COVID-19 17/2: Hàng nghìn người dương tính, địa phương khẩn trương ứng phó ngăn dịch bùng mạnh

K.T - Ngày 17/02/2022 14:40 PM (GMT+7)

Khi các ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh theo ngày, lực lượng y tế của TP Hải Phòng có nguy cơ quá tải.

7 diễn biến

Hải Phòng: Số ca nhiễm tăng nhanh, lực lượng y tế có quá tải?

Thiếu trầm trọng y tế cơ sở

Liên tục những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hải Phòng tăng từ 1.400 – 1.600 ca mắc mới mỗi ngày. Các cơ sở y tế và các địa phương trên địa bàn thành phố đang điều trị trên 49.000 ca mắc COVID-19, trong đó trên 95,7% số bệnh nhân điều trị tại nhà.

Số ca mắc COVID-19 tăng cao khiến không chỉ các bệnh viện mà cả các trạm y tế lưu động tại các quận, huyện của TP Hải Phòng đều quá tải.

Mặc dù nửa đêm nhưng các hiệu thuốc quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp ở Hải Phòng vẫn đông nghịt người mua thuốc chữa trị Covid-19.

Mặc dù nửa đêm nhưng các hiệu thuốc quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp ở Hải Phòng vẫn đông nghịt người mua thuốc chữa trị Covid-19.

Hải Phòng hiện có 237 trạm y tế lưu động, với 5 nhân viên/trạm. Trung bình, mỗi trạm y tế lưu động phải quản lý, điều trị hơn 100 F0 tại nhà, trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch, tiêm chủng tại địa phương.

Theo ghi nhận của Báo Giao thông, tại Hải Phòng, nhiều hộ gia đình có người mắc bệnh, nhưng khi báo y tế thì cũng phải vài ngày sau mới có người đến tư vấn chữa trị và lấy mẫu. Do vậy, đa phần người dân lựa chọn phương án tự mua thuốc về chữa cho người thân của mình, chứ không báo lực lượng chức năng.

Vì vậy, tại các hiệu thuốc trên địa bàn luôn chật kín khách mua, nhất là các hiệu thuốc xung quanh Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp và các nhà thuốc lớn.

Thậm chí, để mua được thuốc chữa trị Covid-19, người dân còn phải xếp hàng hoặc chen chúc nhau trong hiệu thuốc cũng như ngoài vỉa hè các hiệu thuốc này.

"Nhân lực tại một số đơn vị y tế còn mỏng, đặc biệt khi số ca mắc tăng nhanh, số nhân lực tại Trạm Y tế không đủ để quản lý, theo dõi F0 tại nhà. Nhiều nhân viên y tế mắc Covid-19 từ cộng đồng và trong khu điều trị. Thuốc kháng virus từ nguồn cung ứng của Bộ Y tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị", một lãnh đạo Sở Y tế TP Hải Phòng cho biết.

Chủ động ứng phó với dịch bệnh

Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, công tác phòng chống dịch không chủ quan lơ là, nhưng không được hoảng sợ lo lắng, vì số lượng tử vong của thành phố hiện đang thấp hơn so với trung bình của cả nước, các cơ sở y tế hiện đáp ứng đủ nhu cầu điều trị cho các ca nặng.

TP Hải Phòng sẵn sàng kinh phí cho công tác phòng chống dịch. Thành phố quyết định không mở thêm Trạm Y tế lưu động, tuy nhiên tăng thêm nhân lực, vật lực cho các Trạm này.

Hiện Hải Phòng đã thí điểm thành lập Tổ chăm sóc cộng đồng, mỗi quận huyện từ 5-6 tổ, mỗi tổ từ 5-6 người, có hỗ trợ kinh phí, lựa chọn lực lượng trẻ, nhanh nhẹn, có sức khỏe để tham gia.

Đối với việc tổ chức các Tổ chăm sóc tại cộng đồng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị giao cho các địa phương chủ động, tăng cường lực lượng ở cở sở hiện đang điều trị cho F0 tại nhà, cán bộ phải am hiểu công việc, năng nổ, tích cực, không cần đông, không cần nhiều nhưng phải hiệu quả và có chế độ phụ cấp.

Đồng thời, huy động sinh viên trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Cao đẳng Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng từ ngày 16/2 đến ngày 16/3 để hỗ trợ Trạm Y tế lưu động tại các địa phương có số ca mắc cao, có hỗ trợ kinh phí, giao Sở Y tế Hải Phòng bố trí thời gian phù hợp để các cháu tiếp tục duy trì việc học tập tại trường.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/hai-phong-so-ca-nhiem-tang-nhanh-luc-luong-y-te-co-qua-tai-...

Cà Mau triển khai test nhanh COVID-19 cho học sinh và tổ chức học bán trú

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, Tp.Cà Mau và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện việc test nhanh COVID-19 cho học sinh và tổ chức học bán trú.

Cụ thể, về test nhanh COVID-19 cho học sinh, các trường học phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh tổ chức test nhanh sàng lọc ngẫu nhiên (khuyến khích các trường test nhanh COVID-19 cho 100% học sinh nếu đủ điều kiện) ở tuần học đầu tiên và tuần học tiếp theo.

“Việc lấy mẫu test phải đảm bảo phù hợp từng độ tuổi, cấp học. Kinh phí thực hiện từ nguồn tự chủ của các đơn vị trường học và nguồn xã hội hóa theo quy định”, văn bản của UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.

Đối với việc học bán trú, các trường mầm non, tiểu học nếu đủ điều kiện và phụ huynh học sinh có nguyện vọng, giao Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định việc tổ chức học bán trú, trong đó lưu ý đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.

Trước đó, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Cà Mau tổ chức dạy và học trực tiếp cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 diễn ra an toàn.

Từ ngày 14/2, Tỉnh này cũng đã triển khai dạy và học trực tiếp đối với giáo dục mầm non và tiểu học. Hơn 46% phụ huynh trẻ mầm non và hơn 80% phụ huynh học sinh tiểu học đồng ý cho con trở lại trường.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ca-mau-test-nhanh-covid-19-cho-hoc-sinh-va-to-chuc-hoc-ban-t...

Gia Lai ghi nhận 426 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2

Ngày 17/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Gia Lai thông tin, từ ngày 16/2 đến 10h ngày 17/2, tỉnh ghi nhận 426 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2.

Tính từ ngày 26/4/2021 đến 10h ngày 17/02/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 14.187 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và đã có 39 ca tử vong (trong đó hơn 65% là do bệnh nền nặng và chưa tiêm vắc-xin).

Các trường hợp đi từ vùng dịch về từ ngày 1/10/2021 đến ngày 17/2/2022 phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 là 1.996 ca (1.860 ca dương tính mới và 136 ca tái dương tính).

Hiện còn 1.619 trường hợp đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 331, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; có 520 trường hợp F0 điều trị tại nhà/nơi cư trú và 779 trường hợp tái dương tính sau điều trị được thực hiện cách ly, điều trị tại nhà.

Tính đến 6h ngày 17/2, có 5 trường hợp nhập cảnh đang thực hiện cách ly tại Trung tâm huấn luyện Binh đoàn 15 và 20 công dân đang cách ly tại khách sạn Mê Kông, Tp.Pleiku.

Tỉnh Gia Lai đã và đang rất khẩn trương, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đề nghị người dân hạn chế ra ngoài tỉnh nếu không thật sự cần thiết; khi phát hiện người đi từ vùng dịch về, người nhập cảnh vào địa phương... phải kịp thời thông báo cho chính quyền để hướng dẫn, hỗ trợ.

Khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở cần liên hệ ngay với cơ sở y tế nơi gần nhất để được tư vấn hoặc liên hệ theo đường dây nóng (bác sĩ Trâm 0397.735.382 và bác sĩ Thế 0979.790.134) để được hỗ trợ.

Khi cần tư vấn về chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đề nghị liên hệ với ông Nguyễn Hữu Tùng (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) theo số điện thoại 0905.387.234 hoặc 0269.3828.511.

Người dân có thể gọi số điện thoại (0269)1022 hoặc gửi nội dung phản ánh, kiến nghị lên Hệ thống thông tin 1022 tỉnh Gia Lai tại địa chỉ https://1022.gialai.gov.vn để được hỗ trợ, tư vấn kịp thời.

Theo Ban Chỉ đạo, hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây; đã có biểu hiện tâm lý chủ quan của người dân, có người không tuân thủ quy định 5K; rất dễ xảy ra việc lây lan bùng phát dịch.

Đề nghị người dân luôn nâng cao cảnh giác nhưng không hoang mang, lo lắng; tự giác thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh. 

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/gia-lai-ghi-nhan-426-truong-hop-duong-tinh-voi-sars-cov-2-a5...

TPHCM: Số ca mới mắc COVID-19 tăng trở lại

Số liệu Bộ Y tế công bố cho thấy, trong ngày 16/2 trên địa bàn TPHCM tuy không ghi nhận trường hợp tử vong vì dịch COVID-19 nhưng số ca bệnh đang tăng nhanh. Thống kê trong 3 ngày qua cho thấy, vào ngày 14/2 thành phố phát hiện 285 ca nhiễm mới; ngày 15/2 có 341 ca nhiễm thì đến ngày 16/2 đã tăng lên 620 ca nhiễm.

Số ca mới mắc COVID-10 gia tăng trở lại, ngành y tế TPHCM đang nỗ lực thực hiện các phương án phòng chống (ảnh: Phạm Nguyễn)

Số ca mới mắc COVID-10 gia tăng trở lại, ngành y tế TPHCM đang nỗ lực thực hiện các phương án phòng chống (ảnh: Phạm Nguyễn)

Dịp nghỉ Tết Nguyên Đán những tín hiệu rất lạc quan trong cuộc chiến chống dịch đã được ghi nhận tại TPHCM, có ngày số ca bệnh giảm sâu xuống chỉ còn 24 trường hợp, trung bình mỗi ngày chỉ một vài ca tử vong. Tuy nhiên, thực tế sau kỳ nghỉ Tết, số ca bệnh đang tăng trở lại.

Theo phân tích của Sở Y tế TPHCM, nguyên nhân dịch bệnh gia tăng là do trong kỳ nghỉ kéo dài người dân đã tiếp xúc, giao lưu, đi lại nhiều. Sau Tết, người dân từ các tỉnh trở lại TPHCM học tập, lao động nên di biến động dân cư rất lớn làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là ở những người chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19.

Đến nay, thành phố đã tổ chức học trực tiếp cho học sinh từ mầm non đến bậc đại học. Hiện ngành Y tế đang phối hợp với ngành Giáo dục triển khai các biện pháp phòng chống dịch để ngăn chặn, xử lý triệt để nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm trong trường học.

Để chủ động bảo vệ sức khỏe, bảo vệ những thành quả chống dịch đã đạt được, thành phố kêu gọi người dân cần tuyệt đối tuân thủ khuyến cáo 5K + vắc xin, không chủ quan, lơ là trước mọi nguy cơ lây nhiễm. Trong trường hợp test nhanh dương tính, cần lập tức thông báo đến y tế địa phương để được hỗ trợ chuyên môn, tránh nguy cơ bệnh diễn tiến nặng.

Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-so-ca-moi-mac-covid-19-tang-tro-lai-post1416846.tpo

Ba quốc gia dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 415.709.604 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.854.552 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 338.060.925 người, 71.776.671 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.708 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới là 1.820.850 và 9.283 ca tử vong. Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 177.515 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 166.631 ca; tiếp theo là Pháp (142.253 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.747 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil (776 ca) và Nga (704 ca).

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đến nay là 79.600.599 người, trong đó có 948.439 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.721.845 ca nhiễm, bao gồm 509.903 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 27.659.052 ca bệnh và 639.689 ca tử vong. Cả hai quốc gia này đã một lần nữa trở thành một điểm nóng lây nhiễm do làn sóng Omicron.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 146 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 109,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 93,42 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 52,39 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,37 triệu ca và châu Đại Dương gần 3,2 triệu ca nhiễm.

AstraZeneca thông báo, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã hoàn tất thỏa thuận đặt mua bổ sung 1 triệu liều Evusheld (150mg tixagevimab kết hợp cùng 150mg cilgavimab) – hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài của AstraZeneca với chỉ định dự phòng trước phơi nhiễm (phòng ngừa) COVID-19 cho các nhóm dân số bị suy giảm miễn dịch.

Trước đó, 700.000 liều Evusheld đã thỏa thuận đặt mua từ đầu, hiện đã và đang được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế trên khắp Mỹ. Vì vậy, tổng số liều đã đặt mua và sử dụng được nâng lên thành 1,7 triệu liều. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ phân bổ miễn phí số lượng liều bổ sung này cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Ruud Dobber, Phó Chủ tịch Điều hành BioPharmaceuticals Business Unit, thuộc AstraZeneca, cho biết, trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục xuất hiện trên khắp Mỹ và với sự lây lan mạnh của biến chủng Omicron, việc cung cấp thêm biện pháp bảo vệ cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước dịch bệnh này – là vô cùng cấp bách.

Nguồn: https://tienphong.vn/ba-quoc-gia-dan-dau-the-gioi-ve-ca-nhiem-moi-covid-19-trong-24-gio...

Phát hiện 2.516 ca mắc Covid-19 mới, 652 ca cộng đồng

Sáng 17-2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Nghệ An, cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 16-2 đến 6 giờ ngày 17-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.219 ca mắc COVID-19 mới. Trong đó có 329 ca cộng đồng; 890 ca đã được cách ly từ trước (887 ca là F1, 3 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).Lực lượng chức năng Nghệ An lấy mẫu test nhanh cho người dân

Các địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua tại Nghệ An là: TP Vinh, huyện Nghi Lộc, huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu và huyện Hưng Nguyên.

COVID-19 17/2: Hàng nghìn người dương tính, địa phương khẩn trương ứng phó ngăn dịch bùng mạnh - 3

Trước đó, vào tối 16-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An, thông tin trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 16-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.297 ca mắc COVID-19 mới tại các địa phương. Trong số 1.297 ca mắc COVID-19 mới có 323 ca cộng đồng; 974 ca đã được cách ly từ trước (965 ca là F1, 09 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Như vậy, trong vòng 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An ghi nhân thêm 2.516 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 652 ca cộng đồng, số ca tử vong trong 24 giờ qua là 2 bệnh nhân.

Được biết, tính từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 40.369 ca mắc COVID-19 tại các địa phương. Trong đó, số điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 18.107 người, số bệnh nhân tử vong: 64 người, số bệnh nhân hiện đang điều trị: 22.198 người.

Hiện tại, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số người mắc COVID-19 tăng (mỗi ngày có trên 2.000 ca mắc mới), trong đó nhiều ca cộng đồng nên tỉnh Nghệ An đã cho dừng nhiều hoạt động tại nhiều địa phương. Ngoài ra, cơ quan chức năng khuyến cáo để phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, mọi người dân cần thực hiện tốt khuyến cáo "5K" và tiêm vắc-xin phòng COVID-19 đầy đủ.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/phat-hien-2516-ca-mac-covid-19-moi-652-ca-cong-dong-2022021...

Khánh Hòa hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 điều trị tại nhà

Theo hướng dẫn có 3 tiêu chí lâm sàng đối với người mắc Covid-19 được điều trị tại nhà.

Thứ nhất, là người mắc Covid-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị.

Thứ hai, không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy; nhịp thở <20 lần/phút; SpO2 >96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

Thứ ba, không mắc bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Yêu cầu đối với người mắc Covid-19 điều trị tại nhà là có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.

Trường hợp người mắc Covid-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu theo quy định.

Trạm Y tế lưu động hoặc Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng thực hiện xác định, lập danh sách người mắc Covid-19 quản lý tại nhà và hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khỏe tại nhà.

Cơ sở quản lý sức khỏe người mắc Covid-19 hướng dẫn bệnh nhân thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe người mắc Covid-19 tại nhà 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị theo quy định.

Nội dung theo dõi sức khỏe hàng ngày gồm chỉ số nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2, huyết áp (nếu có thể) và các triệu chứng (mệt mỏi, ho, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc, mất vị giác hoặc khứu giác, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo, tiêu chảy, đau họng, chóng mặt, chán ăn…).

Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu bất thường phải thông báo ngay với trạm y tế xã, phường hoặc trạm y tế lưu động, Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

Theo hướng dẫn, người mắc Covid-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ phù hợp với tình trạng sức khỏe; tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên không đợi đến khi khát mới uống; không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng bằng việc ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Ngoài ghi chép, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người mắc Covid-19 hàng ngày, tiếp nhận các cuộc gọi điện thoại và tư vấn cho người bệnh, người chăm sóc; nhân viên của Trạm Y tế lưu động hoặc Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng có nhiệm vụ đến nhà để hỗ trợ trực tiếp khi người bệnh có tình trạng cấp cứu cần xử trí ngay, không nhận được báo cáo về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và không liên lạc được với người bệnh hoặc người chăm sóc.

Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng quy định cụ thể về việc khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà và phát hiện, xử trí diễn biến bất thường liên quan đến bệnh nền; xét nghiệm Covid-19 để kết thúc cách ly; xử trí cấp cứu, chuyển viện… Trong đó lưu ý, nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ thì người mắc Covid-19 phải thông báo ngay với Cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà để được xử trí.

Hướng dẫn này thay thế cho hướng dẫn số 11622/HD-BCD ngày 16/11/2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-huong-dan-quan-ly-nguoi-mac-covid-19-dieu-tri-tai-...

COVID-19: Test sàng lọc phát hiện ca mắc cao kỷ lục, nguy cơ bùng phát nhiều ổ dịch cộng đồng
Theo ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh, liên tục trong 2 ngày, địa phương này tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc và phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19...

Dịch COVID-19

K.T
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19