UBND TP.Hà Nội hoả tốc ra công điện số 01 tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
8 diễn biến
F0 tăng liên tục, Hà Nội hoả tốc ra công điện
Ngày 18/2, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh có hoả tốc công điện số 01 tăng cường các biện pháp thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, số ca mắc trên cả nước nói chung và Thành phố nói riêng có xu hướng liên tục tăng. Biến chủng Omicron đã ghi nhận tại nhiều địa phương trên cả nước sẽ là nguy cơ lây lan dịch bệnh, theo nhận định tình hình của ngành y tế, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn sẽ còn gia tăng.
Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách, đặc biệt tập trung vào các khu vực đông người, cơ quan, đơn vị, cơ sở dịch vụ, di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch; thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K+ vắc xin, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức người dân” để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Tập trung vào việc phổ biến kiến thức cho người dân quy định, hướng dẫn người mắc COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà, các trường hợp nguy cơ cao, phát hiện và xử lý kịp thời diễn biến bất thường liên quan bệnh lý nền.
Đối với Sở Y tế hướng dẫn cách ly, giám sát chặt người nhập cảnh, đặc biệt người về từ các cùng đã ghi nhận biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2 (Omicron). Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của Bộ Y tế, hoàn thành trong Quý I/2022.
Chỉ đạo các Bệnh viện, Trung tâm Y tế đảm bảo công tác quản lý, thu dung điều trị cho người nhiễm COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Rà soát và bổ sung giường điều trị COVID-19 tại các bệnh viện của Thành phố đáp ứng chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tập trung đảm bảo giường bệnh điều trị tầng 2, tầng 3 cho nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong. Phối hợp với các bệnh viện Trung ương, Bộ, Ngành để bố trí giường bệnh thu dung điều trị COVID-19 hỗ trợ cho Hà Nội.
Chỉ đạo tăng cường việc cung cấp đảm bảo túi thuốc gói thuốc C (thuốc kháng vi rút) cho các bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là những người điều trị tại nhà để hạn chế người bệnh chuyển tầng điều trị.
Triển khai kế hoạch quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19 trên địa bàn. Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn công tác xét nghiệm sàng lọc, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong trường học.
Đối với các quận, huyện, thị xã, Hà Nội yêu cầu tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê người thuộc nhóm nguy cơ cao; khẩn trương triển khai Kế hoạch quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 trên địa bàn; chủ động trong công tác dự trù, mua sắm thuốc, vật tư tiêu hao, kit xét nghiệm… để đáp ứng công tác phòng chống dịch theo phương châm "4 tại chỗ"; tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các trường học theo hướng dẫn của ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường kiểm tra, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu di tích, danh thắng, các cơ quan, đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.
Tối cùng ngày, theo Bộ Y tế, trong nước có 42.427 ca mắc COVID-19, riêng Hà Nội có 4.549 ca.
Nguồn: http://danviet.vn/f0-tang-lien-tuc-ha-noi-hoa-toc-ra-cong-dien-50202218220559788.htm Nguồn: http://danviet.vn/f0-tang-lien-tuc-ha-noi-hoa-toc-ra-cong-dien-50202218220559788.htm
Nhiều tiểu thương nhiễm Covid-19, tạm dừng hoạt động chợ Quang Tiến
Sáng 18/2, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tx.Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, từ 18h ngày 17/2 đến 6h ngày 18/2, ghi nhận 34 ca dương tính mới, trong đó có 2 ca cộng đồng. Cụ thể, gồm: Trường hợp thứ nhất là N.T.H. (SN 1995), nữ, khối Liên Sơn, phường Long Sơn, Tx.Thái Hòa. Trường hợp thứ hai là Đ. (SN 1989), nữ, khối Trung Cấp, phường Long Sơn. Cả 2 trường hợp này đều không rõ nguồn lây.
Diễn biến dịch tại Tx.Thái Hòa đang phức tạp.
Đặc biệt, ngày 17/2, chợ Quang Tiến đã có 5 người dương tính với virus SARS-CoV-2, vì vậy chính quyền địa phương đã quyết định tạm dừng hoạt động chợ từ 0h ngày 18/2 cho đến khi có thông báo mới.
Ông Trần Văn Hảo, Chủ tịch phường Quang Tiến cho biết: “Yêu cầu người dân buôn bán kinh doanh tại chợ Quang Tiến có liên quan các F0 đến trạm y tế để khai báo, test nhanh và được tư vấn về y tế. Hiện, chúng tôi đang thực hiện phun khử khuẩn chợ”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, chiều 16/2, ông Trần Khánh Sơn, Phó Bí thư Thị ủy Thường trực Thị ủy, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tx.Thái Hòa đã đến kiểm tra công tác cách ly tại nhà đối với các trường hợp F0, F1 trên địa bàn phường Hòa Hiếu.
Theo báo cáo của lãnh đạo phường Hòa Hiếu và qua kiểm tra và gặp gỡ trao đổi với người thân trong gia đình, ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch Covid-19 nghiêm túc; ý thức được sự lây lan của dịch bệnh nên hầu hết các gia đình có F0, F1 đều tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch.
Tuy nhiên, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch, Phó Bí thư Thường trực thị ủy yêu cầu chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ những trường hợp F0, F1 để theo dõi, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, chủ động kích hoạt các phương án, kịch bản phòng chống dịch Covid-19 một cách cụ thể với đầy đủ các tình huống nhằm tránh bị thụ động.
Đặc biệt là cần phát huy vao trò, trách nhiệm của các tổ liên gia tự quản, tổ Covid cộng đồng để tham gia phát hiện và quản lý các ca bệnh một cách chặt chẽ, tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; theo dõi chặt chẽ, có biện pháp kiểm soát tốt công dân từ vùng dịch trở về.
“Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; tập trung rà soát đối tượng, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo quy định và tiêm liều vắc-xin bổ sung, nhắc lại”, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tx.Thái Hòa yêu cầu.
Trước đó, UBND Tx.Thái Hòa đã quyết định tạm dừng dạy học trực tiếp tại tất cả các cơ sở giáo dục và đào tạo (bao gồ cả công lập và tư nhân) trên địa bàn; các cơ sở giáo dục, đào tạo chuyển sang học trực tuyến từ 12h ngày 15/2 cho đến khi có thông báo mới.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-nhieu-tieu-thuong-nhiem-covid-19-tam-dung-hoat-dong-... Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nghe-an-nhieu-tieu-thuong-nhiem-covid-19-tam-dung-hoat-dong-mot-cho-a543413.html
F0 tăng cao, Điện Biên ráo riết phòng chống COVID-19 trong trường học
Tại thành phố Điện Biên Phủ, những ngày qua cũng đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 là học sinh tại một số trường học. Trước đó, các trường đã rà soát số lượng học sinh về quê ăn tết tại một số tỉnh thành và các huyện để có phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch sau khi đi học trở lại.
Trong khi đó, sau khi đi học trở lại sau Tết Nguyên đán, trường Tiểu học số 1 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên ghi nhận 1 giáo viên và 1 học sinh dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau đó, các trường hợp F1 đã được cách ly tại nhà để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên trong trường. Phương pháp dạy học trực tuyến cũng đã được nhà trường khẩn trương áp dụng đối với các lớp có trường hợp F0, F1.
Thầy giáo Hoàng Ngọc Vĩnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 xã Thanh Xương, huyện Điện Biên cho biết: "Nhà trường thực hiện hình thức dạy học phù hợp với đối tượng học sinh từng lớp. Đối với những lớp an toàn nhà trường dạy học trực tiếp. Lớp chưa an toàn có trường hợp F1 thì thực hiện dạy học trực tuyến cho học sinh tại nhà để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, giáo viên nhân viên khác".
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, từ ngày 7/2 (thời điểm học sinh đi học trở lại sau Tết) đến 15/2 ghi nhận 236 ca mắc COVID-19 là cán bộ giáo viên và học sinh, sinh viên tại các nhà trường.
Hiện ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên vẫn đang tổ chức dạy học trực tiếp, tuy nhiên do số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh tăng cao, nhiều phụ huynh vẫn lo ngại về dịch bệnh nên chưa cho con em đến trường, đặc biệt là cấp học mầm non ảnh hưởng đến tỷ lệ học sinh ra lớp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Ông Cù Huy Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cho biết: "Giao quyền tự chủ và căn cứ vào tình hình dịch cũng như cấp độ dịch tại địa bàn chủ động điều chỉnh phương thức dạy học sao cho phù hợp. Phương châm là chủ động, linh hoạt, thích ứng trong phương pháp chống dịch và kể cả chủ động, thích ứng trong các phương thức, cách thức dạy học nhằm làm sao để học sinh có thể dừng đến trường nhưng không dừng học, nhằm đảm bảo kế hoạch thời gian chương trình đã được xây dựng từ đầu năm học".
Trước dự báo nguy cơ số ca mắc COVID-19 tại các trường học sẽ tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động điều chỉnh kịch bản phòng, chống dịch tại đơn vị, không bị động khi dịch bệnh bùng phát; chủ động mua sắm các trang thiết bị y tế; chủ động, linh hoạt phương thức dạy học cho phù hợp. Đồng thời phối hợp với ngành Y tế đẩy nhanh việc tổ chức tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 cho cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-tang-cao-dien-bien-rao-riet-phong-chong-covid-19-trong-tru... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/f0-tang-cao-dien-bien-rao-riet-phong-chong-covid-19-trong-truong-hoc-169220218105333392.htm
Trạm y tế xã ở Hải Phòng "ép" dân test nhanh Covid-19 để thu tiền
Nhiều người dân ở xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng bức xúc cho biết, khi họ là F0, F1 đến khai báo y tế đã bị Trạm y tế xã yêu cầu xét nghiệm test nhanh và phải nộp phí xét nghiệm 100.000 đồng/lần.
Anh Ng. là một công dân trú tại địa bàn xã. Qua khám sàng lọc tại nhà máy nơi anh làm việc, phát hiện anh bị F0. Sau đó, anh Ng. tiếp tục đến bệnh viện để làm xét nghiệm PCR, kết quả khẳng định dương tính.
Khi anh lên trạm Y tế xã Tân Liên để khai báo, xin hỗ trợ thì lãnh đạo đơn vị này không chấp nhận kết quả xét nghiệm của anh mang tới. Họ yêu cầu anh Ng. phải thực hiện test nhanh lại và thu 100 nghìn đồng.
Tương tự như anh Ng, nhiều người là F1 hoặc F0 đã được nơi làm việc test nhanh có kết quả dương tính với Covid-19 khi đến trạm y tế xã để khai báo thì vẫn bị yêu cầu test nhanh tại trạm với giá 100.000 đồng/lần và phải thực hiện test 2 lần mỗi lần cách nhau 8 tiếng mới được công nhận là F0, F1.
Trạm Y tế xã Tân Liên tự ý thu tiền test nhanh gây bức xúc trong dân. Ảnh: HV
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Tân Liên, ông Nguyễn Văn Ứng thừa nhận Trạm Y tế xã có thu tiền xét nghiệm của người dân.
"Họ không nằm trong diện test miễn phí, giờ họ mang kết quả PCR ở đâu đến bảo thừa nhận thì biết đâu là thật là giả. Tuy nhiên việc Trạm y tế thu tiền là việc của họ, tôi không chỉ đạo"- ông Ứng cho biết thêm.
Ông Ứng cũng cho biết, hiện nay xã Tân Liên có khoảng 400 người nhiễm Covid-19. Tuy nhiên trạm Y tế thu tiền bao nhiều người rồi và thu tiền để làm gì thì xã không nắm được. Ông Ứng đề nghị PV làm việc với Trưởng trạm để nắm thêm.
Trạm trưởng trạm Y tế xã Tân Liên, ông Nguyễn Văn Hanh cũng xác nhận, có việc ông chỉ đạo cho nhân viên thu tiền của người dân khi đến khai báo. Nhưng chỉ mới thực hiện 3 ngày nay với gần 60 người, sau khi ca nhiễm tăng cao mà cán bộ làm vất vả quá.
“Mỗi kit xét nghiệm chúng tôi tự nhập vào có giá 57.000 đồng/kit và khi test cho người dân thì thu với giá 100.000 đồng/kit, chỉ lãi 43 nghìn/ lần test. Số tiền này chỉ để bồi dưỡng cho các cán bộ trong trạm đã vất vả làm nhiệm vụ chống dịch”- ông Hanh nói.
Ông Hanh khẳng định thêm, toàn bộ sự việc đều báo cáo và được sự đồng ý của ông Nguyễn Văn Ứng, Chủ tịch UBND xã Tân Liên.
Ông Khổng Hữu Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Bảo khẳng định với PV, nếu có việc trạm Y tế xã Tân Liên tự thu tiền xét nghiệm là sai quy định.
Theo ông Cương, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo và quán triệt tới tất cả các trạm y tế tuyệt đối không được làm dịch vụ, không được tự ý mua que test để tổ chức xét nghiệm và thu tiền của dân.
Trừ các trường hợp người dân tự mua bên ngoài và cầm đến nhờ trạm test thì cán bộ có thể hỗ trợ về mặt kỹ thuật, không được thu tiền.
Cũng theo ông Cương, xã Tân Liên đang là điểm nóng Covid-19 của huyện, Trung tâm y tế huyện đã cung cấp test bằng nguồn được nhà nước trang bị.
"Trạm Y tế xã tự nhập test về để xét nghiệm cho dân, trong khi đã được huyện bố trí test dự trữ để phục vụ chống dịch là không đúng quy định" - ông Cương nói.
Nguồn: https://danviet.vn/tram-y-te-xa-o-hai-phong-ep-dan-test-nhanh-covid-19-de-thu-tien-2022... Nguồn: https://danviet.vn/tram-y-te-xa-o-hai-phong-ep-dan-test-nhanh-covid-19-de-thu-tien-20220217184548643.htm
Không còn xã, phường "màu cam", Hà Nội có thể mở lại karaoke, vũ trường
Với phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", hiện tại, TP Hà Nội đã cho phép mở lại nhiều loại hình dịch vụ, cho phép hầu hết học sinh ở các khối đến trường học trực tiếp.
Tuy nhiên, quán karaoke, vũ trường vẫn chưa được phép mở cửa ở Hà Nội.
Hiện tại, Hà Nội vẫn chưa cho phép mở lại loại hình dịch vụ karaoke và vũ trường
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, môi trường trong các quán karaoke, vũ trường dễ lây lan các loại dịch bệnh liên quan đến đường hô hấp nói chung, trong đó có Covid-19.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đã kiểm soát được dịch bệnh tốt, số ca nhiễm có biến chứng nặng và tử vong giảm sâu. Có được thành quả đó là do chiến dịch tiêm chủng của ta được triển khai thần tốc và đồng bộ cũng như có kinh nghiệm và năng lực thực hiện tốt các biện pháp khác.
“Tại Hà Nội hầu hết các loại hình dịch vụ đã được mở lại hoạt động bình thường, các cấp học của sinh viên và học sinh cũng đã từng bước được học trực tiếp tại trường. Chính vì thế chúng ta có thể nên xem xét cho phép mở lại các loại hình dịch vụ karaoke, vũ trường trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt”, PGS.TS Trần Đắc Phu nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, để thực hiện việc cho phép mở cửa karaoke, vũ trường thì các cơ quan chức năng như của Hà Nội cần có những tiêu chí quy định cụ thể về phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh này.
“Như đã nói ở trên môi trường tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường dễ lây lan dịch bệnh, chính vì vậy nếu cho phép mở cửa hoạt động thì Hà Nội cần có những bộ tiêu chí để những cơ sở kinh doanh này chấp hành nghiêm", ông Phu nói.
Ví dụ, như khử khuẩn như thế nào, người vào sử dụng dịch vụ phải được xét nghiệm nhanh; nhân viên phục vụ phải được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 trở lên và phải thường xuyên xét nghiệm Covid-19, hay số lượng người trong một phòng hát, người hát nên theo từng nhóm (hạn chế các nhóm lạ tiếp xúc với nhau), phòng vũ trường thông thoáng được thì tốt…
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khong-con-xa-phuong-mau-cam-ha-noi-co-the-mo-lai-karaoke-vu... Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/khong-con-xa-phuong-mau-cam-ha-noi-co-the-mo-lai-karaoke-vu-truong-d542790.html
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị không quy định xét nghiệm sàng lọc học sinh đến trường
Trong báo cáo của Bộ GD&ĐT tại phiên họp với Chính phủ ngày 17/2, nhiều địa phương có số ca mắc COVID-19 là giáo viên, học sinh tăng khi mở cửa trường học. Trong số những nơi đã có thống kê, Hải Phòng có số ca mắc cao sau Tết Nguyên đán 9.649 ca, kế tiếp là Thanh Hóa 2.359 ca.
Tại Hà Nội, tuy chưa công bố số liệu thống kê nhưng có những trường có hàng chục ca nhiễm sau khi học sinh trở lại trường chỉ 1 tuần.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0... Ảnh: Đình Nam
Tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết một số cơ sở giáo dục còn lúng túng khi xử lý các trường hợp học sinh là F0, F1 (phát hiện tại gia đình hoặc tại trường học). Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải nghỉ học trên lớp, chuyển sang học trực tuyến vì trong lớp có F0.
Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc cả khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp. Một số địa phương yêu cầu 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp, phần lớn kinh phí do phụ huynh chi trả, gây phản ứng không cần thiết.
Trước ý kiến của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc điều chỉnh định nghĩa ca bệnh COVID-19, quy định thời gian điều trị, cách ly, xét nghiệm đối với ca mắc, trường hợp F1…
"Đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Y tế cũng như Sở GD&ĐT không quy định học sinh phải xét nghiệm sàng lọc trước khi đến trường, lớp. Chỉ xét nghiệm với những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm hoặc dấu hiệu dịch tễ tiếp xúc với F0"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nêu rõ.
Bộ Y tế sẽ sớm có hướng dẫn về chăm sóc, thuốc điều trị cho học sinh mắc COVID-19 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh và xã hội.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm, từ ngày 1-15/2, cả nước ghi nhận khoảng 329.000 ca mắc COVID-19, trong đó, số ca mắc từ 5-18 tuổi là 28.314 ca (chiếm khoảng 8,6%); trẻ dưới 5 tuổi mắc COVID-19 khoảng 15.800 trường hợp (chiếm 4,8%).
Trước đó, tại hội nghị Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 với sự tham dự của các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT vừa diễn ra, TS Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế), chia sẻ thời gian qua, nhiều địa phương đóng cửa trường học ngay khi phát hiện một vài ca F0.
Đây là cách làm cực đoan, ảnh hưởng việc học tập của các em. Các trường cần phối hợp y tế, khoanh vùng nhỏ để xử lý.
Bên cạnh các hướng dẫn khi ghi nhận ca mắc COVID-19 tại trường học, ông Nam cho biết về việc thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà với F1 là học sinh, cơ quan này đang xin ý kiến các bộ, chuyên gia và trao đổi với Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ họp để điều chỉnh hướng dẫn xử trí mới cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thu-truong-bo-y-te-de-nghi-khong-quy-dinh-xet-nghiem-sang-loc... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thu-truong-bo-y-te-de-nghi-khong-quy-dinh-xet-nghiem-sang-loc-hoc-sinh-den-truong-169220218105049948.htm
TP.HCM: Phát hiện 163 học sinh là F0 khi quay lại trường
Chiều 17/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch trên địa bàn thành phố trong những ngày qua.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, tính đến nay có 66,33% trẻ mầm non, 95,99% học sinh tiểu học, 96,98% học sinh trung học cơ sở và 98,93% học sinh trung học phổ thông đến trường học trực tiếp.
Trong ba ngày đầu học sinh các khối đi học trực tiếp trở lại, số học sinh mắc COVID-19 được phát hiện tăng từng ngày.
Ông Trịnh Duy Trọng - Trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM thông tin tại buổi họp báo chiều 17/2. Ảnh: TTBC
Tính riêng ngày 14/2, ở tất cả các bậc học có 27 em bị mắc COVID-19; ngày 15/2 có 50 em; ngày 16/2 có 86 em. Những ca F0 khi xuất hiện đều được xử lý kịp thời với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với các ngành, địa phương liên quan.
Cập nhật từ các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn, tỷ lệ trẻ em và học sinh đến trường tiếp tục tăng trong những ngày qua. Các trường học đã tổ chức nhiều hoạt động để đón trẻ và học sinh tới trường nên các trẻ em, học sinh dù lần đầu đến trường nhưng không bị bỡ ngỡ, rất phấn khởi và tương tác tốt với thầy cô và bạn bè.
Về kế hoạch dạy và học khi TP.HCM thực hiện đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế (đánh giá theo cấp phường xã), ông Trịnh Duy Trọng cho biết, trước mắt các cơ sở giáo dục tổ chức hoạt động theo quy định chung ở cấp độ 1 về dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy những tình huống phát sinh tại nhà trường hoặc địa phương mà trường trú đóng để có điều chỉnh phù hợp.
Trước đó, ngày 14/2, cùng với các khối lớp 7 đến 12, trẻ mẫu giáo từ 3-6 tuổi và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đã đến trường sau nhiều tháng học online. Tỉ lệ học sinh đến trường tăng từng ngày.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-phat-hien-163-hoc-sinh-la-f0-khi-quay-lai-truong-169220... Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/tphcm-phat-hien-163-hoc-sinh-la-f0-khi-quay-lai-truong-16922021719434231.htm
TP.HCM: 166 ca nhiễm Omicron, chuẩn bị sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong 24h qua, thành phố không có ca nhiễm Omicron mới. Tính từ ca mắc đầu tiên đến nay, TP có tổng số 166 ca nhiễm Omicron, trong đó 155 ca nhập cảnh, 11 ca cộng đồng.
Bà Mai cho biết, một trong những nội dung các chuyên gia của ngành y tế và Sở Y tế đang rất quan tâm là hiện nay số ca trong cộng đồng có nhích nhẹ lên do kỳ nghỉ lễ và trẻ đi học trở lại trường. Vì thế, công tác kiểm tra, giám sát của ngành giáo dục và ngành y tế phải được tăng cường.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: B.D
Theo số liệu của Sở Y tế, trong ngày 16/2, TP có 115 bệnh nhân Covid-19 nhập viện, 72 bệnh nhân xuất viện, 4 trường hợp tử vong. Trước đó, ngày 15/2, số ca mắc mới của TP tăng vọt lên 620 ca.
Thông tin về đón khách du lịch quốc tế, ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý lữ hành Sở Du lịch TP cho biết, TP.HCM là 1 trong 7 địa phương được thí điểm đón khách quốc tế.
Sở Du lịch đã chủ động tham mưu UBND TP ban hành hướng dẫn kế hoạch đón khách theo 2 giai đoạn từ 1/1 đến 31/3. Đón khách đủ điều kiện phòng chống dịch, đến các địa phương được cho phép. Từ tháng 4, tùy tình hình kiểm soát dịch sẽ mở rộng hơn, trong đó có cho người Việt Nam du lịch nước ngoài.
Để triển khai việc đón khách quốc tế, Sở đã đưa ra các giải pháp như có tiêu chí cho cơ sở lưu trú, cơ sở tham quan, doanh nghiệp du lịch để đăng ký tham gia chương trình thí điểm. Sau 1 tuần triển khai, có 13 cơ sở lưu trú từ 3-5 sao được thẩm định đủ tiêu chuẩn tham gia; 10 doanh nghiệp, 7 địa điểm tham quan được thẩm định. Sở sẽ xây dựng Bộ tiêu chí phòng chống dịch để các đơn vị kinh doanh du lịch có căn cứ thực hiện.
Trong kịch bản lạc quan khi tình hình dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt, các hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới, Sở Du lịch TP.HCM đặt mục tiêu năm nay, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt và khách nội địa ước đạt 25 triệu lượt, tăng 66,66% so với cùng kỳ.
Để tạo thuận lợi cho việc đón khách quốc tế trở lại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Chính phủ xem xét khôi phục chế độ miễn thị thực dưới 15 ngày đối với khách du lịch từ một số thị trường, chính sách đã có trước khi Việt Nam đóng cửa vào tháng 3/2020, nhằm tạo nhu cầu cho du khách và tăng tính cạnh tranh với thị trường trong khu vực.
Đồng thời, cho phép đón khách qua đường biển, đường bộ và các chuyến bay quốc tế thường lệ; cho phép khai thác khách du lịch outbound (người Việt đi du lịch nước ngoài) đối với những thị trường cho phép đón khách du lịch Việt Nam…
Từ ngày 15/2, hàng không Việt Nam bắt đầu mở lại toàn bộ đường bay thường lệ quốc tế đến các nước sau gần hai năm đóng cửa.
Đối với người nhập cảnh Việt Nam, hành khách sẽ phải đảm bảo điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Khi lên máy bay, khách cần có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19 có hiệu lực trong 72 giờ; giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.
Sau khi xuống máy bay, hành khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày; tiêm chưa đủ liều thì cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày. Hành khách chưa tiêm đủ liều hoặc chưa được chứng nhận khỏi bệnh sẽ phải có giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà, hoặc xác nhận đã đặt chỗ khách sạn (tối thiểu 7 ngày). Khi hành khách làm thủ tục lên máy bay, hãng hàng không sẽ kiểm tra các giấy tờ này.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hành khách nhập cảnh có thể sử dụng hộ chiếu vaccine (nếu có). Đây là công cụ để chứng minh hành khách đã tiêm chủng đầy đủ. Nếu không có hộ chiếu vaccine, hành khách có thể dùng bản giấy cứng như thông thường.
Nguồn: https://danviet.vn/tphcm-166-ca-nhiem-omicron-chuan-bi-san-sang-don-khach-du-lich-quoc-... Nguồn: https://danviet.vn/tphcm-166-ca-nhiem-omicron-chuan-bi-san-sang-don-khach-du-lich-quoc-te-20220217180037679.htm