Mỹ, hơn 1 tháng qua, có ít nhất 25.000 người chết trong đại dịch Covid-19 nhưng không được đưa vào số liệu thống kê chính thức. Tổng số ca tử vong này bao gồm các trường hợp chết vì COVID-19 cũng như các nguyên nhân khác, có thể gồm những người không thể điều trị vì bệnh viện quá tải.
Ước tính của New York Times được thực hiện bằng cách so sánh số người tử vong vì tất cả nguyên nhân trong năm nay với mức trung bình của cùng thời điểm của các năm trước đó ở 11 quốc gia.
Giới chức một số nước đang cố xác định có bao nhiêu ca tử vong nên được đưa vào danh sách tử vong vì Covid-19 bằng cách tính cả số tử vong ngoài bệnh viện vào con số tử vong hàng ngày hoặc sửa tổng số ca tử vong sau khi có giấy chứng tử.
Những sai lệch so với mô hình tính toán số người tử vong thông thường đã được xác nhận ở nhiều nước châu Âu, theo dữ liệu do Dự án giám sát tử vong châu Âu - tổ chức chuyên thu thập dữ liệu tử vong hàng tuần ở 24 quốc gia châu Âu.
Theo các nhà nhân khẩu học, việc dữ liệu tử vong được công bố nhanh chóng là điều bất thường nhưng các quốc gia nỗ lực cung cấp thông tin toàn diện và kịp thời hơn vì sự cấp bách trong chống dịch Covid-19. Dữ liệu bị giới hạn và khó tránh khỏi việc nhiều ca tử vong không được thống kê kịp thời.
"Ở giai đoạn này, việc thống kê số ca tử vong chỉ phản ánh một phần lớn chứ không phải toàn bộ. Thống kê hiện tại chủ yếu dựa trên hệ thống bệnh viện vì vậy con số tử vong có thể bị thay đổi. Trong 2 tháng tới, bức tranh toàn cảnh có thể sẽ được làm rõ hơn", Patrick Gerland, một nhà nhân khẩu học thuộc Liên Hợp Quốc, cho hay.
Trung Quốc: Tái bùng phát, lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc tái bùng phát ở một một số địa phương, có nơi đã xảy ra lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Đó là nội dung trong Hội nghị cấp cao về phòng chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì trong ngày 22/4.
Trước tình hình vừa nêu, hội nghị cho biết các ban ngành liên quan cần cử ngay nhóm chuyên gia dịch tễ, y tế đến để hướng dẫn các địa phương điều tra và công bố nguyên nhân gây ra dịch bệnh và tình trạng lây nhiễm chéo trong bệnh viện, xác định rõ các ca nhiễm, nghi nhiễm, cũng như các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 không có triệu chứng và những người tiếp xúc gần, nhằm sớm chặn đường lây lan.
Ảnh chụp tại công viên ở quận Triều Dương, nơi xuất hiện một ổ dịch bệnh Covid-19 mới.
Cũng tại hội nghị, công tác tăng cường phòng dịch tại các cửa khẩu, hỗ trợ các thành phố biên giới về nhân viên phòng chống dịch bệnh cũng như các vật tư phòng dịch như thiết bị kiểm tra, chẩn đoán hình ảnh, điều trị y tế… cũng được lưu ý.
Tại Bắc Kinh, xuất hiện khu vực dịch bệnh nguy cơ cao tại quận Triều Dương, thu hút sự chú ý và khiến dư luận trong nước lo ngại nguy cơ khiến thành phố bị phong tỏa trở lại.
Một số địa phương như TP Thạch Gia Trang, Thiên Tân và khu tự trị Quảng Tây gần đây yêu cầu mọi người dân từ quận Triều Dương tới đều phải cách ly trong 14 ngày. Trong khi đó, các địa phương Cáp Nhĩ Tân, Tuy Phần Hà ở Hắc Long Giang và Quảng Châu ở Quảng Đông, những nơi có nhiều trường hợp bệnh nhân nhập cảnh từ nước ngoài, được đánh giá là khu vực có nguy cơ trung bình và cũng nâng cao biện pháp phòng ngừa.
Hàng triệu người Mỹ tìm đến các ngân hàng lương thực nhận cứu trợ
Mỹ đã có thêm 29.973 người nhiễm, 2.341 người tử vong trong 24 giờ qua. Trong bối cảnh các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tiếp tục tăng mạnh, ít nhất 22 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và các ngân hàng lương thực đang phải chật vật đáp ứng nhu cầu ngày một lớn.
Đường phố quanh các khu trung tâm mua sắm, nhà kho, nhà hàng và sân vận động trước đó được tận dụng để thành "ngân hàng lương thực" luôn trong tình trạng tắc nghẽn với những hàng xe ô tô nối đuôi nhau kéo dài gần 10 km.
Hàng trăm người xếp hàng chờ phát đồ ăn tại Chelsea, Massachusetts. (Ảnh: Reuters)
Một ngân hàng lương thực khẩn cấp tại thành phố San Antonio thuộc bang Texas cho biết mỗi ngày, cơ sở này phục vụ tới 10.000 gia đình đến nhận cứu trợ. Trong khi đó, hàng trăm hộ khác cũng đã phải xếp hàng từ 4h sáng để nhận thực phẩm từ một cơ sở ở Atlanta.
Tại hạt Skagit (bang Washington), các ngân hàng thực phẩm lo lắng họ có thể hết nguồn hàng cứu trợ trong 3 tuần tới nếu như số lượng người Mỹ đến nhận vẫn nhiều như hiện nay.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi Mỹ nối lại tài trợ
Theo Reuters, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhắc đến “những xu hướng đáng lo ngại đang nổi lên” khi đại dịch bắt đầu bùng phát ở một số khu vực của châu Phi, Trung và Nam Mỹ.
“Hầu hết quốc gia vẫn đang trong giai đoạn đầu của dịch và một số đã bắt đầu ghi nhận hàng loạt ca nhiễm mới”, ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
“Chắc chắn rằng chúng ta còn một chặng đường dài phía trước. Virus này sẽ tồn tại cùng chúng ta lâu dài”, ông Tedros nói về tình hình đại dịch Covid-19. Ông Tedros cho rằng tình hình dịch bệnh ở Tây Âu dường như đã ổn định hoặc đang có xu hướng giảm.
Trên cơ sở này, ông Tedros mong muốn Mỹ có thể nối lại tài trợ cho WHO. “Tôi hi vọng Mỹ xem xét nối lại tài trợ vì mục đích hoạt động của WHO là cứu sống nhiều mạng người”, ông Tedros nói. “Tôi hi vọng Mỹ coi đây là khoản đầu tư quan trọng, không chỉ giúp các nước khác chống dịch mà còn giúp chính nước Mỹ an toàn”.
Thêm 1 bệnh nhân mắc COVI-19 khỏi bệnh, Việt Nam chỉ còn 44 ca đang điều trị.
Ngày 23/4, Tiểu Ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có 1 bệnh nhân mắc COVID-19 tại biện viện dã chiến Củ Chi được công bố khỏi bệnh. Như vậy, tính đến nay tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi đã điều trị và công bố khỏi bệnh cho tổng cộng 33 bệnh nhân mắc COVID-19. Tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi bệnh tại Việt Nam là 224 người.
Bệnh nhân mới khỏi bệnh là nam, 48 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 30/3. Trong quá trình điều trị tại đây bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhiều lần. Trong đó các lần xét nghiệm gần đây nhất vào ngày 20/4 và 22/4 đều có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân sức khỏe ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Đây cũng là bệnh nhân cuối cùng trong tổng số 33 bệnh nhân cho đến thời điểm này điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi được công bố khỏi bệnh. Trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Dỡ bỏ phong tỏa thị trấn Đồng Văn tại Hà Giang sau 1 ngày có lệnh cách ly
Sáng 23/4, lãnh đạo sở Y tế Hà Giang cho biết, căn cứ vào những chuyển biến tích cực của dịch bệnh Covid-19 tại Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện số 1208/CĐ-CTUBND dỡ bỏ lệnh phong tỏa với thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) sau 1 ngày có lệnh cách ly.
Cụ thể, sáng 23/4, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm các ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần với bệnh nhân 268 trả về âm tính với Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn dỡ bỏ phong tỏa phòng chống dịch tại thị trấn Đồng Văn sau 1 ngày có lệnh cách ly thị trấn này, đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc cách ly xã hội theo nội dung Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Mặc dù được dỡ bỏ lệnh cách ly nhưng công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức nghiêm ngặt.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt việc tuyên truyền cho nhân dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội, giãn cách xã hội. Các lực lượng công an, biên phòng tăng cường công tác tuần tra kiểm sát xao trên tuyến biên giới và nội địa, xử lý nghiêm những trường hợp không chấp hành, đồng thời phát huy vai trò Tổ kiểm tra, giám sát hỗ trợ phòng chống dịch bệnh tại khu phố và thôn bản.
Sáng 23/4, đại diện UBND huyện Đồng Văn cho biết, sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa thị trấn Đồng Văn, huyện phong tỏa 1 thôn Tả Kha (thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn) tính từ cổng Công an Phố Bảng đến mốc 393 cửa khẩu Phó Bảng, để phòng chống dịch Covid -19.
Hà Nội chính thức đề xuất mốc thời gian đi học lại của học sinh các cấp
Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia vào chiều ngày 22/4, Sở GD-ĐT Hà Nội đã chính thức đưa ra những thông báo quan trọng về thời gian đi học trở lại của học sinh các cấp.
Cụ thể, Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất cho học sinh THCS, THPT, học viên GDTX-GDNN đi học từ ngày 4/5, học sinh mẫu giáo và tiểu học đi học sau đó 1 tuần, tức ngày 11/5.
Tại cuộc họp sáng 22/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thống nhất sẽ kiến nghị Thủ tướng đối với địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao như TP.Hà Nội cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg về giãn cách xã hội thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4).
Trước Hà Nội, TP.HCM cũng đã thông báo mốc thời gian dự kiến cho học sinh các cấp đi học lại. Theo đó, Sở GD&ĐT TP.HCM đã đề xuất với UBND TP.HCM cho học sinh có thể trở lại trường vào đầu tháng 5.