Đã trên 80 tuổi, mắt mờ, chân chậm, đầu óc không còn minh mẫn nhưng hàng ngày ông Hoàng Văn Hùng (ở thôn Mỹ Đình, xã Văn Cẩm, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vẫn phải lầm lũi kiếm từng mớ rau, bát gạo để nuôi vợ bị liệt tứ chi cùng đứa cháu nhỏ.
Con trai thiệt mạng, con dâu bỏ đi
Vượt hơn trăm kilômét, chúng tôi đến gia đình ông Hùng trong một ngày trời mưa tầm tã. Một người dân trong thôn cho biết: “Gia đình ông Hùng thuộc diện nghèo nhất xã. Vợ ông bị liệt mười năm nay, con trai bị tai nạn chết khi đang đi làm trong miền Nam. Người con dâu không chịu được cuộc sống nghèo khổ đã bỏ lại bố mẹ chồng cùng đứa con trai còn nhỏ. Gánh nặng cuộc sống bây giờ dựa vào người đàn ông đã hơn 80 tuổi”.
Bước đến cửa nhà ông Hùng, trước mắt chúng tôi là hình ảnh không thể kìm lòng. Trên chiếc giường ọp ẹp, một người phụ nữ năm co quắp, mồm méo xệch nhìn chúng tôi một cách tò mò, ngạc nhiên. Nhìn xung quanh, trong nhà chỉ có hai chiếc giường hai bên, ở giữa là cái bàn gỗ đóng tạm để ngồi uống nước. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, ông Hùng đau đớn kể về những biến cố lớn làm cho gia đình ông đã khó khăn nay càng chật vật hơn. Trước đây khi anh Mạnh, con trai ông Hùng còn sống thì cuộc sống cũng đỡ cơ cực do anh Mạnh chịu khó làm lụng. Nhưng trớ trêu, anh Mạnh lại gặp tai nạn khi đang trên đường đi làm ăn xa. Nhà chẳng có gì đáng tiền, vợ chồng ông Hùng phải chạy vạy khắp nơi để có số tiền 50 triệu lo chạy chữa cho con. Dù đã được cứu chữa nhưng anh Mạnh vẫn không qua khỏi. Đau đớn thay, thủ phạm đã chạy trốn mất, con trai ông ra đi một cách oan uổng. Từ đó đến nay khoản nợ đó vẫn đè nặng lên vợ chồng ông không biết đến bao giờ mới trả được.
Ông Hùng, bà Luân và cháu trai trên chiếc giường ọp ẹp. Ảnh: T.H
Do không chịu được cú sốc lớn như vậy, vợ ông Hùng trở nên suy sụp, mất ăn, mất ngủ. Trong một lần cảm nặng, vợ ông đã bị tai biến mạch máu não dẫn đến liệt tứ chi. Ngay sau đó, con dâu ông để con ở lại với ông bà và lên Hà Nội làm thuê. Từ khi bỏ đi đến nay, con dâu ông thi thoảng mới đáo qua nhà bố mẹ chồng nhưng chẳng giúp được ông bà thứ gì vì cô cũng chỉ làm thuê, làm mướn lúc được lúc không. Ông Hùng giọng buồn buồn nói: “Thương thằng Điệp quá cô ơi. Mới 13 tuổi, cháu đã mồ côi cha, mẹ bỏ đi không quan tâm. Từ nhỏ, nó đã thiếu thốn tình thương của cha mẹ”.
Chủ yếu ăn cơm với nước mắm
Cuộc sống của ông Hùng vốn túng quẫn, bần hàn, nay lại càng khó khăn hơn. Ngoài tiền trợ cấp ít ỏi của nhà nước (bà Luân và ông Hùng được trợ cấp 180.000 đồng/tháng), ông Hùng tuy đã hơn 80 tuổi nhưng vẫn hàng ngày phải ra đồng mò cua, bắt cá nhưng vì sức yếu nên khi được, khi không. “Chúng tôi chủ yếu ăn cơm với nước mắm. Làm gì có tiền mà mua thức ăn. Có cơm đã là may mắn”, ông Hùng nghẹn ngào nói.
Vừa nói chuyện với chúng tôi, ông Hùng vừa dùng quạt nan quạt cho bà Luân vì nhà không có quạt điện. Bà Luân bị liệt tứ chi nên mọi việc trong nhà, đến tắm rửa vệ sinh cho bà, đều một tay ông làm tất. Do tuổi già, ăn uống lại thiếu chất, cộng với công việc vất vả nên có đận ông bị thổ huyết phải đi cấp cứu ở bệnh viện huyện nhưng ông vẫn không quên nhờ người chăm sóc cho bà.
Trong khi ông Hùng tiếp chuyện chúng tôi, cháu Điệp ngồi lặng lẽ trên giường. Chục năm không có bố mẹ, Điệp chỉ biết nương tựa vào ông bà nội ốm đau. Nhìn bề ngoài, Điệp là một đứa trẻ khá rụt rè. Được chúng tôi hỏi chuyện, em chỉ gật đầu hoặc lắc, mặt lúc nào cũng nhìn xuống đất. Chúng tôi cảm nhận được nỗi buồn tủi, sự cô đơn từ ánh mắt của đứa trẻ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ như Điệp.
Ông Hùng sụt sùi cho biết: “Điệp nó tủi thân, bị bạn bè trêu chọc, đâm ra hư hỏng, thậm chí cháu còn bỏ học. Tôi chỉ mong cái thân già này, đến khi nào nằm dưới ba tấc đất thì đứa cháu nội cũng phải trưởng thành. Năm nay cháu bỏ học nhưng đợt vừa rồi tôi cùng với nhà trường tiếp tục động viên cháu sang năm đi học tiếp”. Được biết, dù Điệp đã được miễn giảm học phí nhưng nỗi lo về tiền sách vở, áo quần cho cháu, tiền sinh hoạt hàng ngày của hai người già bệnh tật cứ đè nặng lên đôi vai gầy của ông già đã hơn 80 tuổi.