COVID-19: Test sàng lọc phát hiện ca mắc cao kỷ lục, nguy cơ bùng phát nhiều ổ dịch cộng đồng

H.A - Ngày 16/02/2022 14:44 PM (GMT+7)

Theo ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh, liên tục trong 2 ngày, địa phương này tăng cường công tác xét nghiệm sàng lọc và phát hiện bệnh nhân mắc COVID-19 tăng cao.

8 diễn biến

Quảng Ninh: Số ca mắc kỷ lục, nguy cơ bùng phát các ổ dịch cộng đồng

Riêng trong ngày 14/2, toàn tỉnh đã thực hiện số lượng rất lớn xét nghiệm sàng lọc, với trên 100 nghìn lượt người được xét nghiệm COVID-19, qua đó phát hiện 892 ca mắc19 mới.

Riêng ngày 15/2, Quảng Ninh tiếp tục xét nghiệm tầm soát cho 32.996 lượt người và phát hiện 1.246 ca mắc mới; trong đó 1.090 bệnh nhân cộng đồng,156 ca đã quản lý, cách ly.

Số ca mắc trong ngày ghi nhận tăng mạnh so với các ngày trước, đặc biệt tại các địa phương như: Thị xã Quảng Yên, TP. Hạ Long, TP. Uông Bí, TP. Cẩm Phả, thị xã Đông Triều. Một số địa phương có số ca mắc tăng trong cộng đồng như: huyện Tiên Yên, huyện Hải Hà, huyện Vân Đồn, huyện Đầm Hà, TP. Móng Cái và huyện Ba Chẽ tiếp tục ghi nhận.

Ngày 15/2, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục

Ngày 15/2, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục

Đáng chú ý, nhiều ca mắc trong cộng đồng là các trường hợp công nhân, nhân viên và đặc biệt là học sinh thực hiện test nhanh tại nhà định kỳ trong thời gian nghỉ Tết để chuẩn bị đi học và người lao động quay trở lại nơi làm việc.

Trong số 1.246 bệnh nhân ngày 15/2, có 350 ca là học sinh, 9 trường hợp là giáo viên, 288 ca là công nhân làm việc tại các công ty, khu công nghiệp, riêng Công ty Yazaky (Khu công nghiệp Đông Mai) ghi nhận 119 ca mắc.

Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, ngành Y tế Quảng Ninh dự báo số ca mắc sẽ có nguy cơ tiếp tục tăng cao trong một vài ngày sắp tới khi công nhân đi làm, học sinh trở lại trường học và đặc biệt lễ hội đền chùa trong, ngoài tỉnh, các sự kiện tập trung đông người sẽ là nguy cơ bùng phát các ổ dịch trong cộng đồng tại các địa phương.

Đối với TP. Hạ Long, TP. Cẩm Phả dịch vẫn tiếp tục bùng phát mạnh trong các trường học, cộng đồng; thị xã Quảng Yên, TP. Uông Bí, thị xã Đông Triều dịch bùng phát mạnh trong các công ty, khu công nghiệp. Những nơi còn lại luôn tiềm ẩn nguy cơ cao dịch bùng phát, đặc biệt các địa phương có biến động dân cư lớn, tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Do đó, các địa phương cần tăng cường giám sát người dân trở về từ các vùng có dịch, khoanh vùng sàng lọc phát hiện sớm các trường hợp tiếp xúc gần để hạn chế tối đa việc lây nhiễm. Đồng thời, khuyến cáo người dân cân nhắc sử dụng các dịch vụ và hoạt động phải bỏ khẩu trang như: đám cưới, liên hoan, quán nước… Đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch khi đến các chợ, siêu thị, cửa hàng.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/quang-ninh-so-ca-mac-ky-luc-nguy-co-bung-phat-cac-o-dich-cong...

Ninh Bình: Ca mắc COVID-19 tăng vọt; 7 xã, phường thuộc vùng đỏ

Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cho biết, thành phố Ninh Bình vẫn là địa phương dẫn đầu với 534 ca. Hiện số ca bệnh xác định đang cách ly, điều trị là 8.649; gồm tại các Phòng khám Đa khoa khu vực và các Bệnh viện (Phổi, PHCN, Sản - Nhi, Đa khoa tỉnh, Đa khoa huyện Nho Quan, Công an tỉnh, TTYT huyện Gia Viễn) là 996 ca; tại Trạm Y tế/Trạm Y tế lưu động là 3.343 ca và tại nhà là 4.310 ca bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, với số ca bệnh liên tục tăng nhanh và nhiều, ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đã tổ chức tập huấn về công tác điều trị người bệnh COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà.

Tính đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 của Ninh Bình đạt gần 54%.

Tính đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 của Ninh Bình đạt gần 54%.

Theo đó, ngành y tế đã triển khai các nội dung hướng dẫn về quản lý, cách ly, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà; các nội dung về chuyên môn, chăm sóc, dinh dưỡng và hướng dẫn quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ, không triệu chứng tại nhà. Việc tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe người nhiễm tại nhà, phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trong gia đình và cộng đồng...

Việc tổ chức tập huấn về công tác điều trị người bệnh COVID-19 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà cho các đối tượng là thành viên BCĐ phòng chống dịch COVID-19 các cấp; lãnh đạo ngành Y tế, các Trung tâm Y tế, Bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện; các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn... nhằm mục đích cung cấp các hướng dẫn và quy định về quản lý, hỗ trợ và chăm sóc người mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà.

Về cấp độ dịch, toàn tỉnh có 45/143 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 1 (vùng xanh); có 62/143 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2 (vùng vàng); 29/143 xã, phường, thị trấn cấp độ 3 (vùng cam) và có 07/143 xã, phường thuộc cấp độ 4 (vùng đỏ).

Các xã, phường vùng đỏ hiện nay là: Phường Tân Bình (thành phố Tam Điệp); xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) và 5 xã của huyện Gia Viễn, gồm: Gia Trấn, Gia Lập, Gia Vượng, Gia Sinh và Gia Minh.

Riêng tại thành phố Ninh Bình, hiện đang có 14/14 xã, phường, chiếm 100% đều thuộc vùng cấp độ 3, với mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát hiện từ 400-500 ca bệnh COVID-19 mới.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/ninh-binh-ca-mac-covid-19-tang-vot-7-xa-phuong-thuoc-vung-do-...

Số ca mắc tăng kỷ lục, Sơn La chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi

Trong quá trình xét nghiệm phục vụ công tác giám sát dịch COVID-19 trên địa bàn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Sơn La đã ghi nhận thêm 599 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 (tăng 171 ca so với ngày trước đó).

Trong đó, huyện Mộc Châu 168 ca, thành phố Sơn La 89 ca, Vân Hồ 76 ca, Phù Yên 70 ca; 8 huyện còn lại có số mắc từ 1 đến 46 ca. Đây là ngày phát hiện số ca dương tính với SARS-CoV-2 cao nhất kể từ khi Sơn La ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Theo đánh giá của CDC Sơn La, trong số 599 ca mắc COVID-19, có 297 ca có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng cao, do các trường hợp đều được phát hiện tại cộng đồng, đã tiếp xúc với nhiều người.

Tại cuộc họp ngày 15/2, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tỉnh Sơn La đề nghị, các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vaccine sát với thực tế; rà soát tất cả các đối tượng chưa được tiêm; chủ động mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác tiêm chủng. Phấn đấu tiêm xong mũi 2 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, người từ 18 tuổi trở lên vào ngày 28/2 và mũi 3 vào ngày 31/3; đến ngày 30/6 hoàn thành công tác tiêm chủng...

Đón cán bộ, lưu học sinh Lào sang học tại các trường Đại học Tây bắc và Cao đẳng Sơn La năm học 2021-2022 (hiện đã ghi nhận 19 người mắc COVID-19). Ảnh: CDC Sơn La

Đón cán bộ, lưu học sinh Lào sang học tại các trường Đại học Tây bắc và Cao đẳng Sơn La năm học 2021-2022 (hiện đã ghi nhận 19 người mắc COVID-19). Ảnh: CDC Sơn La

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân trên 18 tuổi trong tỉnh tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 ở Sơn La đạt 98,7%; mũi 2 đạt 91,4%; mũi 3 đạt 15,2%. Từ ngày 30/11/2021 đến nay, toàn tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 140.221 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi (đạt 99%); mũi 2 cho 129.686 trẻ (đạt 91,5%).

CDC Sơn La cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, lập danh sách trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi để chuẩn bị thực hiện tiêm khi có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế và được cấp vaccine phòng COVID-19.

Tỉnh Sơn La yêu cầu các địa phương tập trung điều trị hướng dẫn đối với F0 có triệu chứng và không có triệu chứng; nâng cao chất lượng hoạt động của Trạm y tế lưu động tại các xã, phường để phối hợp điều trị F0 tại nhà. 

Thống nhất cách quản lý điều trị F0 trên địa bàn; quan tâm, hỗ trợ lưu học sinh Lào là F0; các trường học tuyên truyền, vận động học sinh thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" để tránh lây lan dịch bệnh; tạm dừng các hoạt động ngoại khóa, tập trung đông người.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-mac-tang-ky-luc-son-la-chuan-bi-tiem-vaccine-phong-covi...

Cà Mau: Dịch Covid-19 giảm mạnh, giải thể 6 bệnh viện dã chiến

Ngày 16/2, thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định giải thể các Bệnh viện dã chiến số 4, 5, 6, 7, 8, 9 và thành lập 2 đơn vị điều trị Covid-19 trại Trung tâm Y tế huyện Phú Tân và Ngọc Hiển (mỗi đơn vị 50 giường bệnh thu dung và điều trị tầng 1, 2).

Theo đó, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau giao Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo giám đốc các bệnh viện dã chiến nêu trên rà soát, thanh toán các chế độ, chính sách cho nhân viên làm việc tại bệnh viện dã chiến để bàn giao cơ sở vật chất.

Về trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế được trang bị cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến sẽ giao cho các đơn vị đang phụ trách quản lý.

Cụ thể, Bệnh viện dã chiến số 4 giao về cho Bệnh viện Quân Dân Y, khi có nhu cầu thì kích hoạt đưa vào sử dụng; Bệnh viện dã chiến số 6, 7 giao lần lượt cho Trung tâm Y tế huyện Phú Tân và Ngọc Hiển; Bệnh viện dã chiến số 5, 8, 9 lần lượt giao về cho Bệnh viện Đa khoa Cái Nước, Bệnh viện Sản-Nhi và Bệnh viện Mắt-Da Liễu quản lý.

Các đơn vị quản lý được phép sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế… cho người bệnh tại đơn vị. Tuy nhiên, phải quản lý và bảo dưỡng theo quy định cũng như sẵn sàng triển khai thực hiện phục vụ quản lý, điều trị Covid-19 khi được điều động.

Số ca mắc Covid-19 tại Cà Mau những ngày qua đã giảm mạnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát với hơn 88% người bệnh không triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà.

Trong ngày 15/2, địa phương chỉ ghi nhận thêm 156 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng lũy kế số ca mắc toàn tỉnh đến nay là 57.782.

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/ca-mau-dich-covid-19-giam-manh-giai-the-6-benh-vien-da-chien...

Test nhanh phát hiện 2.287 người mắc Covid-19, 481 ca cộng đồng

Sáng 16-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An cho biết trong 12 giờ qua (từ 18 giờ ngày 15-2 đến 6 giờ ngày 16-2), tỉnh Nghệ An ghi nhận 1.188 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 284 ca cộng đồng; 904 ca đã được cách ly từ trước (902 ca là F1, 2 ca từ ngoại tỉnh có dịch về). Các địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua: TP Vinh, huyện Diễn Châu, huyện Hưng Nguyên, huyện Nghi Lộc, huyện Thanh Chương.

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An lấy mẫu test nhanh cho người dân

Lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An lấy mẫu test nhanh cho người dân

Trước đó, vào tối 15-2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An thông tin trong 12 giờ qua (từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 15-2), Nghệ An ghi nhận 1.099 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 197 ca cộng đồng; 902 ca đã được cách ly từ trước (898 ca là F1, 4 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).

Như vậy, trong 24 giờ qua tỉnh Nghệ An ghi nhận 2.287 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 481 ca cộng đồng.

Tại TP Vinh, Nghệ An, những ngày gần đây diễn biến dịch phức tạp, mỗi ngày địa phương này phát hiện mấy trăm ca mắc Covid-19 mới, về cấp độ dịch có 22/25 phường, xã cấp độ 4, 1 phường cấp độ 3 và 2 phường, xã cấp độ 2.

Các phường, xã cấp độ 4 gồm: Trường Thi, Hưng Bình, Cửa Nam, Nghi Phú, Bến Thủy, Hưng Dũng, Đông Vĩnh, Lê Lợi, Trung Đô, Nghi Ân, Hưng Hòa, Hưng Lộc, Lê Mao, Quang Trung, Hưng Đông, Vinh Tân, Nghi Liên, Đội Cung, Hưng Phúc, Hồng Sơn, Hưng Chính và Nghi Đức. Các địa phương còn lại: phường Quán Bàu cấp độ 3; phường Hà Huy Tập và xã Nghi Kim cấp độ 2.

Được biết, từ đầu mùa dịch đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 37.853 ca mắc Covid-19, số bệnh nhân điều trị đã khỏi bệnh, ra viện: 16.949 người, bệnh nhân tử vong: 62 người, bệnh nhân hiện đang điều trị: 20.842 người.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/test-nhanh-phat-hien-2287-nguoi-mac-covid-19-481-ca-cong-do...

Theo quy định mới, 36 phường, xã tại TP HCM tăng cấp độ dịch Covid-19

Chiều 15-2, theo thông tin từ Sở Y tế TP HCM cho biết theo quyết định mới đánh giá cấp độ dịch của Bộ Y tế, TP có 275 phường, xã đạt cấp 1 và 37 phường, xã đạt cấp 2 (tăng 36 phường, xã so với cách đánh giá cũ).

Tỷ lệ tiêm vắc-xin cũng là một trong những tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Tỷ lệ tiêm vắc-xin cũng là một trong những tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Lý giải nguyên nhân về sự gia tăng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2, Sở Y tế cho biết có 4 nhóm nguyên nhân chính như sau: 

-Tỉ lệ tiêm vắc-xin đủ mũi không đạt quy định sẽ bị tăng thêm 1 mức độ lây nhiễm, do đó sẽ làm tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 28 phường, xã (2 phường ở quận 8; 7 phường ở quận Bình Tân, 10 phường ở quận Gò Vấp, 1 phường ở Tân Phú; 6 phường ở TP Thủ Đức; 2 xã ở huyện Hóc Môn).

-Mức độ lây nhiễm ở mức 2 nhưng khả năng đáp ứng ở mức trung bình nên cấp độ dịch sẽ là cấp 2:  Nhóm này có 5 phường (3 phường ở Quận 12, 1 phường ở quận Gò Vấp và 1 xã tại huyện Nhà Bè).

-Mức độ lây nhiễm ở mức 3 và khả năng đáp ứng ở mức cao nên cấp độ dịch sẽ là cấp 2. Nhóm này có 1 phường ở quận 6.

-Tỉ lệ ca tử vong trên 100.000 dân vượt ngưỡng quy định (6 ca/100.000 dân). Do đó, đối với những phường, xã có mật độ số dân dưới 16.667 người và chỉ cần 1 ca tử vong trong tuần thì sẽ vượt ngưỡng và tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 3 phường (2 phường tại quận 5 và 1 phường ở quận 8).

Ngành y tế TP HCM khuyến cáo, các phường, xã cần phải tập trung vận động người dân tiêm vắc-xin đủ mũi, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ. Đồng thời tăng cường truyền thông để người dân khi phát hiện triệu chứng nghi nhiễm hoặc tự test nhanh dương tính phải khai báo ngay cho trạm y tế kịp thời chăm sóc, cấp phát thuốc điều trị Covid-19 và hạn chế thấp nhất tỉ lệ chuyển nặng và tỉ lệ tử vong do Covid-19.

Trước đó, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, có 4 nguyên tắc của việc đánh giá cấp độ dịch. Cụ thể: Kiểm soát dịch tại nơi xuất phát là biện pháp mang tính chủ động và hiệu quả, hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính bao vây trên phạm vi rộng.

Mang tính kế thừa, tiếp thu các kinh nghiệm phòng chống dịch trong nước, thế giới và đảm bảo tính ổn định tương đối trong quá trình điều chỉnh các chỉ số trong các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, phù hợp với thực tế tình hình dịch.

Biện pháp phòng chống dịch mang tính tổng thể bao gồm cả y tế, biện pháp hành chính, kinh tế - xã hội; cả điều trị và dự phòng theo các cấp độ dịch được quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện sớm sự bất thường để xử lý đúng, trúng, hiệu quả. Phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương, tránh tư tưởng buông tay, giao phó cho y tế trong việc điều trị ca bệnh, nặng.

Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/theo-quy-dinh-moi-36-phuong-xa-tai-tp-hcm-tang-cap-do-dich-...

Xuất hiện F0 trong trường học, xử trí thế nào?

Từ ngày 7/2, học sinh từ lớp 7 - 12 trên toàn quốc trở lại trường học trực tiếp. Sau 1 tuần đón học sinh, các hoạt động giáo dục đang dần thích ứng với tình hình dịch, xử trí gọn các ca mắc COVID-19, đến ngày 14/2, khoảng 20 triệu học sinh ở các cấp học đồng loạt trở lại trường học.

Xử trí như thế nào khi xuất hiện F0 tại trường học là điều được nhiều cha mẹ quan tâm và băn khoăn. Ảnh minh họa

Xử trí như thế nào khi xuất hiện F0 tại trường học là điều được nhiều cha mẹ quan tâm và băn khoăn. Ảnh minh họa

Mặc dù việc trở lại trường học đã được chuẩn bị kỹ càng nhưng trong bối cảnh mỗi ngày vẫn có gần 30.000 ca F0, thì việc ghi nhận nhiều trẻ mắc COVID-19 là không thể tránh khỏi.

Điều khiến nhiều bậc phụ huynh quan tâm hàng đầu hiện nay là nếu không may xuất hiện F0 trong trường học thì xử lý F0 và cách ly F1 như thế nào?

Liên quan đến vấn đề này, bộ GD&ĐT đã có Quyết định số 406/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học.

Theo đó, khi có học sinh mắc COVID-19 trong cơ sở giáo dục, bộ GD&ĐT yêu cầu người phụ trách và đơn vị liên quan thực hiện ngay các bước sau:

Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh.

Tiếp tục cách ly tạm thời F0.

Thông báo cho trạm y tế địa phương các biện pháp triển khai phòng, chống dịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu F0 có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, chỉ số SpO2 (nồng độ oxy trong máu) dưới 96%, liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị điều trị Covid-19 trên cùng địa bàn hoặc bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ, tư vấn, hướng dẫn cha mẹ đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.

Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp và xét nghiệm cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).

Các lớp học khác hoạt động bình thường

Bước 4: Cách ly, theo dõi F1 theo hướng dẫn của bộ Y tế

- Với người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng: Cách ly tại nhà trong vòng 7 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 3 và 7.

- Với người chưa tiêm đủ liều vaccine: Cách ly y tế 10 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 5 và 10.

- Với người chưa tiêm vaccine: Cách ly y tế 14 ngày, tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo. Xét nghiệm bằng phương pháp rRT-PCR mẫu đơn 3 lần vào ngày đầu tiên, thứ 7 và 13.

Riêng với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, nếu có một ca dương tính với COVID-19, toàn bộ học sinh cùng lớp (F1) sẽ được cách ly tại nhà theo quy định.

Nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 F0 trở lên ở 2 lớp khác nhau, trường cần tổ chức xét nghiệm tầm soát với quy mô như sau:

Hai lớp ở cùng tầng: Xét nghiệm cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học cùng tầng.

Hai lớp khác tầng, cùng khối nhà: Xét nghiệm cho học sinh, giáo viên của tất cả lớp học trong cùng khối nhà.

Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có liên hệ dịch tễ thì xử lý theo lớp học.

Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/xuat-hien-f0-trong-truong-hoc-xu-tri-the-nao-a528513.ht...

Ba quốc gia dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 415.709.604 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.854.552 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục đã đạt 338.060.925 người, 71.776.671 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.708 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm mới là 1.820.850 và 9.283 ca tử vong. Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 177.515 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 166.631 ca; tiếp theo là Pháp (142.253 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.747 người chết trong ngày; tiếp theo là Brazil (776 ca) và Nga (704 ca).

COVID-19: Test sàng lọc phát hiện ca mắc cao kỷ lục, nguy cơ bùng phát nhiều ổ dịch cộng đồng - 7

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đến nay là 79.600.599 người, trong đó có 948.439 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.721.845 ca nhiễm, bao gồm 509.903 ca tử vong. Brazil xếp thứ ba với 27.659.052 ca bệnh và 639.689 ca tử vong. Cả hai quốc gia này đã một lần nữa trở thành một điểm nóng lây nhiễm do làn sóng Omicron.

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 146 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 109,2 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 93,42 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 52,39 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,37 triệu ca và châu Đại Dương gần 3,2 triệu ca nhiễm.

AstraZeneca thông báo, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã hoàn tất thỏa thuận đặt mua bổ sung 1 triệu liều Evusheld (150mg tixagevimab kết hợp cùng 150mg cilgavimab) – hỗn hợp kháng thể đơn dòng tác dụng kéo dài của AstraZeneca với chỉ định dự phòng trước phơi nhiễm (phòng ngừa) COVID-19 cho các nhóm dân số bị suy giảm miễn dịch.

Trước đó, 700.000 liều Evusheld đã thỏa thuận đặt mua từ đầu, hiện đã và đang được sử dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế trên khắp Mỹ. Vì vậy, tổng số liều đã đặt mua và sử dụng được nâng lên thành 1,7 triệu liều. Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ phân bổ miễn phí số lượng liều bổ sung này cho các tiểu bang và vùng lãnh thổ.

Ruud Dobber, Phó Chủ tịch Điều hành BioPharmaceuticals Business Unit, thuộc AstraZeneca, cho biết, trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục xuất hiện trên khắp Mỹ và với sự lây lan mạnh của biến chủng Omicron, việc cung cấp thêm biện pháp bảo vệ cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước dịch bệnh này – là vô cùng cấp bách.

Nguồn: https://tienphong.vn/ba-quoc-gia-dan-dau-the-gioi-ve-ca-nhiem-moi-covid-19-trong-24-gio...

Miền Bắc sắp hứng đợt rét cực kỳ mạnh, mưa rét tê tái nhất từ đầu mùa, có băng giá
Đợt không khí lạnh chuẩn bị đổ bộ sẽ khiến khiến nền nhiệt giảm sâu, đồng bằng có thể dưới 10 độ, vùng núi cao khả năng cao xảy ra mưa tuyết và băng...

Dự báo thời tiết

H.A (tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19