Dù một bên mắt bị mù hẳn, bên còn lại thị lực cũng suy yếu dần, nhưng cụ ông 75 tuổi vẫn ngày ngày rong ruổi khắp nẻo đường để bán nước sâm kiếm tiền nuôi đứa cháu ăn học…
Nếu Sài Gòn ban ngày là bức tranh muôn màu của nhịp sống hối hả, tất bật thì ban đêm lại mang gam màu khác, một mảng tối bình dị nhưng rất đỗi thân thương.
Chắc hẳn, ai đã từng đi qua góc ngã tư đường Đề Thám – Cô Giang (quận 1) vào mỗi buổi tối sẽ nhìn thấy bóng dáng một cụ già với tấm lưng còng cặm cụi bán từng chai nước sâm cho người đi đường.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cụ ông bán nước sâm ở khu vực đã ngót trên 30 năm và họ thường gọi ông với cái tên thân quen là ông Năm Minh.
Suốt hơn 30 năm qua, hình ảnh cụ ông đầu bạc trắng đẩy xe với tiếng rao khàn đặc “nước sâm đây” đã quá quen thuộc với những người sống ở khu vực đường Cô Bắc, Cô Giang (quận 1, TP. Hồ Chí Minh).
Buổi chiều muộn là thời điểm ông bán đắt hàng nhất. Sau một hồi bán không ngơi tay, ông ngồi xuống, lôi chai thuốc nhỏ mắt bé xíu ra nhỏ và trải lòng chúng tôi. Trầm ngâm một lúc, ông cho biết, mình tên thật là Lâm Minh (75 tuổi, ngụ quận 7, TP. Hồ Chí Minh).
Ngày trước, ông và vợ sinh hai người con, một trai, một gái và đều đã lập gia đình. Nhưng vì cuộc sống khó khăn, con cái cũng bươn chải kiếm sống nên không giúp được cho ông, bà. Vợ chồng người con thứ hai đi làm ăn xa nên gửi lại đứa cháu 10 tuổi nhờ ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng.
Thế nhưng, khó khăn lại thêm chồng chất khi số tiền ông vay để sửa chữa lại căn nhà ẩm thấp đã đến hạn trả. “Giờ có bệnh nặng, sốt cao tôi cũng phải ráng ngồi dậy đi bán. Chứ cứ mắc nợ người ta hoài, nặng đầu lắm cô chú ơi !”, ông Minh tâm sự.
Nhiều người dân xung quanh khu vực này rất quý ông, họ quý cái tính hiền lành, chân chất của con người ông. “Ông bán tuy cực khổ nhưng thương người lắm, thấy ai nghèo khổ đi xin ăn là ông đều cho ít tiền với chai nước sâm rồi nói họ đi mua cơm ăn đi”, chị Hoàng Thị Thơm (ngụ quận 1) cho biết.
Trong khi đó, một ngày làm việc của ông Năm Minh cũng thường kết thúc sau 0 giờ. Lúc này, ông gửi chiếc xe vào nhà người quen trong xóm nhỏ đường Cô Giang. Hôm gặp chúng tôi, ông Năm đang loay hoay tìm chỗ chỗ ngã lưng.
Thấy chúng tôi có vẻ thắc mắc, ông Năm cười cười nói như thanh minh: “Nhà ở quận 7 lận, xa lắm, ngày bán giỏi lắm cũng hơn 100 nghìn. Ngày mưa thì tệ hơn nhiều nữa. Giờ mà đi xe ôm về thì sạch túi, tiền đâu mua gạo nuôi vợ, lo cho cháu? Ngủ ở đâu mà chả được. Có hôm con gái thấy tôi ở lại ngủ cũng chạy qua đây chở về…”.
Sài Gòn sau 0 giờ, khi những ánh đèn đường vàng vọt đang hắt lên bóng người nhỏ bé cùng chiếc xe nước sâm cũ kĩ ấy, khi đó, người ta mới cảm nhận một cách thật đầy đủ và thấm thía nhất về sự cô đơn, lạnh lẽo, nỗi khắc khổ mà ông cụ bán nước sâm đã và đang trải qua.
Trên con đường vắng hoe bóng người và qua lại, hình ảnh cụ ông với đôi mắt mờ đục chậm rãi bước cùng chiếc xe bán nước sâm đang lầm lũi bước thật khiến người ta xót xa, chạnh lòng…
Ông Lâm Minh kể, hồi xưa ông làm nhiều nghề lắm nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh, làm nhiều nhưng không đủ tiền lo cho các con ăn học. Rồi khi gặp được một người mà ông gọi là “sư phụ”, người đó dạy ông nấu nước sâm rồi đi theo bán. Dần dà, ông có chút vốn nên xin phép cho mua xe đẩy rồi đi bán riêng đến bây giờ.
Chiếc xe này ông được một khách hàng bỏ ra 5 triệu đồng mua tặng vì họ thấy chiếc xe kia đã cũ sờn, lại quá nhỏ không thể chứa nhiều vật dụng.
Mỗi chai nước sâm có giá 10 ngàn đồng, nếu ngày nào không mưa và đắt khách thì ông lời từ 120 đến 150 ngàn đồng.
“Từ khi bén duyên với nghề bán nước sâm cũng là lúc con mắt bên trái tôi nhòa đi rồi mù hẳn. Con còn lại thì bị cườm khô, nhiều năm trước tôi đã mổ rồi nhưng nó vẫn nhòe, lộm cộm. Giờ chỉ thấy mờ mờ nên nhiều khi khách đưa tiền tôi không rõ mệnh giá bao nhiêu”, ông Lâm Minh tâm sự.