UBND TP.HCM vừa có văn bản về việc kéo dài thời gian nghỉ học của học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn thành phố đến hết ngày 19/4 do dịch bệnh COVID-19
Học sinh TP.HCM tiếp tục nghỉ đến hết 19/4
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bước qua giai đoạn mới, diễn biến phức tạp, các ngành các cấp thành phố đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch.
Để đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh trong 14 ngày tới, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo, lây nhiễm trong cộng đồng, UBND TP chỉ đạo cho học sinh, học viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 19/4.
Học sinh, sinh viên, học viên khối giáo dục nghề nghiệp nghỉ học đến hết ngày 3/5.
Sau thời gian nghỉ học nêu trên, Sở GDĐT, Sở Lao động Thương binh Xã hội phối hợp với Sở Y tế cập nhật diễn biến phòng chống dịch Covid-19 của thành phố, tham mưu phương án đi học trở lại cho học sinh, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức việc thực hiện các hoạt động chuyên môn của Bộ GDĐT.
UBND các quận, huyện phải giám sát các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kể cả các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở dạy thêm, giáo dục kỹ năng sống, tư vấn du học… tuyệt đối không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh, học viên, bao gồm cả các kỳ thi, khảo sát chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, các hoạt động giáo dục kỹ năng, ngoại khóa…
Trong thời gian học sinh được nghỉ học, đề nghị Sở GDĐT, UBND các quận huyện tạm ngưng cấp phép hoạt động các loại hình dịch vụ giáo dục thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Chủ tịch TP. Hà Nội tiếp tục có công điện khẩn về "ổ dịch" Bệnh viện Bạch Mai
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân số 170 trong thời gian từ ngày 20/3 đến ngày 22/3 đã đến mua và ăn cơm 5 lần tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai, qua xét nghiệm có kết quả dương tính với COVID-19.
Để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, 22h ngày 28/3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung có công điện khẩn số 2 gửi Bệnh viện Bạch Mai, các Sở Y tế và Công an TP, chủ tịch UBND các quận huyện, yêu cầu sàng lọc, ra quyết định cách ly y tế tại nhà đối với tất cả những người đã đến Bệnh viện Bạch Mai kể từ ngày 10/3 đến 25/3.
Chủ tịch TP.Hà Nội yêu cầu những người từng sử dụng dịch vụ tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai tự cách ly tại nhà.
Cụ thể, các trường hợp đến thăm, chăm sóc bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian từ ngày 10/3 đến 25/3, đã sử dụng dịch vụ tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai, khẩn trương thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà và liên hệ với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố qua số điện thoại: 096908215 hoặc (0949396115 để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn chỉ quyết định hết cách ly đối với các trường hợp kết quả xét nghiệm âm tính.
Ngày 29/3, toàn bộ thân nhân bệnh nhân đang cách ly tại bệnh viện sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Bộ Y tế cũng cho biết sẽ dành những trang thiết bị tốt theo nhu cầu của Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân.
Mỹ: 2.000 người tử vong, tăng gấp đôi trong 2 ngày
Theo báo cáo của Bộ Y tế Mỹ, số ca tử vong do nhiễm COVID-19 ở nước này đến ngày 28.3 là 2.000 người, tăng gấp đôi trong vòng hai ngày.
Trước đó, số ca tử vong do nhiễm COVID-19 ở Mỹ tăng từ 1 đến 1.000 trong vòng 1 tháng, nhưng số người tử vong tăng nhanh trong hai ngày vừa qua và các quan chức Mỹ cảnh báo tình trạng tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.
Trong ngày 28.3, Mỹ cũng ghi nhận thêm 16.400 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 120.000. Tổng thống Donald Trump cho biết toàn bộ thành phố New York có thể bị phong tỏa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Chúng ta có thể phong tỏa New York, New Jersey và Connecticut. Tuần tới có thể là các bang Louisiana và New Orleans”, ông Trump nói trong cuộc họp báo vào ngày 28.3
Các quan chức y tế ở New York và các khu vực lân cận cảnh báo rằng các bệnh viện chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho một lượng lớn bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Tây Ban Nha: Nhân vật hoàng gia đầu tiên thế giới tử vong vì COVID-19
Ngày 28.3 tờ Daily Star đưa tin, Công chúa Maria Teresa, 86 tuổi, thuộc hoàng gia Tây Ban Nha đã tử vong vì COVID-19.
Em trai của Công chúa Maria Teresa, Hoàng tử Sixtus Henry là người đã thông báo tin tức này.
Công chúa Maria Teresa thuộc gia tộc Bourbon-Parma.
Bourbon-Parma là một hoàng tộc tại châu Âu có nguồn gốc từ Pháp. Vào thế kỷ XVI, gia tộc Bourbon-Parma từng cai trị cả một vương quốc trải rộng trên nhiều vùng đất thuộc Tây Ban Nha và Pháp ngày nay.
Hiện tại, các vị quân vương của Tây Ban Nha và Luxembourg đều là người của gia tộc Bourbon-Parma.
Công chúa Maria Teresa của hoàng gia Tây Ban Nha (ảnh: Newidea).
Năm 2018, một mặt dây chuyền ngọc trai và kim cương của Marie Antoinette, hoàng hậu cuối cùng của Pháp, do hoàng tộc Bourbon-Parma lưu giữ suốt 200 năm đã được bán với giá hơn 36,4 triệu USD tại Geneve, Thụy Sĩ, đủ thấy mức độ giàu có của gia tộc nổi tiếng này.
Công chúa Maria Teresa tử vong vì COVID-19 sau khi Thái tử Charles, 71 tuổi, thuộc hoàng gia Anh và Thân vương Monaco Albert II được kết luận là dương tính với virus này.
Italia: Số ca tử vong vượt 10.000 người,treo cờ rủ tưởng niệm nạn nhân
Tính đến 7h45 sáng nay (29/3) theo giờ Việt Nam, Italy đã ghi nhận thêm 5.974 ca mới nhiễm SARS-CoV-2, số ca tử vong tăng lên 10.023 trường hợp (tăng 889 ca) sau một ngày.
Số liệu do Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho thấy, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy lên 92.472 trường hợp.
Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, từ ngày 28/3 nước này áp dụng quy định mới đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước này. Theo đó những người nhập cảnh bằng đường không, đường sắt, đường biển, đường bộ đều phải cung cấp cho người điều hành phương tiện các thông tin về lý do di chuyển, địa chỉ nơi ở đồng thời cũng là nơi người nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc đủ 14 ngày, số điện thoại cá nhân để nhận các thông tin trong thời gian cách ly.
Người nhập cảnh vào Italy, kể cả những người không có các triệu chứng nhiễm bệnh, đều phải có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan chức năng địa phương và chịu sự giám sát tình trạng sức khỏe của cơ quan y tế. Hành khách khi lên các phương tiện phải được đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1m.
Tại Rome, Thư ký Thủ tướng Italy, ông Riccardo Fraccaro thông báo vào lúc 12 giờ ngày 31/3 (theo giờ địa phương), tất cả các thị trưởng tỉnh, thành phố, đứng dưới lá cờ rủ và dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ những nạn nhân của đại dịch COVID-19, cùng chia sẻ đau thương với những gia đình mất đi người thân trong thảm kịch này.
Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, Chính phủ Italy đã buộc phải đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhất, thậm chí những nạn nhân không thể có một đám tang đúng nghĩa, họ ra đi mà không có người thân yêu bên cạnh. Để bày tỏ lòng thương cảm, Chủ tịch tỉnh Bergamo, thuộc vùng tâm dịch Lombardia phía Bắc Italy, ông Gianfranco Gafforelli đã đề xuất phút tưởng niệm những nạn nhân không may mắn qua đời do dịch bệnh.
Đức: Ghi nhận 57.695 ca mắc COVID-19 (tăng 6.824), trong đó có 433 trường hợp tử vong (tăng 82).
Ông Helge Braun, Chánh Văn phòng của Thủ tướng Đức khẳng định Đức sẽ không nới lỏng các biện pháp kiểm soát nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 cho đến ít nhất là ngày 20/4 tới.
Ông Braun tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không bàn về bất kỳ biện pháp nới lỏng nào trước ngày 20/4". Trước ngày 20/4, Chính phủ Đức sẽ quyết định những biện pháp nào có thể được dỡ bỏ.
Từ giữa tháng 3 này, Đức đã đóng cửa các trường học, cửa hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí và phòng tập gym để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Nhiều công ty ở Đức cũng đã phải ngừng sản xuất do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.