Không chồng con, không tiền bạc, người phụ nữ 40 tuổi cùng người mẹ già trên 80 tuổi đang vật vã từng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư vú nguy hiểm.
Có mặt ở Bệnh viện K Trung ương Cơ sở 3 (Tân Triều – Hà Nội), tại nơi nộp sổ lấy thuốc, chúng tôi đã gặp hai mẹ con người tóc bạc, người không có tóc nhìn rất thương tâm đang chờ gọi tên.
Vừa mới hỏi chuyện, hai mẹ con này đã đến tên vào khám và lấy thuốc điều trị. Do chưa biết bao giờ mới xong, phóng viên chỉ kịp lấy số điện thoại và hẹn khi khác sẽ gặp để trao đổi về hoàn cảnh và bệnh tình, thậm chí phóng viên còn chưa kịp hỏi tên mà chỉ lưu số điện thoại với cái tên “BN Ung thư”.
Sau khi rời bệnh viện, phóng viên đã tới khu xóm trọ dành cho những bệnh nhân ung thư, tại đây chúng tôi đã gặp nhiều cảnh đời khó khăn của những người bệnh ung thư. Đáng nói hơn, sau gần 1 tiếng ở xóm trọ này, chúng tôi lại bất ngờ gặp lại hai mẹ con vừa kể trên đang bước thấp, bước cao đi về phòng trọ.
Chị Quyên dù đã hơn 40 tuổi nhưng vẫn chưa có gia đình và mắc bệnh hiểm nghèo.
Lúc này phóng viên mới có dịp nói chuyện sâu về gia cảnh, cũng như bệnh tật của “bệnh nhân khốn khổ” này. Đó là chị Phạm Thị Quyên (43 tuổi) ở xóm 3 - thôn Kinh Hào – xã Đông Kinh – huyện Đông Hưng – tỉnh Thái Bình. Hiện đang phải điều trị ngoại trú bệnh ung thư vú phát lại.
Càng nghe câu chuyện của người phụ nữ này, chúng tôi không khỏi nghẹn lòng khi “người đầu bạc đi chăm kẻ trọc đầu”. Theo đó, dù đã qua cái tuổi tứ tuần, nhưng chị Quyên vẫn một mình lẻ bóng. Không chỉ không chồng con, gia đình chị Quyên cũng vô cùng khó khăn khi bố mẹ già đã hơn 80 tuổi, mà nhân lực chính là mẹ chị lại phải đằng đẵng theo chị để chăm sóc hàng ngày.
Nói về tình trạng bệnh tật của mình, chị Quyên kể: “Giá như tôi có tiền, thì giờ đã không phải thế này rồi”. Chị Quyên phát hiện bệnh ung thư vú từ năm 2000 nhưng đến năm 2009 mới cắt một bên, không có tiền để theo hết lộ trình điều trị, nên năm 2016 bệnh của chị đã tái phát lại và còn nặng hơn trước rất nhiều.
“Lúc đầu, tôi không hề thấy đau đớn gì cả, khi sờ vào chỉ thấy một hạt nhỏ như hạt ngô ở trong, lúc đó tôi vẫn đi làm khỏe mạnh, bình thường, chẳng ai nghĩ đó là khối u cả. Phải đến năm 2009, khi thấy đau, người gầy, chán ăn, sút cân tôi mới đến bệnh viện huyện kiểm tra, sau đó là bệnh viện tỉnh.
Bà Điểm đã hơn 80 tuổi đang phải đưa con gái đi chữa bệnh.
Tuy nhiên, tôi như chết lặng khi họ chuyển thẳng tôi lên Bệnh viện K1 (Quán Sứ), khi các bác sĩ chẩn đoán là bị ung thư vú, tôi đã chết lặng thêm lần nữa. Sau đó, tôi đã nhập viện và tiến hành cắt một bên vú, lúc đó là năm 2009.
Sau khi phẫu thuật bác sĩ nói phải khám định kỳ và dùng thuốc đúng liệu trình, nhưng do không có tiền, tôi đã không thực hiện theo đúng liệu trình của bác sĩ. Bẵng đi từ năm 2009 đến tận năm 2016, bỗng nhiên tôi thấy đau và đi kiểm tra mới biết bệnh ung thư của tôi đã tái lại và còn nặng hơn. Hiện, tôi phải truyền hóa chất một thời gian, sau đó mới làm phẫu thuật”, chị Quyên kể lại.
Ngồi cạnh chị Quyên, bà Phạm Thị Điểm (mẹ ruột) vừa nhìn xa xăm, vừa nói: “Khổ lắm chú ạ, mỗi lần truyền hóa chất là hơn 7 triệu, dù có bảo hiểm nhưng không phải được thanh toán tất cả và không phải loại thuốc nào cũng được thanh toán, nên giờ hai mẹ con chưa biết xoay sở thế nào”.
Nơi ở của hai mẹ con chị là chiếc phản được kê dưới cầu thang do gia đình chủ nhà trọ tạo điều kiện không lấy tiền.
Bà Điểm cho biết, hiện bà đã vay một số tiền lớn ở quê chưa biết bao giờ trả được, hết tiền muốn vay thêm cũng khó vì đã già trên 80 tuổi, con lại bạo bệnh nên rất khó khăn.
“Cũng may là ở đây toàn người chung cảnh ngộ với nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Hai mẹ con tôi cũng vậy, hôm ăn nhờ người này, hôm ăn nhờ người khác, quần áo các bác trẻ hơn khi giặt cũng giặt hộ. Nhà ở không có tiền trả, chủ nhà cũng hỗ trợ bằng cách cho ở nhờ. Thôi thì cố chữa bệnh cho con, được đến đâu hay đến đó”, bà Điểm nói.
Nói đến đó, chị Quyên, bà Điểm và những người có mặt trong xóm trọ nghèo nàn này đều lặng im không nói câu nào, ai cũng đưa mắt nhìn xa xăm vì đã mắc bệnh ung thư thì rồi ai cũng đến lúc khánh cùng, lực kiệt.