COVID-19 ngày 31/3: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt

Ngày 31/03/2020 09:44 AM (GMT+7)

Thống đốc bang New York – Mỹ Andrew Cuomo khẩn thiết kêu gọi các tình nguyện viên y tế từ các bang khác đến giúp khi số ca tử vong vì dịch COVID-19 tiếp tục ở mức “kinh hoàng”.

Mỹ: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt

"Hãy đến giúp New York ngay bây giờ" - ông Cuomo kêu gọi vào thời điểm bang này ghi nhận thêm trên 250 người tử vong trong một ngày, nâng tổng số nạn nhân lên hơn 1.200, hầu hết ở TP New York.

Thống đốc bang New York nói: "Chúng tôi mất hơn 1.200 người New York. Đối với tôi, chúng ta đã vượt qua mức kinh hoàng".

Các quan chức y tế cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở địa phương này là sự báo hiệu cho những gì các cộng đồng khác trên khắp nước Mỹ có thể sẽ sớm đối mặt.

COVID-19 ngày 31/3: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt - 1

Ông Cuomo cho biết bang sẽ cần thêm 1 triệu nhân viên y tế. Trước khi thống đốc bang kêu gọi, gần 80.000 cựu y bác sĩ và các chuyên gia khác ở New York đã đăng ký tình nguyện. Chẳng hạn như Jerry Kops, một nhạc sĩ và cựu y tá, trở về nhà ở Long Island, ngoại ô thành phố New York, khi chuyến lưu diễn với show trình diễn Blue Man Group bị gián đoạn vì COVID-19, rồi tình nguyện làm y tá tại đó. Anh chia sẻ: "Họ cần gì, tôi cũng sẵn sàng làm".

Mỹ đã có gần 163.500 ca nhiễm với 3.148 ca tử vong. TP New York là tâm dịch nghiêm trọng nhất, hiện có gần 66.500 người nhiễm COVID-19, tăng khoảng 7.000 ca so với ngày 29-3. Các thành phố như New Orleans, Detroit và một số thành phố khác cũng đang có những điểm dịch đáng báo động.

Pháp: Số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục

Pháp đã ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 tại nước này. Đến nay Pháp ghi nhận thêm 418 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên thành 3.024 người, gần bằng với Trung Quốc. Số ca nhiễm của Pháp đã lên tới 44.550 trường hợp, tăng 4.376 ca.

Đáng chú ý, số liệu tử vong ở Pháp mới chỉ tính đến những ca ở bệnh viện mà chưa kể đến những người tử vong tại gia hoặc trong các viện dưỡng lão.

Tây Ban Nha: Y bác sĩ "phơi mình" trước virus

Theo Guardian, trung tâm hội nghị Ifema ở Madrid, Tây Ban Nha, từng gây ấn tượng với những khu vườn trong nhà tươi tốt, sân khấu trang trí công phu và khu vực thảm đỏ hoành tráng. Giờ đây, nơi này trở thành bệnh viện dã chiến lớn nhất cả nước, nhờ sự vào cuộc của quân đội.

Hàng ngàn giường bệnh được xếp thành hàng ở khu hội nghị, trong bối cảnh Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu thứ hai sau Italia vượt Trung Quốc về số ca nhiễm COVID-19.

Tính đến ngày 30.3, Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 85.195 người nhiễm virus, tăng 6.398 ca so với ngày hôm trước và chính thức vượt qua Trung Quốc. Số ca tử vong của Tây Ban Nha hiện lên tới 7.340, mức cao thứ hai trên thế giới sau Italia.

Những con số thống kê mới nhất cho thấy dịch bệnh ở Tây Ban Nha đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Khoảng 12.298 nhân viên y tế được xác định dương tính với COVID-19 ở Tây Ban Nha, theo thống kê chính thức. Con số này tương đương khoảng 14% tổng số ca nhiễm.

COVID-19 ngày 31/3: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt - 2

Y bác sĩ ở bệnh viện Quiron, Barcelona, dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng nghiệp mới qua đời vì COVID-19.

Ở một số thành phố của Tây Ban Nha, tốc độ lây nhiễm tăng vọt khiến hệ thống y tế quá tải. “Bệnh viện của tôi có 265 giường, mà nay có tới 700 bệnh nhân”, bác sĩ Ana Giménez, công tác tại bệnh viện Infanta Leonor ở Madrid, nói. “Hàng trăm người đang ngồi trên ghế hoặc nằm trên sàn, tất cả các bệnh viện ở Madrid đều quá tải".

Tình hình trở nên trầm trọng hơn do các y bác sĩ thiếu trang thiết bị bảo hộ. “Chúng tôi không có gì cả. Chúng tôi không có khẩu trang, chúng tôi không có găng tay, chúng tôi không có áo khoác chống thấm nước”, Ana nói. “Chúng tôi như đang ‘khỏa thân’ trong cuộc chiến chống virus”.

Trong khi người Tây Ban Nha dành hàng đêm bên cửa sổ và ban công của họ để hoan nghênh những nỗ lực của nhân viên y tế, chính phủ vẫn hứa rằng nguồn cung vật tư y tế đang trên đường vận chuyển. Trong khi đó, các nhân viên y tế buộc phải tìm cách tự chế các túi rác thành quần áo bảo hộ.

“Tôi không chắc liệu mình có lây nhiễm virus cho gia đình và đồng nghiệp hay không”, Ana chia sẻ nói. Cô nói mình có các triệu chứng giống cúm cách đây khoảng 10 ngày.

Cô vẫn chưa xét nghiệm, nhưng cấp trên của cô đã yêu cầu những người có triệu chứng nhẹ vẫn phải tiếp tục làm việc.

Chính phủ Tây Ban Nha đang hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận vì phản ứng quá chậm chạp, kể từ khi virus bắt đầu lây lan đến quốc gia này. Người phải hứng chịu hệ quả chính là các nhân viên y tế.

Hàng ngày, họ phải đối mặt với những quyết định khó khăn, đó là xem bệnh nhân nhiễm COVID-19 nào cần dùng máy thở hơn. “Hầu hết chúng tôi, mỗi ngày tan ca và trở về nhà, đều khóc", Ana nói.

Italia: Số ca nhiễm vượt 100.000, nhưng mức tăng thấp nhất trong gần 2 tuần

Theo Daily Mail, Italia ghi nhận số ca nhiễm mới là 4.050, mức thấp nhất kể từ ngày 18.3. Tổng số người nhiễm COVID-19 đã lên tới 101.739, so với con số 97.689 của ngày hôm trước.

Nhưng số ca tử vong ghi nhận trong vòng 24 giờ ở Italia vẫn ở mức cao, lên tới 812, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia cho biết. Tổng số người tử vong vì COVID-19 ở Italia đã lên tới 11.591.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói đại dịch COVID-19 ở Italia sẽ sớm bước vào giai đoạn ổn định. Italia đã thông báo kéo dài thời gian phong tỏa toàn quốc tới giữa tháng 4.

Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết mọi biện pháp nới lỏng sẽ được thực hiện dần dần để đảm bảo Italia không đánh mất những bước tiến đạt được trong cuộc chiến chống COVID-19.

COVID-19 ngày 31/3: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt - 3

Tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở Italia có dấu hiệu chậm lại.

Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza sau đó thông báo các biện pháp phong tỏa được kéo dài đến ngày 12.4.

Tính đến ngày 30.3, Italia có 14.620 ca hồi phục hoàn toàn, so với 13.030 ca của ngày hôm trước. Số người phải điều trị tích cực tăng nhẹ, lên tới 3.906.

Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italia, Angelo Borrelli nói: “1.590 người hồi phục trong vòng 24 giờ là con số cao nhất mà chúng tôi đạt được kể từ khi đại dịch bùng phát”.

Theo một nghiên cứu mới, Italia có thể bắt đầu không ghi nhận ca nhiễm COVID-19 mới kể từ ngày 5.5 hoặc chậm nhất là 16.5.

Thứ trưởng Y tế Pierpaolo Sileri nói Italia đang trong giai đoạn giảm mạnh về số ca nhiễm mới và mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn trong “7 đến 10 ngày tới”.

Tuy nhiên, số ca tử vong hàng ngày ở Italia vẫn còn cao, dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế của nước này hoàn toàn quá tải.

Một tín hiệu tích cực khác là số ca nhiễm COVID-19 đang chờ chữa trị ở vùng Lombardy – vùng tâm dịch lần đầu giảm vào ngày 30.3. Số ca nhiễm hiện tại chỉ còn 25.006, giảm nhẹ so với con số 25.392 của ngày hôm trước.

Đức: Thủ tướng vẫn cách ly dù xét nghiệm âm tính lần 3

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết, tình hình lây lan của SARS-CoV-2 ở nước này vẫn còn quá nhanh. Hiện cứ sau khoảng 5 ngày thì số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Đức lại tăng lên gấp đôi, do đó Đức sẽ tiếp tục kéo dài các biện pháp kiểm soát đến ít nhất là ngày 20/4.

Tính đến sáng nay, Đức ghi nhận 66.885 ca nhiễm (tăng 4.450) và 645 ca tử vong (tăng 104).

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục có kết quả xét nghiệm lần thứ 3 âm tính với SARS-CoV-2. Hiện sức khỏe của bà Merkel vẫn ổn định và trong thời gian cách ly ở nhà, bà vẫn điều hành Chính phủ thông qua liên hệ chặt chẽ với các thành viên trong nội các. Dự kiến vào ngày 1/4, Thủ tướng Merkel sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến với thủ hiến các bang để thảo luận và đánh giá về tình hình hiện nay ở Đức. Đến 6h sáng 31/3 (giờ VN), trên cả nước Đức đã ghi nhận 66.718 ca nhiễm và 645 ca tử vong.

COVID-19 ngày 31/3: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt - 4

COVID-19 ngày 31/3: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt - 5

COVID-19 ngày 31/3: Thống đốc New York khẩn thiết kêu cứu vì số người tử vong tăng chóng mặt - 6

Công bố ca thứ 204 nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, bệnh nhân là một bé trai 10 tuổi
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 01 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước ta lên 204 ca.
K.T (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19