Giám đốc điều hành của Ủy ban cứu hộ quốc tế (IRC) đã đưa ra nhận định về thời điểm và điều kiện để thế giới hoàn toàn thoát khỏi đại dịch COVID-19.
Bất ngờ thời gian thế giới thoát khỏi đại dịch
Chia sẻ với BBC News, David Miliband, cựu Ngoại trưởng Anh và CEO của IRC, cho rằng thời gian để thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19 có thể lên tới một thập kỷ. Điều kiện để cuộc sống trở lại bình thường là vaccine phòng bệnh phải được sản xuất.
Nếu muốn rút ngắn thời gian thoát khỏi đại dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế phải cùng hành động để đưa vaccine phòng dịch (khi sản xuất được) tới các khu vực dễ bị tổn thương nhất.
Cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband. Ảnh: FT
Nhận định của ông Miliband được đưa ra sau khi một số nhà khoa học tuyên bố COVID19 dường như không thể bị tiêu diệt và nó sẽ bùng phát trở lại hàng năm giống như cúm mùa.
Tuần trước, giáo sư Chris Whitty, Trưởng văn phòng y tế Anh, cho biết Anh khó có thể trở lại bình thường như trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát cho tới khi một loại vaccine phòng bệnh được sản xuất.
Các nhà nghiên cứu về virus và y học Trung Quốc chia sẻ với phóng viên ở Bắc Kinh rằng virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 sẽ không tự biến mất như virus gây ra dịch SARS năm 2003 vì nhiều người nhiễm bệnh không biểu hiện triệu chứng và vô tình lây lan cho người khác mà không hay biết. Theo các nhà khoa học, Trung Quốc vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng mỗi ngày.
Hôm 28/4, IRC đưa ra một phân tích mới ước tính tác động của dịch COVID-19 ở 34 quốc gia dễ bị tổn thương nhất, bao gồm Afghanistan, Syria, Yemen...
Phân tích mới của IRC cho thấy nếu không hành động nhanh chóng trong vài tuần tới, 500 triệu tới 1 tỷ người ở 34 quốc gia trên có thể bị nhiễm COVID-19, trong đó 1,5 đến 3,2 triệu người sẽ tử vong.
Ông Miliband cảnh báo thế giới "chỉ còn vài tuần để chuẩn bị trước khi dịch bệnh càn quét sang các nước nghèo đói".
Trong một lời kêu gọi các quốc gia giàu mạnh trên thế giới cùng tham gia hỗ trợ các nước khó khăn, cựu Ngoại trưởng Anh nói thêm: "Khi các nước phát triển đang mải tranh luận về việc phong tỏa và cách thức để kết thúc nó, chúng ta cần nhận ra rằng đại dịch COVID-19 là một dịch bệnh toàn cầu và thế giới chỉ thoát khỏi nó khi đánh bại nó ở mọi khu vực".
Ông Miliband cáo buộc các quốc gia phát triển đã "thờ ơ" trong việc hợp tác đối phó với khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu. Cựu Ngoại trưởng Anh cũng chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì "đã thực hiện một bước lùi" khi tuyên bố tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới.
Nga thành điểm nóng với số ca tăng mạnh
Nga đang trở thành điểm nóng COVID-19 tại châu Âu khi số ca nhiễm trong 24 giờ qua lên mức 5.841, chỉ đứng sau Mỹ. Tổng số ca nhiễm tại Nga hiện đứng thứ 8 trên thế giới với 99.399 và 972 ca tử vong (tăng 105).
Thủ đô Moskva là địa phương có số ca nhiễm mới nhiều nhất tại Nga với 2.220 ca, nâng tổng số người nhiễm tại đây lên trên 50.000 người. Trong 24 giờ qua, Moskva cũng ghi nhận con số tử vong kỷ lục (67 ca).
Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận nhiều người chết nhất với 2.390 người, thêm 28.461 người mắc bệnh. Tổng số ca mắc tại Mỹ đã lên tới 1.064.194, số ca tử vong là 61.656.
Đến sáng nay (30/4), nhiều bang của Mỹ đã dỡ bỏ một số hạn chế, mở cửa một phần các hoạt động kinh doanh. Thống đốc các bang đang lên kế hoạch mở cửa trở lại theo từng giai đoạn tùy thuộc vào tình hình của bang mình. Riêng New York, số người nhập viện trong 24 giờ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 30 ngày qua, dưới 1.000 người.
Các nước châu Âu
Tây Ban Nha tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc cao thứ hai tại châu Âu. Trong 24 giờ qua, quốc gia này có thêm 4.771 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 236.899. Hiện với người thiệt mạng vì dịch bệnh là 24.275 (tăng 453), Tây Ban Nha hiện đứng thứ 3 thế giới về số người tử vong, chỉ sau Mỹ và Italy.
Italia ghi nhận số ca nhiễm và tử vong có tăng nhẹ so với ngày 29/4. Hiện số ca nhiễm tại quốc gia này là 203.591, (tăng 2.086), số ca tử vong là 27.682 (tăng 323).
Anh đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao tại châu Ấu. Trong 24 giờ qua, nước Anh ghi nhận thêm 4.067 ca nhiễm, 765 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm và tử vong do dịch bệnh tại quốc gia này lên 165.221 và 26.097.
Pháp có một ngày dịch bệnh tiếp tục tăng nhẹ sau nhiều ngày giảm. Tổng số ca nhiễm tại Pháp hiện là 166.420 (tăng 509) và 24.087 ca tử vong (tăng 427).
Pháp có một ngày dịch bệnh tiếp tục tăng nhẹ sau nhiều ngày giảm.
Đức đã ghi nhận có 161.539 ca nhiễm (tăng 1.627) và 6.467 ca tử vong (tăng 153). Trong bối cảnh việc nới lỏng giãn cách xã hội đã được thực hiện tại hầu hết các bang, nhiều địa phương đang thực sự lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ hai. Nước này đã gia hạn cảnh báo việc đi ra nước ngoài cho đến ngày 14/6.
Các nước châu Á
Trung Quốc ghi nhận thêm 22 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong nào. Người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết, quốc gia này sẽ tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại các cửa khẩu hàng không và trên bộ.
Bắt đầu từ ngày hôm nay (30/4), Trung Quốc hạ mức độ phản ứng khẩn cấp đối với dịch COVID-19 tại Bắc Kinh từ mức cao nhất xuống mức thứ 2. Quyết định trên được đưa ra sau 13 ngày liên tiếp, Bắc Kinh không ghi nhận ca mắc mới nào. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn duy trì việc quản lý nghiêm ngặt những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao và từ nước ngoài trở về.
Hàn Quốc ghi nhận 9 ca mắc mới và 2 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này là 10.761 và 246. Chính phủ nước này đã ban hành các hướng dẫn cơ bản, đảm bảo an toàn cho du khách trong kỳ nghỉ dài ngày, đồng thời kêu gọi người dân hạn chế du lịch do dịch bệnh. Đồng thời, Hàn Quốc cũng quy định khách du lịch phải đeo khẩu trang, sử dụng khay ăn riêng và nếu có triệu chứng nhiễm bệnh phải ở trong phòng.
Các nước Đông Nam Á
Singapore vẫn đang là quốc gia có số ca nhiễm cao nhất tại khu vực. Đến sáng nay, quốc gia này ghi nhận thêm 690 ca mắc mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 15.641 ca, không có ca tử vong nào. Các ca nhiễm bệnh mới tại Singapore là lao động nhập cư sống trong các khu tập thể.
Indonesia ghi nhận thêm 456 ca nhiễm mới và 11 ca tử vong. Philippines đã có số ca nhiễm đã vượt 8.000. Thái Lan ghi nhận thêm 9 ca mới và có liên tiếp 3 ngày số ca nhiễm mới ở mức 1 con số.