Cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp dùng cá giấy thay cá chép sống có được không?

Kiều Linh - Ngày 23/01/2022 06:59 AM (GMT+7)

Hiện không ít người sử dụng cá giấy để cúng ông Công ông Táo, sau đó sẽ đốt cùng mũ áo. Tuy nhiên, việc làm này theo các chuyên gia là cần cân nhắc để cho hợp với truyền thống, phong tục.

Cúng ông Công ông Táo là một nghi lễ quan trọng trong những ngày cuối năm. Theo thông lệ, việc cúng ông Công, ông Táo (hay còn gọi là Táo Quân) sẽ được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp, trước khi cúng gia chủ phải chuẩn bị đầy đủ vật phẩm, mâm cơm, cá chép…

Từ xưa đến nay, truyền thống của ông cha ta khi cúng Táo Quân ngoài chân hài, mũ áo thì cá chép sống là một phần không thể thiếu. Ngày nay do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nơi không có ao, hồ, sông, suối để thả cá chép nên nhiều gia đình, nhất là những người ở chung cư dùng cá giấy để làm vật phẩm cúng Táo Quân.

Với nhiều người, việc cúng bằng cá giấy sau đó hóa (đốt) cùng quân áo, mũ mã còn thực tế hơn cả việc cúng cá sống. Nguyên nhân là khi cúng cá chép thật thả ra môi trường chưa chắc đã sống được vì môi trường ô nhiễm, người thả phía trước - kẻ bắt phía sau.

Dùng cá chép giấy cúng Táo Quân thì giống như việc đốt vàng mã, không còn ý nghĩa.

Dùng cá chép giấy cúng Táo Quân thì giống như việc đốt vàng mã, không còn ý nghĩa.

Vậy việc cúng cá chép bằng giấy theo kiểu tượng trưng trong ngày ông Công, ông Táo liệu có được hay không? Chuyên gia phong thủy Nguyễn Trọng Tuệ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho rằng, việc cúng cá giấy hay cá thật thực tế chỉ là quan niệm do con người đặt ra. Thậm chí, ngay cả việc cúng cá chép sống bây giờ cũng rất khác so với ngày xưa.

“Đối với việc nên cúng cá giấy hay cá thật thì theo phong tục cổ truyền từ xa xưa, người dân sẽ dùng cá chép sống để cúng Táo Quân. Bởi sau khi cúng cá chép được thả ra môi trường, khi gặp Vũ Môn cá chép mới có thể “hóa rồng” lên trời được. Còn cúng cá chép giấy thì lại mang ý nghĩa khác, giống như việc đốt vàng mã vậy”, ông Tuệ cho hay.

Đối với việc cúng cá chép sống, vị chuyên gia này cũng cho rằng, xưa kia khi cúng đa phần người dân phải chọn những con cá có trọng lượng lớn, họ cho rằng cá đó khi thả ra mới sớm “hóa rồng” được.

Còn ngày nay, cá chép cúng Táo Quân đã được lai tạo, dù màu đẹp nhưng lại rất nhỏ, hơn nữa sau khi cúng thả cá ra môi trường sẽ gây nên những vấn đề liên quan đến môi sinh. 

Chuyên gia cho rằng nên dùng cá chép ta để cúng ông Công, ông Táo.

Chuyên gia cho rằng nên dùng cá chép ta để cúng ông Công, ông Táo.

“Cá chép màu đỏ, vàng tuy đẹp nhưng khi thả ra môi trường có thể làm lai tạo nên loài cá tạp, làm thay đổi và ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loài. Do vậy, tốt nhất khi cúng Táo Quân vẫn nên dùng cá chép ta”, chuyên gia Trọng Tuệ khuyên.

Ngoài vấn đề trên, ông Tuệ cũng cho biết, thủ tục cúng ông Công ông Táo sẽ phụ thuộc vào từng vùng miền, nhưng vẫn có những thủ tục không thể thiếu. Đó là chuẩn bị một tờ sớ, trong đó ghi tên tuổi các thành viên gia đình, mong muốn trong năm mới để nhờ các vị thần tiên lên tấu biểu với các vị thần ở cấp cao hơn.

Ngoài tờ sớ, cá chép còn kèm theo các vật phẩm kèm theo như chân hài, mũ áo để các vị có hành trang lên thiên đình. Cùng với đó là mâm cơm cúng, mâm cơm không cần phải chuẩn bị quá cầu kỳ, sang trong nhưng cần phải đầy đặn, thể hiện sự tôn trọng với các vị thần.

Năm 2022, cúng ông Công, ông Táo ngày giờ nào đẹp nhất để hoá giải xui xẻo?
Giờ Ngọ ngày 21 tháng Chạp có thể xem là khung giờ đẹp nhất để cúng Táo quân 2022. Nếu tiến hành cúng ông Công ông Táo vào khung giờ này, hứa hẹn năm...

Ngày ông Công ông Táo

Kiều Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ngày ông Công ông Táo