Nhiều người đổ về khu phố bán cá lóc nướng ở đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) mua lễ vật cúng ông Công ông Táo khiến tuyến đường này trở nên nhộn nhịp trong những ngày giáp Tết.
Sáng 4/2 (ngày 23 tháng Chạp), nhiều người dân đã đến các điểm bán cá lóc nướng trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) để mua về làm lễ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời khiến nơi đây trở nên nhộn nhịp và có không khí Tết hơn.
Khói trắng, mùi thơm từ cá nướng bốc lên khắp con đường Tân Kỳ Tân Quý
Tục cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là phong tục truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam. Cứ đến ngày này, mỗi gia đình Việt đều làm lễ cúng tiễn Táo quân về trời, báo cáo những điều gia chủ đã làm được trong năm qua.
Theo ghi nhận, những con cá lóc được người dân chọn làm lễ vật cúng ông Công ông Táo phải còn nguyên con, không gãy đuôi, bể đầu. Theo những người bán cá lóc nướng tại tuyến đường này, cá nướng phải được chọn kỹ từng con và phải đều nhau. Trước khi nướng, cá được mang đi rửa sạch nhớt và không đánh vảy, không mổ bụng, không ướp gia vị và còn phải đầy đủ đuôi vây.
Nhiều người bán cá lóc nướng cho biết, dù số lượng cá bán ngày cúng ông Công ông Táo không nhiều như ngày vía Thần tài (mùng 10 tháng Giêng) nhưng số lượng cá bán ra cũng gấp 3 lần so với ngày thường. Mỗi con cá lóc nướng có giá từ 150.000-170.000 đồng/con.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo tùy theo quan niệm của người dân ở từng địa phương. Ở TP.HCM, lễ vật chủ yếu là cá lóc nướng, heo quay, cá chép…
Nhiều người mang cá chép ra thả phóng sinh trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ngày 23 tháng Chạp.
Có em nhỏ được bố mẹ dẫn đi thả cá chép phóng sinh và giải thích cho con hiểu về tín ngưỡng, văn hoá truyền thống của dân tộc.
Do bờ kênh có hàng rào bảo vệ nên người dân chỉ thả cá chép từ trên cao xuống. Qua ghi nhận, những con cá chép vẫn bơi bình thường dù thả từ vị trí khá cao xuống nước. Để bảo vệ môi trường nước, túi nilon sau khi thả cá được gom lại bỏ thùng rác đúng quy định.